Một Ý Nghĩ về Mái Ấm Gia Đình
Date: Thursday, March 23 @ 15:43:36 EST
Topic: Mái Ấm Gia Đình


Bùi Ngọc

Đề tài này đã được nhiều người quan tâm tới nền giáo dục gia đình đề cập tới với những ý nghĩ và trình bày tư tưởng khác nhau. Chung quy họ mong mỏi đem đến nhiều lợi ích thực tế cho hạnh phúc của mỗi người. Theo thiển ý, mỗi ý kiến là một góp nhặt tạo niềm vui tươi cho mọi người.

Trong bài này, tôi xin khơi lại một khía cạnh thiết thực để sưởi ấm tình gia đình. Ý nghĩ hoàn toàn không mới mẻ. Người viết chỉ muốn trình bày lại một sự thật vốn có trong nhiều gia đình, nhưng vì một vài lý do nào đó, thói quen tốt đẹp ấy đã vô tình bị sao nhãng hay dần dần bị lãng quên.

Nhân dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, tôi nghĩ lại những ngày sống tại quê hương vào dịp này. Tôi khó quên được những buổi gói bánh chưng trong nhiều gia đình. Đó là điều nổi bật nhất trong những nghi thức đón mừng năm mới khi chúng ta còn sống tại miền bắc. Khí trời vào dịp Tết tại miền bắc khá lạnh lẽo với những ngày “mưa bay bay” chỉ đủ làm ướt tà áo của những người đi chơi xuân. Những cảnh mưa phùn và gió đông ở miền bắc cũng đã từng tạo nên nhiều cảm hứng cho thi nhân mặc khách. Gợi lại thời tiết đặc biệt này có thể làm một số người tưởng nhớ lại thời xa xưa êm đềm ấy. Rồi nhớ nhà nhớ quê vào dịp lễ hội đặc biệt này.

Bánh chưng đối với hầu hết những người sống ở miền bắc là một đặc thù hay tiêu biểu cho mỗi dịp đón xuân sang. Cho nên, trong những gia đình tương đối khá giả, họ thường quây quần con cháu lại để gói bánh chưng “ăn Tết”.

Vào dịp này, dù ở xa, con cháu cũng cố trở về nhà cha mẹ họp mặt. Trong khi sửa soạn cho công việc, họ đã cảm thấy niềm vui tươi và đầm ấm của gia đình. Mỗi người một việc. Nhiều câu chuyện trao đổi. Nào ngâm gạo nếp rồi xay đậu. Gạo nếp và đậu dùng vào việc gói bánh cũng cần chọn lựa kỹ càng.

Việc này phải làm trước ngày gói bánh mấy ngày.

Họ không quên sang hàng xóm “đánh đung”, một phần thịt lợn để làm nhân cho bánh chưng. Phải nói kiểu ấy mới diễn tả hết tập tục ngày xưa ở quê hương miền bắc. Gói bánh chưng cần lá giong. Loại lá này giai và mềm mại thích hợp cho bánh này. Khi thiếu họ mới dùng lá chuối thay thế. Dây để buộc tấm bánh tất nhiên cần dây lạt. Loại này làm ra từ những thân cây tre hay nứa. Việc này thường do các ông đảm nhận. Những phức tạp để tạo phần nhân bánh cho ngon là do sự khéo léo và tinh xảo của các cô, các bà. Gói bánh có thể “bằng tay” hay bằng khuôn tuỳ theo mỗi người. Khuôn làm bằng bốn thanh gỗ nhỏ đóng lại thành hình vuông. To nhỏ tuỳ nhu cầu đòi hỏi.
Tới ngày gói bánh, họ phối trí mọi việc lớp lang. Nơi để lá, gạo nếp, đậu, thịt và nhân rồi giây lạt. Việc này coi như khá nặng nhọc nên người ngồi gói bánh thường là đàn ông. Lẻ tẻ một số bà phụ giúp. Mọi vật liệu cần thiết được xếp chung quanh người gói bánh để tránh đi những cử động dư thừa. Những tấm bánh vừa hoàn thành được xếp vào một nơi bên cạnh để rồi người bên ngoài tới chuyển đi dần dần. Trong khi làm việc họ kể nhiều chuyện vui làm sống động buổi họp mặt của gia đình. Xen vào đó là những tiếng con nít la lối, reo vang hay giận hờn tạo thêm sinh khí đầm ấm thực sự của gia đình vào dịp vui cuối năm. Quang cảnh gói bánh chưng trong một gia đình vui nhộn như một dịp lễ hội nhỏ. Cho nên người ta mới nói không khí Tết đã bắt đầu.

Phần cuối cùng là nấu bánh chưng. Họ phải “thiết lập” một bếp riêng, thích hợp cho một nồi lớn đủ chứa nhiều bánh được nấu một lúc. Bếp được đun bằng những thanh gỗ lớn. Những công việc nặng nhọc này phải do các ông.

Tới khi canh chừng bếp là phần vụ của các bà. Con nít ngồi vây quanh nồi nấu bánh chưng “chờ đợi”... Việc nấu bánh kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, nhưng không sao. Trời mùa đông giá lạnh ở miền bắc mà ngồi bên bếp lửa hồng là một thích thú cho nhiều người. Họ tụ họp từng nhóm chung quanh bếp để kể chuyện, chơi bài hay hàn huyên “tâm tình”.

Ở đây người ta mới nhận ra tình yêu thương và vui thú trong gia đình. Hình như gói bánh chưng chỉ là một dịp để nhiều gia đình tụ họp lại bên nhau. Trong khi chờ đợi bánh chưng, rảnh rang, họ kể cho nhau nghe nhiều chuyện vui buồn trong gia đình. Câu chuyện có thể làm gia tăng tình nghĩa gia đình hay là dịp họ tha thứ cho nhau những hiểu lầm trong quá khứ.

Bánh chín được vớt ra và xếp ngay ngắn tại một nơi để ép bớt nước. Công việc này cũng cần khéo léo để giữ cho hình thù tấm bánh vẫn gọn ghẽ và xinh đẹp như lúc chưa nấu. Tất nhiên sau khi ép, mỗi tấm bánh còn được “o bế” lại cho hoàn chỉnh hơn. Sau đó bánh mới được đưa ra cho mọi người thưởng thức.

Thật là một công trình với nhiều diễn tiến vất vả. Ăn kẹp với bánh chưng thay đổi theo từng vùng hay từng người. Một số ăn với mức hay đường. Có khi họ ăn với nước mắm hay tại miền nam họ thường ăn chung với “dưa món”.

Tục lệ gói bánh chưng tại mỗi gia đình kiểu ấy ít còn duy trì trong cuộc sống ở miền nam vì nhiều lý do. Cuộc sống vội vã và nhiều thú vui ở Hoa Kỳ không còn cơ hội duy trì tục lệ tốt đẹp này của người Việt Nam sống xa quê nhà.

Thật là một đáng tiếc. Tuy nhiên vào mỗi dịp Tết chúng ta vẫn được ăn bánh chưng. Những bánh ấy đã được sản xuất như một công nghệ tới người cần dùng. Và chắc cách làm bánh cũng thay đổi nhiều cho phù hợp với đòi hỏi của người thưởng thức.

Xem ra công việc bếp núc với bếp lửa luôn luôn tạo nên sự đầm ấm và thân thương của một mái ấm gia đình. Tục lệ gói bánh chưng trong cuộc sống ở hải ngoại không còn nữa. Thôi đành chịu. Tuy nhiên, thu nhỏ lại là nếu một bữa ăn tối quy tụ mọi người trong gia đình còn được tôn trọng, nó cũng tạo nên sự ấm áp và hạnh phúc của gia đình. Lúc sửa soạn nấu ăn bên bếp lửa, các con quy tụ chung quanh mẹ và thỉnh thoảng được sự trợ giúp của “bố”. Hình ảnh ấy chính là một mẫu mực của mái ấm gia đình lý tưởng.

Rất tiếc điều này cũng không còn tồn tại trong nhiều gia đình. Vì bận rộn và vội vã trong công việc, họ ăn ở ngoài hay về nhà “mạnh ai” lo lấy phần mình.

Họ không còn thấy sự cao quý và quan trọng trong việc cùng quy tụ chung quanh bữa ăn chung của gia đình. Lúc ấy nhiều câu chuyện vui buồn trong ngày họ thu thập được từ khắp nơi kể cho nhau. Tình nghĩa yêu thương của gia đình luôn luôn được hâm nóng và duy trì bền vững do những buổi họp mặt này.

Ước mong rồi đây trong tương lai, thói quen quy tụ ăn chung ít ra vào một bữa tối trong gia đình được coi trọng và duy trì để tạo một mái ấm trong mỗi gia đình.

Mạch Sống Số 45, tháng 3, 2006


 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=741