Ly Dị và Con Cái
Date: Thursday, October 26 @ 14:26:31 EDT
Topic: Mái Ấm Gia Đình


Phạm Văn Hoạt

Trẻ con thường bị đe doạ với cảnh mái ấm gia đình bị khủng hoảng hay đổ vỡ. Trong tâm tư chúng, ly dị và cái chết có hậu quả giống nhau: sự mất mát, sự thay đổi, sự bất ổn, và những thách đố. Đứa con trai 6 tuổi hỏi bố: “Bố ơi, có bao nhiêu đứa mất bố trong tỉnh của mình hở bố?” Tưởng con mình quan tâm về thống kê nên ông bố hăm hở tới thư viện khảo cứu để rồi thấy con mình dửng dưng về kết quả. Hôm sau và hôm sau nữa, đứa con lặp lại cùng một câu hỏi. Tìm hiểu thêm ông bố mới biết cha mẹ của bạn nó mới ly dị và điều ấy đã gây hoang mang cho đứa trẻ. Nó không muốn mất bố.

Trong hơn hai thập niên qua, số trẻ em rơi vào cảnh gia đình phân ly tới hơn một triệu mỗi năm và con số này ngày càng tăng.

Từ thập niên 60, tỷ số ly dị tăng không ngừng. Mặc dầu biến động, tỷ số này lên tới 40% vào thập niên 70; dừng ở mức 37% cuối thập niên 80; và tới nay vào khoảng 40%.

Ly dị xảy ra thường xuyên hơn ở những năm đầu hôn nhân khi họ có con mọn. Nhiều người cho rằng việc các bà vợ giao khoán chuyện nhà và việc chăm sóc con cái cho người khác để đi làm có liên hệ với mức ly dị. Sự thay đổi sinh hoạt xã hội và cơ cấâu gia đình ảnh hưởng hỗ tương. Một ví dụ điển hình là tỷ số các bà vợ đi làm và tỷ số trẻ con được gửi Vườn Trẻ tăng từ 11% năm 1949 tới 58% năm 1988. Nhiều cuộc nghiên cứu cho biết cái gọi là “cách mạng về tính dục”, với những cách thức ngừa và phá thai ngày một dễ dàng, an toàn, tiện lợi, đã góp phần nâng cao tỷ số ly dị.

Sự thay đổi trong cơ cấu hôn nhân cũng góp phần vào đó. Luật pháp và tư tưởng hiện đại xa dần quan niệâm hôn nhân như “hẹn thề trăm năm”, hay “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn” để đi đến cái nhìn hôn nhân như một “tổ hợp kinh tế giữa hai cá nhân tự trị”, một thứ “góp-gạo-nấu-cơm-chung”. Ngoài ra, luật ly dị ngày nay nhấn mạnh nhiều tới phân chia tài sản cá nhân. So với lúc trước, ly dị chỉ được thừa nhận khi một người có lỗi, chẳng hạn ngoại tình hay bạo hành. Tới nay hầu hết các tiểu bang Mỹ chấp nhận luật “không lỗi tại ai”(no-fault) khi ly dị.

Trong 30 năm qua, tỷ số ly dị cao kéo theo tình trạng con em bị ảnh hưởng. Theo Shiono and Quinn, năm 1988 có 9.7 triệu, hay 15%, trẻ con Mỹ dưới 18 tuổi sống với cha/mẹ ghẻ. Con số này tăng từ 3.4% năm 1960 tới 28% năm 1988.

Người bạn của tôi lập gia đình được sáu năm. Ban đầu bạn bè thường nói với anh: vợ chồng mày thương nhau nước đục cũng trong. Sau khi có con đầu lòng, chàng muốn nàng nghỉ ở nhà trông con nhưng cô vợ muốn đi làm để lấy “maternity leave”. Gái một con trông mòn con mắt! Cô vợ càng ngày càng đẹp và ngày càng diện. Điều đó trở thành cái gai trong mắt anh bạn và mâu thuẫn xích mích cứ chất chồng đến lúc cả hai chỉ muốn đường anh anh đi, đường tôi tôi đi. Khổ nỗi đứa con đi đàng nào vì cả hai đều không muốn con mình thành nạn nhân của vợ chồng ly dị?

Gia đình là cái nôi cho yêu thương nương náu, là mái ấm bình yên trong mỗi con người. Không thể coi thường nỗi đau đứa con phải chịu khi hôn nhân bất ổn do ly dị hay do xung khắc của cha mẹ. Vài lời khuyên được đưa ra sau đây dưới cái nhìn không chuyên lẫn những nhận định của các nhà chuyên môn trong địa hạt tâm lý và gia đình.

1) Khía cạnh không chuyên:

Những chia sẻ dưới đây phản ảnh tâm lý thường tình khi phải đối diện với ly dị và con cái.

Minh: Người bạn của tôi mới ly dị vì có chuyện xung khắc triền miên với vợ.

Con cái anh đến thăm bố mình mỗi cuối tuần, không có vấn đề gì ở nhà trường, học hành và cư xử ngoan ngoãn.

Đàng khác, có những cặp vợ chồng để con cái chọn ở với người chúng thích, cha hoặc mẹ. Cha mẹ thay phiên hỏi con cái về đối tượng kia rồi ngấm ngầm công kích nhau. Đôi khi bị kẹt chính giữa, đứa trẻ trở thành nạn nhân tinh thần.

Vân: Ly dị chắc chắn ảnh hưởng tới con cái. Cha mẹ cãi nhau bằng ngôn ngữ thô tục hay cay độc sẽ ảnh hưởng tới con cái thật nhiều. Thực ra, dù ly dị vì bất cứ lý do gì, cha mẹ nên nghĩ tới điểm chính yếu này: Cuộc đời con cái hay bản thân mình quan trọng hơn? Dĩ nhiên cha mẹ nào chả thấy cuộc đờøi của con mình là quan trọng đáng quý. Vì vậy, họ nên giải quyết vấn đề của mình, đừng bắt con cái gánh lấy hậu quả. Vân chia sẻ những cảm nghĩ này vì cha mẹ Vân cãi nhau hoài hoài. Vân rất xuống tinh thần, nhưng biết làm sao được khi mình chỉ là đứa con nít. Vì vậy, xin nghĩ tới con cái trước khi quyết định ly dị.

Sinh: Sinh là một nạn nhân của ly dị. Cha mẹ Sinh tan hợp, hợp tan nhiều lần. Lý do ly dị Sinh không hiểu rõ, có lẽ là vì tuổi tác và văn hoá. Người ta nói “chồng già vợ trẻ là tiên”; Sinh thì nghĩ đó là vấn đề rất lớn. Ly dị ảnh hưởng lớn tới đời mình. Chẳng ai quan tâm chăm sóc hay lắng nghe chia sẻ. Thời giờ đều dành cho nỗ lực tạo ra vấn đề.

Cha mẹ Sinh chờ Sinh lập gia đình rồi sẽ vĩnh viễn ly dị, vì vậy Sinh sẽ không lập gia đình. Không bao giờ!

Linh: Có người chủ trương rằng con cái không nên dự phần hay biết về vấn đề của cha mẹ. Tôi nghĩ rằng con cái nhận biết vấn đề theo tuổi tác. Năm anh chị em tôi được bố nuôi dưỡng. Ông không bao giờ nói xấu về mẹ, sợ rằng chúng tôi không thương mến bà. Khi lớn lên, tôi khám phá vài điều không hay về bà và điều này làm tôi kính phục thương mến cha mình hơn. Tuy nhiên trong thâm tâm, tôi vẫn muốn biết về bà và tôi luôn thấy thiếu thốn tình mẹ.

2) Phân tích chuyên môn:

Một số nhà chuyên môn ước chừng, trong thập niên tới đây, 2/5 số trẻ vị thành niên rơi vào cảnh cha mẹ ly dị. Hơn 1/4 số trẻ chào đời từ những cặp không có hôn thú. Ít nhất có 1/5 trẻ sống với cha mẹ ghẻ hay cha mẹ nuôi.

Ảnh hưởng của tình trạng này trên đứa trẻ ra sao vẫn còn được tranh luận.

Một số lớn các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tới cái giá phải trả cho những trẻ em không lớn lên trong gia đình êm ấm có cha có mẹ ruột. Một số dữ kiện đưa đến kết luận rằng ly dị chỉ có một ảnh hưởng tương đối nơi đứa trẻ, và khi trưởng thành chúng sẽ tự thích nghi với đời sống.

Một số trẻ vào tuổi mẫu giáo có cha mẹ ly dị vào cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, bây giờ đã bước vào tuổi trưởng thành. Lớp trẻ này, trong hơn 25 năm qua, đã có trạng thái trầm cảm nào về ly dị của cha mẹ? Xin đọc vài tâm sự:

Đời tôi chắc hạnh phúc hơn nếu cha mẹ tôi không ly dị.

Ly dị có thể tốt hơn cho họ, nhưng không tốt gì cho tôi. Tôi mất gia đình của mình.

Tôi mất đi cái cảm nghiệm được lớn lên trong một mái ấm gia đình.

Ước gì cha mẹ tôi đã không ly dị. Chắc chắn sẽ dễ dàng hơn trong khuôn khổ gia đình.

Tôi thật sự đau buồn. Điều khó khăn nhất đối với tôi là phải chứng kiến gia đình mình tan vỡ.

a) Nguyên nhân trầm cảm:

Gia đình mà em từng quen thuộc sẽ khác biệt: Một trong những nỗi lo sợ của trẻ con là sự thay đổi. Khi cha me ly dị, con cái phải thích nghi với nếp sinh hoạt và môi trường mới. Có thể chúng sẽ không còn gặp gỡ bạn bè, người thân thuộc như ông bà cô dì chú bác.

Mất mát: Trẻ con thường gắn bó với cha mẹ, anh chị em, ngay cả với gia súc và vật dụng quanh nhà. Bị thay đổi và cắt đứt với những thân thương ấy là một mất mát, hụt hẫng.

Sợ bị bỏ rơi: Đứa trẻ sợ mất cha, có thể rồi cũng mất mẹ.

Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai
Chẳng thà ăn sắn ăn khoai
Không ở dượng ghẻ om tai láng giềng.

Sự thù hận giữa cha mẹ: Cãi cọ, căng thẳng giữa cha mẹ có thể làm cho đứa trẻ giận dữ, cô độc, hay cho rằng lỗi tại mình. Cố gắng lôi con về phe cánh với mình để chống lại người phối ngẫu tạo cho đứa trẻ trong cảnh trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết.

b) Những phản ứng của đứa con: Phản ứng của đứa trẻ tuỳ thuộc tuổi và nhận thức em có.

Bé mới sinh và chập chững biết đi hay bi bô tập nói:

Em hiểu gì?

Cảm thấy vắng đi một người thương mà chẳng hiểu vì sao.

Phản ứng:
- Cảm thấy bấp bênh,
- Có thể âm ỉ một thứ nóng giận,
- Cảm thấy rằng mình đáng trừng phạt,
- Trở thành bẳn gắt, tức tối với người cha/mẹ mà em sống với,
- Có thể có nhiều ác mộng,
- Cảm thấy thật buồn vì bỗng dưng vắng bóng đi một phần cha mẹ.

Tuổi vườn trẻ:
Em hiểu gì?

Bắt đầu hiểu ly dị là gì. Biết rằng ba má không còn chung sống với nhau, và không còn yêu nhau như xưa.

Phản ứng có thể:
- Cảm thấy bị lừa dối, thấm thía về ý nghĩa của sự mất mát,
- Hy vọng cha mẹ sẽ sum họp,
- Cảm thấy bị người cha (mẹ) khước từ,
- Không thèm để ý tới học hành, bạn bè,
- Lo lắng về ngày mai,
- Nỗi sợ không có người đón khi tan học,
- Kêu nhức đầu, đau bụng,
- Khó ngủ,
- Cố gắng dựng lại chuyện quá khứ, sống với quá khứ,
- Ăn không ngon, ngủ không yên; bị tiêu chảy, đi tiểu nhiều lần.

Thanh thiếu niên:
Em hiểu gì?
- Hiểu nhưng không chấp nhận ly dị

Phản ứng có thể:
- Cảm thấy tức giận, thất vọng (về cha mẹ, người mà em tin tưởng),
- Cảm thấy cha/mẹ bỏ rơi mình,
- Lợi dụng lúc cha mẹ trong tình trạng trầm cảm,
- Như muốn điều khiển gia đình,
- Như cố gắng làm cho gia đình đoàn tụ,
- Trở thành quá khích: hành xử như một nhà mô phạm hay trở thành bê tha (nghiện ngập hút sái, bỏ học…)
- Có thể đoạn tuyệt với cha/mẹ, người mà em cho rằng chối bỏ em,
- Cảm thấy bị mất tuổi thơ quá sớm,
- Lo lắng về tài chính, về học vấn.

* * *

Tài liệu tham khảo:
Future Of Children, Volum 4. Number 1, Spring 1994. Children And Divorce.
Center for Future Of Children. The Davis and Lucile Park Foundation.
Focus on Kids: The Effect Of Divorce On Children. Karen DeBord, Ph.D.
Child Development Specialist, North Carolina Cooperative.
Children Of Divorce. David Weinstock, J.D., M.A., Beth Keen, Ph.D.

Mạch Sống Số 52, tháng 10, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=878