Mục Sư Nguyễn Lập Mà
Date: Saturday, July 29 @ 17:58:32 EDT
Topic: Tin Trang Nhất


Và Nguyễn Nhất Thống Đến Hoa Kỳ Tị Nạn

Washington-Frankfurt (14/6/2006) – Mục sư Nguyễn Lập Mà và vợ của ông đã lên phi cơ rời Việt Nam để đi định cư tại Hoa Kỳ. Hai tổ chức Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) ở Hoa Kỳ và Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (ISHR/IGFM) ở Đức đã cùng nhau vận động thành công cho gia đình Mục sư Mà được Hoa Kỳ chấp nhận đưa vào chương trình tiếp nhận những người bị đàn áp chính trị (Priority One).

Ông Trình Văn Mến và vợ cùng với Dân Biểu Christopher Smith tại Sài Gòn tháng 12, 2005.

Mục sư Nguyễn Lập Mà, năm nay 69 tuổi, là Quản Nhiệm địa hạt Tây Nam Bộ của Hội thánh Tin lành Việt Nam. Ngay từ năm 1976 Mục Sư Mà đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam liên tiếp nhiều ngày. Đến năm 1980 chính quyền ép buộc MS Mà phải giao nhà thờ Cần thơ do ông quản nhiệm nhưng Ms Mà đã từ chối. Sau khi ép buộc MS Mà từ chức mục sư quản nhiệm mà không thành công, chính quyền Việt Nam đã cáo buộc vô căn cứ rằng ông đã hoạt động “chống chính quyền” để trục xuất ông khỏi nhà thờ và dùng vũ lực để đưa ông cùng gia đình gồm 11 người đến thị trấn Long Mỹ. Gia đình ông bị quản chế tại đó mà không hề được đưa ra toà xét xử. Tại Long Mỹ ông không được giảng đạo và tiếp xúc với tín đồ và phải sống cực khổ trên một mảnh đất cằn cỗi. Chính quyền thường xuyên tổ chức những buổi “đấu tố“ để cô lập gia đình ông. Vì cha là “phần tử xấu“ nên 3 người con ông đã bị đuổi việc. Gia đình ông sống không có hộ khẩu, 4 người con không có chứng minh nhân dân, 2 đứa cháu không có cả giấy khai sinh. Trong 24 năm sống lưu đầy, Ms Mà đã nhiều lần làm đơn khiếu nại nhưng không nhận được sự giải quyết của chính quyền Việt Nam. Năm 2000 ISHR/IGFM và BPSOS đã đưa hồ sơ Ms Mà đến dư luận quốc tế và các chính quyền Hoa Kỳ và Âu Châu. Các bản phúc trình về tự do tôn giáo cũng như về nhân quyền của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từ đó đã thường xuyên nêu vấn đề của Ms Mà như một vi phạm trầm trọng về nhân quyền cũng như tự do tôn giáo.

Vào năm 1976, Mục sư Nguyễn Nhất Thống, năm nay 55 tuổi, được Hội thánh Tin lành Việt Nam bổ làm Quản nhiệm hội thánh Mũi Né (tỉnh Bình Thuận).

Chính quyền Việt Nam không công nhận việc này và buộc ông phải rời khỏi nhà thờ. Sau khi chính quyền Việt Nam vu cáo rằng ông “tàng trữ những lá thư gửi từ nước ngoài với mục đích phản cách mạng”, Ms Thống bị trục xuất khỏi nhà thờ Ma Lâm (gần thành phố Phan Thiết). Ông và gia đình bị bắt đi vùng kinh tế mới.

Từ đó gia đình Ms Thống không còn chỗ dung thân vì nhà ở vùng kinh tế mới bị đuổi liên tục. Gia đình ông phải đến ở nhờ nơi bạn bè và người thân cho đến khi chính quyền phát hiện ra và đuổi tiếp. Chính quyền xem ông là thành phần “mục sư hoạt động trái phép“ và cấm ông không được truyền đạo, giảng đạo. Vợ ông cũng bị bắt giữ nhiều lần vì đã giúp đỡ những người thiểu số, 2 con trai bị đuổi học, người con gái không tìm được việc làm. Năm 2000 ISHR/IGFM và BPSOS đã đưa hồ sơ Ms Thống đến dư luận quốc tế và các chính quyền Hoa Kỳ và Âu Châu. Các bản phúc trình về tự do tôn giáo cũng như về nhân quyền của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từ đó đã thường xuyên nêu vấn đề của Ms Mà như một vi phạm trầm trọng về nhân quyền cũng như tự do tôn giáo.

Những đàn áp và khủng bố tinh thần liên tục của chính quyền đã khiến cho cả hai Ms Mà và Ms Thống lâm bệnh nặng. Ngoài bệnh Parkinson, trí nhớ của Ms Mà đã bị suy giảm trầm trọng. Ms Thống hiện đi đứng khó khăn sau nhiều lần bị tai biến mạch máu não và gần như bị mù một bên mắt. Trước cảnh bị đàn áp vì lý do tôn giáo và khi thấy tình trạng sức khoẻ của hai mục sư ngày càng suy kém, các tổ chức BPSOS và ISHR/IGFM cho rằng xuất cảnh là cơ hội duy nhất để giúp cho 2 mục sư được chữa trị đúng mức và có một cuộc sống tự do phù hợp với niềm tin tôn giáo.

Ngoài ra, ngày 1 tháng 6 vừa qua Ông Trịnh Văn Mến và gia đình cũng vừa đến Hoa Kỳ trong chương trình Ưu Tiên Một. Năm 1975 Ông Mến là một chủng sinh Công giáo ở Mỹ Tho. Năm 1979 Việt Nam tịch thu chủng viện và trục xuất mọi chủng sinh. Sau đó Ông Mến đã lập gia đình. Cả hai vợ chồng cùng bị từ chối hộ khẩu và chịu nhiều đàn áp, Ông Mến do là một cựu chủng sinh và vợ của Ông do có cha là người Hoa và là một cựu bác sĩ quân y của Việt Nam Cộng Hoà phải đi tù cải tạo. Năm 1989 Ông Mến đã cùng người con lớn vượt biên đến Thái Lan nhưng bị từ chối quyền tị nạn. Ông và con hồi hương năm 1994. Ông lập tức bị quản chế hành chánh vì những hoạt động tôn giáo trong trại tạm dung ở Thái Lan. Con của ông không được học hành và gia đình không được làm ăn buôn bán. Cả gia đình tiếp tục bị từ chối hộ khẩu cho đến ngày ra đi. Hai vợ chồng Ông Mến không được phép làm hôn thú trong suốt gần 30 năm qua. Năm 1997, TS Nguyễn Đình Thắng đến thăm gia đình Ông Mến, mặc dù không được chính quyền Việt Nam cho phép, trong chuyến đi Việt Nam cùng phái đoàn nhân viên Quốc Hội Hoa Kỳ do Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) khởi xướng. Người con trai lớn của Ông Mến, vì đã quá tuổi vị thành niên, hiện còn kẹt lại và đang được BPSOS tiếp tục can thiệp.

Hai tổ chức kính chúc gia đình mục sư Mà mọi điều tốt lành trong cuộc sống mới. Nhân dịp này hai tổ chức BPSOS và ISHR/IGFM cũng cám ơn chính phủ Hoa Kỳ đã tận tình giúp đỡ việc xuất cảnh của Mục sư Nguyễn Lập Mà cũng như của Mục sư Nguyễn Nhất Thống. Mục sư Thống đã cùng gia đình đến Hoa Kỳ vào tháng Tư vừa qua. BPSOS và ISHR/IGFM kêu gọi các quốc gia Tây phương khác cũng nên có những chương trình tiếp nhận những người bị truy bức chính trị tại Việt Nam nếu như tương lai cuộc sống của họ không còn được bảo đảm tại Việt Nam nữa.

Sau chuyến quan sát ở Việt Nam năm 1997 của TS Thắng, BPSOS bắt đầu vận động chính phủ Hoa Kỳ thiết lập một chương trình dành cho những người đang bị đàn áp mà không hội đủ tiêu chuẩn cho các chương trình như HO.

Chương trình Ưu Tiên Một (Priority One) được thành lập năm 1999 nhưng mãi đến gần đây mới được thực hiện vì những trở ngại từ cả hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam. Các người cháu của Lm Nguyễn Văn Lý v à anh Hoàng Trọng Dũng, người cộng tác với Lm Lý, đã đến Hoa Kỳ trong chương trình này, do BPSOS và Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam lập hồ sơ.

Mục tiêu của chuyến quan sát Việt Nam năm 1997 là thúc đẩy việc thực hiện chương trình Cơ Hội Định Cư Cho Thuyền Nhân Hồi Hương (ROVR) và tạo nhịp cầu giữa các thành phần tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam với Quốc Hội Hoa Kỳ. Kết quả là chương trình ROVR đã định cư trên 18 ngàn thuyền nhân vào Hoa Kỳ trong thời gian 1998 đến 2000 sau khi họ bị hồi hương. Trong chuyến quan sát, Ông Grover Joseph Rees, Tham Mưu Trưởng của DB Smith, đã tiếp xúc với các vị như Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang, Ông Hoàng Minh Chính, Cựu Tướng Trần Độ, LM Chân Tín, và một số tu sĩ Phật Giáo. Đây là lần đầu tiên các thành phần đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam tiếp xúc trực tiếp với nhân viên Quốc Hội Hoa Kỳ, mở đầu cho nhiều cuộc tiếp xúc trực tiếp sau này.

Mạch Sống Số 49, tháng7, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=822