Tuổi Hạc
Date: Tuesday, November 08 @ 15:42:09 EST
Topic: Tuổi Hạc


Bác sĩ NGUYỄN Ý ĐỨC

Sau khi đổ xăng, ông Minh lên xe lái về nhà. Đi được một đoạn, ông nghe thấy tiếng kim khí chạm vào xi măng rồi tiêng loong coong tiếp theo. Đang chạy trên xa lộ, ông không ngừng lại để coi xem vật gì rơi. Một thoáng nghĩ, ông đoán đó là chiếc nắp bình xăng dể trên mui xe đã rơi mất tiêu. Lại quên rồi. Ông tự  nhủ, với một chút chán nản.

Về đến nhà, ông ngần ngại một lúc rồi than vãn với bà vợ là hồi này mình già nên hay quên quá, và kể cho vợ nghe mất cái nắp bình xăng. Vợ mỉm cười, nói: Đây đâu có phải là lần đầu mà ông lo. Ông nhớ khi mình lái xe đi Virginia cách đây mấy năm, ông quên đến hai lần, mà một lần xe cảnh sát đi sau nhặt được, họ chớp đèn trả lại cho ông. Cô con gái đứng gần đó, chêm vào: Bố ơi, bố có nhớ hồi xưa  khi bố còn đi làm, đã bao nhiêu lần trước khi ra khỏi nhà, bố cứ kiếm cặp kính  đọc sách của bố, trong khi bố gài nó  trên mái tóc. Lúc đó bố đâu đã ở tuổi này.

Ngồi nghĩ lại, ông Minh thấy bà vợ và con gái nói cũng đúng. Đã nhiều lần, cách đây cả chục năm, lâu lâu ông cũng không biết để chìa khóa xe ở đâu, đi chợ bảo mua vài món đồ rồi cũng quên một món, chứ đâu có phải chỉ từ ngày ông về hưu ở tuổi 65 mới hay quên. Vậy mà mỗi khi nghĩ đến cái tuổi đó, ông cũng mang một thoáng suy tư.

Bước vào cái tuổi mà khi mình làm cái gì không giống ai thì  thiên hạ cứ bảo ông bà ấy già rồi.

Gặp người bạn xa vắng đã lâu, mình có vui miệng nói ít nhiều câu chuyện thì người phối ngẫu  lại nhắc khéo để mình ngưng bớt lại, kẻo phiền lòng người nghe.

Đau nhức xương cánh tay và đầu gối, kể lể với ông bác sĩ thì được trả lời: cụ ơi, cụ già rồi thì nó vậy đó, không sao đâu; hoặc tối ngủ hay  thức giấc nửa khuya, không ngủ lại được  thì ông ta cũng bảo người già thường hay bị đau như vậy.

Trăm dâu đổ đầu tằm, cái gì cũng đổ tại già.

Nhưng già là cái gì nhỉ? Căn cứ vào đâu để mà nhận là mình đã già? Thấy người ta như thế nào mà bảo họ già rồi?

Lại còn biết bao hư cấu đem gán cho tuổi già. Nào là mấy người tới tuổi đó cho họ về hưu là vưà rồi. Rằng là già đâu còn khả năng sản xuất, vô dụng cho xã hội. Con cháu lại phải vất vả trông nom ông bả. Mấy người già tính, đòi hỏi đủ thứ. Già rồi đi không nổi còn bầy đặt yêu đương. Oång bà suốt ngày ngồi kể truyện từ thuở tam đại, nghe riết muốn nhức đầu, điên luôn...

Mà đôi khi cũng phải trầm lòng, suy nghĩ  tới nó một chút. Mới năm ngoái còn siêng năng cắt cỏ, rửa xe mà năm nay cảm thấy ngại ngùng sợ nắng. Trước đây lái xe xuyên bang chẳng sao mà bây giờ lái có vài tiếng, cặp mắt cứ như cứng lại. Ăn hai lưng cơm đã thấy đầy bụng. Ngủ tới hai giờ sáng đã thức giấc. Muốn đọc tin tức trên tờ báo, phải đưa nó xa ra. Nghe âm thanh cao, phải nghiêng tai mới bắt được.

Ta đã thay đổi rồi đó. Tuổi gìa đã đến đâu đây.  Còn bao lâu nữa thì phải hoàn toàn phụ thuộc vào người khác? Chân tay rồi sẽ yếu, kém cử động, suốt ngày ngồi trên xe lăn. Bao giờ thì được con cháu đưa vào nhà dưỡng lão?  Rồi lại biết bao mất mát chồng chất  trên số tuổi. Bà con thân thuộc ra đi. Bạn giàlần lần tan hàng. Cuối cùng, người bạn trăm năm cũng giã từ đi trước.
Cứ ngồi luẩn quẩn, loanh quanh nghĩ tới sự già, những chiều hướng đi xuống, những ngưng trệ, không phát triển, thụ động, lẻ loi, cô đơn, tuyệt vọng của tuổi về già thì kết quả sẽ đi về đâu?

Giai đoạn sau của cuộc đời không lẽ lại kéo lê trong  chuỗi ngày vô vọng, tiêu cực, không sinh động, trở nên gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Mục “TUỔI HẠC”  muốn mở ra để một số suy tư, một vài ý nghĩ tích cực được diễn đạt, triển khai; dăm ba khó khăn được góp phần giải đáp, ngõ hầu những năm, tháng trong mùa Đông cuôïc đời mang ít nhiều tia nắng ấm áp của những mùa Xuân đã đi qua.

Vì, như Emerson đã nói: “Cuộc đời là ngày hội chỉ dành cho người khôn ngoan”

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=461