Bệnh HPV
Date: Thursday, March 29 @ 11:45:28 EDT
Topic: Sức Khoẻ


Alexia Đinh

Bệnh HPV là một bệnh do siêu vi có tên khoa học là Human Papilloma Virus gây ra và có tác hại đối với cả nam lẫn nữ. Bệnh này có trên 100 dạng, trong đó hơn 30 dạng chuyên lây lan theo đường sinh dục và dễ mắc phải nhất trong số các loại bệnh thường lây lan theo cách này. Theo dự đoán, tại bất kỳ thời điểm nào ở Hoa Kỳ cũng có khoảng từ 20 đến 40 triệu người mắc phải bệnh này, và con số đó ngày càng gia tăng.

 Khi xâm nhập vào cơ thể, siêu vi HPV thường làm xuất hiện các mụn cóc ở vùng xung quanh bộ phận sinh dục hoặc vùng hậu môn, hoặc gây ra bệnh ung thư hoặc các biến đổi tiền ung thư đối với vùng cổ tử cung, vùng hậu môn, hoặc vùng da gần bộ phận sinh dục của cả người nam lẫn nữ.

Tuy được biết đến đã lâu, siêu vi HPV thường không được chú ý đến nhiều lắm vì nó thuộc dạng tiềm ẩn và có thể nằm phục trong cơ thể chúng ta hằng nhiều năm trời mà không phát triển thành bất kỳ triệu chứng nào, thậm chí còn có thể tự biến mất và không để lại tác hại gì cho sức khoẻ của người bị nhiễm. Tuy tiềm ẩn và có thể không phát triển thành bất kỳ triệu chứng nào, siêu vi HPV vẫn có thể lây lan từ người này qua người khác một cách dễ dàng.

Có hai nhóm siêu vi HPV. Nhóm thứ nhất thuộc loại nguy hiểm và bao gồm các loại siêu vi như HPV 16, HPV 18, HPV 31, HPV 33, HPV 45, v.v. Trong số này, HPV 16 và HPV 18 gây ra khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung nơi những người bị nhiễm, đặc biệt là khi kết hợp với các yếu tố phụ theo sau đây:

- Nghiện thuốc lá

- Mắc bệnh HIV

- Nhiễm Clamydia

- Ăn kiêng

- Dùng thuốc ngừa thai

- Sanh đẻ nhiều

- Thuộc thành phần thu nhập thấp trong xã hội

- Cơ thể có nhiều chất DES

- Gia đình có tiền sử bệnh

Nhóm siêu vi HPV thứ hai thuộc loại không nguy hiểm và bao gồm các loại như HPV 6 và HPV 11. Những loại siêu vi này không gây ra ung thư cổ tử cung nhưng lại thường gây ra các mụn cóc ở vùng xung quanh bộ phận sinh dục. Thường thì các mụn cóc này sẽ xuất hiện khoảng từ vài tuần đến ba tháng sau khi các loại HPV này nhiễm vào cơ thể và có thể có các dạng khác nhau như dạng hình bắp cải súp lơ, dạng lồi không xù xì, hoặc dạng không lồi và khó thấy. Kích thước của những mụn cóc này cũng không đồng nhất, có khi to khoảng vài phân Anh, những cũng nhiều khi lại rất nhỏ và khó thấy. Thường thì các mụn cóc này hay đi kèm các triệu chứng như ngứa ngáy, rát, và cả chảy máu nữa. Ngoài các loại siêu vi HPV 6 và HPV 11 thường gây ra các mụn cóc ở vùng xung quanh bộ phận sinh dục như đã nói ở trên, các loại khác có thể gây ra mụn cóc ở các vùng khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, hoặc xung quanh vùng môi, miệng, hoặc lưỡi.

Tuy chưa có biện pháp nào để ngăn ngừa tận gốc sự lây nhiễm siêu vi HPV, các nhà khoa học hiện nay đã điều chế được các phương pháp điều trị cũng như các loại thuốc hiệu nghiệm để trị các chứng bệnh do các loại siêu vi này gây ra như mụn cóc vùng sinh dục, những biến đổi vùng cổ tử cung hoặc ngay cả bệnh ung thư cổ tử cung nữa. Theo các phương pháp điều trị này thì các phụ nữ trên 21 tuổi và sinh hoạt tình dục đều đặn nên đi thử Pap theo định kỳ. Mục đích của việc thử Pap là nhằm phát hiện sớm những biến đổi về tế bào trong vùng cổ tử cung do siêu vi HPV gây ra. Nếu được ngăn chặn kịp thời, các biến đổi tế bào này sẽ không phát triển thành ung thư được. Ngoài ra, việc thử Pap cũng giúp phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung, giúp các bác sĩ can thiệp kịp thời trước khi bệnh chuyển nặng hoặc đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân. Gần đây, các bác sĩ cũng thường cho các phụ nữ thử HPV DNA song song với việc thử Pap. Mục đích của việc thử HPV DNA là để phát hiện việc nhiễm các loại siêu vi HPV nguy hiểm, đặc biệt là đối với các phụ nữ ở độ tuổi 30 trở lên hoặc đối với các trường hợp thử Pap mà kết quả chưa rõ.

Riêng về vắc xin ngừa HPV thì trên thị trường hiện chỉ có một loại. Vắc xin này có tên là Gardisil, chuyên dùng để phòng ngừa sự thâm nhập cơ thể của các loại siêu vi HPV 16, 18, 6, và 11, và đã được Cơ Quan Thực và Dược Phẩm Liên Bang Hoa Kỳ gọi tắt là FDA phê chuẩn vì tính hiệu quả của nó (giao động trong khoảng từ 95 đến 100%). Vì chỉ có tác dụng phòng ngừa, nên vac xin này không có tác dụng đối với các trường hợp đã bị lây nhiễm trước. Độ tuổi tốt nhất để chích vắc xin ngừa HPV này đối với nữ giới là trước khi cuộc sống tình dục của họ bắt đầu, tức là trong khoảng từ 9 đến 12 tuổi. Tuy nhiên, ngay cả các phụ nữ trong độ tuổi từ 13 đến 26, tức là sau khi đã bắt đầu cuộc sống tình dục rồi, thì việc tiêm chủng vắc xin này vẫn là điều nên làm. Cần nhớ thêm là vì Gardisil chỉ ngăn ngừa sự thâm nhập của các loại siêu vi HPV 16, 18, 6, và 11, nên ngay cả những ai đã bị nhiễm các loại siêu vi HPV khác vẫn có thể sử dụng nó.

Ngoài việc chủng ngừa HPV, một biện pháp đề phòng việc lây nhiễm HPV hiệu quả khác là có thái độ lành mạnh trong sinh hoạt tình dục, cụ thể là như sau:
Tránh quan hệ tình dục ở độ tuổi quá sớm: Độ tuổi dễ mắc bệnh HPV nhất ở cả nam lẫn nữ là khoảng trên dưới 20.

Tránh quan hệ tình dục bừa bãi: càng quan hệ tình dục với nhiều người khác nhau bao nhiêu thì khả năng nhiễm bệnh càng cao bấy nhiêu.

Tránh quan hệ tình dục với những người có quan hệ tình dục bừa bãi.

Tránh quan hệ tình dục với những người chưa cắt bao qui đầu: bao qui đầu chưa cắt thường là nơi khu trú rất tốt cho siêu vi HPV.

Tránh quan hệ tình dục với những người đã bị nhiễm HPV.

Nên tiết chế trong sinh hoạt tình dục.

Nên thuỷ chung trong sinh hoạt tình dục: một vợ một chồng là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất.

Nên sử dụng bao cao su đúng theo hướng dẫn trong mọi lần quan hệ.

Thảo luận với bạn tình của mình về nguy cơ lây nhiễm HPV và các biện pháp phòng tránh.

Nên khuyến cáo trước với bạn tình của mình nếu nghi ngờ mình đã bị nhiễm HPV, cũng như yêu cầu một thái độ trung thực tương tự từ bạn tình của mình.

Nguồn Tư Liệu

- The National Women’s Health Information Center (NWHIC)

- National Cancer Institute

- CDC HPV Web Site, HHS

- CDC National Prevention Information Network (NPIN), NCHSTP, CDC, HHS

- National Breast and Cervical Cancer Early Detection Program

- National Cancer Institute

- National Institute of Allergy and Infectious Diseases (NIAID), NIH, HHS

- American Cancer Society

- American Social Health Association

- Association of Reproductive Health Professionals

- National Cervical Cancer Coalition (NCCC)

- Public Health, Seattle & King County

- FDA, US Food and Drug Administration

Các thông tin trên chỉ có tính chất tham khảo chung và không thể dùng để thay thế những hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ.

Mạch Sống Số 56, tháng 3, 2007







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=956