Hợp Tác Và Cạnh Tranh
Date: Tuesday, November 29 @ 14:48:05 EST
Topic: Quan Điểm


Ts. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG

Xã hội dân chủ khuyến khích sự cạnh tranh và hợp tác trong một cơ chế thưởng phạt công minh.

Thiếu cạnh tranh thì xã hội khó thăng tiến, chất lượng phục vụ giảm sút, và con người đâm ra ỷ lại. Thiếu hợp tác thì xã hội rời rã, công việc manh mún, và con người mất niềm tin nơi nhau.

Sự cạnh tranh hết sức cần thiết để khuyến khích người làm tốt, làm giỏi và đào thải những ai làm xấu, làm kém. Có cạnh tranh thì mới có cố gắng để mà thăng tiến. Có cạnh tranh thì người tiêu thụ mới có quyền hạn—quyền chọn lựa dịch vụ hay sản phẩm ưng ý nhất.

Điều đáng tiếc là trong lãnh vự phục vụ cộng đồng, người ta thường tránh né sự cạnh tranh, với những lý do khác nhau. Có người quan niệm rằng đã làm công tác từ thiện thì không nên cạnh tranh như trong thương trường. Lại có tổ chức ngần ngại sự cạnh tranh vì đã quen một mình một chợ.

Nhưng chính trong lãnh vực xã hội mới càng cần cạnh tranh, vì hai lẽ.

Lẽ thứ nhất là chúng ta phải phát huy tác dụng tối đa số tài nguyên ít hỏi, chỉ tương đương 3% tổng sản lượng quốc gia, để đáp ứng các nhu cầu hết sức đa dạng của xã hội. Muốn sử dụng hữu hiệu số tài nguyên ít ỏi này thì phải có sự cạnh tranh để khuyến khích các tổ chức thi nhau tăng năng suất cao hơn, làm việc có quy củ hơn, và phục vụ tốt hơn. Những tổ chức nào ít hiệu quả hoặc bị đào thải, hoặc phải cải thiện để sinh tồn.

Lẽ thứ hai là phải có cạnh tranh thì người nhận dịch vụ mới có tiếng nói và ảnh hưởng. Không thiếu những người làm việc xã hội hay công đồng mang tâm lý làm phúc nên nghĩ rằng mình muốn làm sao cũng được, thương nhờ ghét chiu. Sự cạnh tranh áp lực những người làm việc cộng đồng và xã hội phải tự xét cung cách của mình vì người dân có sự chọn lựa giữa các tổ chức phục vụ khác nhau. Họ sẽ đến với tổ chức nào phục vụ tốt hơn và cung cách nhã nhặn hơn.

Cũng như cạnh tranh, hợp tác làm tăng hiệu quả của số tài nguyên ít ỏi hiện có và tăng chất lượng phục vụ. Có hợp tác với nhau thì mới tránh được trùng dụng tài nguyên và mới san sẻ được những kinh nghiệm thành và bại để tránh phí hoài tài nguyên. Có hợp tác thì mới giúp đẩy nhau lên một quy mô hoạt động cao hơn mà kết quả là người dân được thụ hưởng nhiều hơn những dịch vụ đa dạng. Và quan trọng hơn hết, có hợp tác thì mới gầy dựng được nhịp cầu thông cảm và niềm tin giữa các nhóm và tổ chức khác nhau trong xã hội. Sự thông cảm và niềm tin này là chất keo sơn gắn bó cộng đồng và xã hội.

Cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ thiếu cả cạnh tranh lẫn hợp tác.

Vì các tổ chức trong cộng đồng Việt quá ít ỏi, nhiều nơi không có lấy được một tổ chức có hoạt động quy củ—hiểu theo nghĩa là có văn phòng, nhân viên, ngân sách, chương trình—thì lấy đâu để mà cạnh tranh hay hợp tác. Đây là tình trạng chung của các cộng đồng người Việt ít người—theo thống kê Kiểm Tra Dân Số năm 2000, một phần tư tổng số người Việt ở Hoa Kỳ sống tại các khu vực có dưới 5 ngàn người Việt.

Ở một số nơi may mắn có được một hoặc hai tổ chức người Việt có hoạt động tương đối có quy củ thì lại xẩy ra tâm lý ỉ lại hay cả nể—không muốn cạnh tranh vì sợ mất lòng hay vì sợ không cạnh tranh lại với những tổ chức đã có sẵn. Kết quả, dù vô tình hay cố ý, số tổ chức này đóng vai trò độc tôn trong cộng đồng địa phương và không cảm thấy nhu cầu phải nâng chất lượng phục vụ.

Muốn thay đổi tình trạng này, một tình trạng phổ biến đều khắp trong cộng đồng người Việt ở toàn Hoa Kỳ, chúng ta cần một kế hoạch hẳn hoi để tạo dựng thêm nhiều tổ chức mới và giúp đỡ cho các tổ chức còn yếu kém nhanh chóng tiến đến hoạt động quy củ và rồi tăng trưởng về quy mô.

Trong mục tiêu ấy năm 1998 Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển khởi xướng chương trình giúp các nhóm như gia đình HO, người cao niên, nạn nhân bạo hành, giới trẻ, v.v.  thành lập các hội tương trợ và tổ chức từ thiện ở rải rác khắp Hoa Kỳ. UBCNVB mưu cầu tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh và hợp tác thực sự trong các cộng đồng người Việt.

Chính bởi vậy, thay vì dồn mọi năng lực để phát triển tổ chức của riêng mình, UBCNVB đã bỏ rất nhiều công sức và tài nguyên  nhằm tạo dựng nên một đội ngũ ngày càng đông các tổ chức đa dạng trong cộng đồng. Các tổ chức này khi năng lực tương đối ngang ngửa nhau, sẽ ràng nhau lại để không cho phép bất kỳ ai, kể cả UBCNVB, có thể đi quá đà. Hễ tổ chức nào làm quấy thì lập tức bị đào thải. Các tổ chức nào vừa cạnh tranh giỏi vừa biết hợp tác với các tổ chức bạn thì sẽ chóng thăng tiến. Đó là căn bản cần thiết để cộng đồng người Việt phát triển và thăng hoa.

Cho đến nay, trên một chục tổ chức mới đã ra đời và đang hoạt động.

BCNVB đang bảo trợ cho trên 30 tổ chức nhỏ, gồm cả những tổ chức mới thành lập và những tổ chức có sẵn, trên con đuờng phát triển năng lực.

Mục tiêu của UBCNVB là đến cuối năm 2004, cộng đồng người Việt sẽ có thêm được khoảng 20 tổ chức có quy củ, đem lại nhiều ích lợi cho người dân và giúp cho cộng đồng người Việt sớm sánh vai được với các cộng đồng bạn như Cambốt, Lào và Hmong.

Mạch Sống Số 42, tháng 12, 2005







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=502