Giải Vô Địch Bóng Tròn Thế Giới 2006
Date: Thursday, July 27 @ 16:50:28 EDT
Topic: Tin Tức Thời Sự


Giư Lê

Giải Túc Cầu (bóng tròn) Thế Giới 2006 đã tưng bừng khai mạc tại Đức vào ngày 9/6/2005 trong sự đón chờ và vui mừng của hàng tỷ người trên thế giới.



Qua những trận đấu đầy thử thách và gay go ở vòng loại tại các khu vực, 32 đội đại diện cho 32 quốc gia được vào vòng chung kết để tranh giải vô địch bóng tròn tại Đức mà trận chung kết diễn ra trên sân cỏ Berlin, Đức, vào ngày 9/7/2006. 32 đội được chia làm 8 nhóm, mỗi nhóm có 4 đội thi đấu vòng tròn, hai đội đầu bảng sẽ được vào tiếp vòng trong. Ở vòng trong không đá theo thể thức vòng tròn mà đội nào thua sẽ bị loại. Còn 8 đội sẽ vào tứ kết, 4 đội thắng vào bán kết, sau đó 2 đội thắng vào chung kết tranh giải nhất nhì, hai đội thua tranh giải ba.

Kết thúc 48 trận đấu của 32 đội bóng ở vòng 1 trong 2 tuần lễ sôi động, 16 đội hân hoan vào vòng tiếp (còn gọi là vòng 16) đó là Đức, Ecuador, Anh, Thuỵ Điển, Á Căn Đình (tức Argentina), Hoà Lan, Bồ Đào Nha, Mễ Tây Cơ (Mexico), Ý, Ghana, Ba Tây (Brazil), Úc, Tây Ban Nha, Ukraine, Thuỵ Sĩ và Pháp, may mắn nhất là đội Pháp và Úc. Còn 16 đội buồn rầu luyến tiếc khăn gói ra về gồm có Ba Lan, Costa Rica, Paraguay, Trinidad –Tabago, Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire), Serbia-Montenegro, Angola, Ba Tư (Iran), Tiệp Khắc (Czech Republic), Hoa Kỳ, Croatia, Nhật Bản, Nam Hàn, Togo, Tunisia và Saudia Arabia, đáng tiếc nhất là Nam Hàn, Tiệp khắc, Paraguay, Croatia và Mỹ.

Vào vòng tứ kết từ thứ Sáu ngày 30/6/06 với 8 đội mà đa số đã từng đoạt cúp vô địch, gồm 6 đội Âu Châu là Đức (1 lần đoạt cúp), Anh (1 lần đoạt cúp), Pháp (1 lần đoạt cúp), Ý (3 lần đoạt cúp), Bồ Đào Nha, Ukraine và 2 đội Châu Mỹ La Tinh là Brazil (5 lần đoạt cúp) và Argentina (3 lần đoạt cúp). Đức gặp Argentina, Ý gặp Ukraine, Anh gặp Bồ Đào Nha, Brazil gặp Pháp. Đội Nam Hàn, niềm hy vọng của Á Châu, Đội Ghana, niềm hy vọng của Phi Châu, đội Hoa Kỳ có những bước tiến nhảy vọt gần đây, đội Úc mới vươn lên thật khởi sắc nhưng tất cả không được vào tứ kết.

Vào tuần lễ cuối chỉ còn hai trận cuối cùng tranh giải ba giữa hai đội Đức và Bồ Đào Nha vào ngày 8/7/2006 và trận chung kết tranh giải vô địch giữa Pháp và Ý vào ngày 9/7/2006. Vì chỉ còn lại 4 đội Âu Châu, nên có người còn nói đây là giải vô địch Âu Châu. Trong 4 trận tứ kết Đức thắng Á Căn Đình (Argentina) bằng những quả phạt đền 11 mét luân lưu vì hai bên hoà nhau 1-1 sau hai hiệp chính và hai hiệp phụ, Ý thắng Ukraine 3-0, Bồ Đào Nha (Portugal) cũng thắng Anh nhờ những cú đá phạt đền 11 mét luân lưu. Pháp thắng Ba Tây (Brazil) 1-0. Trong các trận bán kết Ý thắng Đức 2-0, Pháp thắng Bồ Đào Nha 1-0. Tiếc thương cho đội Brazil, ứng viên sáng giá nhất của giải với những ngôi sao của bóng tròn thế giới Ronaldinho, Ronaldo...Đội Argentina với ngôi sao trẻ Messi, và đội chủ nhà Đức, đội bóng trẻ đầy hy vọng đành phải thúc thủ bỏ cuộc. Mừng cho đội Ý và đội Pháp được vào chung kết. Trước khi vào giải World Cup 2006, đội Pháp được đánh giá là đội yếu vì thành phần cầu thủ lớn tuổi nhưng sau khi thắng Tây Ban Nha 3-1 đội Pháp đá rất hay và thắng Brazil ở vòng tứ kết và thắng Bồ Đào Nha 1-0 ở vòng bán kết. Nổi bật nhất là Zidane, đội trưởng của đội, biểu diễn nhiều pha nhồi bóng, đưa bóng thật ngoạn mục.

Trong trận tranh giải ba (8/7/06) Đức thắng Bồ Đào Nha 3-1 và trong trận tranh giải nhất nhì (9/7/07) Ý thắng Pháp bằng những quả phạt đền luân lưu, đoạt chức vô địch bóng tròn thế giới (lần thứ tư).

Nhiều trận đấu kết quả không đúng như hiện thực trên sân cỏ. Nhiều vấn đề nhất là về phía trọng tài. Giới hâm mộ bóng tròn không mấy hài lòng với một số trọng tài đã làm mất hào hứng các trận đấu, làm kết quả sai lệch vì thổi phạt không chính xác, thổi phạt quá khắt khe, thiên kiến, thậm chí bắt sai, cho quá nhiều thẻ vàng thẻ đỏ, đến nỗi sau trận đấu giữa Hoà Lan với Bồ Đào Nha, chủ tịch FIFA đã không che dấu được sự bực dọc và nói rằng trọng tài Valentin Ivanov (Nga) mới là người đáng bị thẻ vàng, hành động của trọng tài đã làm ảnh hưởng đến trận đấu mà đáng lẽ có thể là xuất sắc. Trong trận Úc đấu với Ý ngày 26/6/06, vào những giây cuối cùng của trận đấu (95+), trọng tài Medina Cantalejo (Tây Ban Nha) đã thổi còi phạt Úc phải chịu cú phạt đền 11 mét một cách tức tưởi để rồi chịu thua Ý 0-1. Thật ra là cầu thủ Úc không phạm lỗi mà cầu thủ Ý tự té ngã để đánh lừa trọng tài. Trọng tài bắt cho trận giữa Mỹ và Ý vào ngày 17/6/2006 đã bắt ép đội Mỹ và trọng tài Graham Poll, người Anh cầm còi cho trận đấu giữa đội Úc và Croatia ngày 22/6/2006, đã phạm nhiều sai lầm như phạt thẻ vàng cầu thủ Josip Simunic (Croatia) đến 3 lần trước khi đuổi cầu thủ này ra sân và 2 lần bác bỏ khả năng cho độäi Úc đá phạt đền. Đã đến lúc FIFA cần đặt lại quyền hạn và bổn phận của trọng tài để các cuộc tranh tài trong tương lai được trung thực và hấp dẫn hơn. Ví dụ, việc thổi phạt đền 11 mét, có nên cho trọng tài cái quyền tuyệt đối bất khả xê dịch khi đã thổi còi hay nên bỏ ra vài giây phút xem lại video rồi mới quyết định cho chính xác như ở môn football hay basketball của Mỹ. Nếu trọng tài thổi sai hay cầu thủ giả đò té sẽ không cho hưởng phạt.

Thời đại văn minh này, ngay cả việc vượt đèn đỏ bị phạt bằng máy thu hình thì không thể nào chấp nhận được việc đánh lừa trọng tài để thắng trận.

Dù nói gì đi nữa thì World Cup 2006 cũng đã qua và còn nhiều lưu luyến. Thật là buồn vui lẫn lộn trong lòng người mộ điệu. Nhưng biết làm sao hơn, vì bóng đá vốn có những cái bất ngờ!

Trong truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ nói đến “mua vui cũng được một vài trống canh” mà chúng ta có đến cả một tháng để vui với World Cup thì cũng đủ lắm rồi. Giã từ World Cup 2006. Cám ơn nước Đức. Nước Đức không chiếm được Cúp Vô Địch nhưng lại chiếm được một phần thưởng cao quý hơn, đó là cảm tình, sự khen ngợi, sự cảm phục của thế giới.

Xin hẹn World Cup 2010 tại Nam Phi.

Mạch Sống Số 49, tháng7, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=806