Vốn Xã Hội
Date: Monday, June 26 @ 15:40:35 EDT
Topic: Quan Điểm


TS. Nguyễn Đình Thắng

“Vốn xã hội” (social capital) là một khái niệm tương đối mới, chính thức ra đời năm 1972

Vốn xã hội là những gì nối kết con người lại với nhau tạo nên hợp quần. Nó có ba chiều kích: cơ cấu, quan hệ, và tri thức.

Cơ cấu là những phương tiện để con người biết, quen, và đối tác với nhau. Cơ cấu có thể chặt chẽ như đoàn thể hay lỏng lẻo như nhóm bạn.

Quan hệ là sợi dây nối kết, là chất keo sơn giữa những con người với nhau, mà căn bản nhất là niềm tin, sự tương kính, và tinh thần hợp tác.

Tri thức là nhịp cầu cảm thông, là sự hiểu biết về nhau, là sự am tường phương thức bồi đắp cho cơ cấu xã hội và tăng trưởng các mối quan hệ xã hội.

Vốn xã hội, đôi khi được xem đồng nghĩa với xã hội dân sự (civil society), là xương, là máu, là linh hồn của nền dân chủ.

Cộng đồng người Việt còn rất non trẻ ở Hoa Kỳ nên chưa có nhiều thời gian để tích luỹ vốn xã hội.

Về cơ cấu, chúng ta hãy còn nghèo nàn và cục bộ. Các tổ chức thường chỉ nghĩ đến củng cố chiều sâu cho mình mà thiếu nối kết với các tổ chức bạn.

Giáo Sư Robert Putnam thuộc đại học Harvard nhận xét rằng một tổ chức phát triển cơ cấu quá thiên lệch về chiều sâu có thể gây tai hại cho tập thể rộng lớn hơn. Điển hình là những tổ chức chính trị và đảng phái quá nặng sắc áo mầu cờ dễ dẫn đến độc tôn. Họ dùng tiểu xảo để củng cố cho chính mình nhưng đào hố cách biệt về cảm thông và làm tiêu tán niềm tin.

Về quan hệ, chúng ta còn nhiều ngờ vực lẫn nhau, một phần do hậu quả của bao nhiêu năm sống dưới chế độ cộng sản và một phần do tập quán sinh hoạt ở ngay tại Hoa Kỳ. Trong cộng đồng chúng ta, sự hợp tác chỉ là ngoại lệ, còn thái độ đố kỵ, dè chừng mới là phổ biến. Trong chúng ta nhiều người vẫn chưa quen “dung dị”, nghĩa là chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt ý kiến, mà thường “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. 

Về tri thức, chúng ta hãy còn thiếu những tiếng nói ngay thẳng và khách quan để hướng dẫn dư luận và thăng hoa cộng đồng. Nhiều tờ báo dù đứng đắn về ngôn từ nhưng thiếu dũng cảm để nêu ra sự thực, bênh vực kẻ thế cô, tranh đấu cho công lý, hoá giải những mâu thuẫn và xung đột thay vì chạy theo thị hiếu hay “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Một số người cầm bút thiếu trách nhiệm, phỉ báng những ai không ưa một cách vô tội vạ và bằng những ngôn từ khiếm nhã, làm lu mờ đi niềm tin vào sự tử tế và tầm quan trọng của nhân cách.

Khi chúng ta còn nghèo “vốn xã hội” thì cộng đồng chúng ta chưa thể hoà mình vào với đại khối là xã hội Hoa Kỳ. Chúng ta lại cũng chưa phải là tấm gương sáng cho những đồng bào khao khát dân chủ ở quê nhà. Để xây dựng cộng đồng lành và mạnh, chúng ta cần ráo riết tích luỹ vốn xã hội.

Trong phạm vi khiêm tốn của mình, BPSOS làm công việc này trong tám năm qua. Để xây dựng cơ cấu và quan hệ xã hội, chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, và giúp tạo năng lực cho nhiều hội đoàn bạn, với điều kiện hội đoàn ấy phải quyết tâm thành công và sẵn sàng hợp tác với ít ra một hội đoàn khác.

Để phát triển tri thức, chúng tôi xuất bản Báo Mạch Sống, với lưu lượng 90,000 và có khi lên đến 150,000 mỗi tháng, với chủ trương hướng thượng và xây dựng. Chúng tôi đang phát triển thêm chương trình phát thanh và truyền hình tiếng Việt.

Tuy nhiên, những công việc này chỉ là một tiếng chuông gióng lên, một hạt mầm gieo xuống. Góp vốn xã hội cho cộng đồng là việc của mọi người.

Hơn ba thập niên đã trôi qua, giờ đây không phải là quá sớm nhưng vẫn chưa quá trễ để bắt đầu công cuộc dài lâu này.

Mạch Sống Số 48, tháng 6, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=786