LUẬT PHÁP ĐỐI VỚI BẠO HÀNH TRONG GIA ĐÌNH
Date: Monday, May 09 @ 08:24:40 EDT
Topic: Mái Ấm Gia Đình


JEAN BRUGGEMAN - Mai Tâm chuyển ngữ

Những trường hợp bị bạo hành trong gia đình có thể xảy ra trong mọi sắc tộc, thành phần trong xã hội, không phân biệt giới tính, văn hoá và tuổi tác. Điều quan trọng trước hết mà nạn nhân bị bạo hành cần phải hiểu là: bạn được luật pháp che chở và có nhiều cơ quan giúp đỡ cho những nạn nhân bị bạo hành trong gia đình. Bài viết này trình bày vấn đề luật pháp bênh vực như thế nào cho nạn nhân bị bạo hành.


Có hai luật áp dụng cho những người là nạn nhân của sự bạo hành trong gia đình: luật gia đình và luật di dân. Nhiều thành phố và các quận hạt có các dịch vụ trợ giúp về pháp lý. Các dịch vụ này thường có các luật sư làm việc miễn phí gọi là pro bono. Thông thường, họ chỉ giúp về luật gia đình mà thôi. Họ không để ý đến tình trạng di dân của các nạn nhân.

Điều quan trọng cần biết là luật gia đình được áp dụng theo từng tiểu bang. Vì thế, có rất nhiều chi tiết khác nhau giữa luật gia đình của mỗi tiểu bang. Trong khi đó luật di dân, vì là luật của liên bang, được áp dụng đồng đều ở mọi tiểu bang.

Luật Gia Đình

Trước hết, Lệnh Bảo Vệ của toà án, gọi là Protective Order hay Restraining Order, được cấp cho các nạn nhân khi các nạn nhân đứng xin. Thông thường, các nạn nhân nhận được Lệnh Bảo Vệ tạm thời ngay khi xin. Lệnh Bảo Vệ tạm thời chỉ có giá trị trong vòng một tuần. Trong thời gian đó, nếu nạn nhân muốn xin Lệnh Bảo Vệ có hiệu lực lâu hơn thì toà án sẽ cho phép nạn nhân và người hành hung ra trước toà để phân xử. Nếu có những bằng chứng cụ thể, toà sẽ cấp cho nạn nhân Lệnh Bảo Vệ có hiệu lực từ 2 đến 3 năm. Lệnh Bảo Vệ cấm người hành hung không được tiếp xúc với nạn nhân dưới bất cứ hình thức nào, chấm dứt ngay sự hành hung, và không được nhờ người khác quấy nhiễu hay đe doạ nạn nhân. Lệnh Bảo Vệ còn được dùng trong việc xin quyền nuôi dưỡng con, yêu cầu người hành hung rời khỏi nhà, trả lại những gì đã tước đoạt của nạn nhân, và dành rất nhiều quyền lợi khác cho nạn nhân. Hầu hết, các tiểu bang cũng sẽ cấp Lệnh Bảo Vệ cho những nạn nhân bị hành hung ngay cả trong trường hợp chưa có giấy hôn thú.

Ngay cả khi ở giai đoạn là bạn trai hay bạn gái, nếu bị đe doạ hay hành hung, nạn nhân vẫn có quyền xin Lệnh Bảo Vệ. Ở một vài tiểu bang, Lệnh Bảo Vệ cũng có thể được cấp cho những người sống chung nhà như người ở cùng phòng, các thành viên trong gia đình, bạn bè... Có rất nhiều cơ quan và các tổ chức hoạt động giúp đỡ cho các trường hợp bị hành hung, sẵn sàng giúp nạn nhân điền đơn xin Lệnh Bảo Vệ, và hỗ trợ nạn nhân khi ra toà. Có những tổ chức còn có những luật sư miễn phí để giúp cho nạn nhân.

Trong trường hợp nạn nhân xin Quyền Nuôi Dưỡng và Được Chu Cấp con cái, toà phân xử xem đứa trẻ nên sống với ai, đứa trẻ sẽ được cha (hay mẹ) thăm viếng bao nhiêu lần, nơi nào và khi nào là thuận tiện để cha (hay mẹ) thăm viếng, và người cha (hay mẹ) phải chu cấp mỗi tháng là bao nhiêu. Trong trường hợp này thì nạn nhân có thể xin bất cứ khi nào, ngay dù không có hôn thú, và không liên quan gì đến tình trạng cư trú. Nạn nhân có thể xin tiền chu cấp con cái ngay cả khi không còn sống chung một nhà với người hành hung. Toà sẽ yêu cầu tiền cấp dưỡng con của người cha hay mẹ (mà không có quyền nuôi con) được chuyển thẳng tới người đang nuôi dưỡng con.

Trong trường hợp ly thân, nạn nhân vẫn có thể được chia đôi tài sản. Ly thân là bước thứ nhất để xin ly dị và dễ dàng được toà chấp thuận hơn. Điều duy nhất khác nhau giữa ly thân và ly dị là: người đang ly thân không có quyền làm hôn thú với người khác. Ly thân là trường hợp tốt nhất cho những nạn nhân bị bạo hành muốn chấm dứt tình trạng hôn nhân, nhưng vì lý do văn hoá, phong tục tập quán hay tôn giáo mà không muốn ly dị.

Luật Di Dân

Luật di dân rất phức tạp và thường xuyên thay đổi. Có rất nhiều loại đơn khác nhau dành cho những nạn nhân bị bạo hành. Những người di dân bị bạo hành có thể hội đủ điều kiện cho những đơn này. Tuy nhiên, rất khó để xác định xem trường hợp nào thì dùng đơn nào cho đúng. Và mỗi đơn lại đòi hỏi những giấy tờ, hồ sơ chứng minh khác nhau. Bạn phải tìm một luật sư về di dân có kinh nghiệm làm việc với nạn nhân bị bạo hành để giúp đỡ.

Những nạn nhân bị bạo hành đã là công dân Hoa Kỳ hay đã có thẻ xanh thông thường thì không cần có sự trợ giúp về tình trạng di dân. Không ai có thể tước quyền cư trú của bạn.

Những nạn nhân bị bạo hành đang có thẻ xanh Conditional – tạm dịch là Thẻ xanh có điều kiện, có giá trị trong vòng hai năm, thì có thể tự mình nộp đơn xin thẻ xanh thông thường (tức có giá trị trong vòng 10 năm). Những nạn nhân này phải điền đơn I-751 và phải chứng minh được là cuộc hôn nhân là thực sự và đã bị hành hung. Đơn này có thể điền ngay cả khi đã nộp đơn ly dị.

Những nạn nhân bị bạo hành chưa có thẻ xanh có thể tự mình xin thẻ xanh. Bước đầu tiên là phải điền đơn I-360 (VAWA Self Petition). Nên điền đơn này ngay cả khi người phối ngẫu đã điền giấy tờ xin thẻ xanh cho bạn. Khi điền đơn này, phải chứng minh được cuộc hôn nhân là thực, và người điền đơn bị hành hung về thể xác hay tinh thần và là một người có hạnh kiểm tốt. Đơn này có thể điền trong vòng hai năm sau khi ly dị, hoặc khi biết được cuộc hôn nhân là giả tạo bởi vì người phối ngẫu đã có gia đình. Ngoài ra, có thể điền đơn này ngay cả khi người phối ngẫu hành hung con của bạn. Bước kế tiếp là phải điền đơn I-485. Nếu người phối ngẫu đã điền đơn này rồi thì cần nói cho nhân viên sở di trú biết rằng bạn là nạn nhân của sự bạo hành và có thể không cần phải điền lại đơn này. Một số người di dân là nạn nhân của sự bạo hành có thể không hội đủ điều kiện khi tự mình đứng xin đơn I-485, nhưng lại có thể hội đủ điều kiện để xin toà án di dân huỷ bỏ tình trạng thẻ xanh có điều kiện (Conditional Green Card).

Trường hợp này giống như tự mình đứng xin thẻ xanh (Self-petition) nhưng được điền tại Toà án di dân và phải hội đủ nhiều điều kiện khác.

Những người di dân bị bạo hành mà không kết hôn với công dân Hoa Kỳ hay thường trú nhân thì có thể xin U-Visa (Chiếu Khán U). Đây là trường hợp rất đặc biệt cho những nạn nhân liên quan đến hình sự và có liên quan đến sự bạo hành trong gia đình. Trường hợp này phải cần đến các báo cáo của cảnh sát hay các cơ quan chính phủ. Đơn đòi hỏi phải có giấy chứng nhận của cơ quan chính phủ đã điều tra, khởi tố hay phán quyết của toà. U-Visa có giá trị trong vòng 3 năm và nạn nhân có quyền xin thẻ xanh.

Các Tổ Chức Dịch Vụ Xã Hội

Tất cả những nạn nhân của sự bạo hành – bất kể tình trạng di trú – đều có thể xin chỗ trú ngụ tạm thời gọi là shelter hay transitional housing. Nếu cần thiết, họ đều được đưa đi cấp cứu và chữa trị, được hưởng sự trợ giúp về thực phẩm và quần áo, được sự bảo vệ và cảnh sát sẽ không hỏi về tình trạng di trú của họ. Và, nếu cảnh sát có hỏi thì họ có quyền KHÔNG trả lời.

Một số những di dân là nạn nhân của sự bạo hành có thể được hưởng chương trình phúc lợi của chính phủ như phiếu thực phẩm, thẻ khám bệnh miễn phí hay tiền mặt. Những trẻ em là công dân Hoa Kỳ đều được hưởng chương trình phúc lợi này ngay cả khi cha mẹ không được hưởng.

Các tổ chức giúp đỡ cho nạn nhân bị bạo hành sẽ giúp các nạn nhân biết được các quyền lợi được hưởng của mình. Xin đừng sợ hãi và ngần ngại khi nhờ đến sự trợ giúp. Hãy luôn nhớ rằng: Bạn và gia đình bạn có quyền được sống dưới một mái nhà an toàn.

Nếu cần thêm tin tức hay cần sự giúp đỡ, xin liên lạc với Mai Tâm , số điện thoại 703-538-2190.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=30