Thực Thi Dân Chủ
Date: Tuesday, November 08 @ 10:10:20 EST
Topic: Quan Điểm


Ts. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG

Dân chủ không phải là một phẩm vật do chính quyền ban bố cho người dân.

Dân chủ là thể chế, qua đó người dân có cơ hội tham gia vào tiến trình điều hành xã hội.

Nhưng làm sao tham gia?

Trước hết phải hiểu cách vận hành của nền dân chủ.  Kế đó phải biết cách ảnh hưởng chính sách.

Trong xã hội với nhiều nhóm quyền lợi đa dạng như ở Hoa Kỳ thì nhóm nào khéo tổ chức nhằm tạo thực lực thì ắt có tiếng nói và ảnh hưởng trong nền dân chủ hơn là nhóm khác. Bởi vậy dân chủ chỉ thực sự có đối với những ai có ý thức tham gia và biết tổ chức thành thế lực ảnh hưởng.

Những yếu tố nào khuyến khích người dân tham gia vào đời sống chính trị?
Trong quyển sách “Đánh Bóng Gỗ Một Mình” xuất bản năm 1995, Giáo Sư Robert D. Putnam thuộc Đại Học Harvard giải thích rằng ngày càng ít người Mỹ tham gia bỏ phiếu vì đời sống xã hội của họ ngày càng thêm đơn độc. Trước đây người dân Mỹ còn tham gia các hội đánh bowling (bóng gỗ) nhưng ngày nay nhiều người đi đánh bowling một mình. Sự mất mát đi những gắn bó xã hội giữa con người với nhau tạo cho người ta cảm giác bất lực trong việc ảnh hưởng chính sách xã hội.

Một cuộc nghiên cứu gần đây thực hiện tại Đại Học Alaska ở Anchorage và Đại Học New York phối kiểm giả thuyết của Giáo Sư Putnam. Cuộc nghiên cứu này cho thấy có mối liên quan thuận giữa niềm tin vào đồng loại và hoạt động cộng đồng. Khi người ta tham gia vào sinh hoạt cộng đồng thì niềm tin nơi đồng loại gia tăng và tỉ lệ tham gia bỏ phiếu và các hoạt động chính trị khác cao hơn những người sinh hoạt đơn độc.

Các nhà nghiên cứu của hai trường đại học trên còn tìm hiểu thêm động cơ nào thúc đẩy người ta tham gia sinh hoạt cộng đồng và xã hội. Họ khám phá ra một điều bất ngờ: niềm tự trọng. Những ai cảm thấy tự tin vào chính mình thường cũng cảm thấy là mình được tôn trọng trong cộng đồng, và điều này khuyến khích họ tham gia vào đời sống cộng đồng và xã hội. “Người ta hoạt động cho cộng đồng khi người ta cảm thấy mình được tôn trọng bởi các thành viên của cộng đồng ấy”, theo lời dẫn giải của các nhà nghiên cứu.

Cuộc nghiên cứu này giải thích vòng luẩn quẩn vây bủa các cộng đồng thiểu số yếu kém. Thành viên của các cộng đồng này thường cảm thấy ít tự tin về khả năng của chính mình và do đó tránh né tham gia các sinh hoạt cộng đồng và xã hội. Và vì thiếu sự tham gia tích cực của các thành viên, các cộng đồng này khó thoát khỏi tình trạng yếu kém. Vòng luẩn quẩn cứ xoay tròn là vậy.
Cộng đồng người Việt lại còn bị một trở ngại lớn là ngôn ngữ bất đồng. Nhiều người tị nạn hay di dân mới đến và các vị cao niên thường kém về Anh ngữ nên rất khó hội nhập vào các sinh hoạt chính trị của Hoa Kỳ. Tuy có rất nhiều nhu cầu, nhưng họ lại không có tiếng nói trên khán đài chính trị. Và khi đã không có tiếng nói thì làm sao ảnh hưởng được chính sách dù ở tầm mức địa phương hay quốc gia. Và như vậy thì cứ phải câm nín và đứng bên lề.

Điều này không có nghĩa là chúng ta bó tay. Có một cách để cộng đồng chúng ta vượt thoát ra khỏi tình trạng yếu kém.

Đó là tạo ra những tổ chức làm phương tiện hay bàn đạp cho những người không thể trực tiếp tham gia vào đời sống chính trị Hoa Kỳ. Một hội cao niên hoạt động có quy củ sẽ là phương tiện để các bác cao niên, dù không rành ngôn ngữ, thực thi quyền dân chủ của mình. Qua đó, họ có thể tranh đấu cho quyền lợi của người cao niên Việt, họ có thể lên tiếng với các chính quyền, họ có thể góp phần gầy dựng xã hội dân sự ở Hoa Kỳ. Điều này áp dụng đồng đều cho các thành phần khác nhau trong cộng đồng chúng ta: phụ nữ, cựu tù nhân, thanh thiếu niên, con lai, nạn nhân buôn người, nạn nhân bạo hành gia đình, bệnh nhân, các người ở thuê, những người làm mướn, v.v.

Trong nhiều năm qua, trước cả cuộc nghiên cứu kể trên, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đã giúp hình thành nhiều hội đoàn quần chúng, hướng dẫn họ tiến đến tự lực tự cường, và kết nối họ với các định chế chính trị của Hoa Kỳ. Qua những hội đoàn này, người dân thường có thể nói lên tiếng nói của mình, cảm thấy tự tin hơn nơi chính mình, và tham gia ngày một nhiều hơn vào đời sống chính trị ở Hoa Kỳ.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=451