Những Cuộc Tình Duyên Ngoài Ý Muốn
Date: Friday, April 21 @ 15:24:13 EDT
Topic: Mái Ấm Gia Đình


  Lm. Lê Văn Quảng

LTS: Bài này đã được đăng trên Bán Nguyệt San Điện Tử “Chứng Nhân Đức Kito” số 42, ngày 193/2006/. Linh mục Lê Văn Quảng đồng ý cho phổ biến lại trên trang Hôn Nhân và Mái Ấm Gia Đình của Mạch Sống. Linh Mục Lê văn Quảng, bác sĩ tâm lý (Doctor Psychology), đang làm việc truyền giáo tại Đài Loan, rất ưu tư về vấn đề các cô gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan. Hàng ngày linh mục nhìn thấy những tin tức, những sự kiện bất hạnh trong cuộc sống của họ. Ngoài vấn đề làm tâm lý trị liệu (psychotherapy) cho họ bất cứ lúc nào họ cần, mỗi tháng linh mục đến trung tâm của linh mục Nguyễn Văn Hùng, một trung tâm chuyên giúp đỡ các công nhân và cô dâu Việt Nam ở Đài Loan, để nói chuyện với họ về những vấn đề tâm lý. Linh muc kêu gọi sự cộng tác gióng lên tiếng nói đê đả phá quan niệm sai lầm rằng lấy chồng Tàu là một sự may mắn.



Tôi  đang bị thu hút bỡi một vài tin tức nóng bỏng trên đài truyền hình, liên quan đến những người đồng hương của tôi: một cô gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan đã bị người chồng lấy ghế đập vào đầu, bị trọng thương và được đưa vào nhà thương cấp cứu; một cô khác đã uống thuốc tự tử vì khơng chịu nổi cảnh hành hạ của một anh chồng bị bệnh thần kinh, nhưng may mắn cũng đã được cấp cứu kịp thời; và một cô khác nữa đã bị nhà chồng bỏ đi, đi đến rã rời kiệt sức, bị họ lôi ra vứt bỏ ở nghĩa địa, nhưng may mắn đã có người tình cờ đi qua nên đã được cứu sống… Nghe xong bản tin, tôi cảm thấy ngậm ngùi, se thắt, thương thay cho thân phận dân mình sao cứ mãi lâm cảnh khốn cùng, cơ cực. Trong lúc tôi  đang trầm ngâm suy nghĩ thì bỗng nhiên tiếng chương điện thoại reo vang. Tôi vội vàng đến nhấc chiếc điện thoại lên nghe. Ở đầu giây bên kia có tiếng rộn ràng phấn khởi của người bạn già của tôi. Tôi liền nghĩ: có lẽ hôm nay ông vớ được một điều gì may mắn nên muốn gọi đến để chia xẻ với tôi chăng? Tôi bắt đầu:

 - Hello!

Bên kia đầu giây, ông bạn già rộn rã:

- Hôm nay vui quá cậu ơi! Tớ đâu có ngờ có mấy cô nàng Việt Nam tìm đến thăm tớ. Chúng nó đến đây, đem theo thức ăn đầy đủ và nấu ăn trưa ở đây. Mình được một bữa thưởng thức những món ăn Việt Nam thật là ngon.

- Cậu có phúc quá. Cậu ở mãi trên đỉnh núi mà cũng có người lê bước đến thăm. Tớ nằm ở dưới đồng bằng nhưng chẳng thấy cô nào đến thăm cả. Nhưng mà được bao nhiêu cô đến thăm nè?

- Những 6 cô. Ba cô ở vùng tớ đây và ba cô ở vùng Đài Bắc đến.

- Các cô có tâm sự gì với cậu khơng? Các cô sống thế nào?

- Mấy cô ở vùng tớ thì suốt ngày đi bán bánh chưng với chồng.

Cuộc sống khá long đong vất vả, cũng chỉ kiếm đủ tiền để sống qua ngày thôi. Nhưng bây giờ thì sắp có con rồi. Không biết chúng nó có nuôi nổi con không. Cái nghề bán bánh chưng ở đây thì làm gì khá nổi. Thấy cũng đáng thương hại thật. Mấy cô Đài Bắc tương đối trẻ trung và đẹp gái hơn, ăn mặc sạch sẽ và có vẻ xảnh xẹ.

Mình có hỏi về tình duyên họ thế nào? Hầu hết các cô đều lặng thinh. Nhưng cô một cô chia xẻ một cách rất chân thành: cô là con nhà tốt lành và đạo đức ở vùng Hố Nai. Gia đình Bắc di cư vào Nam năm 54. Cô bây giờ mới chỉ hai mươi mấy tuổi. Nhưng chồng cô hiện thời là một cụ già cũng gần 65 rồi. Khi làm giấy tờ sang Việt Nam lấy vợ thì họ bớt tuổi xuống chỉ còn năm mươi mấy tuổi thôi.

Làm sao mình có thể yêu được một ông cụ như vậy. Thôi cũng ráng chịu đựng vài ba năm. Ban ngày thì nấu cơm nấu nước, lau nhà lau cửa, làm công việc của một người nội trợ. Ban đêm thì chu tồn nghĩa vụ của một người vợ đối với cụ già cho nó yên chuyện.

Mỗi tháng họ cho được vài ba trăm đô. Tạm như vậy ít năm để kiếm được số vốn rồi mới giã từ cụ già trở về Việt Nam đi lấy chồng khác.

Đây mới chỉ là một trong mươn vàn những mẫu chuyện tình gượng ép, khiến chúng ta phải suy nghĩ: Hôn nhân hay là một cuộc mua bán nô lệ?

Tôi còn nhớ cách đây một thời gian khá lâu, tôi có đọc tờ báo China Post. Tờ báo có đăng bản tin một anh chàng Đài Loan sang Việt Nam lấy vợ. Anh ta là một người hào hoa, thích chơi sang kiểu công tử Tàu nên chỉ muốn lấy con gái Việt Nam thôi. Anh có đến những 4 cô vợ Việt Nam, nhưng cô nào cũng chỉ sống với anh ta trong một thời gian ngắn, sau đó thì anh ly dị. Cô vợ thứ nhất về chung sống với anh được 6 tháng, sau những tháng ngày trăng mật, anh tìm cách gây gỗ, tạo nên những lục đục, rắc rối để rồi sau đó anh có cớ để ly dị. Và trước khi anh định làm giấy tờ ly dị, người bố mới bảo anh rằng nếu anh không thích nữa thì để cô ta lại cho bố vì cô bé xem ra cịn quá trẻ trung xinh đẹp. Thế là thằng con làm giấy tờ ly dị chuyển sang cho bố. Cô bé nầy từ tư thế là con dâu bây giờ trở thành người mẹ kế mẫu. Anh chàng nầy lại xin giấy đi Việt Nam lấy một cô vợ khác. Nhưng cũng chỉ trong một thời gian không lâu, anh cảm thấy không thích nữa và lại đị làm giấy ly dị cô ta. Người anh ruột của anh chàng nầy nhìn thấy cô bé đẹp gái, dễ thương nên bảo em làm giấy để lại cho anh. Thế là anh nhờ văn phòng luật sư làm giấy tờ chuyển nhượng cho người anh. Ít lâu sau, anh lại lên đường đi Việt Nam để lấy cô vợ khác nữa. Nhưng vốn bản tính đa dâm, lúc nào cũng chỉ muốn hưởng dùng những cái mới, nên cũng chỉ sau thời gian trăng mật anh lại đưa nàng ra tòa để làm giấy ly hôn. Lần nầy thì đứa em trai của anh thấy cô bé cũng khá xinh xắn, hấp dẫn nên mới bảo anh làm giấy tờ để lại cho em. Thế là chỉ trong vịng một thời gian ngắn ngủi anh đã lấy được những 3 cô vợ Việt nam. Nhưng chưa đủ, sau khi đã làm giấy tờ chuyển giao, anh lại lên đường đi Việt nam để lấy một cô vợ khác.

Và dĩ nhiên, vì mục đích của anh không phải là thật tình muốn lấy vợ để cùng nhau xây dựng một đời sống an vui và hạnh phúc gia đình, nhưng là đi tìm những con người đẹp, trẻ trung, tốt lành, đơn sơ để thõa mãn cho thú tính của anh, nên cũng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, anh lại đưa ra tòa ly dị. Cơ vợ thứ tư nầy vì không còn ai trong gia đình để chuyển giao nữa, nên mọi người trong nhà mới bàn với anh làm giấy tờ để nĩ trở thành người giúp việc trong gia đình, lo phục dịch cho hết mọi người trong nhà. Thế là cô dâu thứ tư từ tư thế là một con dâu xuống thành một đứa ở giúp việc trong nhà. Bỡi vì anh ta ra tịa ly dị và làm giấy chuyển giao quá nhiều lần nên chính quyền đã chú ý và đặt vấn đề: liệu có còn luân thường đạo lý trong một gia đình và một xã hội như thế nữa khơng?

Những mẫu chuyện lâm ly bi đát như thế xảy ra mỗi ngày trên hòn đảo Đài Loan bé nhỏ nầy khiến chúng tôi không thể nào không quan tâm đến được. Cách đây mấy ngày tờ báo China Post cũng đã đăng tin: ba cô dâu Việt Nam đã bị bán cho một nhà thổ của xã hội đen ở Chang-Hoa. Các cô đã phải làm việc ở đó gần một năm trời nhưng rồi nhà thổ chẳng hề cho họ được một đồng xu nào. Mỗi ngày  các cô phải tiếp 10 người khách, không có giờ ăn, không còn giờ ngủ. Lúc đầu, các cô muốn chống cự nhưng không thể được, và vì trong hồn cảnh không có cách nào khác hơn nên về sau các cô đã phải cố gắng giả đị vui vẻ sống để chờ ngày kiếm đường thốt thân. Trong lúc còn đang suy tính, không biết ai đã chỉ điểm, cảnh sát đã đến bố ráp và đã giải thoát các cô. Ơi thật là may mắn!
Và còn, còn rất nhiều những mẫu chuyện thật bi hùng mà chúng ta không thể nào kể cho hết được mỗi khi chúng ta đề cập đến vấn đề Cô Dâu Việt Nam.

Trước đây rất ít người Đài Loan biết đến người Việt Nam vì hòn đảo bé nhỏ nầy không muốn du nhập những người ngoại quốc, ngoại trừ một số sinh viên đi du học. Sau năm 1975, số sinh viên Việt Nam du học ở đây cũng tìm cách di dân sang các nước khác vì họ cảm thấy hòn đảo nho nhỏ hấp dẫn nầy không thể nào thốt khỏi ý đồ xâm lăng của Trung Cộng. Nhưng rồi, vào mùa Thu năm 1987, bỗng nhiên một số chàng trai Việt Nam tuấn tú, trẻ trung, có dòng máu mạo hiểm đã dám liều mình phiêu lưu vào mảnh đất bé nhỏ nầy, chấp nhận cuộc sống can cường dấn thân và phục vu. Họ là những chàng trai trẻ tuổi vừa học xong chương trình Trung Học hoặc vừa tốt nghiệp chương trình Đại Học ở Mỹ. Họ sẵn sàng từ bỏ tất cả: gia đình, bạn bè cũng như đời sống phù hoa của miền đất phồn vinh Hoa Kỳ để dấn thân vào vùng đất xa lạ nầy với mục đích mang Tin Mừng cho những con người chưa được diễm phúc đón nhận Phúc Âm. Hầu hết họ phải trải qua một thời gian khá dài 10 năm trời để học Ngôn Ngữ, Triết Học, và Thần Học. Trong số họ cũng có một ít người lớn tuổi. Đây là những con người rất có thiện chí, muốn tận hiến quãng đường đời còn lại để phục vụ cho những con người đau khổ và bất hạnh. Quả thật, họ là những con người thật anh hùng, dám hy sinh tất cả để chọn lấy một đời sống nghèo hèn, thiếu thốn, xả thân phục vụ cho nước trời và cho tha nhân. Và cũng từ đó người Đài Loan biết nhiều hơn về người Việt Nam qua những khuôn mặt truyền giáo khả ái nầy.

Nhưng rồi, bỗng dưng trong thời gian mấy năm gần đây, con số cô dâu Việt Nam nhập cảnh vượt quá kỷ lục. Chỉ trong vòng mấy năm mà đã có đến 100000. Cô dâu Việt Nam sang Đài Loan dưới hình thức hôn nhân. Đâu đâu cũng nghe người ta nói đến cô dâu Việt Nam. Một số người còn mỉa mai nữa: “Tội nghiệp cho các cô dâu Việt Nam, hết bị chồng đánh đến bố mẹ chồng đánh. Ngay cả đến các em chồng cũng lên tiếng mắng chưởi, nguyền rủa như những dân nô lệ ngày xưa không kém. Trông thật đáng thương!”

Quả thật, họ thương hại cho những con người xấu số, những người bạc phước, bất hạnh. Họ không là thân nhân, khôg là người Việt nam, nhưng chỉ nhìn thấy những hoàn cảnh đáng thương tâm, họ cũng cảm thấy ngậm ngùi se thắt.

Là người Việt Nam, chúng ta phải làm gì trước những hoàn cảnh đáng thương đó? Trong những năm gần đây, đã có nhiều tổ chức cố gắng làm những gì có thể để giúp những cô dâu nầy cô được một đời sống khả quan hơn. Nhưng kết quả như muối bỏ biển, phong trào đi lấy chồng Đài Loan ngày càng trào dâng như cơn sóng thần cuồn cuộn tràn ập vào hòn đảo bé nhỏ nầy mặc cho những thương đau, những giọt lệ, những máu đào của những cô dâu đi trước vẫn côn phơi bày nhan nhản trước mắt họ. Quả thật, họ là những con người liều lĩnh một cách quá táo bạo bất chấp mọi hậu quả không may xảy đến. Vì thế, ở đây tôi muốn nói riêng với những bậc làm cha mẹ:

Là những bậc cha mẹ, chúng ta không thể nào nhắm mắt làm ngơ trước cảnh con cái mình đang bị đánh đập một cách tàn nhẫn như những người nơ lệ của những thế kỷ trước bỡi những người chồng vũ phu, những người chồng tật nguyền, hay những người chồng bất bình thường bỡi bệnh tâm thần. Làm sao lương tâm chúng ta có thể an bình nằm nhà tận hưởng một chút tiện nghi do những đồng bạc được bố thí bỡi những con người man rợ, dã tâm đó trong khi con cái mình phải chịu muôn vàn gian khổ và tuổi nhục.

Hãy mở mắt thật to để nhìn cho thật rõ những giòng lệ như những giòng suối không hề ngưng, đang chảy từ đôi mắt đẫm lệ của những đứa con mình đang hướng nhìn về quê mẹ trong cảnh tuyệt vọng.

Hãy mở rộng đôi tai để nghe thấu tiếng kêu gào thổn thức giữa đêm thâu của những đứa con bất hạnh đang nghẹn ngào tức tưởi, bỡi lẽ tiếng kêu cầu của họ không một ai đối nhìn.

Hãy mở cửa lòng để con tim mình biết rung động trước những cảnh tượng quá thương đau và đầy tủi nhục của những đứa con mình đang bị đãy đọa như những người nô lệ bỡi những con người ác nhân, ác đức.

Đừng đò hỏi con mình phải có những hy sinh vượt quá lý trí con người. Hy sinh cho gia đình, cho người khác là một điều cao thượng và đáng khích lệ, nhưng cách thế mà chúng ta đưa con cái chúng ta hy sinh ở đây thì không phải là phương cách tốt. Chắc chắn không một cha mẹ nào cảm thấy an vui và hảnh diện khi biết rõ sự thật của những đứa con mình đang rơi vào tình trạng đáng thương như vậy.

Qua bài viết nầy, tôi muốn chia xẻ một chút tâm tình cũng như muốn giọng lên tiếng nói chân thành trước những sự thật phũ phàng mà hàng ngày tơi vẫn được chứng kiến nhưng ít có người muốn nói lên, để giúp các bậc làm cha mẹ biết rõ sự thật dẫu cho đó là một sự thật đau lòng của những cuộc tình duyên gượng ép, trá hình dưới hình thức hôn nhân mà nhiều kẻ gian thương đã lợi dụng để làm công việc thương mại cho chính họ.

Hôn nhân không phải là một trò chơi, một công việc mua bán, một công việc đổi chác, mà là một sự quyết định, một sự chọn lựa tình yêu, một lần cho suốt đời, nó có ảnh hưởng lớn lao đến cuộc đời của con cái mình cũng như cho cả những thế hệ con cháu mình trong tương lai.

Để kết thúc, tôi muốn mượn câu ca dao tục ngữ rất được thịnh hành trong dân gian để làm câu kết cho những tâm tình của tôi trong bài viết nầy:

Tiếc thay cây Quế giữa rừng
Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo!  

Mạch Sống Số 46, tháng 4, 2006 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=759