Để Xây Dựng Cộng Đồng:
Date: Monday, March 06 @ 15:09:44 EST
Topic: Tin Sinh Hoạt


Sứ Mạng Tăng Trưởng

Nguyễn Đình Thắng

Xã hội Hoa Kỳ đang đứng trước một thử thách lớn: sự băng hoại của tinh thần cộng đồng. Chỉ có khu vực xã hội, bao gồm những đoàn thể từ thiện và tôn giáo, là có thể cứu vãn được tình trạng này. Ngặt một nỗi khu vực xã hội lại rất yếu kém về tài nguyên và năng lực trước một công việc hệ trọng đến như vậy. Do đó nhiệm vụ thiết yếu của khu vực xã hội là phát triển khả năng và nhiệm vụ của mỗi người trong chúng ta, nếu ý thức được sự trầm trọng của vấn nạn này, là đóng góp vào sự tăng trưởng về tài nguyên và năng lực cho khu vực xã hội.



Sự Băng Hoại Tinh Thần Cộng Đồng
Nửa thế kỷ về trước đời sống của người Mỹ còn bám rễ vào cộng đồng nơi họ sinh ra và lớn lên. Tình hàng xóm láng giềng còn sâu đậm. Tình bạn kết từ ấu thời còn kéo dài suốt quãng đời người. Xuống phố con người còn biết hỏi han lẫn nhau và khi một người gặp chuyện thì cả khu xóm còn xúm lại đỡ đần lo toan.

Nay thì khác hẳn. Đời sống văn minh vô cùng năng động không cho phép con người bén rễ. Ít ai lớn lên ở nơi chôn nhau cắt rốn. Vì con người di động liên tục nên tình người dần trở nên hời hợt. Bạn bè cũ và ngay cả thân nhân cả đời chẳng mấy khi gặp lại nhau. Có những người không có bạn thật mà chỉ kết bạn qua Internet với những người không hề biết mặt biết tên. Nhiều người sống trong khu chung cư nhưng cuộc sống vô cùng riêng biệt, không biết hàng xóm là những ai. Con người mất đi nhu cầu tiếp cận với con người. Nhiều người mướn video về nhà xem thay vì đi ra rạp chiếu bóng. Họ chơi trò chơi điện toán thay vì xuống phố cặp bạn đánh bi-da. Phương tiện kỹ thuật càng cao, đời sống con người càng hẹp và rời rẽ.

Sự băng hoại tinh thần cộng đồng đang đe doạ chính nền dân chủ Hoa Kỳ, vốn dựa vào sự tham gia của mỗi người dân.

Vai Trò Của Khu Vực Xã Hội
Các sinh hoạt trong đời sống xã hội ở Hoa Kỳ có thể gom thành ba khu vực: khu vực chính quyền (government sector), khu vực kinh doanh (business sector) và khu vực xã hội (social sector).

Trong nền dân chủ Hoa Kỳ, khu vực chính quyền không thể can dự quá nhiều vào việc cải đổi xã hội mà chỉ đóng vai trò điều hướng. Người dân Mỹ muốn chính quyền ngày phải càng nhỏ bé đi. Do đó, khu vực chính quyền vừa không có tư thế vừa không đủ năng lực để đảm đương vai trò phục hồi tinh thần cộng đồng.

Khu vực kinh doanh thì rất nhiều tài nguyên và năng lực nhưng mục đích của nóï là lợi nhuận chứ không phải là giải quyết vấn đề xã hội. Phần nào đó, chính khu vực này đã góp phần đẩy nhanh thêm sự băng hoại tinh thần cộng đồng, khi nó tạo ra những nhu cầu và tiện lợi vật chất ngăn cách mối giao tiếp giữa con người với con người.

Như vậy việc cứu vãn lại xã hội hiện nay rơi lên vai khu vực xã hội, bao gồm các tổ chức từ thiện và tôn giáo. Các tổ chức này kéo con người đến gần lại với nhau. Một người dù phải di chuyển qua một thành phố xa lạ vẫn có thể tham gia vào đời sống cộng đồng qua các tổ chức từ thiện và tôn giáo. Qua các tổ chức này, các người xa lạ vẫn có thể đỡ đần cho nhau, gặp gỡ nhau trên con đường phục vụ và cùng nhau vun xới ý thức cộng đồng.

Ngặt một nỗi, khu vực xã hội hiện nay rất yếu về tài nguyên, kém về năng lực, và thiếu tự tin. Nó không đủ tầm cỡ để đảo ngược khuynh hướng tinh thần cộng đồng ngày càng thêm rã rời.

Trong tình trạng yếu kém ấy, khu vực xã hội không thể nào đáp ứng được thử thách lớn lao đang đe doạ xã hội Hoa Kỳ hiện nay.

Kinh Doanh Xã Hội
Trọng trách hiện nay của khu vực xã hội là phải vươn lên, trong thời gian ngắn nhất, cho ngang tầm với thử thách của xã hội. Muốn vậy, khu vực xã hội phải tăng trưởng về tài nguyên, về năng lực và về uy tín.

Cách đây gần hai thập niên khu vực xã hội bắt đầu chuyển mình: ngày càng nhiều các tổ chức bất vụ lợi tham gia trào lưu kinh tài xã hội, tạo lợi nhuận qua con đường kinh doanh. Các tổ chức này đã sánh vai với giới tư doanh trên thương trường, với một điểm khác biệt: lợi nhuận thu hoạch được dùng để phục vụ xã hội thay vì để chia lời cho cổ động viên. Trong năm 1998, 14 ngàn tổ chức bất vụ lợi thu về 62 tỷ Mỹ kim qua các hoạt động kinh doanh.

Quan trọng hơn cả thu nhập là phong cách làm việc. Đầu năm nay, trường kinh doanh thuộc đại học Yale khảo sát 519 tổ chức bất vụ lợi và đối chiếu các tổ chức có cơ sở kinh doanh với các tổ chức thuần tuý dựa vào cấp khoản và tiền phước xương. Các nhà nghiên cứu ghi nhận một sự khác biệt rất lớn về thái độ làm việc.

Nhân viên của các tổ chức có hoạt động kinh doanh mang một phong thái làm việc chuyên môn không kém gì trong khu vực kinh doanh; họ biểu lộ niềm tự hào về việc làm của họ và cung cách của họ là cung cách của người phục vụ chứ không phải là làm thí. Các tổ chức này thu hút được những nhân sự tài giỏi vì dù đồng lương tương đối thấp nhưng họ cảm thấy thoả mãn và tự hào về việc làm của họ.

Sứ Mạng Tăng Trưởng
Con số 14 ngàn tổ chức bất vụ lợi tạo thu nhập 62 tỉ Mỹ kim bằng con đường kinh doanh thoạt nghe tưởng nhiều nhưng thực ra rất khiêm tốn. Ở Hoa Kỳ hiện có một triệu rưỡi tổ chức bất vụ lợi. Với con số 14 ngàn thì nghĩa là chỉ mới có một phần trăm là biết làm kinh doanh. 99 phần trăm còn lại vẫn nương dựa hoàn toàn vào cấp khoản và tiền phước xương. Trong năm 1998 chỉ riêng hãng Microsoft đã thu nhập trên 14 tỷ Mỹ kim, hơn ¼ tổng số thu nhập qua đường kinh doanh của toàn bộ khu vực xã hội.

Sự chuyển mình của khu vực xã hội là điều đáng khích lệ nhưng mới chỉ ở giai  đoạn phôi thai; tiềm năng và nhu cầu tăng trưởng còn mênh mông.

Tháng ba năm nay chính phủ Hoa Kỳ phát động một nỗ lực thí điểm nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển mình của khu vực xã hội. Qua tổ chức Liên Bang Corporation for National and Community Service, chính phủ Hoa Kỳ thành lập Đội Kinh Doanh (Entrepreneur Corps) để giúp một số tổ chức bất vụ lợi phát triển các sinh hoạt kinh tài. Trong đợt thí điểm, Đội Kinh Doanh tài trợ cho 400 thiện nguyện viên làm việc toàn thời gian cho tổng cộng 30 tổ chức rải rác khắp Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của các thiện nguyện viên này là giúp 30 tổ chức kể trên thiết lập các kế hoạc kinh doanh.

Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển thuộc một trong 30 tổ chức tiên khởi này và được phân phối 23 thiện nguyện viên. Đến nay 11 thiện nguyện viên đã được tuyển dụng và phân bổ về sáu văn phòng chi nhánh. Số 12 thiện nguyện viên còn lại sẽ được tuyển vào cuối năm nay.

Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển nằm trong số một phần trăm tổ chức bất vụ lợi tiên phong trong lãnh vực kinh doanh. Năm 1998 Hội Đồng Quản Trị của UBCNVB quyết định thiết lập Trung Tâm Dịch Vụ S.O.S. để cung cấp dịch vụ di trú cho đồng bào với lệ phí tính theo mức chi. Sau bốn năm, trung tâm dịch vụ đầu tiên này đã phát triển thành hệ thống 14 trung tâm dịch vụ với hai luật sư hỗ trợ về pháp lý và hàng chục nhân viên lo hồ sơ. Đây mới chỉ là một thí điểm.

Với sự tiếp sức của 23 thiện nguyện viên trong Đội Kinh Doanh UBCNVB đang nghiên cứu nhiều dự án kinh doanh mới nhằm góp phần vào nỗ lực tăng trưởng tài nguyên, năng lực và uy tín cho toàn bộ khu vực xã hội.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=713