Kế Hoạch Trường Tồn
Date: Wednesday, October 25 @ 15:26:22 EDT
Topic: Quan Điểm


TS. Nguyễn Đình Thắng

Tre già măng mọc là một câu nói của cổ nhân ám chỉ cách thức mà cỏ cây và động vật vượt thoát tính hữu hạn của cuộc sống. Đối với con người, vì bản chất xã hội, sự sinh tồn không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả chủng loại. Để trường tồn, thế hệ trước phải dọn đường cho thế hệ sau tiếp nối và vươn lên.

Câu hỏi đặt ra là, làm sao để dọn đường?

Măng không tất nhiên mọc khi tre già mà phải có điều kiện phong thổ thích nghi. Các điều kiện này gồm có: (1) kế hoạch đào tạo; (2) môi trường dụng võ; và (3) niềm tin.

Trong cộng đồng chúng ta các buổi hội thảo và các trại huấn luyện kỹ năng lãnh đạo càng ngày càng nhiều. Điều đáng mừng là số người trẻ tham dự ngày càng đông. Điều này cho thấy sự quan tâm của người lớn và sự sẵn sàng tiếp nối của người trẻ. Tuy nhiên đây mới chỉ là những sinh hoạt xuân thu nhị kỳ.

Chúng ta cần một kế hoạch dài hạn, có lớp lang.

Kế hoạch này, qua những chương trình và sinh hoạt có nối kết, sẽ dẫn người trẻ qua các bước phát triển ngày một cao hơn. Ở mỗi chặng đường sẽ có những em rẽ ngang. Nhưng cũng có những em sẽ đi đến chặng cuối và trở thành những người lãnh đạo giàu kinh nghiệm, nhiều bản lãnh, và đức độ.

Những em rẽ ngang, lúc ấy, vẫn có thể đóng vai trò phụ trợ cho những em dấn thân đến cùng.

Tôi đã thấy nhiều em có lòng và có khả năng, sau một vài năm tham dự một sinh hoạt lập đi lập lại đâm chán và bỏ cuộc. Nếu con đường của chúng ta quá ngắn, lại bị đứt quãng nhiều chỗ, thì các em bắt buộc phải rẽ ngang dù muốn đi tiếp. Một số em bỏ cuộc còn một số em khác tìm cơ hội phát triển trong các cộng đồng sắc dân khác có tổ chức hơn. Chúng ta đã bị hao hụt biết bao tiềm lực.

Trong cộng đồng chúng ta, các chương trình cho giới trẻ mới chỉ nhắm vào đào tạo mà chưa để ý đến thu dụng, chẳng khác nào trồng cây mà không hái quả.

Những người trẻ muốn chọn con đường phục vụ cộng đồng làm sự nghiệp không có đất dụng võ vì không mấy tổ chức người Việt có đủ phương tiện để tuyển dụng các em. Phương tiện không chỉ là tài chánh để trả lương mà còn bao gồm cả cơ sở thượng tầng, kiến trúc hạ tầng, và những quan hệ đối tác với xã hội chính mạch để hỗ trợ cho các em trong công việc.

Tôi thấy có những em đã phải làm việc cho các cơ quan thuộc sắc dân khác mặc dù tâm nguyện muốn phục vụ cho người Việt. Như vậy là chúng ta đã và tiếp tục mất đi biết bao năng lực mà lẽ ra cần phải vun vén cho cộng đồng.
Đối với những người trẻ đã đến với chúng ta, chúng ta không muốn họ chỉ là kẻ bỡ ngỡ theo đuôi. Cộng đồng chúng ta cần những người có bản lãnh. Muốn vậy, lớp người đi trước cần đặt niềm tin nơi lớp người sẽ dần dà thay thế chúng ta. Dĩ nhiên họ sẽ vấp váp, sẽ lầm lỡ, sẽ không hoàn toàn như ý chúng ta mong muốn.

Nhưng điều này không quan trọng. Thử hỏi, trong chúng ta có ai nhìn lại quá khứ mấy mươi năm qua mà không thấy những sai sót, thất bại, và nhiều khi cả thái độ ngang bướng đến phi lý của chính mình? Sai thì sửa, thất bại thì làm lại, và ngang bướng phi lý thì học hỏi qua trường đời.

Tôi đã thấy có những người trẻ thật có lòng, thật có tài nhưng đã thề không bao giờ làm việc với cộng đồng Việt nữa. Họ lỡ có những kinh nghiệm đáng buồn với người lớn. Tôi lấy làm tiếc cho bầu nhiệt huyết lúc đầu chỉ sau mấy năm sinh hoạt trong cộng đồng Việt đã cạn kiệt không còn gì. Chúng ta đã mất những người này vĩnh viễn.

Tôi mong rằng cộng đồng người Việt ở các nơi cùng nhau vun xới cho măng chóng mọc.

Mạch Sống Số 52, tháng 10, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=864