Bạo Hành và Hôn Nhân
Date: Monday, June 26 @ 19:28:00 EDT
Topic: Mái Ấm Gia Đình


Phạm Văn Hoạt

Chúa Nhật 28 tháng 5 vừa qua, tờ The Star Ledger, nhật báo lớn của tiểu bang New Jersey, thuật lại một vụ bạo hành như sau: Bà Qinuo Van Dyk khi nghe tiếng la thất thanh của con ở phòng bên, trong khách sạn South Beach tại Miami, Florida, bà vội chạy sang thì thấy chồng nhảy khỏi cửa sổ từ tầng lầu thứ 15. Từ lan can nhìn xuống bà thấy chồng và hai con nằm sõng soài trên mái nhà bên dưới. Chồng bà, Bác Sĩ Edward Van Dyk, 43 tuổi, đã ném hai đứa con trai, 4 và 8 tuổi qua cửa sổ cho chết, rồi nhảy theo để tự kết liễu đời mình.

Bà Qinuo Van Dyk, 40 tuổi, khai với cảnh sát rằng, chồng bà là một radiation oncologist, cách đây 18 tháng đã được chọn để điều khiển Trung Tâm Ung Thư của bệnh viện Alton Memorial. Bà cho biết tuy hai vợ chồng, trong sáu tháng qua, có nhiều vấn đề trong đời sống lứa đôi, nhưng vẫn tổ chức mừng 10 năm thành hôn, và cũng không có lời qua tiếng lại gì trước khi sự việc xảy ra.

Bác sĩ Ed Ragsdale, trưởng phòng medical imaging của bệnh viện, nói rằng Van Dyk điều trị những bệnh nhân mắc chứng ung thư nặng, một công việc rất căng thẳng, đòi hỏi một người nhiều nghị lực để đối diện hết ngày này sang ngày khác với những đau đớn của bệnh nhân.

Sau khi đọc xong mẩu tin, thường tình một số câu hỏi nối tiếp xuất hiện: Kết liễu cuộc đời lúc 43 tuổi, khi danh vọng, tiền tài đang dâng cao, sao ông bác sĩ này “mát” quá vậy? Hai đứa trẻ thơ làm chi nên tội đến nỗi phải nhận một cái chết kinh hoàng đến thế, cái chết mà người cha thân yêu chọn cho chúng? Hai vợ chồng có những chuyện “cơm không lành canh không ngọt”, nhưng là chuyện gì mới được chứ, chắc là ghê gớm lắm? Có lẽ ông bác sĩ này muốn trừng phạt vợ mình bằng cái chết của chính mình, và nhất là cướp đi khỏi vợ mình hai người con trai yêu quí?

Những ngày còn lại của người đàn bà này sẽ ra sao? Có thể công ăn việc làm của ông đã làm cho ông “mát” thực sự?

Nội tình thế nào, ai mà biết rõ hết được, nhưng ngoại diện hiển nhiên là một thảm kịch của bạo hành cả thể lý lẫn tâm lý. Bạo hành là một loại sách nhiễu trong tương quan: xoay quanh quyền lực và sự khống chế.

Đây là những tội phạm dính líu tới quyền lực, khống chế, áp lực, và sự sợ hãi. Khi một người tỏ ra có thói muốn tạo quyền lực và khống chế lên người khác có liên hệ với mình qua việc dùng bạo lực, uy hiếp, áp đảo thể lý, tinh thần, tài chánh, và tình trạng pháp lý, người đó vi phạm tội bạo hành. Người bạo hành còn dùng những khống chế này để cô lập nạn nhân với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, làm cho nạn nhân phải hoàn toàn lệ thuộc không thể thoát khỏi vòng cương toả.

Bạo hành trong gia đình là bạo hành xảy ra giữa những phần tử trong gia đình.

Nhận diện, đặt tên cho một hành vi bạo hành trong gia đình không phải là chuyện dễ. Một phần vì bạo hành không chỉ là hành hạ đánh đập thể xác; có nhiều phụ nữ bị hành hạ, khống chế, sống trong trạng thái lo sợ, mà không bao giờ bị đánh đập.

Một cách có thể “chỉ mặt đặt tên” được thái độ bạo hành trong gia đình là qua việc để ý tới những gì một người làm để khống chế người khác. Những điểm dưới đây có thể giúp vạch mặt kẻ bạo hành:

a. Khống chế bằng xung động và tâm lý, như:
- Gọi bạn bằng đủ thứ tên, mắng nhiếc, khinh bỉ, thường xuyên chỉ trích hay coi thường bạn hay khả năng làm chồng/vợ, cha/mẹ của bạn.

- Chở che bao bọc quá kỹ hay ghen tương quá độ.

- Làm khó dễ khi bạn muốn gặp bạn bè, bà con, hay xấu miệng về gia đình cũng như bạn bè của bạn.

- Ngăn cản không cho bạn đi tới địa điểm bạn muốn, thời điểm bạn muốn đi và người bạn muốn đi cùng.

- Tỏ vẻ kinh miệt hay làm bạn mất mặt trước sự hiện diện của người khác.

b. Khống chế tài chánh:
- Không cho bạn sử dụng quỹ gia đình, account nhà băng, hay xe cộ.

- Khống chế tất cả các nguồn tài chánh, đổ trách nhiệm những tiêu xài cho bạn, hay lấy tiền của bạn.

- Không cho bạn đi làm hay đi học.

- Giới hạn bạn sử dụng bảo hiểm sức khoẻ, răng, v.v.

c. Đe doạ:
- Doạ sẽ báo cáo cho thẩm quyền (cảnh sát, hay những dịch vụ bảo vệ trẻ em) về điều bạn không làm.

- Doạ sẽ hãm hại hay bắt cóc con cái.

- Làm bạn sợ qua lối nhìn, cử chỉ hay hành động.

- Phơi bày khí giới có ý cho bạn sợ, hay trực tiếp dùng khí giới để đe doạ.

- Làm bộ giận dữ hay mất tự chủ để bắt bạn phải làm theo ý muốn của anh/chị ta.

- Doạ sẽ “bật mí” khuynh hướng tính dục của bạn cho bà con, bạn bè nếu bạn là người “đồng tình luyến ái”.

d. Thật sự dùng bạo lực:
- Không còn đe doạ, nhưng thực sự hành hung bạn, con cái bạn, gia súc, phần tử trong gia đình hay tự huỷ hoại mình (đây là trường hợp bác sĩ Edward Van Dyk nói trên).

- Huỷ hoại tư sản hay quăng ném đồ vật chỗ này chỗ nọ.

- Nắm, đẩy, xô, đấm, đá, bạt tai, siết cổ, cắn.

- Ép làm tình, hay ép làm những tác động bạn không muốn.

- Ngăn cấm dùng thuốc hay săn sóc bệnh lý.

- Không được lấy thức ăn, đồ uống, ngủ nghỉ.

Không chỉ một mà có rất nhiều mánh khoé được người bạo hành áp dụng để khống chế người phối ngẫu, kẻ liên hệ tới mình. Nếu người vợ/chồng của bạn kìm kẹp tự do của bạn hay làm bạn sợ hãi, bạn có thể là nạn nhân của bạo hành trong gia đình đấy.

Bất cứ già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, đàn bà, giàu sang, nghèo hèn, Tây, Tàu gì cũng có thể là nạn nhân của bạo hành. Tuy nhiên nạn nhân của bạo hành trong gia đình thường là đàn bà và trẻ em.

a. Khi nạn nhân là các bà:
The Department of Health and Human Services cho biết, mỗi năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 4 triệu các bà các cô bị chồng, chồng cũ, hay kép sách nhiễu hành hạ. Bạo hành trong hôn nhân và gia đình thường không xảy ra một sớm một chiều. Từng bước từng bước nhỏ, bạo hành âm thầm đi vào đời sống bà vợ và âm thầm chậm chạp phá huỷ cái “ngã” của bà, làm cho bà cảm thấy mình không còn là mình, bị tha hoá.

Tính cách âm thầm làm cho nạn nhân không cảnh tỉnh. Tuy nhiên, nhiều đặc tính cho thấy mối tương quan vợ chồng đang bị lũng đoạn. Chẳng hạn bà vợ có thể thấy mình:

- Không thể tự quyết định về thời giờ, nơi chốn, ngay cả việc ăn mặc.
- Bị lên án về chuyện chẳng bao giờ làm.
- Phải xin phép chồng về bất cứ quyết định nào.
- Cảm thấy tủi thân vì bị hạ nhục hay khinh bỉ.
- Không có giờ cho gia đình, bạn bè vì sự đòi hỏi của chồng.
- Bị cưỡng ép làm tình.
- Sợ bị chồng nổi cơn lôi đình, nên chấp nhận quyết định của chồng.
- Bị vu khống là không chung thuỷ.
- Thay đổi cách cư xử để vuốt ve cơn giận của chồng.

Những hình thức bạo hành trên có một điểm chung: khống chế người vợ. Nhiều bà vợ chịu “nín thở qua sông” trong nhiều năm tháng, cam chịu “một mình mình biết, một mình mình hay” không muốn “vạch áo cho ngưới xem lưng”, vì “nói ra xấu thiếp hổ chàng”. Đôi khi người vợ tự nhận thân phận mình là thế. Tuy nhiên che dấu sự thể đàng sau khung cửa khoá chỉ làm cho sự sách nhiễu tiếp tục hoành hành và trở thành trầm trọng hơn.

Khi chỉ một mình bà vợ là đối tượng cho bạo hành của ông chồng, cả gia đình họ hàng đều bị ảnh hưởng, gần gũi nhất là con cái. Giống trường hợp cha/mẹ hút thuốc, con cái trở thành “second hand smoker”, và hậu quả còn tai hại hơn chính người hút.
b. Nạn nhân là trẻ em:

Thai nghén trong lúc bị sách nhiễu ngược đãi có thể coi là nguy hiểm cho sức khoẻ của cả mẹ lẫn  con. Những đứa con ra đời và phải lớn lên trong một gia đình có bạo hành, trạng huống của chúng thật đáng ngại.

Các em phải chứng kiến tận mắt những hành vi bạo hành, thấy những vết bầm, vết thẹo trên thân thể mẹ, thấy mắt mẹ quầng thâm. Nhiều em bị trầm cảm và cần trị liệu lâu dài sau khi chứng kiến cảnh mẹ bị hành hạ; có những em chỉ cần được đưa đi nơi khác, xa khỏi cái cảnh vừa bi thương, vừa hãi hùng, vừa đau lòng đó. Hiển nhiên là bạo hành trong gia đình ảnh hưởng sâu xa tới sự phát triển tâm sinh lý của đứa trẻ. Ít là 3.3 triệu trẻ em ở Hoa Kỳ phải chứng kiến và phải sống cái cảm nghiệm buồn đau đó.

Ảnh hưởng cấp thời của bạo hành lên đứa trẻ:

Phản ứng của đứa trẻ khi phải trải qua cơn bạo hành trong gia đình tái diễn nhiều lần lại tuỳ thuộc nhiều yếu tố về tuổi tác, phái tính, cá tính, và gia đình. Một số hậu quả trực tiếp có thể là:

1) Đứa trẻ có thể bị cuốn hút vào trong “cuộc chiến” và bị thương tổn.
- Nếu là con trai vào tuổi 15, 16, em sẽ can thiệp khi thấy mẹ mình bị ức hiếp.
- Nằm run sợ trên giường khi cuộc bạo hành đang diễn ra nơi phòng bên.
- Nấp vào một chỗ an toàn.
- Nhiều em có thể bị thương nặng, hay bị giết khi kẻ bạo hành muốn hoàn toàn khống chế.

2) Nhiều đứa trẻ sau khi trải qua những gì đã chứng kiến:
- Tự trách mình, cho rằng vì mình mà có chuyện.
- Khó ngủ, ác mộng.
- Trở lại thói quen thời nhỏ như mút tay, đái dầm.
- Sâu hơn trong phiền muộn, sợ hãi.
- Rút vào cô đơn, tránh chỗ đông người.
- Hung hăng ở nhà trường hay trở thành ác độc với súc vật.
- Ăn nói khó khăn, cà lăm.
- Nhức đầu, đau bao tử.

Ảnh hưởng lâu dài trên cuộc đời đứa trẻ:

- Khi lớn lên có thể sẽ lập lại những hành vi đã chứng kiến và in đậm trong tâm tư.
- Cảm thấy ân hận mãi vì đã không che chở được mẹ mình.
- Cần sa, ma tuý, nghiện ngập, bỏ học.

Một nghiên cứu của tiểu bang Massachusetts cho biết, những đứa trẻ này có thể rơi vào tình trạng tự sát sáu lần cao hơn bình thường, 24% có thể thành tội phạm hiếp dâm, 74% có thể gây tội hành hung người khác, và 50% có thể rơi vào tình trạng nghiện ngập ma tuý, rượu chè.

Bạo hành tự nó đã phức tạp. Bạo hành trong gia đình trong phong tục tập quán của Việt Nam có lẽ còn phức tạp hơn. Kiểu nói “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi,” và “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, dưới cái nhìn của bạo hành, phải chăng là muốn dành cho ai đó thế chủ động, khống chế? Xin quý độc giả đóng góp suy nghĩ của mình.

Mạch Sống Số 48, tháng 6, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=792