Những Điều Cần Biết Về HIV/SIDA (II)
Date: Thursday, October 26 @ 15:47:54 EDT
Topic: Sức Khoẻ


Celine Duong

1. Tình dục an toàn là gì?
Tình dục an toàn (safe sex) là ám chỉ “nghệ thuật” đạt cùng lúc hai yêu cầu: hưởng thụ tình dục mà vẫn an toàn. An toàn tức là không để máu, tinh dịch, âm dịch của bạn tình xâm nhập vào cơ thể. Để đạt yêu cầu này có hai cách: thứ nhất là không giao hợp nhưng vẫn đạt khoái cảm bằng cách ôm hôn, vuốt ve, xoa bóp, thủ dâm; thứ hai là giao hợp được bảo vệ bằng bao cao su. Tình dục an toàn không những phòng được SIDA mà còn tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, lậu, mồng gà, v.v.

Dùng bao cao su có đảm bảo an toàn 100% không? Nếu bao cao su bị lủng sau khi giao hợp có nguy cơ bị SIDA không? Dùng một lúc hai, ba bao liệu có an toàn hơn không? Dùng bao quá hạn có an toàn không?

Gọi bao cao su là “áo mưa”, có lẽ vì trong văn chương người ta dùng từ “mây mưa” để ám chỉ quan hệ tình dục. Mặc “áo mưa” là để tránh hậu quả ngoài ý muốn do cơn “mưa” để lại như tránh thai, phòng các bệnh lây qua đường tình dục, nhất là phòng HIV/SIDA. Gần như chắc 100% an toàn nếu mặc “áo mưa” khi giao hợp trừ trường hợp bao lủng hay dùng chất bôi trơn không đúng. Bao lủng là do chưa biết cách sử dụng: làm rách bao khi xé vỉ, bể bao khi phóng tinh do quên bóp núm nhỏ ở đầu bao khi mang vào. Còn dùng chất bôi trơn không đúng, bao sẽ có những vết thủng li ti khiến virus thấm vào. Tránh được những sai sót đó là yên tâm, chỉ cần mang một bao cũng đủ an toàn. Không chỉ riêng bao cao su, mà các loại hàng tiêu dùng khác như thực phẩm, thuốc men, hễ quá “đát” thì đều không đảm bảo phẩm chất.

2. Người phụ nữ nhiễm HIV, muốn giữ thai có được không?
Giữ thai hay không là quyền quyết định của bà mẹ. Nếu giữ, bà mẹ sẽ phải chấp nhận nguy cơ lây bệnh cho con là 30% và phải chuẩn bị người nuôi dưỡng cho trẻ trong trường hợp cha mẹ đều chết vì SIDA. Dù trẻ không nhiễm HIV đi nữa, số phận nó sẽ ra sao, không ai có thể trả lời thay cho bà mẹ điều đó.

3. Bú sữa mẹ có lây HIV/SIDA không?
Bú sữa mẹ cũng là một đường lây HIV/SIDA cho trẻ, nhưng khả năng lây thấp hơn so với khi mang thai và lúc sanh. Nếu có điều kiện kinh tế, bà mẹ nhiễm HIV/SIDA nên nuôi con bằng các loại sữa khác. Nếu không có điều kiện, vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ vì trong trường hợp này suy dinh dưỡng đe doạ trẻ còn đáng sợ hơn HIV/SIDA.

Nếu chồng bị nhiễm HIV, muốn có con bằng thụ tinh nhân tạo có được không?
Được, với điều kiện thụ tinh nhân tạo bằng tinh dịch của người đàn ông không nhiễm HIV khác, chứ với tinh dịch của chồng, bạn có thể bị lây truyền HIV. Do vậy, cũng như hiến máu, để phòng tránh HIV qua thụ tinh nhân tạo, người cho tinh dịch bắt buộc phải xét nghiệm HIV với kết quả âm tính. Dù sao cũng nên xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

4. Khi nào nên thử máu để biết có bị nhiễm HIV/SIDA không?
Ngoại trừ xét nghiệm HIV bắt buộc đối với người cho máu hay xuất ngoại, bạn có thể xét nghiệm khi cảm thấy hơi “nghi nghi”, lo lắng sau khi có những hành vi sau: quan hệ với nhiều bạn tình hoặc với gái mại dâm, dùng chung kim chích.

Trước khi xét nghiệm, bạn nên đến các trung tâm tham vấn để tìm hiểu rõ ý nghĩa xét nghiệm, chuẩn bị tinh thần, biết cách phòng tránh HIV lây lan và không tái phạm nguy cơ mới.

5. Có hành vi nguy cơ, sau bao lâu có thể xét nghiệm HIV?
Nên xét nghiệm sau khi có hành vi có thể bị nhiễm HIV từ 3 đến 6 tháng. Bởi vì trước đó là “Thời kỳ cửa sổ”, tức là thời kỳ đã có HIV xâm nhập nhưng xét nghiệm vẫn chưa phát hiện được. Dĩ nhiên trong thời gian chờ đợi đó, đừng để xảy ra thêm “nguy cơ” mới!

6. Xét nghiệm viêm gan siêu vi B có tìm ra HIV không?
Không, xét nghiệm nào dành cho bệnh nấy. Không có xét nghiệm định bệnh nào nhất cử lưỡng tiện cho nhiều thứ bệnh một lượt. Xét nghiệm viêm gan siêu vi B thì chỉ cho biết có nhiễm siêu vi viêm gan B thôi chứ không can hệ gì đến HIV hết.

7. Vì sao muỗi hút máu người nhiễm HIV, muỗi không bị bệnh?
HIV chỉ gây bệnh cho người. Cơ thể muỗi không có điều kiện cho HIV tồn tại và phát triển nên muỗi không bị bệnh và cũng không truyền bệnh, chứ không phải tại muỗi có sức đề kháng với HIV. Vì vậy, chẳng có lý do nào để dùng muỗi nghiên cứu thuốc trị SIDA.

8. Người nhiễm HIV sinh hoạt với gia đình, cần làm gì để tránh lây lan?
Người bệnh cần hiểu rõ các đường lây HIV để tránh lây cho người khác. Nếu có quan hệ tình dục, lúc nào cũng phải dùng bao cao su. Trong sinh hoạt, cần dùng riêng những thứ có thể dây dính máu như: kim chích, kim châm cứu, dao cạo mặt, dao lam, bàn chải răng, cái nạo lưỡi, đồ làm móng tay.

Các loại rác có máu như: giấy, bông gòn, băng, gạc, kim ống chích, v.v. cần cho vào 2 lớp túi nylon cột chặt lại trước khi bỏ vào thùng rác. Khi máu mủ rơi vãi ra ngoài, dùng giấy, vải loại dễ hút nước lau sạch, rồi lau sát trùng lại bằng nước Javel hoặc cồn (alcool). Các loại đồ dùng ăn uống (chén, ly, muỗng, đũa), thau, chậu tắm giặt, vẫn dùng chung được với người không bệnh.

9. Tâm lý người nhiễm HIV ra sao?
Khi biết mình nhiễm HIV, nhiều người thường cho rằng tất cả đều đã chấm hết. Họ bị nhiều chấn động về tâm lý như sợ hãi, khủng hoảng, suy sụp tinh thần. Những chấn động này nếu quá nặng nề cũng có thể bị điên.Trong giai đoạn này, vai trò của tham vấn viên và thái độ cư xử của cộng đồng, gia đình, bạn bè hết sức quan trọng để người nhiễm bịnh ổn định tâm lý và tiếp tục hoà nhập vào xã hội.

10. Mặc dù đã biết 3 đường lây của SIDA, nhưng tại sao có người vẫn ghê sợ khi tiếp xúc với người bị SIDA, không thể nào dám lại gần?
Những người đó quá sợ hãi đấy thôi. Nếu họ là người bệnhbiết giữ gìn, tránh lây nhiễm HIV cho người khác thì có gì mà phải sợ, cứ tiếp xúc với họ như tiếp xúc với một người bình thường, miễn là tránh những kiểu tiếp xúc dẫn đến 3 đường lây mà bạn đã biết.

11. Người nhiễm HIV có quyền yêu không?
Người nhiễm HIV cũng là một con người được sinh ra với một trái tim biết yêu thương như mọi người, do đó họ có quyền được yêu bất kỳ ai nhưng bạn có yêu họ hay không mới là điều đáng nói.

12. Người nhiễm HIV có bị cấm làm nghề nào không?
Hiện nay chưa có quy định cụ thể về vấn đề nghề nghiệp của người nhiễm HIV. Tuy nhiên, đối với những nghề như giải phẫu (kể cả giải phẫu thẩm mỹ), đỡ đẻ, chữa răng... thì nếu người hành nghề bị nhiễm HIV, sẽ được khuyến khích chuyển sang nghề khác. Vậy nói chung người nhiễm HIV vẫn có quyền hành nghề sinh sống nhưng phải luôn có ý thức tự giác, không để lây lan bệnh sang người khác.

13. Có nên tập trung người nhiễm HIV một chỗ không (vì có những thành phần vô ý thức)? Hiện nay người nhiễm HIV được đối xử ra sao?
Không cần và thật ra cũng không tài nào tập trung họ nổi, vì số người nhiễm thực tế cao hơn số thống kê nhiều. Cần nhất là đả thông tư tưởng cho cả người nhiễm lẫn người không nhiễm để phòng tránh lây lan HIV. Người nhiễm HIV, theo pháp lệnh phòng chống HIV/SIDA, vẫn được sống chung với gia đình và cộng đồng, bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm như mọi công dân khác.

Còn thành phần vô ý thức sẽ bị nghiêm trị theo luật định.

Quan niệm “tập trung” sẽ tạo ra sự yên tâm giả tạo vô cùng nguy hiểm, bởi vì bên ngoài sự tập trung vẫn còn người nhiễm HIV và người chưa nhiễm lại thiếu ý thức đề phòng.

Mạch Sống Số 52, tháng 10, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=881