Những Con Số Mới Nhất về Hôn Nhân
Date: Tuesday, October 04 @ 13:52:09 EDT
Topic: Mái Ấm Gia Đình


và Gia Đình tại Hoa Kỳ

Phạm Hoạt

(tiếp theo kỳ trước)

Bài của National Marriage Project at Rutgers University – “The state Of Our Unions, 2005” là một tường trình mới nhất trong một loạt những bài tường trình cho thấy chiều hướng văn hoá muốn xa rời truyền thống hôn nhân. Tỷ số ly dị cao (trung bình tỷ số ly dị hay ly thân vào khoảng từ 40% tới 50%), cộng thêm mức độ trai gái sống chung không cheo cưới gia tăng khủng khiếp (khoảng từ năm 1960 và 2004, số các cặp không cheo cưới tăng gần 1,200%).

Tình trạng này không khá được, ít nhất là đối với giới trẻ. Kinh nghiệm và khảo cứu cho thấy rằng những đứa trẻ, sinh ra và lớn lên trong một mái ấm có cha có mẹ phát triển quân bình hơn, an toàn hơn, lành mạnh hơn cả tinh thần, cảm xúc và lẫn thể chất.

Số những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình không cha hoặc không mẹ, thường là không cha, càng ngày càng gia tăng trong 4 thập niên qua (từ 9% năm 1960 tới 28% năm 2004). Sự kiện này kéo theo nhiều vấn đề xã hội và tốn kém, và đòi hỏi sự can thiệp của chính quyền vào đời sống gia đình.

Thật vậy, khi ly dị, cha hoặc mẹ bị tước đoạt đi rất nhiều những liên hệ đối với con cái; chính quyền có những luật lệ khi nào được thăm con; được đón con đi học về hay không, nếu có thì ngày nào, giờ nào; có được định đoạt về vấn đề sức khoẻ, thuốc men; bao nhiêu tiền phải cung cấp cho các con.

Đối mặt với sự kiện tỷ số mỗi ngày mỗi cao về ly dị, về sống chung không hôn thú, về giới trẻ sinh ra và lớn lên thiếu tình cha hoặc tình mẹ hoặc không biết cha mẹ mình là ai, có khuynh hướng cho rằng “gặp thời thế, thế thời phải thế”; đó là một trào lưu, một giai đoạn lịch sử con người, chẳng ai có thể làm được gì, thôi thì cũng “đành nhắm mắt đưa chân xuôi dòng nước chảy”. Có khuynh hướng muốn be bờ đắp đập, ngăn dòng nước lũ.

Be bờ đắp đập cách nào?

Cho thấy những lợi ích của hôn nhân: Barbara Dafoe Whitehead, Ph.D, Co-Director, National Mariage Project đã tường trình trước Committee On Health, Education, Labor And Pensions, Subcommittee On Children And Families
U.S. Senate nhiều lợi ích về hôn nhân, Tháng Tư, 2004.

a) Lợi ích cho giới trẻ: Nhiều cuộc nghiên cứu đồng ý rằng những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, ít sóng gió, có cha có mẹ, sẽ tốt hơn về nhiều phương diện: kinh tế, xã hội, giáo dục, và cảm xúc so với những đứa trẻ trong hoàn cảnh khác.

-  Những lợi ích kinh tế: Những đứa trẻ lớn lên với cha mẹ ruột có cheo cưới không bị ảnh hưởng tình trạng kinh tế như những đứa trẻ có cha mẹ ly dị. Người ta phỏng đoán rằng ngay sau khi cha mẹ ly dị, con cái sẽ bị thiếu hụt tới 70%.

-  Lợi ích giáo dục: Theo Sara McLanahan và Gary Sandefur so với những học sinh chỉ ở với cha hoặc mẹ hoặc với cha mẹ ghẻ, số học sinh trung học sống với cha mẹ ruột thôi học ít hơn, nghỉ học ít hơn, và vấp phải những cách ứng xử xấu  ít hơn; những học sinh này cũng biết kiềm chế không để rơi vào những vấn đề tình dục làm ngăn  trở công việc học hành; các em này xem ra cũng học hết 4 năm đại học hay có nghề nghiệp tốt hơn.

-  Lợi ích về đời sống tình cảm: Theo American Academy of Pediatrics, hậu quả của cha mẹ ly dị đối với con cái của họ không hẳn chỉ là một triệu chứng không ăn nhập gì, nhưng có thể là “một kinh nghiệm đau thương lâu dài”. Vì thế những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong một gia đình có cha có mẹ sẽ ít bị thương tổn vì tình trạng tâm bệnh, buồn chán, tự tử so với các đứa trẻ có cha mẹ ly dị.

Những thiếu niên trong gia đình với cha mẹ ruột có thái độ xác thực lạc quan về phái nữ, về con cái và gia đình; những buổi hẹn hò và tương quan hôn nhân của chúng sẽ có màu sắc của cha mẹ chúng.

b) Lợi ích cho người lớn: 

     -  Lợi ích cho lứa đôi: Chung chung, những người lập gia đình hạnh phúc hơn, khoẻ mạnh hơn, sung túc hơn, sống lâu hơn, và thoả mãn sinh ly hơn những người độc thân, ly dị hay sống chung ngoài hôn nhân. Họ cũng vui hưởng sự gần gũi, nâng đỡ của bà con họ hàng. Họ đối phó hiệu quả hơn với những bất trắc kiếp người như bệnh tật hiểm nghèo, mất việc, săn sóc cha mẹ già yếu...

Dĩ nhiên, tự nó, hôn nhân không giải thoát hai người khỏi cảnh túng bần, nhưng giúp giảm bớt nỗi cơ cực qua việc gom chung lợi tức, qua sự hỗ trợ từ hệ thống họ hàng, bạn bè đông đảo hơn. Một khảo cứu của kinh tế gia Robert Lerman nói rằng tỷ số nghèo túng của các cặp hôn nhân chỉ bằng nửa tỷ số các cặp sống chung không cưới hỏi, và bằng một phần ba tỷ số các gia đình chỉ có cha hoặc mẹ.

-  Lợi ích cho quý ông: Được sự săn sóc của các bà vợ, các ông gặt hái được nhiều lợi ích về sức khoẻ, không hoặc bớt la cà ở quán rượu, hút sách. Vì có trách nhiệm với người khác, các ông siêng năng hơn trong việc làm và vì thế kiếm nhiều tiền hơn.

Tư cách làm chồng khiến các ông tự nguyện có trách nhiệm với con cái mình, nhờ đó liên hệ cha con trở nên thân mật đâm đà.

-  Lợi ích cho quý bà: Nhận được sự cộng tác thực tế, sự hỗ trợ chân thành yêu thương của đức ông chồng, các bà cảm thấy nhẹ gánh, bớt căng thẳng, bớt lo lắng và vui hưởng vai trò làm mẹ. Ngoài ra, các bà có lợi hơn về tài chánh và vui hưởng tình chăn gối hơn.

(xem tiếp kỳ sau)

Mạch Sống Số 40, tháng 10, 2005

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=348