Chuẩn Bị Nhận Đơn HO
Date: Friday, March 09 @ 18:17:42 EST
Topic: Định Cư Nhân Đ̐


và Con Lai ở Việt Nam

TS Nguyễn Đình Thắng

Nhằm giải quyết nốt vấn đề tị nạn người Việt kéo dài trong 31 năm qua, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển bắt đầu nhận đơn can thiệp cho các trường hợp tị nạn ODP và con lai kể từ đầu năm 2007. Các trường hợp tị nạn ODP gồm có hồ sơ cựu tù cải tạo và cựu nhân viên sở Mỹ.

Đây là hai nhóm hồ sơ mà UBCNVB bắt đầu quan tâm từ năm 1997, ngay sau khi hoàn tất cuộc vận động mở chương trình ROVR cho các thuyền nhân bị hồi hương.

Với khuynh hướng bình thường quan hệ ngoại giao và mậu dịch với Việt Nam, chính quyền Clinton chủ trương dứt điểm các chương trình tị nạn cho người Việt kể cả ở các trại tạm dung cũng như ở Việt Nam.

Chính phủ Clinton chủ trương đóng cửa các trại tị nạn, ủng hộ việc sàng lọc người tị nạn dù biết có nhiều bất công, và ngấm ngầm hỗ trợ chính sách cưỡng bách hồi hương.

Mặt khác, việc cứu xét các hồ sơ HO, cựu nhân viên sở Mỹ, và con lai ngày càng khó khăn. Chẳng hạn các hồ sơ cựu nhân viên sở Mỹ đến 90% bị từ chối trong khi dưới các chính quyền tiền nhiệm thì 90% được nhận.

Hưởng ứng cuộc vận động của UBCNVB, Dân Biểu Christopher Smith yêu cầu Sở Di Trú nghiên cứu lại các hồ sơ đã bị từ chối từ. Năm 1998 Sở Di Trú gởi toán chuyên viên đến Bangkok, Thái Lan, để xem xét một số hồ sơ cựu nhân viên sở Mỹ. Cuộc nghiên cứu này cho thấy nhiều trục trặc trong việc giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên Sở Di Trú không cứu xét lại cho những hồ sơ này.

Trong khi vận động sự thay đổi về chính sách, với sự giúp đỡ của một thiện nguyện viên UBCNVB đã can thiệp cho nhiều hồ sơ HO, U11 và V11 cá lẻ bị từ chối một cách bất công, với tỉ lệ thành công là 30%. Tuy nhiên nỗ lực này bị gián đoạn năm 2002 vì không còn người tình nguyện làm hồ sơ.

Mặt khác UBCNVB bắt đầu cuộc vận động về chính sách để mở lại chương trình HO, U11 (cựu nhân viên chính phủ Mỹ), và V11 (cựu nhân viên công ty Mỹ) vì rất nhiều người đủ tiêu chuẩn nhưng đã không nộp kịp hồ sơ trước thời hạn 30 tháng 9, 1994.

Sau 5 năm vận động, cuối năm 2001 chính phủ Bush đồng ý mở lại các chương trình này, nhờ có sự can thiệp đặc biệt của Phó Ngoại Trưởng Richard Armitage, một người rất có lòng với đồng minh Việt Nam Cộng Hoà.

Tuy nhiên mãi đến cuối năm 2005 chương trình này mới có sự hợp tác chính thức của Việt Nam và được công bố dưới tên mới là Humanitarian Resettlement (HR) program gộp chung cả ba chương trình HO, U11 và V11 trước kia. Tháng 6 năm 2006, chương trình bắt đầu tiến hành ở Việt Nam. Tính đến nay đã có 50 ngàn người ghi danh vào chương trình.

Tuy nhiên tỉ lệ được nhận rất thấp, phần lớn là vì hồ sơ không hội đủ điều kiện và được nộp theo kiểu cầu may. Điều này không loại trừ một số ít hồ sơ bị từ chối một cách oan ức vì lý do kỹ thuật.

Riêng đối với các con lai, UBCNVB thành lập một số hồ sơ điển hình để vận động. Năm 2000 Tham Mưu Trưởng của DB Smith đến văn phòng Sở Di Trú Hoa Kỳ tại Bangkok để xem xét một số hồ sơ con lai. Nơi đây đồng ý là có những sai sót và hứa sẽ cứu xét lại. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một dấu hiệu khả quan nào.

Nhằm giải quyết các hồ sơ đã bị từ chối oan ức, UBCNVB ứng trước 100 ngàn Mỹ kim từ quỹ dự phòng nhằm can thiệp mạnh mẽ cho các hồ sơ HO, HR, và con lai ở Việt Nam. Việc can thiệp này hoàn toàn miễn phí cho các đương đơn. UBCNVB mong mỏi sẽ nhận được sự đóng góp từ các cá nhân và hội đoàn người Việt, nhất là các cựu quân cán chính, để bù lại cho quỹ ứng trước.

UBCNVB đã tuyển người làm việc toàn thời để đảm nhận công việc can thiệp hồ sơ. Thể thức lập đơn sẽ được thông báo trong một ngày gần đây.

Mạch Sống Số 55, tháng 2, 2007







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=943