Sao Lại Đau Buồn Mãi Không Nguôi?
Date: Thursday, October 26 @ 13:23:11 EDT
Topic: Mái Ấm Gia Đình


Minh Hà

Bạn hay nói rằng chồng hay bạn trai đối xử tàn nhẫn với bạn, vậy sao bạn lại khổ sở và đau đớn khi chấm dứt quan hệ với người đó hay khi bị người đó bỏ rơi

Lẽ ra phải vui mừng khi được tự do, nhưng trái lại hầu hết nạn nhân đều rất đau khổ khi rời xa người làm họ đau khổ. Chị T cứ khóc hằng đêm khi phải bỏ trốn người tình sống chung hai năm vì không chịu nổi tính “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” của anh ta. Chị L tự tử hai lần, nhưng được cứu sống, vì chồng cứ hành hạ thể xác và tinh thần với lối sống trăng hoa nhưng chị vẫn không sao dứt bỏ được hắn ta.

Tại sao lại như vậy? Bởi vì khi mới quen và yêu nhau, trong lòng bạn chỉ thấy mẫu người lý tưởng. Anh ta thông minh tốt tính, dí dỏm ăn nói có duyên, hấp dẫn, đẹp trai. Anh ta là một người thành đạt, có hiểu biết, biết cảm thông, biếtsăn sóc, biết lắng nghe và là người bạn yêu hết mình. Sau khi li dị người chồng hiền lành nhưng không yêu, chị T cứ ngỡ là mình không thể yêu được nữa. Rồi chị gặp D và yêu ngay từ giây phút đầu tiên. Chị T nghĩ đây là mẫu người mình chờ đợi trong mơ.

Cho nên dẫu bị ngược đãi cũng rất khó quên đi mẫu người in sâu trong lòng như vậy, bạn phải đối diện với những thực tế không ngờ khi sống chung. Đó là bạn bị hành hạ một cách vô lý và tàn nhẫn mỗi khi xảy ra xung đột. Bạn bị coi như đồ bỏ, một người thừa trong gia đình, và một thứ mà khi nào cũng có thể thay thế được. Chị L không ngờ là khi chị về làm dâu, anh ta lại coi thường chị như vậy. Anh ta cứ nghe theo lời mẹ để kiếm cớ bỏ đi chơi với người đàn bà khác. Chị đau đớn khi nghe anh trả treo mỗi khi chị có ý kiến “Vợ chồng như áo cởi ra là rồi” hay là “Trai thì năm thê bảy thiếp, gái thì chính chuyên thờ chồng.”

Khó ai có thể đoán trước là mình có thể nhận ra được sự thật phũ phàng đó.

Bởi vì để chấp nhận nó, bạn sẽ phải chịu đựng nhiều đau khổ. Ở hoàn cảnh này, bạn luôn tự tìm nguồn an ủi riêng bởi vì bạn khó chấp nhận tình trạng bị ruồng bỏ như thế và rằng mình làm gì nên tội để bị đối xử như vậy.

Ai cũng có phản ứng trước những mất mát vì nó gây cho ta cảm giác chới với, vô vọng không biết nương tựa vào đâu. Đơn cử một ví dụ khi ly hôn, bạn luôn có ám ảnh là mình bị lợi dụng, bị đối xử độc ác, bị người kia coi thường, và thường tự hỏi tại sao mình lại bị bỏ rơi không ai thèm đếm xỉa đến.

Chấm dứt quan hệ với người chồng hay người từng hành hạ mình chẳng khác gì việc phải trải qua một tổn thất lớn trong đời. Ai trong hoàn cảnh đó cũng bị đau khổ như mất đi một người thân. Theo bác sĩ tâm thần Kubler Ross (1926-2004), tâm lý của những người bị mất mát như vậy thường phải đi qua năm giai đoạn: chối bỏ, nổi giận, thương lượng, trầm uất, và cuối cùng thì chấp nhận nó.

Giai đoạn chối bỏ có thể xảy ra dưới nhiều hình thức. Một số người cứ xem kẻ bạo hành vẫn tồn tại như một phần đời họ nên cố sức để được gặp mặt, chuyện trò, hoặc liên lạc thông qua bạn bè. Chị H mặc dầu biết chồng mình đi sống với người khác, và mặc dầu bị hắn ta doạ đánh và lăng nhục nhưng vẫn tìm mọi cách tiếp cận anh ta.

Một số người khác thì tự sinh ra ảo giác để hành hạ chính mình, luôn gán cho kẻ bạc đãi mọi cái xấu xa và độc ác nhất để mong quên được hình ảnh người đó. Nhưng những hoang tưởng về người đó luôn ẩn trong tâm khảm và dằn vặt bạn. “Khi cố quên điều gì là ta đang gắng nhớ nó thêm lần nữa”. Cách chối bỏ như thế rất nguy hiểm vì nó có thể làm ta khủng hoảng, mất bình tĩnh và làm nhiều điều nguy hiểm khôn lường. Bởi lẽ, bạn đang mâu thuẫn với chính bản thân mình.

Có hình thức khác ít gây hại hơn. Đó là nạn nhân tự suy diễn rằng mỗi hành động và lời nói của kẻ đó đều dành cho mình cả, và chỉ có duy nhất mình mới hiểu được. Chị H cứ chờ chồng về mỗi đêm. Bà con khuyên thì chị bảo anh ta đang thử thách lòng kiên nhẫn của chị và khi anh ta về lấy đồ đi thì cho là anh ta về vì nhớ và muốn gặp chị.

Những nạn nhân khác thì không bao giờ chịu chấp nhận kẻ đó lại có thể nhẫn tâm như vậy đối với mình. Họ biện hộ rằng những hành động ấy là vô ý, rằng đó chỉ là lỗi nhỏ có thể chấp nhận và tha thứ, và rằng đó chỉ là kết quả của sự nông nổi nhất thời do những phút bồng bột “giận quá mất khôn.” Đôi khi họ lại cho người đó “khẩu xà tâm phật” hay tự bào chữa là “thương nhau lắm cắn nhau đau.” Chị L cứ nghĩ là anh ta đánh chị là vì anh ta thương chị quá.

Đến lúc này, nạn nhân ai cũng mong mỏi người đó sẽ quay về, thay đổi tính tình và hàn gắn lại tình cảm. Lúc đó họ hy vọng tình yêu sẽ làm nỗi đau lắng xuống và họ biết là họ còn thương yêu. Do đó họ không muốn nghĩ tới những điều xấu và suy diễn tiêu cực từ những câu nói và hành động do người kia gây ra. Bạn cố đè nén trong lòng tất cả những ác cảm và chỉ nghỉ đến điều tốt của anh ta thôi.

Bình thường, nếu chiến thắng được giai đoạn tự chối bỏ này thì bạn sẽ chuyển nhanh sang giai đoạn nổi giận. Khi này những nỗ lực của bạn đều không mang lại kết quả gì. Bạn dồn tất cả tức giận nhắm đến anh ta hay người tình địch. Bạn nổi điên lên khi nghĩ tới cảnh hai người đó đang “vui vẻ” với nhau.

Nhưng đôi lúc bạn giận cả bản thân mình, rồi tự trách móc đã làm điều gì sai trái mới nên nông nổi này. Bạn rơi vào cái vòng luẩn quẩn của tự dày vò–bào chữa–đau khổ đến mứcrồi không thiết sống nữa. Nổi giận chỉ làm cho bạn thêm căng thẳng, hay cáu bẳn vì bất lực khi tìm mọi cách cứu vớt lại mối quan hệ cũ.

Khi qua được giai đoạn nổi giận thì bạn dần bước qua giai đoạn mặc cả với nỗi đau đó. Bạn sẽ cố bằng mọi cách tự thoả hiệp, cho là vì mình mới xảy ra chuyện như vậy. Bạn sẽ bỏ qua tự ái cá nhân hay gia đình để cầu xin người đó quay về hàn gắn vết thương và tiếp tục sống như những năm tháng êm đềm ngày xưa. Nếu bạn có con thì bào chữa rằng mình đang hy sinh “vì không muốn con thiếu cha” và không muốn con nghĩ xấu về ba nó. Hay bạn muốn tự mình quay về ngôi nhà đó để xây dựng lại tổ ấm vì hy vọng vào sự thay đổi của cả đôi bên. Nhưng ngay cả như vậy cũng không thuyết phục được anh ta và bạn rơi vào tình trạng hoàn toàn vô vọng.

Khi bạn vô vọng, thất vọng và tuyệt vọng không lối thoát thì bạn chắc chắn sẽ bị trầm uất. Tâm sự của một nạn nhân khác: “Buồn quá mình không sao ngủ được, ăn cũng chẳng thiết. Đến giờ phút này mình biết là mình đã mất anh vĩnh viễn. Mình tự biết rằng mình chẳng muốn sống và không thể chịu đựng hơn được nữa.” Bạn chẳng thiết gì vui chơi, người lúc nào cũng bi quan chán nản và cảm nhận cuộc sống bây giờ không còn ý nghĩa gì nữa. Lúc này nạn nhân thường nghĩ đến cái chết. Họ tìm cách quyên sinh hay tự tử vì đau khổ như dồn vào thế đường cùng. Họ cũng không thiết gì đến việc tìm cách đối phó, bỏ ngoài tai lời khuyên của bất cứ ai. Đối với họ, mọi thứ đều vô nghĩa và trống rỗng.

Những xúc cảm đó sẽ dần nhường chỗ cho giai đoạn chấp nhận mất mát, hồi phục tinh thần và năng lực sống. Trên thực tế, họ không còn nhìn thấy hay nghe thông tin gì từ người kia nữa. Có nghĩa là trong lòng họ kẻ ngược đãi đã vĩnh viễn ra đi về mặt thể xác lẫn tinh thần. Những gì còn đọng lại chỉ là xúc cảm tổn thương, sự tiếc nuối, và niềm hy vọng mong manh. Hình ảnh người đó giờ không còn ngự trị mọi nơi mọi lúc nữa. Nạn nhân thôi ảo tưởng vì bản chất của kẻ ngược đãi đã lộ nguyên hình, nhất là mọi thứ đã trở thành quá khứ và họ muốn nhìn về tương lai. Trong tâm trí nạn nhân, kẻ ngược đãi giờ chỉ còn là nhân vật chính của một câu chuyện, một ký ức buồn, và quan trọng nhất là một bài học quý cho cuộc sống.

Mỗi người khi nghiệm qua thời gian khó khăn, khủng hoảng thường trải qua những giai đoạn trên. Tuy nhiên tuỳ theo cá tính, sức chịu đựng và hoàn cảnh cá nhân, các giai đoạn ấy khác nhau về thời gian và trình tự diễn ra. Nếu có người thân hay bạn bè bên cạnh giúp đỡ sớm thì thời gian đau khổ của bạn sẽ qua nhanh và không rơi vào những giai đoạn khác.

Hãy nhớ rằng bạn vẫn còn cuộc sống riêng mình và cả những đứa con nữa.

Tình yêu có thể còn, có thể mất, nhưng cuộc sống thì trường tồn và ta vẫn có thể làm lại từ đầu. Không nên đặt toàn bộ ý nghĩa cuộc đời vào một quan hệ đã đổ vỡ, cũng không nên để cuộc sống mình hoàn toàn lệ thuộc vào một người đàn ông nếu anh ta không xứng đáng. Bạn nên xem tất cả chỉ là quá khứ và từng bước hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Chương Trình Chống Bạo Hành Trong Gia Đình của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) được tài trợ bởi Fairfax County Consolidated Community Funding Pool, DC Justice Grants Administration (05-VW-07), Altria Doors of Hope, and Maryland Governor’s Office of Crime Control and Prevention (VAWA-2005-1077).

Mạch Sống Số 52, tháng 10, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=873