Bến Cũ
Date: Monday, June 26 @ 19:07:08 EDT
Topic: Lịch Sử Qua Lời Ke


Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Huy gặp Diệp lần đâu tiên trong buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập binh chủng không quân. Anh được đơn vị bình chọn là phi công đạt nhiều thành tích nổi bật trong năm.

Là một phi công trẻ, bô trai, hào hoa nên Huy được giới nữ sinh xếp vào loại “người yêu lý tưởng”. Anh có chiều cao vô địch trong nhóm phi công, vì thế bạn bè thường gọi anh là “Huy Bamboo”. Huy còn là tay chơi đàn dương cầm nổi đình đám trong các buổi trình diễn văn nghệ do đơn vị Không Quân tổ chức.

Phần trao hoa cho các chiến sĩ xuất sắc do toán nữ sinh trường Trung Học Sao Mai phụ trách. Lúc choàng vòng hoa cho Huy, Diệp không thể nào với tới, bởi anh cứ trong tư thế đứng nghiêm, thẳng lưng, ngẩng cao đầu. Bản Lục Quân Hành Khúc do ban quân nhạc hoà tấu đã chấm dứt. Mỗi quân nhân xuất sắc đều có vòng hoa trên cổ, riêng cặp Huy Diệp vẫn còn đứng tại chỗ giương mắt nhìn nhau. Sĩ quan phụ trách đến bên Huy nhắc khéo: “Đưa đầu cho cô bé tròng vòng... vào cổ đi”. Huy lấy mũ, cúi xuống đặt trán mình trên mái tóc của Diệïp, cả hàng quân cười khúc khích, khiến nàng ngượng chín người. Thực ra, Huy cố ý trêu cô nữ sinh có mái tóc dài đen tuyền che một phần khuôn mặt trái soan với má lúm đồng tiền trông rất “liêu trai”.

Hai người quen nhau từ đó. Sau khi đậu bằng tú tài, Diệp ghi tên vào đại học Huế. Qua năm thứ hai họ làm lễ cưới. Dự tính lấy xong bằng cử nhân văn chương, Diệp mới chịu sinh con.

Nhưng vận rủi âïp xuống. Cuối tháng 3, 1975, Vùng 1 chiến thuật mất vào tay Cộng Sản Bắc Việt. Chuyến bay cuối cùng không may bị đạn cộng quân bắn trúng, trực thăng của Huy phải đáp khẩn cấp và anh bị quân Bắc Việt bắt làm tù binh. Dù bị kẹt lại trong lao tù Cộng Sản, nhưng lòng Huy vẫn cảm thấy thoả mãn vì đã kịp thời gởi vợ anh, Trương Hoàng Diệp ra đảo Lý Sơn để di chuyển vào Sài Gòn. Diệp được bạn của Huy tận tình đưa nàng ra hạm đội sớm. Đến Hoa kỳ, nàng được một gia đình người Mỹ da trắng ở Tiểu Bang Washington bảo trợ. Thời gian đầu, cuộc sống tuy có phần chật vật, nhưng đỡ hơn nhiều so với những gia đình còn ở trong khu tạm trú.

Dù phải qua những năm dài vất vả vừa làm vừa học, Diệp đã tốt nghiệp và được giới thiệu vào làm trong hãng máy bay Boeing.

* * *

Ngày Huy ra tù, cha mẹ vợ báo cho chàng biết Diệp vừa lấy chồng. Như mũi dao đâm vào tim, tay chân anh rụng rời, chẳng còn lòng dạ nào ở lại dùng cơm tối với gia đình vợ. Huy ra về với cõi lòng tan nát. Không có lý do gì để trách Diệp, anh chỉ buồn cho số phận hẩm hiu của mình. Huy đã có dự định sẽ vượt biên để được đoàn tụ với vợ. Giờ thì niềm hy vọng ấy đã tiêu tan. Nhưng lòng khao khát tự do vẫn không ngừng thôi thúc anh ra đi.

Tháng Chín năm 1985, Huy cùng với bảy người bạn tâm đồng ý hợp nhất, tổ chức vượt biển trên chiếc xuồng một “lốc” mong manh giữa mùa mưa bão. Năm ngày lênh đênh trên biển, thuyền mang tám kẻ dũng cảm ấy tấp được vào bờ của một làng ven biển thuộc Mã Lai. Họ được tàu của Mã Lai đưa đến hải cảng Trengganu và chuyển qua đảo Pulau Bidong. Tại đây, Huyï chưa biết định cư tại quốc gia nào. Bất ngờ, chàng nhận được thư của Diệp gởi đến. Anh vô cùng ngạc nhiên, làm sao cô ấy biết được mình ở đây? Có thể Diệp cần chữ ký của mình trong đơn ly dị chăng? Huy hồi họp mở thư ra xem:

“Kính gởi anh Huy, Qua thư thầy me, em biết được anh đang ở trại tị nạn Pulau Bidong, nhưng không biết anh có được vào Mỹ không. Nếu anh muốn định cư tại Hoa Kỳ em sẵn sàng đứng ra bảo trợ cho anh với tư cách của một cousin. Như anh biết đó, em không thể nào sống đơn chiếc mãi. Đợi chờ anh chỉ là nỗi mong chờ vô vọng. Càng nhớ anh, em càng thấy nỗi trống vắng xót xa. Cuộc sống lênh đênh của em trên xứ người, nhờ vào sự đỡ đầu của một người Mỹ và định mệnh đã đưa đẩy em vào một nẻo đường mới.

Chồng em hiện nay là giám đốc trong phân xưởng Boeing, người đã nâng đỡ em ngay từ buổi đầu. Ông ấy ly dị vợ lúc năm mươi tuổi. Ban đầu chỉ là lòng kính trọng, sau thấy thương hại hoàn cảnh lẻ loi của ông, vì vậy em chấp nhận lời cầu hôn của ông ấy. Bà vợ cũ đã lấy chồng khác, giao lại đứa con gái cho ông chăm sóc. Hiện giờ nó đang học high school.

Giai đoạn đầu ở Mỹ khó khăn lắm anh ạ, thật lòng em muốn giúp anh vượt qua chặn đường đó. Cuộc sống của em hiện giờ tương đối ổn định. Em hy vọng anh bỏ qua tự ái của người đàn ông thường tình mà nghĩ đến tương lai sáng lạn của mình. Hãy quên đi những kỷ niệm đã qua. Giờ xin anh xem em như một người em họ. Với danh nghĩa này, em hy vọng sẽ giúp anh có nhiều cơ hội thành công...

Nhận được thư, anh nên trả lời gấp để em còn kịp làm thủ tục hồ sơ bảo trợ. Anh nhớ khai với Cao Uỷ Tỵ Nạn có người cousin là Diep Truong Thomas theo địa chỉ trong thơ. Em gởi anh cái check 500 USD để tiêu dùng.

Mừng anh đã thoát được cảnh lao tù khổ nhục, và giờ đây đất nước tự do đang chờ đón anh.

Em Trương Hoàng Diệp

* * *

Huy thẫn thờ đặt bức thư trên bàn, nét chữ của Diệp như nhảy múa trước mắt chàng. Hình ảnh của nàng vẫn còn đầy ắp trong trái tim nồng cháy của Huy, thế mà trong thư Diệp viết lại thản nhiên, như không vướng bận chút tình cảm nào, thẳng thắn và thực tế đến độ tàn nhẫn.

Từ ngày đến đảo, Huy chẳng thiết tha gì được vào đất Mỹ mà sẵn sàng chấp nhận đi bất cứ quốc gia Tây phương nào. Tuy nhiên, khi đọc thư của Diệp, chàng lại quyết định đến Hoa Kỳ. Huy muốn gặp Diệp một lần và muốn nhìn xem tận mắt cuộc hôn nhân mới của nàng hiện giờ ra sao. Dẫu biết lần chạm mặt trước thực tế bẽ bàng này có thể gây thêm thương tích cho trái tim chàng. Lòng nhớ thương và tính tò mò đã thôi thúc Huy đồng ý đề nghị của Diệp đứng ra bảo trợ.

Đúng ngày lễ Giáng sinh, Huy đến phi trường Seattle được Diệp cùng người chồng William Thomas và đứa con gái riêng của chồng, Christina đón tiếp. Cuộc hội ngộ với người “anh họ” khá niềm nở. Diệp ôm chàng trong phép xã giao của người Tây phương rất tự nhiên và chân tình như đứa em họ đích thực.

Kết hợp với lễ nửa đêm đón Chúa Hài Đồng là buổi tiệc tiếp đón Huy đầy thân tình. Khách mời, người nào cũng mang quà Christmas đến chúc mừng Huy. Diệp không mời khách nhiều, chỉ giới hạn một số bạn bè thân thiết của chồng. Trước cảnh gia đình hạnh phúc của Diệp, Huy nghe trái tim mình se thắt nhưng với lòng tự trọng, chàng vẫn giữ thái độ bình thản.

Mọi người hân hoan vào tiệc. Tiếng dương cầm ngân vang bản nhạc Đêm Thánh Vô Cùng do cô bé Christina độc tấu, rồi tuần tự là những bản nhạc tình du dương, âm thanh êm đềm như quyện vào men rượu nồng làm tăng thêm nỗi ngất ngây cho thực khách quanh bàn tiệc. Huy đã ngà ngà say, tâm hồn nghệ sĩ bị kích thích, chàng đứng dậy đến bên chiếc piano xin phép cô bé được đàn một bản. Dù đôi bàn tay bị chai sần sau những năm lao động khổ sai trong tù, dù đã mười năm không tập luyện, mười ngón tay chàng lướt trên phím ngà bản nhạc Histoire d’un amour như xuất thần trỗi lên âm điệu réo rắt làm say đắm lòng người. Cô bé Christina trố mắùt nhìn Huy đầy thán phục. Trái tim Diệp không biết có còn rung động trước âm thanh mang đầy những kỷ niệm xưa mà hai người đã từng bên nhau “anh đàn em hát”? Bản nhạc vừa dứt, cơn say ập tới, Huy gục đầu trên bàn phím. Ông Thomas dìu Huy vào phòng ngủ đã chuẩn bị sẵn từ mấy ngày qua.

Buổi sáng thức dậy, Huy ngạc nhiên trước căn phòng được trang hoàng khá sáng sủa. Mấy bộ áo quần mới treo trong tủ và một số đồ dùng hàng ngày được sắp đặt rất tươm tất trên các kệ. Chàng dạo quanh một vòng. Đây là loại phòng dành cho người độc thân, có đủ tiện nghi từ phòng tắm đến bếp ga và cả lối đi riêng hoàn toàn biệt lập với căn nhà chính.

Hai ngày nghỉ lễ, William đưa Huy cùng với đứa con gái đi xem các thắng cảnh ở vùng Seattle được mệnh danh là thung lũng Hoa Hồng. Cô bé đi bên chàng líu lo giới thiệu tên của các thắng cảnh và về lịch sử của vài công trình xây dựng có tính tượng trưng cho thủ phủ của Tiểu Bang Washington. Diệp ở nhà mua sẵn thực phẩm để trong tủ lạnh cho Huy tự nấu ăn.

Vào ngày lễ đầu năm dương lịch, Huy cùng gia đình ông bà Thomas đến dự tiệc tại nhà bạn thân của vợ chồng họ. Chàng được giới thiệu là cousin của Diệp từ đảo mới qua, mọi người bắt tay chúc mừng.

Sau hai tuần lễ nghỉ ngơi, Huy ngỏ ý với Diệp sẽ thuê một nhà khác. Nàng ân cần khuyên nhủ:

“William rất quý mến anh. Ông ấy muốn giúp đỡ anh có hoàn cảnh thuận lợi để trở lại trường học. Nếu anh đặt nặng tương lai của mình và thắng được tự ái, chắc chắn anh sẽ có cơ hội tốt để tiến thân.” Diệp ngừng nói, nhìn Huy như dò ý rồi tiếp:

“Căn phòng đó là do ông ấy quyết định dành riêng cho anh ở hoàn toàn miễn phí. Khi nào cuộc sống ổn định, có việc làm hẳn hoi, chừng đấy anh muốn thế nào cũng được. Hôm qua Bill dự tính chờ khi anh lấy xong bằng lái sẽ tặng anh chiếc xe Ford đời cũ của ông để anh đi học và đi làm. Em thấy đó là phương tiện cần thiết đối với anh hiện giờ”.

Qua những lời khuyên của Diệp, Huy cảm nhận được trong đáy lòng nàng, một tình cảm sâu kín nào đó bị ngăn chận vì hoàn cảnh. Diệp thật lòng không muốn Huy vấp ngã bởi những khó khăn mà nàng đã trải qua và những kinh nghiệm thất bại của những người đến trước. Đó là lý do chính đáng thúc đẩy chàng ở lại. Và giờ đây, Huy biết mình phải làm gì. Đối với chàng hiện tại là phương tiện, mà tương lai mới là cứu cánh. Cứu cánh đó sẽ là phần thưởng dành cho cả quãng đời còn lại của chàng.

Dường như trong tiềm thức, Huy không muốn xa Diệp và cả Diệp cũng không muốn rời Huy, dẫu cuộc sống của hai người đã có lằn ranh phân định và tình cảm của cả hai có bức tường đạo nghĩa ngăn cách.

(xem tiếp kỳ sau)

Mạch Sống Số 48, tháng 6, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=790