Người Việt Tị Nạn Đến Hoa Kỳ
Date: Thursday, October 26 @ 13:50:44 EDT
Topic: Tin Trang Nhất


Qua Hai Chương Trình Đặc Biêt

Khi đặt chân xuống phi trường Houston ngày 8 tháng 9 vừa qua, vợ chồng Ông Bùi Thiện Huệ mới tin rằng mình đã thoát nạn.

Trước đây ông đã một lần chạy thoát nhưng rồi bị giao trả về Việt Nam để chịu cảnh tù đày. Ông Huệ và phu nhân đến Hoa Kỳ trong chương trình Ưu Tiên Một (Priority One hay P1), một chương trình tị nạn đặc biệt nhằm giải cứu những người đang bị đàn áp ở Việt Nam.

Chỉ một tuần sau chuyến bay của Ông Huệ, một nhóm cựu tù cải tạo cùng gia đình cũng lên đường đến Hoa Kỳ. Họ là những người đầu tiên trong chương trình định cư nhân đạo (Humanitarian Resettlement, hay HR) mà tiền thân là chương trình HO.

Cả hai chương trình này là kết quả của cuộc vận động âm thầm của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển từ năm 1996. Ngay khi vận động thành công cho chương trình Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees, gọi tắt là ROVR, UBCNVB đã chuyển sang vận động mở lại chương trình HO và chương trình P1.

Với sự hỗ trợ tích cực của Dân Biểu Christopher Smith, cuộc vận động này đã thành công: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đồng ý mở lại chương trình P1 năm 1999 và chương trình HO năm 2001.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2005 Việt Nam mới hợp tác và đợt tị nạn P1 đầu tiên lên đường định cư vào Hoa Kỳ gồm các thân nhân của LM Nguyễn Văn Lý. Sau đó là gia đình MS Nguyễn Lập Mà, MS Nguyễn Nhất Thống, cựu chủng sinh Trịnh Văn Mến, và giờ đây Ông Bùi Thiện Huệ.

“Tôi cảm ơn các tổ chức và Dân Biểu Smith đã giải thoát cho tôi,” Ông Huệ nói với thính giả của chương trình phát thanh của Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam một ngày sau khi đến Hoa Kỳ.

Ông Huệ là một tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo. Năm 1993, Ông Huệ cùng với một số đồng đạo đứng lên chống lại việc chính quyền bôi bẩn Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ qua quyển sách Dòng Sông Thơ Ấu. Nhóm của ông sau đó chuyển sang đòi hỏi tự do tôn giáo. Trước sức ép của quần chúng lẫn quốc tế, chính quyền Hà Nội thừa nhận Phật Giáo Hoà HảoHoả như một tôn giáo chính thức nhưng thành lập ban trị sự ma do đảng viên Cộng Sản nắm giữ.

Đầu năm 1999 Ông Huệ bị quản chế hành chánh theo Nghị Quyết 31/CP.

Tháng 4 2001, Ông Huệ chạy thoát sang Cambốt và đến trụ sở Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Nam Vang xin tị nạn. Trước sự đe doạ của cảnh sát Cambốt, ông cùng 6 người Thượng, nạn nhân của sự càn quét ở Tây Nguyên, chạy về tỉnh Mondonkiri ở Đông Bắc Cambốt. Tháng 7, cảnh sát Cambốt cưỡng bức hồi hương cả nhóm này và giao họ cho công an biên phòng Tỉnh Đắc Lắc. Ông Huệ bị xử 36 tháng tù về tội không tuân hành lệnh quản chế và bị giam tại Xuân Lộc, Đồng Nai.

Dư luận quốc tế bắt đầu biết về trường hợp của Ông Huệ do sự lên tiếng của Ban Trị Sự Phật Giáo Hoà Hảo đặt trụ sở ở Quận Cam. Sau khi mãn án, Ông Huệ lại kết hợp với các đồng đạo để tiếp tục đấu tranh.

Qua sự dàn xếp của Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam và Ban Trị Sự Phật Giáo Hoà Hảo ở Quận Cam, tháng 6 năm 2005 Ông Huệ gởi bản điều trần đến Hạ Viện Hoa Kỳ, tố giác sự leo thang đàn áp các tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo ở Việt Nam. Buổi điều trần diễn ra một ngày trước khi Thủ Tướng Phan Văn Khải đến Hoa Kỳ. Chính quyền Việt Nam lần nữa lại quản chế Ông Huệ.

Hai tổ chức kể trên đã chuyển hồ sơ của Ông Huệ để UBCNVB đưa vào chương trình P1. Tháng 12 năm 2005, trong chuyến viếng thăm Việt Nam DB Smith đã tiếp xúc trực tiếp với Ông Huệ và yêu cầu Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ sớm giải quyết hồ sơ.

Ngay khi đặt chân đến Houston Ông Huệ kêu gọi cộng đồng người Việt ở hải ngoại tiếp tục tranh đấu cho Ông Võ Văn Thanh Liêm, một tu sĩ Phật Giáo Hoà Hảo, hiện vẫn còn ở trong tù cộng sản.

Bà Ngô Thị Hiền, Chủ Tịch Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam, cho biết rằng còn rất nhiều các tù nhân tôn giáo ở Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh đấu cho đến khi mọi tù nhân này được trả tự do.”
Theo tin tức từ các tổ chức nhân quyền, hiện nay có từ 100 đến 400 tù nhân tôn giáo. Một phần lớn trong số này là các người Thượng theo đạo Tin Lành.

“Khi dẫn độ ông Huệ và những người tị nạn từ Cambốt, chính quyền Việt Nam muốn răn đe người dân rằng không cách nào thoát khỏi tay họ. Qua các chương trình tị nạn chúng tôi muốn mở ra lối thoát cho những người bị đàn áp,” Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành của UBCNVB, giải thích lý do của cuộc vận động kéo dài 10 năm qua.

Bên cạnh các hồ sơ tị nạn theo chương trình P1, UBCNVB đang theo dõi sát việc thực hiện chương trình tị nạn HR, dành cho những người trước đây không kịp ghi danh với chương trình HO, và báo động cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về những trường hợp bị oan ức hay gặp trở ngại từ phía chính quyền Việt Nam.

Mạch Sống Số 52, tháng 10, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=876