Những kẻ lạc loài
Date: Thursday, February 16 @ 13:25:48 EST
Topic: Di Dân & Nhập Tịch


Ngô Kim Việt

 Để nhắc nhở cho thân chủ của tôi cái hẹn với luật sư về di trú, tôi thường có thói quen gọi điện thoại trước hai, ba ngày để nhắc, nhỡ quên.   Các nhân viên trong văn phòng thường bảo tôi là “Chị an tâm đi. Người Việt mình khi có hẹn với luật sư về di trú thì họ không quên đâu. Đừng lo.” 

Có lẽ chính vì vậy mà lần này vì bận việc, tôi định bụng phá lệ một lần. Nhưng không hiểu sao cuối cùng tôi vẫn gọi cho thân chủ của tôi để nhắc về buổi hẹn. Sau khi nghe chuông reng bốn lần, tôi định bỏ ống nghe xuống thì đầu dây bên kiatiếng của thân chủ tôi trả lời. Cô cho biết rằng cô mới bị tai nạn xe cộ nặng. Qua ống nghe, giọng nói của cô hết sức mệt nhọc:

“Chị ơi, em bị xe đụng hôm kia; em nhức đầu từ hôm đó tới giờ; đau lắm, không ngủ được mà không dám đi bác sĩ vì em không có giấy tờ; em sợ lỡ có chuyện gì em bị bắt về Việt Nam.” 

Nghe tiếng nghẹn ngào của cô, tôi không cầm được nước mắt. Tôi lập tức giải thích cho cô hiểu về luật lệ bên Mỹ, đồng thời  gọi lấy hẹn bác sĩ ngay cho cô.

Tìm hiểu thêm, tôi được biết rằng ngay khi tại nạn xảy ra, cảnh sát đến làm biên bản và có xe cấp cứu đến ngay lập tức. Nhưng cô từ chối, nhất định không lên xe cứu thương và đi cấp cứu vì thấy có cảnh sát. Cô tưởng rằng, vì trong nguời không có một mẩu giấy tuỳ thân, tình trạng cư trú chưa ổn định, cảnh sát sẽ bắt cô đi luôn và trục xuất về Việt Nam. Cô là một trong những trường hợp đang nạp đơn xin ở lại Mỹ theo diện VAWA (Violence Against Women Act). 

 Tưởng cũng nên nhắc lại cho qúi vị độc giả được rõ, VAWA là một đạo luật được chính quyền Hoa Kỳ ban hành, cho phép những người đã kết hôn với công dân hay thường trú nhân, và đến Mỹ theo diện này (hay diện Fiance, nhưng đã làm thủ tục kết hôn)  bị người phối ngẫu hành hung về tinh thần hay thể xác có minh chứng rõ ràng, thì được phép xin ở lại Hoa Kỳ. (Tuy gọi là “Violence Against Women Act” nhưng vẫn áp dụng cho các nạn nhân phái nam.)   

 Trong thời gian nộp đơn, tuỳ theo từng trường hợp đương đơn có thể không được phép đi làm, nhưng không có nghĩa là không được hưởng những quyền lợi về y tế và những bồi thường thiệt hại cho thương tích cá nhân, như bị hãm hiếp hay bị tai nạn xe cộ. 

Ở mỗi tiểu bang đều có ngân khoản gọi là Crime Victim Compensation, tạm dịch là khoản bồi thường cho những nạn nhân của tội ác.  Tất cả những ai cư ngụ trên nước Mỹ đều được hưởng những khoản tiền này ngay cả khi nạn nhân chưa hội đủ điều kiện di trú. Thời gian nộp đơn cho đến khi được chấp thuận và khoản tiền được bồi thường tuỳ theo từng tiểu bang. 

 Đối với những trường hợp bị tai nạn xe cộ, nạn nhân đều được hãng bảo hiểm xe bồi thường. Khi mua xe, người chủ chiếc xe bắt buộc phải mua bảo hiểm mới được lái. Do đó khi gặp tai nạn, người tài xế và cả người đi cùng xe đều được bồi thường (trong trường hợp có thương tích) do hãng bảo hiểm chi trả vì hàng tháng người chủ xe đã đóng tiền bảo hiểm.  Hãng bảo hiểm sẽ không hỏi đến vấn đề di trú tại Hoa Kỳ và ngay cả cảnh sát khi đến làm biên bản cũng vậy. Nếu bên nào có lỗi, cảnh sát sẽ biên giấy phạt, gọi là ticket.

Sau đó để hãng bảo hiểm của hai bên liên lạc với nhau.

 Những người đang trong thời gian tiến hành thủ tục xin ở lại theo diện VAWA luôn sống trong sự phập phồng lo sợ. Lúc nào cũng sợ chạm mặt với cảnh sát và sợ đi ra tòa mặc dầu trong phiên toà ấy họ là những nhân chứng chứ không phải là tội phạm. Họ tìm đủ mọi cách để tránh né moị người. 

Khi tiếp xúc với những nạn nhân này, tôi được biết, vì bị hành hạ về tinh thần cũng như thể xác, nhất là đối với những nạn nhân về tình dục, họ trở nên hết sức rụt rè, yếu đuối. Giống như con chim đã bị trúng đạn, họ khó có thể tự mình bay lên. Họ hãi sợ khi bắt gặp một khuôn mặt hao hao, giông giống như người đã từng hành hung mình. Họ giật mình kinh hãi khi vô tình chạm mặt kẻ hành hung. Họ không dám tiếp xúc với nhiều người và hết sực hạn chế làm quen thêm bạn mới. Họ sống lủi thủi, một thân một mình, đi  đi về về như một chiếc bóng.  Họ không dám phản kháng khi bị hiếp đáp. Họ không dám lên tiếng khi bị vu oan.  Nói chung, họ trở thành những kẻ lạc loài trong cộng đồng chúng ta. 

Đứng trước những trường hợp như thế, mặc dù hết sức cố gắng giúp cho họ về mặt luật pháp và tìm cách nào đó giúp họ ổn định tinh thần, tôi vẫn không làm sao xoa dịu những đớn đau trong tâm hồn, nhất là đối với nạn nhân bị hành hạ trong lãnh vực tình dục. Khi giới thiệu họ đến những bác sĩ tâm lý, tôi luôn thầm cầu nguyện cho họ sớm được tìm thấy bình an trong tâm hồn, đêm về đừng gặp những cơn ác mộng. 

Nhưng làm sao họ có thể trở về với tâm lý bình thường khi sống cô đơn một mình nơi xứ người, không bạn bè, không họ hàng thân thuộc? 

Có nạn nhân từng tâm sự với tôi:

“Chị biết không, nhiều khi em chỉ muốn ngủ một giấc dài để khi tỉnh dậy thấy mình là người khác và những đau đớn trong lòng sẽ biến đi hết. Nhưng đó chỉ là giấc mơ mà thôi và vĩnh viễn, không bao giờ giấc mơ trở thành sự thực!” 
Và có nạn nhân nói với tôi là “Nhiều khi đứng trên tầng lầu cao, em chỉ muốn gieo mình xuống là xong mọi chuyện. Nhưng nghĩ tới ba má em bên nhà em mới thôi.”

Có người đành đổ cho số phận hẩm hiu và chịu đựng nỗi ám ảnh một mình.   

Trên trang báo nhỏ này, tôi không thể nào kể cho quí vị hết những đau khổ mà họ phải gánh chịu. Có thể có những người cho là tôi quá lời. Xin thưa, có những điều mà tôi và những luật sư thiện nguyện, những nhân viên cảnh sát, khi làm việc với những nạn nhân, đều không thể hiểu và giải thích nguyên nhân vì sao kẻ hành hung lại có thể có những hành động dã man và tàn bạo như thế. Ở đây, tôi chỉ muốn dóng lên một tiếng chuông báo động trong cộng đồng Việt nam chúng ta. Với điều kiện dễ dàng để về Việt Nam kết hôn hay đính hôn rồi sau đó bảo lãnh người từ Việt nam sang, nhiều cô gái đã bị mắc kẹt trong cái thế “thẻ xanh có điều kiện” (tiếng Anh gọi là Conditional Green Card) để rồi bị hành hạ từ tinh thần cho đến thể xác vì sợ bị trục xuất.

Có những trường hợp đến Mỹ theo diện Fiance, chưa ra toà làm hôn thú thì đã bị bỏ rơi, vì người bảo lãnh cho là không hợp với nhau. Đámg tiếc là với những trường hợp Fiance thì cho đến giờ phút này sở di trú Hoa Kỳ vẫn không có một luật lệ nào giúp cho những trường hợp này. Và cũng không có luật pháp nào trừng phạt những kẻ từ chối làm hôn thú với những người đã đến Mỹ theo diện Fiance. Luật di trú cũng không cho phép nạn nhân làm hôn thú với người khác; họ bắt buộc phải làm hôn thú với kẻ đã bảo lãnh mình. Bấy giờ, nạn nhân chỉ còn biết kêu trời và than thân trách phận. Chúng tôi, những người làm việc trong lãnh vực này, cũng đành bó tay.       

Thât ước mong sao tình trạng này phải được giảm bớt và chấm dứt trong cộng đồng chúng ta. Xin đừng làm ngơ trước Những Con Chim Đa Đa (xem trong số báo trước đây) và Những Kẻ Lạc Loài.

Ngô Kim Việt
Tháng 12 năm 2002

Chương trình Chống Bạo Hành Trong Gia Đình của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển được tài trợ bởi Door of Hope, _________________________.
Muốn biết thêm về chương trình này và luật VAWA, xin vui lòng liên lạc qua email: kimviet.ngo@bpsos.org.   







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=641