VÒNG ƯU VIỆT
Date: Friday, November 04 @ 11:05:22 EST
Topic: Quan Điểm


Ts. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG

Mỗi vấn nạn xã hội đều ngầm chứa một vòng lẩn quẩn. Vòng lẩn quẩn này duy trì hay làm tồi tệ hơn vấn nạn ấy. Khi đã lọt vào vòng lẩn quẩn thì khó mà thoát ra.

Nhìn đâu chúng ta cũng thấy được những vòng lẩn quẩn. Chẳng hạn, người nghèo thường nghèo mãi vì khó mà cạnh tranh lại người giầu trong vấn đề làm ăn buôn bán hay đầu tư. Trẻ em lỡ dính vào vòng tội phạm thì khó hoàn lương vì án tích đã thành tì vết suốt đời. Dân gian Việt Nam có câu “con vua rồi lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”.

Vòng lẩn quẩn không chỉ tác động đến cá nhân mà đến cả một tập thể, một dân tộc. Các quốc gia lạc hậu khó vươn lên ngang hàng với các quốc gia tân tiến vì năng lực đã thiếu mà còn thất thoát thường xuyên, điển hình là Phi Luật Tân.

Ngay từ khi có độc lập, quốc sách của Phi Luật Tân là đầu tư vào việc đào tạo nhân tài. Một phần lớn ngân sách quốc gia đã đổ vào nền giáo dục, đào tạo rất nhiều chuyên gia, bác sĩ, y tá, luật sư, kỹ sư, v.v. có hạng. Điều trớ trêu là chính phủ không còn bao nhiêu ngân sách để phát triển việc làm cho sinh viên ra trường.

Hậu quả là tình trạng thất nghiệp tràn lan. Có nhân tài nhưng không có đất dụng võ cho họ.

Cách đây gần chục năm, Tổng Thống Ramos đề nghị thay đổi, cắt bớt ngân sách giáo dục để chuyển sang tạo công ăn việc làm. Đề nghị này bị dân chúng phản đối mãnh liệt vì cho rằng giáo dục là quyền lợi độc nhất mà người dân Phi Luật Tân còn có được. Cắt đi thì họ không còn chút hy vọng nào để thăng tiến bản thân.

Tổng Thống Ramos bị trói tay. Phi Luật Tân tiếp tục bị vây hãm trong vòng lẩn quẩn và bị các quốc gia lân bang gọi diễu cợt là “Ông Già Bệnh Hoạn Của Á Châu” (Asia’s Sick Old Man).

Ngược lại của vòng lẩn quẩn là vòng ưu việt. Chính sách di dân của Hoa Kỳ được thiết lập với mục đích duy trì và phát triển vòng ưu việt của họ. Chính sách này tạo mọi dễ dãi cho nhân tài ở các quốc gia khác nhập cảnh và thường trú ở Hoa Kỳ. Nhờ đó Hoa Kỳ thu hút được các chuyên gia, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, thương gia, bác học... từ mọi quốc gia như Trung Hoa, Nga, Pháp, Gia Nã Đại, Ấn Độ... và Phi Luật Tân.

Trong gần ba thập niên cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ bị một vòng lẩn quẩn kìm hãm trong tình trạng rời rạc, chia rẽ, và bạc nhược so với các cộng đồng sắc dân bạn. Vòng lẩn quẩn này đã giới hạn các sinh hoạt của người Việt trong phạm vị nội bộ cộng đồng, cách biệt khỏi xã hội chính mạch.

Các tổ chức người Việt hao tổn biết bao thời giờ, tài nguyên, năng lực vào những va chạm và kèn cựa khó tránh được trong một địa bàn hoạt động quá hạn hẹp.

Năng lực và tài nguyên càng hao mòn, thì khả năng và ý chí để vượt thoát và hoà nhập vào chính mạch càng giảm sút. Riết rồi chúng ta sa vào tâm trạng cố thủ đằng sau luỹ tre xanh do chính mình dựng lên để rồi tự giam mình trong đó. Nếu không thay đổi gấp, cộng đồng chúng ta e sẽ trở thành “Ông Già Bệnh Hoạn” của các sắc dân thiểu số ở Hoa Kỳ.

Trong bốn năm qua, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển thử nghiệm một mô thức để giúp cộng đồng chúng ta thoát khỏi vòng lẩn quẩn này. Mô thức rất đơn giản: giúp những tổ chức người Việt có thực tâm nhanh chóng tạo năng lực. Khi mạnh rồi, tổ chức này lại kéo thêm một vài tổ chức nữa theo sau. Cứ thế, dắt díu nhau, các tổ chức này sẽ khởi động một vòng ưu việt từ từ thay thế cho vòng lẩn quẩn. Với vòng ưu việt, cộng đồng chúng ta sẽ tăng trưởng về năng lực để ngày càng vững chãi dấn bước vào các sinh hoạt chính mạch của Hoa Kỳ.

Nhịp độ chuyển hoá còn rất chậm. Chúng tôi kêu gọi và mong chờ sự tiếp tay của những người có ý nguyện và quyết tâm đưa cộng đồng Việt ra khỏi tình trạng hiện nay và nhanh chóng tiến lên ngang hàng với các cộng đồng sắc dân bạn.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=433