Đúng Việc, Đúng Cách
Date: Thursday, May 11 @ 15:13:53 EDT
Topic: Quan Điểm


TS. Nguyễn Đình Thắng

Cộng đồng Việt lại thêm một lần đánh dấu ngày 30 tháng 4. Ba mươi mốt năm là quãng thời gian thật dài trong đời người nhưng lại thật ngắn cho một cộng đồng.

Cộng đồng chúng ta còn rất non trẻ và vì thế còn nhiều vấp váp.
Một vấp váp phổ cập là việc thành lập và điều hành các tổ chức mệnh danh cộng đồng.

Do ao ước tạo thế lực cho tập thể người Việt tị nạn, ở nhiều nơi những vị có lòng đã thành lập các tổ chức cộng đồng. Họ tổ chức tranh cử và kêu gọi người Việt trong vùng đi bỏ phiếu để hợp thức hoá tính cách đại diện.

Việc làm này, xuất phát từ thiện chí, lại dẫn đến trở ngại về chính danh, hiệu năng, và đoàn kết.

Về chính danh, không một hội đoàn tư nhân nào được phép đại diện chung chung cho mọi người.

Luật hội đoàn ở Hoa Kỳ ấn định hai loại tổ chức: có thành viên và không có thành viên. Thành viên là những ai chính thức nộp đơn tham gia. Họ có quyền bầu cử Hội Đồng Quản Trị và có một số quyền lợi của hội viên do hiến chương ấn định. Các tổ chức có thành viên chỉ đại diện cho thành viên trong phạm vi nội quy và hiến chương. Các nghiệp đoàn Hoa Kỳ nằm trong loại này. Còn các tổ chức không thành viên thì phục vụ nhưng không đại diện.

Phần lớn các tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp của Hoa Kỳ nằm trong loại này.

Các tổ chức mệnh danh cộng đồng, không có thành viên hoặc chỉ có một số nhỏ hội viên, nhưng lại muốn đại diện bao trùm mọi người Việt ở trong vùng. Giỏi lắm những tổ chức này chỉ có thể đại diện cho những ai đã tham gia bỏ phiếu cho họ, nếu xét hành động bỏ phiếu là mặc nhiên tham gia tổ chức.

Dựa theo thể thức bầu cử của chính quyền Hoa Kỳ, có người lập luận rằng những ai không tham gia bỏ phiếu là mất quyền lợi chọn lựa và phải chấp nhận tính đại diện của mình.

Hội đoàn tư nhân không phải là chính quyền. Những ai chọn sinh sống ở Hoa Kỳ tự động phải chấp nhận hiến pháp của quốc gia này nhưng không ai có quyền bắt họ phải chấp nhận hiến chương của một tổ chức tư nhân.

Kiểm soát nội bộ (internal control) là nền tảng của mọi tổ chức, hội đoàn, công ty, hay chính quyền. Nhận rằng mình đại diện cho mọi người có nghĩa mời chào mọi người can dự vào nội bộ của tổ chức trong mọi lãnh vực, dẫn đến tình trạng tê liệt, thiếu liên tục, hay lắm thầy thối ma.

Chẳng hạn, khi tổ chức có ngân khoản để phục vụ nhóm A thì người bàng quan, mà bình thường chẳng đóng góp gì, cũng có thể nhao nhao đặt vấn đề tại sao không giúp nhóm B, C… Z. Đúng ra chỉ những thành viên chính thức của tổ chức (có ghi danh tham gia) mới có thẩm quyền ấy.

Hiểu lầm rằng mình có quyền đại diện trùm lên mọi người dễ đưa đến mâu thuẫn trong cộng đồng. Khi hai nhóm cùng ngộ nhận như vậy thì tự động trở thành dẫm chân và kình chống nhau. Và người dân không hiểu rõ vấn đề thì lại cho rằng cộng đồng chia rẽ.

Thực ra đó chỉ là mâu thuẫn giữa hai nhóm mà chẳng nhóm nào có tư cách đại diện bao trùm. Nếu một tổ chức theo đúng quy cách và chỉ đại diện cho thành viên của mình thì sẽ không có lý do để mâu thuẫn như vậy xảy ra.

Xây dựng thế lực và tiếng nói cho cộng đồng là việc đúng và cần thiết. Nếu làm đúng cách thì cộng đồng chúng ta sẽ có cơ hội phát triển ngang tầm với những cộng đồng bạn. 

Mạch Sống Số 47, tháng 5, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=770