VẾT THƯƠNG IRAQ
Date: Monday, November 07 @ 11:07:40 EST
Topic: Tin Tức Thời Sự


Vương Trắc

Tình hình chiến sự tại Iraq ngày càng thêm sôi động; mức độ tấn công du kích, phá hoại của tàn quân Saddam Hussein ngày càng tăng cao quanh thủ đô Baghdad và biên giới Syria.

Như tin đã loan, một trực thăng Chinook của lục quân Hoa Kỳ bị bắn hạ hôm Chủ nhật 3 - 11 khiến 15 người chết và 20 người bị thương. Ngày thứ Sáu 7 - 11 một trực thăng Black Hawk lại rơi xuống vùng Tikrit (quê nhà của Saddam Hussein). Phi hành đoàn gồm 6 người, không ai sống sót.

Các giới chức quân sự Mỹ xác nhận trong tuần lễ đầu của tháng 11, 31 quân nhân bị giết, 2 nhân viên dân chính làm việc cho công binh và 1 sĩ quan Ba Lan tử thương.

Tại thủ đô Baghdad, hôm thứ Sáu 7-11, khoảng 500 người biểu tình tuần hành trước tổng hành dinh liên quân để phản kháng  việc các giáo sĩ bị bắt giữ trong mấy tháng qua. Họ hát những bài trong kinh Hồi giáo, hô to các khẩu hiệu “Quân đội Mỹ sẽ bị tiêu diệt”, “Hoa Kỳ là kẻ thù của Thượng Đế” và trương một biểu ngữ to “Nhà tù... sẽ không bao giờ làm chúng tôi kinh sợ”.

Trong khi đó, như phần tin tức đã loan ở trên, các nhân viên quốc tế của Liên Hiệp Quốc rục rịch rút về kể cả Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế và tổ chức Các Bác Sĩ Không Biên Giới.

Tổng thống Bush đã tuyên bố “Hoa Kỳ sẽ không rút lui”.

Vâng, có thể là như vậy.

Nhưng chính quyền do ông lãnh đạo sẽ giải quyết như thế nào “vết thương Iraq” ngày càng lở loét, độc hại?

Báo chí và các đài truyền thông trong mấy tháng qua có đề cập tới, hay nói đúng hơn là đặt câu hỏi: liệu cuộc chiến ở Iraq có thể như ở Việt Nam?

Mọi người đều có thể liên tưởng như thế và nếu bình tâm suy nghĩ, thì câu trả lời là không.

Cuộc chiến tại Việt Nam là hệ quả của những vận động chính trị dựa vào quyền lợi của Mỹ và các quốc gia liên hệ khác. Tại Iraq, thực tế hiện nay chỉ là những cuộc tảo thanh, càn quét quân du kích hay phiến loạn. Mà quân đội Mỹ thì có rất nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh chống du kích (counter-insurgent). Vấn đề hiển nhiên mà chính quyền của ông Bush phải đối diện là:

* Chừng nào thì hình thành xong guồng máy dân sự có thực lực để ổn định an ninh và phát triển kinh tế quốc gia, thay thế “quan toàn quyền” hiện tại? Chỉ khi nào điều này thực hiện được thì những kẻ lãnh đạo các cuộc xuống đường biểu tình không còn lý do chính đáng để sách động đám quần chúng quá khích và cuồng tín.

* Chừng nào thì quân đội Iraq do Mỹ đào tạo có đủ khả năng bảo vệ chính quyền dân sự và bình định lãnh thoå?

Tuần qua giới chức quân sự Hoa Kỳ công bố động viên thêm Vệ Binh Quốc Gia và Lực Lượng Trừ Bị để thay thế số Thuỷ Quân Lục Chiến và một số đơn vị thuộc các sư đoàn Dù tại Iraq.

Thực ra, dưới mắt các nhà quân sự chuyên nghiệp, sự tổn thất hàng ngày của một đoàn quân viễn chinh tại một quốc gia xa xôi như quân đội Mỹ tại Iraq, Afghanistan hiện nay là bình thường, không có gì “ầm ĩ”. Nhưng nước Mỹ phải trả cái giá của sự tự do và dân chủ mà họ đã khổ công xây dựng. Được hiến pháp bảo vệ, các hãng truyền thông và báo chí Mỹ hàng ngày thi nhau săn lục các hình ảnh, tin tức “giật gân” để thu lợi nhuận, bất chấp sĩ diện và lợi ích quốc gia.

Ngoài ra, cuộc vận động bầu cử tổng thống  năm 2004 không còn bao lâu nữa. Không sớm giải quyết các khó khăn nêu trên, ông Bush khó có cơ hội lưu lại Bạch Ốc thêm một nhiệm kỳ nữa. Vả lại, trong hiện tình thiếu kém nhân tài lãnh đạo của cả hai đảng khó ai lường được đối phương sẽ dùng phương tiện thông tin sắt bén hiện đại, lôi cuốn quần chúng để triệt hạ địch  thủ của mình như thế nào.

Giải quyết vấn đề Iraq nhanh gọn và danh dự, mở lại công ăn việc làm cho nhiều người đã thất nghiệp, khôi phục kinh tế quốc gia là những mục tiêu chính yếu mà cả hai đảng không thể nào không quan tâm.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=436