Houston, Chọn Nơi Đây Là Nhà
Date: Monday, October 02 @ 11:47:26 EDT
Topic: Tin Tức Thời Sự


Nhân kỷ niệm một năm bão Katrina, tờ Times-Picayune, nhật báo lớn nhất của New Orleans, đã chạy bài phóng sự về số 125 ngàn người di tảo bão Katrina hiện vẫn còn trú ngụ tại thành phố Houston, Texas. Bài báo nói về bác Phạm Hỷ, một cựu tù cải tạo. Văn phòng Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển tại Houston đang giúp bác nhập tịch mà không phải thi phần Anh ngữ. Sau đây là bài phỏng dịch từ báo Times-Picayune số ngày 30 tháng 8, 2006.

Tại vùng tây nam thành phố Houston khoảng một vài dặm cách nơi mà gia đình nhà Starks sinh sống, có một người đàn ông tên Phạm Hỷ đang lúi húi với một cái túi đựng đồ vệ sinh cá nhân. Loay hoay một lát rồi ông cũng lôi ra được chừng một chục vỉ thuốc tây. Đây chính là các thứ thuốc mà ông phải uống hằng ngày để chữa bệnh.

Rất nhiều cư dân của thành phố New Orleans lúc này đang đau đáu nhìn về quê nhà và thắt ruột khi biết rằng chốn cũ giờ đã tan hoang. Riêng ông Hỷ thì chẳng muốn luyến tiếc gì nơi mà trước kia ông đã từng coi là nhà. Lý do là, sau khi chay bão dạt qua Houston, ông mới chợt nhận ra rằng thành phố đầy nắng ấm này mới chính là nhà của mình, vì chính nơi đây ông đã tìm được sự an ủi trong vòng tay ấm áp của những người đồng hương Việt Nam của mình.

Tính cho đến lúc ông đặt chân đến Houston, cuộc đời của ông là một chuỗi liên tiếp những ngày buồn phiền. Là cựu quân nhân trong Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt, ông đã phải trốn chạy khỏi quê hương mình vào năm 1998 để tìm đường lánh nạn tại một vùng quê thuộc phía đông thành phố New Orleans, Hoa Kỳ.

Chỉ không đầy một tháng sau khi đặt chân lên xứ sở mà ông tin sẽ là miền đất hứa của đời mình, tai hoạ đã liên tiếp dáng xuống đầu ông: ông đột ngột ngã bịnh, người vợ mà ông từng bảo bọc yêu thương đã đành đoạn dắt năm đứa con bỏ nhà ra đi tìm bến đậu mới. Ông Hỷ nghẹn ngào khi kể lại câu chuyện đời mình và bảo rằng biết bao năm tháng đã trôi qua nhưng ông không sao gượng dậy nổi từ cái vết thương tinh thần và thể xác đó. Đến nỗi ông chưa bao giờ gom góp được đủ tinh thần và sức lực để ráng tìm một công việc độ nhật. Đến nỗi nhiều khi chính ông cũng tự ngạc nhiên sao cho đến giây phút này mà mình vẫn còn tồn tại được trên cõi đời này.

Tuy vậy, cuộc sống đã mỉm cười với ông khi ông được giới thiệu đến Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, là một cơ sở chuyên giúp đỡ vô vị lợi những người gốc châu Á. Chính tại văn phòng của Uỷ Ban, ông đã gặp được những chàng trai và những cô gái trẻ trung đầy nhiệt huyết, đã tận tình chỉ dẫn giúp đỡ ông vượt qua cái rào cản Anh ngữ là thứ tiếng hoàn toàn xa lạ với ông, vượt qua được các thủ tục rườm rà luôn là những thức thách hãi hùng đối với những người di dân xa lạ với các lề thói của xã hội Hoa Kỳ, để đến được với các trợ giúp hết sức hào phóng của chính phủ Hoa Kỳ.

Một trong những cô gái trẻ đó là Thu Trang, 24 tuổi, hiện đang làm nhân viên thụ lý hồ sơ kiêm phiên dịch cho các nạn nhân bão Katrina đến tìm sự giúp đỡ của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển.

Theo lời cô, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đã nhận được một ngân khoản là 4.5 triệu đô la từ chính phủ liên bang để tổ chức một mạng lưới chuyên giúp đỡ về mọi mặt cho các nạn nhân bão. Tính đến nay, nhóm của cô [ở Houston] đã trợ giúp được khoảng trên 300 người, trong đó có khoảng 200 người Việt nam.

Trước mắt họ còn cả một chặng đường gian nan. Nhiều người đang phân vân chưa biết có nên trở về New Orleans hay ở lại Houston. Nhưng dù họ có quyết định như thế nào đi chăng nữa, thì nhiệm vụ của chúng tôi là tìm mọi cách giúp họ mau chóng khắc phục các hậu quả của cơn bão”.

Ông Hỷ cảm kích trước các nỗ lực giúp đỡ của những người như Thu Trang. Ông nói bao nhiêu năm ở New Orleans ông chưa từng được ai ra sức giúp đỡ tận tình như vậy. Chính vì vậy mà ông đã có một quyết định quan trọng.

“Thảng hoặc tôi cũng có nhớ New Orleans. Nhưng tôi muốn sống ở Houston.”

Có lẽ chỉ khi chết, ông nói một cách run rủi qua lời thông dịch của Thu Trang, lúc ấy ông mới biết đâu là nhà.

“Giờ đây tôi không biết ở đâu là nhà,” ông nói. “Tôi quả tình không biết rồi sẽ chết dập vùi ở đâu. Nhưng tôi biết rằng nếu tối nay tôi đi ngủ và sáng mai không thức dậy nữa thì nơi nằm xuống đó là nhà.”

Mạch Sống Số 51, tháng 9, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=850