Bảo Vệ Trái Tim Quý Bà
Date: Monday, October 24 @ 16:29:54 EDT
Topic: Sức Khoẻ


Bs. NGUYỄN Ý-ĐỨC

Hôm nay người viết xin “mách” với quý tỷ muội một sự kỳ thị nam nữ mà y giới đã đối xử với quý bà từ nhiều chục năm qua. Vâng, một kỳ thị đáng kể liên quan tới sức khoẻ con người, đến nỗi Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ phải lên tiếng. Thưa đó là vấn đề phòng ngừa và điều trị bệnh của con tim Những Người Đẹp.

Kỳ thị thứ nhất là y giới đã chú tâm nhiều hơn vào việc nghiên cứu các phương thức trị liệu, phòng ngừa bệnh tim mạch ở nam giới. Đã vậy họ lại lấy các tiêu chuẩn này áp dụng cho các bà mà không để ý rằng tim nam nữ có vài điểm khác nhau. Đó là kỳ thị thứ hai.

“Mách” của người viết căn cứ vào bản tin của hãng truyền thông Mỹ CNN với tiêu đề “Bệnh tim là nguyên nhân tử vong số một ở cả nam nữ giới bên Hoa Kỳ, vậy mà cho tới bây giờ đàn bà vẫn phải dựa vào các hướng dẫn phòng ngừa và điều trị bệnh của mình căn cứ trên các nghiên cứu về bệnh ở đàn ông”.

Thực ra, đã có một ngộ nhận cho rằng bệnh tim mạch là của riêng đàn ông. Nhiều bà, và ngay cả một số thầy thuốc của họ, cũng cho là vậy. Thăm dò ý kiến cho hay có tới quá nửa các bà không biết rằng bệnh tim là nguyên nhân tử vong dẫn đầu ở nữ giới: nửa triệu mỗi năm hoặc mỗi phút có một vị vĩnh viễn ra đi. Thật là một ngộ nhận đáng tiếc.

Và hôm thứ Tư mồng 4 tháng 2 năm 2004, lần đầu tiên Hội Tim Hoa Kỳ đưa ra một bản hướng dẫn để phụ nữ và thầy thuốc căn cứ vào đó mà phòng ngừa và điều trị bệnh tim. Với mục đích khích lệ chiến dịch “Một tháng cho bệnh Tim”, đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Laura Bush đã đề cao cảnh giác các bạn đồng giới về vấn đề bệnh tim mạch. Theo Bush phu nhân thì đàn bà chúng ta cứ nghĩ rằng mình ít bị cơn đau tim, rằng tai nạn này chỉ có ở đàn ông, nên họ đi tìm thầy thuốc trễ hơn do đó chịu tổn thương nhiều hơn. Năm 1997, chỉ có 30% quý bà ý thức rằng bệnh tim là nguyên nhân tử vong hàng đầu của họ. Nhưng kết quả thăm dò mới đây thì thấy con số hiểu biết đã tăng tới 46%.

Thôi thì trễ còn hơn không, nên xin cùng tìm hiểu hướng dẫn ra sao. Khi sanh ra, trái tim bé trai dường như nhỉnh hơn trái tim bé gái một chút. Nhịp tim đập ở bé gái thường nhanh hơn bé trai khoảng năm nhịp. Trong lòng mẹ, nhịp tim con là 130 tới 160 nhịp mỗi phút; khi sanh thì nhịp giảm xuống 140 mỗi phút rồi chậm dần tới lúc 18 tuổi, nhịp trung bình là 82 mỗi phút.. Tới tuổi trưởng thành, nhịp tim nam là từ 70-78 nhịp một trong khi tim nữ có 75-85 nhịp một phút. Khác biệt này là do kích thước trái tim: Tim nam nặng khoảng gần 300 gr, nữ chỉ có 260 gr. Vì nhỏ nên tim nữ cần đập nhanh hơn để đẩy cùng số lượng máu ra khỏi tim. Một lần bóp vào, tim đẩy ra 0,12 lít máu. Có bao giờ ta tưởng tượng được rằng nếu tim nam đập 74 lần một phút thì tim sẽ đẩy ra 3915 lít máu mỗi ngày. Và tim nữ 80 nhịp một phút sẽ đưa vào cơ thể 4230 lít máu một ngày. Vì hơi nhỉnh hơn nên tim nam cũng dễ bị tổn thương hơn và theo Hội Tim Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong bệnh tim bẩm sinh ở bé trai cũng cao hơn ở bé gái.

Có một điều may mà tạo hoá đã ban riêng cho phụ nữ để bảo vệ với bệnh tim: đó là kích thích tố estrogen,có nhiều trong thời kỳ trung niên mầu mỡ. Do đó, ở phụ nữ, bệnh tim thường xẩy ra trễ hơn ở đàn ông tới dăm bẩy năm. Tử vong thấp hơn so với nam giới cho tới tuổi 75; sau đó vì họ sống lâu hơn nên số phụ nữ chết vì bệnh tim cũng cao hơn.

 Nhiều người ví kích thích tố như một tên lính gác cửa, không cho chất béo đóng vào thành động mạch gây cản trở lưu thông của máu. Theo một số khoa học gia, estrogen này tăng loại cholesterol lành HDL trong máu và đưa cholesterol không tốt LDL ra khỏi mạch máu. Tới kỳ mãn kinh, estrogen giảm nên tác dụng bảo vệ đối với bệnh tim mạch này mất đi. Người ta đã thử dùng estrogen để tránh bệnh tim ở đàn ông và phụ nữ mãn kinh, nhưng kết quả không như ý muốn mà còn gây nhiều rủi ro khác.

Tuổi đời là yếu tố quan trọng: bệnh tim mạch tăng với tuổi. Theo nhiều nghiên cứu thì đàn bà thiệt mạng vì bệnh tim nhiều hơn đàn ông; 38% đàn bà và 25% đàn ông thiệt mạng trong vòng một năm sau khi bị cơn quỵ tim; sau giải phẫu nối mạch máu tim (by pass), tỷ lệ tử vong ở phụ nữ nhiều gấp đôi nam giới; 18% bệnh nhân nam và 35% bệnh nhân nữ thoát nạn cơn tim đều sẽ bị lại trong vòng 6 năm. Vậy mà trong các nghiên cứu về bệnh tim, chỉ có 25% phụ nữ được mời để thử nghiệm tìm hiểu. Thêm vào đó, dù phụ nữ thiệt mạng vì quỵ tim nhiều hơn đàn ông mà họ chỉ có 36% được mổ tim (open heart Surgery) và 33% được thông tim (Angioplasty).

Cơn đau tim (heart attack) là sự giảm thiểu hoặc gián đoạn máu lưu thông tới động mạch vành nuôi dưỡng tế bào tim, rồi từ đó đưa tới tổn thương trầm trọng cho trái tim. Thiếu máu càng lâu thì tế bào càng bị tiêu hủy nhiều và những tổn thương đã xẩy ra đều không trở lại bình thường được. Theo thống kê, 1/3 những cơn đau tim như vậy đưa tới tử vong. Nhưng ở người trên 65 tuổi thì tử vong cao hơn, tới 4/5.

Dấu hiệu cơn đau tim cũng khác nhau: nam thì thấy như khó tiêu, đau lưng, chóng mặt, tê đầu ngón tay; còn các bà thì đau như thắt ở ngực, khó thở, đầu quay cuồng, xỉu. Cho nên khi thấy có những đấu hiệu báo trước thì phải hành động ngay: Vâng, phải đi vào bệnh viện cấp cứu tức thì. Lý do là các dược phẩm làm tan máu cục được sử dụng ở phòng cấp cứu và sử dụng càng sớm thì triển vọng tái lập máu lưu thông càng tốt, thiệt hại cho tế bào tim được giảm thiểu, nhất là trong hai giờ đầu.

Thế bây giờ phải làm gì để có một trái tim lành mạnh, một bộ óc không tổn thương vì tai biến? Nên nhớ là nan bệnh này không phải xuất hiện đầu hôm sớm mai. Chúng đã manh nha từ khi ta còn nhỏ, tới tuổi trưởng thành, nếu ta không để ý phòng ngừa các nguy cơ. Tất nhiên có những yếu tố như tuổi tác, di truyền, gia đình thì ta không làm thay đổi được, nhưng một số yếu tố khác liên quan tới nếp sống, thì ta có thể làm tốt hơn.

Các nguy cơ bệnh tim mạch gồm có cao cholesterol, cao huyết áp, hút thuốc lá, mập phì, không vận động cơ thể, tiền sử bệnh tim và tai biến não trong gia đình.

1 - Cao huyết áp là một trong nhiều nguy cơ đưa tới cơn đau tim. Đa số chúng ta đều đã có một số khái niệm về bệnh này rồi nên người viết chỉ xin nhắc lại vài điều căn bản:

- Cao huyết áp vẫn được coi như một tên sát nhân thầm lặng, vì khi đột nhiên lên quá cao có thể đưa tới tử vong cho người bệnh;

- Do đó cần liên tục dùng thuốc để giữ huyết áp ở mức bình thường và áp dụng các phương thức trị liệu khác do thầy thuốc của mình chỉ dẫn;

- Tiêu chuẩn mới của cao huyết áp là từ 120/80 đã được gọi là Tiền Cao Huyết Áp rồi;

- Cần đo huyết áp mỗi khi đi khám bác sĩ.

2  - Hút thuốc lá không phải là vấn đề lớn với phụ nữ ta. Tuy nhiên chúng ta cũng nên biết rằng rất nhiều hoá chất trong thuốc lá đã được chứng minh là gây bệnh tim mạch; rằng nhịp tim sẽ tăng nhanh, mạch máu co cứng dưới tác dụng của nicotine ; rằng carbon monoxide trong khói thuốc lá chiếm chỗ của oxy ở hồng huyết cầu, nên dưỡng khí nuôi tế bào giảm; rằng người hút thuốc lá sẽ bị quỵ tim sáu lần nhiều hơn và dễ tử vong hơn; rằng hút thuốc lá mà uống thuốc ngừa thai lại tăng nguy cơ quỵ tim, tai biến não tới 20-30 lần; rằng hút nhiều ít bao nhiêu cũng nguy hại. Điều may là khi ngưng thì nguy cơ bệnh tim mạch giảm hẳn. Theo hiệp hội Tim Hoa Kỳ, hút thuốc là nguyên nhân thứ nhất đưa tới 1/5 các trường hợp tử vong trong cơn đau tim.

3 - Không vận động cơ thể là nguy cơ quan trọng của bệnh tim. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng với vận động, ta có thể giảm bệnh tim mạch tới 30%. Vận động tăng máu lưu thông tới tim; tăng cường sức bóp của trái tim; tim đẩy ra nhiều máu mà không phải làm việc quá sức. Ngoài ra vận động còn làm giảm cân nặng cơ thể, giảm cholesterol trong máu, giảm nguy cơ bệnh tiểu đường. Những “giảm” này đều làm tốt cho trái tim. Cũng chẳng phải vận động gay go gì. Mỗi ngày chỉ cần 30-45 phút đi bộ bước nhanh là quá đủ.

4 - Mập phì. Người mập thì có nhiều tế bào mỡ, với quý bà thì mỡ đóng tại đùi và mông, giống như hình quả lê. Tế bào mỡ cần nhiều oxy và chất dinh dưỡng để sống và tim phải làm việc nhiều hơn để cung ứng. Máu sẽ lưu chuyển trong mạch máu nhiều hơn, tim sẽ phải đập nhanh hơn. Thế là tim mau mệt mau suy, mau bị cơn tim. Đồng thời, người mà mập thì huyết áp cũng cao, cholesterol lên quá mức bình thường 200 mg và bệnh tiểu đường cũng dễ dàng xẩy ra. Cho nên ta phải giữ sức nặng cơ thể vừa phải với tuổi đời và thể tạng. Bằng cách nào ư? Thưa ăn vừa đủ năng lượng cần thiết cho các sinh hoạt, lao động của cơ thể cũng như vận động chân tay.

5 - Khi tâm thần căng thẳng, huyết áp lên, tim đập liên hồi loạn nhịp, tim mau mệt hơn. Nếu stress kéo dài quá 7-8 phút là cơn tim có thể xẩy ra. Tất nhiên đây là chuyện hãn hữu, nhưng cũng nên biết để đề phòng.

6 - Điểm chót mà người viết muốn nhấn mạnh liên hệ tới chất cholesterol trong máu. Cao cholesterol nơi máu là nguy cơ quan trọng của bệnh tim mạch. Câu chuyện cholesterol đã tạo ra nhiều bối rối cho chúng ta vì thực tình thì nó cũng hơi rắc rối. Xin lưu tâm mấy điểm sau đây:

a -  Lipid là tên khoa học để chỉ chất béo fat, và cholesterol. Cholesterol có liên hệ với chất béo fatty acid nhưng không đồng nghĩa với fatty acid;

b - Cholesterol có cấu trúc và chức năng khác với fat nhưng đôi khi cùng hiện diện trong thực phẩm nên ta hay nhầm lẫn.

c - Cholesterol là chất béo cần thiết cho cơ thể. Nó là thành phần của mỗi tế bào, vài loại kích thích tố và của mật. Nhưng nếu cholesterol trong máu lên quá cao thì nguy cơ nhiều bệnh có thể xẩy ra.

d - Cơ thể có thể tạo ra tới 85% cholesterol mà cơ thể cần. Phần còn lại đến từ thức ăn. Chỉ thực phẩm động vật như trứng, gan, thịt bò, gà, cá, sữa mới có cholesterol.

e - Một vài thực phẩm thực vật có fat nhưng không có cholesterol. Màng tế bào thực vật không có cholesterol như động vật mà có chất xơ.

g - Cần phân biệt cholesterol trong thực phẩm và cholesterol trong máu:
Cholesterol trong máu đến từ hai nguồn cung cấp: từ cơ thể nhất là từ gan , tới 85%. Nếu cơ thể tạo ra nhiều cholesterol quá thì có rủi ro cho tim. Cơ thể sẽ chuyển cholesterol dư này ra chất fat hoặc đóng trong thành động mạch. Nên nhớ trẻ em tạo ra ít cholesterol nên chúng cần được ăn số cholesterol đầy đủ. 15% còn lại là từ thực phẩm tiêu thụ.

h - Cholesterol không cho calories, nên ăn nhiều cholesterol không làm ta mập;

i - Cholesterol trong thực phẩm không tự động thành cholesterol trong máu, mà chất béo nhất là loại bão hoà có ảnh hưởng nhiều tới cholesterol trong máu hơn là thực phẩm chỉ có cholesterol

k - Khi ta nói tới cholesterol lành và không tốt là nói tới cái cholesterol lưu hành trong máu chứ không liên quan tới cholesterol trong thực phẩm.Vì không hoà tan trong nước nên cholesterol không lưu thông trong máu được và phải nhờ một loại chất đạm cõng nó. Hỗn hợp cõng nhau đó được gọi là lipoprotein. Có loại high density lipoprotein HDL chuyên trở cholestetrol từ mọi nơi trong cơ thể về gan để được huỷ hoại, nên nó được coi như là tốt lành; Low density lipoprotein cholesterol LDL thì lại chuyên chở cholesterol từ gan tới tế bào. Dọc đường một số ngả lưng, bám vào thành động mạch và gây ra chuyện chẳng lành cho tim mạch. Vậy thì HDL và LDL chỉ có ở trong máu chứ không có trong thực phẩm.

l- Mỗi ngày không nên dùng quá 300 mg cholesterol. Một quả trứng cho 250 mg cholesterol, một Big Mac cho 75 mg.

Một cựu bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ đã nói “Ta có thể tránh tới 85% các loại bệnh nếu ta hiểu rõ chúng và biết các phương thức để phòng ngừa chúng”.

Với mấy lời “mách” tích cực, xây dựng này, người viết chỉ mong quý tỷ muội tránh được 75% những hậu quả xấu do các nguy cơ bệnh tim gây ra, thì đã lấy làm hạnh phúc lắm rồi.

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Texas 13-2-04

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=385