Chia Sẻ Kinh Nghiệm
Date: Tuesday, December 05 @ 15:32:34 EST
Topic: Sức Khoẻ


Chữa Trị Bệnh Trầm Cảm

THÀNH NGUYỄN

Chào chị Dung, xin chị giới thiệu sơ qua về bản thân.

Tôi là Nguyễn Thị Dung, năm nay trên 60 tuổi, định cư tại Mỹ 17 năm và đã mắc bệnh trầm cảm hơn mười năm rồi.

Hôm nay chị có khoẻ không?

Không khoẻ lắm, thấy trong người bắt đầu hơi buồn buồn nên tôi đi bác sĩ trở lại để lấy thuốc uống, tuy nhiên tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm mà tôi đã trải qua.

Nguyên do nào khiến chị bị bệnh này?

Bị stress nhiều vì công việc, sau đó mất việc, xáo trộn biến đổi căng thẳng trong hoàn cảnh sống.  Nói tóm lại là do những cú sốc lớn làm cho tôi bị khủng hoảng
và đau đớn vô cùng.

Chị có những triệu chứng gì?

Lo lắng, căng thẳng, bực bội, tâm trí bất an, mức độ tăng dần, đầu óc không sáng suốt. Không làm được những việc hàng ngày, Chia Sẻ Kinh Nghiệm Chữa Trị Bệnh Trầm Cảm cứ bị hoang mang, lẫn lộn, hay quên. Ăn uống thất thường, mệt mỏi, ngủ không yên giấc, tuyệt vọng, dễ tức giân, dễ kích động, mất tập trung và giảm trí nhớ.

Khi các triệu chứng trên xuất hiện liên tục hơn 2 tuần, kéo dài tới 6 tháng có nghĩa là ta đã mắc chứng trầm cảm.

Và cứ như vậy tôi cứ chìm dần vào vực thẳm của sự cô đơn, trống trải, rã rời. Sự mất ngủ liên tục khủng khiếp lắm chị ạ. Có khi cả 2 tuần tôi không chợp mắt, cứ ngồi nhìn ra cửa, không thích nói chuyện với ai, không ăn được vì ăn vào ói ra. Tôi đâm ra nghĩ ngợi lẩn quẩn tệ hại, tưởng tượng ra nhiều chuyện hoang đường không có thật, thành ra chán nản mất niềm tin.

Mức độ bệnh theo thời gian tăng dần… Thế là gia đình đưa tôi đi bác sĩ và phải uống thuốc an thần mới ngủ được.

Xin cho phép đặt một câu hỏi rất riêng tư. Dường như chị đã 2 lần quyên sinh; bác sĩ và bệnh việïn tâm thần đã chữa trị cho chị như thế nào?

Cả 2 lần tôi đều có những suy nghĩ lẩn quẩn khủng khiếp không lối thoát nên đã uống thuốc tự vẫn. Gia đình chở đi bệnh viện, bị súc ruột. Hai tuần lễ sau liên tục tôi không ăn uống được gì cả.

Mỗi ngày tôi phải uống mấy chục viên thuốc. Khi chữa trị, bác sĩ không cho nhàn rỗi mà bắt làm việc hàng ngày một cách liên tục. Sau đó bệnh viện cho tôi sinh hoạt nhóm, bắt mình tự giới thiệu, ra sáng kiến, chơi trò chơi, tiêu hết thì giờ để đừng suy nghĩ vẩn vơ. Ăn uống, thuốc men phải đúng giờ giấc, mọi sinh hoạt đều theo thời khoá biểu rất nghiêm túc.

Chị có thể cho biết“ quan niệm về bệnh rối loạn tâm thần”?

Các trường hợp rối loạn là do sự mất cân bằng tâm thần chứ không phải như người đời cứ gom chung lại là tình trạng điên loạn. Do đó hất hủi, tạo ra bi kịch, khiến bệnh từ nhẹ chuyển thành nặng. Gia đình cần đưa đi khám và điều trị sớm để bệnh nhân có thể nhanh chóng phục hồi. Những người làm việc cho chương trình “Sức Khoẻ Tâm Thần” thường giúp cho bệnh nhân trở về với cuộc sống thoải mái, đạt lại được niềm tin vào giá trị bản thân, vào phẩm chất và giá trị của người khác, đồng thời tái tạo khả năng tạo dựng và tự hàn gắn cân bằng.

Bệnh thường tiến triển dần dần từ những rối loạn nhẹ đến nặng. Khi ở tình trạng nhẹ, có nhiều cơ hội được chữa khỏi; đừng bỏ qua những cơ hội ấy.
 
Việc chữa trị đúng cách sẽ làm bệnh thuyên giảm. Trong quá trình này, gia đình, những người xung quanh phải tránh kỳ thị, chế diễu hoặc ruồng ray, bỏ bê… Bệnh nhân rất cần  chia sẻ, gần gũi, yêu thương.

Đây là một bệnh y học như các bệnh huyếùt áp cao, thấp khớp, tiểu đường, tim mạch, vì vậy phát hiện càng sớm, kết quả chữa trị càng cao. Trong thực tế, người bị tâm thần nếu chữa trị đúng cách vẫn có thể thành đạt, làm việc hay học hành đỗ đạt…

Họ cần sinh hoạt nhóm hay tâm sự với bạn bè để thổ lộ những gánh nặng trong lòng để tìm nguồn an ủi và giúp đỡ. Cũng nên bộc bạch với người đáng tin cậy hoặc có trách nhiệm để không bị lợi dụng.

Theo kinh nghiệm của một bệnh nhân, những điều quan trọng là gì?

Quan trọng nhất là phải tự biết bệnh của mình (tức là nhận ra được căn nguyên để không bị bí lối và cởi mở hơn). Khi trò chuyện với người khác mình mới thấy những sai lệch trong suy nghĩ và hành động của mình. Chị à, khi bệnh, mình hay có những ý nghĩ bi quan và hoang tưởng. Chẳng hạn như không nhờ cậy được ai, nghi ngờ tất cả có thể hại mình, thế gian bi đát không đáng sống nữa! Khi bắt đầu bị buồn không lý do, tức là lúc gần phát bệnh, sẽ không thích giao thiệp hay làm việc, kể cả dọn dẹp nhà cửa hoặc vệ sinh cá nhân.

Ngoài ra, mình hay bị biếng ăn dù rất đói và thường nôn mửa. Lúc này, bệnh nhân cần uống thuốc và tìm giấc ngủ. Khi bệnh mới chớm, chúng ta nên khuây khoả bằng cách làm việc để quên , hoặc điện thoại tâm sự cùng bè bạn.

Quan trọng thứ hai, ta phải chữa trị hai chiều, tâm lý trị liệu và dược phẩm trị liệu. Người Mỹ họ quen sinh hoạt nhóm, cộng đồng. Mình thì thiếu cởi mở hơn nên dễ bị stress (căng thẳng).

Chị muốn gửi gắm thêm điều gì nhất là với các vị cao niên?

Nếp sống Việt Nam khác, gia đình quây quần; nhưng ở Hoa Kỳ, lớp trẻ bận rộn cuộc sống riêng. Dù rằng thương yêu cha mẹ nhưng do bộn bề công việc và cuộc sống riêng nên không có thời giờ cho bố mẹ nhiều. Do đó, người cao tuổi cần được giúp đỡ để thoát khỏi tình trạng bị cách ly hoặïc cô đơn. Các cụ nên sinh hoạt tập thể, hay nhóm cùng chung mục đích để nhẹ nhàng thoải mái hơn. Các tổ chức thiện nguyện nêngiúp đỡ hay tổ chức những hội nhóm này.

Chị còn điều gì muốn chi sẽ với độc giả nữa không?

Khuyên mọi người nên cố gắng giảm stress. Những gì bỏ qua được thì hãy quên đi cho tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản. Mỗi ngày nên tìm những giây phút thoải mái để nghỉ ngơi. Tập phương pháp dưỡng thần dưỡng sinh, khí công. Đi bách bộ hay chơi những môn thể thao nào mà mình thích cũng là phương pháp tốt giúp cho tinh thần sảng khoái.

Hướng dẫn người cao tuổi tự rèn luyện sức khoẻ như tai chi, khí công hoặc thường xuyên giúp họ có cơ hội gặp bạn bè, những người thân quen.

Một câu hỏi cuối cùng có phần hơi bên lề, đó là xin cho biết chị đã có tham dự sinh hoạt của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển lần nào chưa? Nếu có, cho biết cảm tưởng cuả chị khi tham gia.

Tôi có dự Hội Thảo Chăm Sóc Tâm Lý & Sức Khoẻ Người CaoNiên, đi picnic tại hồ Accotink và dự Tết Trung Thu. Không khí tưng bừng vui vẻ, những nụ cười luôn hé mở trên môi, ai cũng rộn ràng hân hoan nên tôi rất thích và rất quý vì tuổi cao niên không dễ gì tìm được những giây phút hồn nhiên thơ thới như thế.

Xin cảm ơn chị Dung đã không ngại ngần khi chia sẻ kinh nghiệm chữa trị bệnh trầm cảm với những lời nhắn nhủ chân thành. Chúc chị giữ mãi bình an trong tâm hồn.

Mạch Sống Số 53, tháng 11, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=894