Nạn nhân buôn người: hành trình 15 năm
Date: Sunday, September 21 @ 21:43:54 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Nạn nhân buôn người ở Samoa được vào quốc tịch Mỹ

LTS: Bài tường thuật của RFA dưới đây nói về cuộc giải cứu, can thiệp và vận động kéo dài 15 năm cho khoảng 250 đồng bào Việt và 30 người Hoa, nạn nhân buôn người ở đảo American Samoa, lãnh thổ bảo hộ bởi Hoa Kỳ. Thủ phạm buôn người là hai công ty xuất khẩu lao động của nhà nước Việt Nam và công ty may mặc của một chủ nhân người Đại Hàn. Cùng với thân nhân của họ tổng cộng là một nghìn con người đã được cứu thoát; 15 năm sau một số đã thành công dân Hoa Kỳ. Nhiều nạn nhân trước  đây nay đã có cơ sở buôn bán, công việc ổn định, nhà cửa, xe cộ. Con cái của họ đã vào đại học hoặc đã tốt nghiệp đại học. Có em đang tình nguyện với BPSOS. Tuy nhiên, điều ít ai biết là vụ giải cứu này là một bước ngoặt chiến lược để đối phó với cả một chính sách rất tinh vi của chính quyền Việt Nam để buôn người hàng loạt mà vẫn qua mắt được quốc tế. Điều này sẽ được trình bày trong bài sắp đến.

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014-09-20

 

Đối với hơn 200 nữ công nhân may mặc Việt Nam đến đảo American Samoa từ năm 1999, thì tháng Chín năm 2014 này là tháng trọng đại vì họ được phép đi thi vào quốc tịch sau 15 năm chờ đợi trên đất Mỹ.

“Trong cái rủi có cái may”

Hầu hết những công nhân này là phụ nữ miền quê đất Bắc, được Công Ty Du Lịch 12 và công ty IMS đưa sang American Samoa, lãnh thổ hải ngoại của Hoa Kỳ, làm việc trong công ty Daewoosa của người chủ Nam Hàn tên Kil Soo Lee.

Tên em là Nguyễn Thị Tuyết Mai, quê ngoại ở Bắc Giang, quê nội ở Hà Đông, nhập quốc tịch ngày 13 tháng Chín, thứ Bảy vừa rồi. Đấy là ngày bọn em tuyên thệ để vào quốc tịch. Nói chung tiếng Anh của mình cũng kém nhưng không phải là khó lắm. Thực ra mình cũng là người hợp pháp trên đất Mỹ rồi nhưng mà có quốc tịch cái tự dưng có đem đến cho mình niềm vui vô cùng to lớn.

Được công ty IMS trong nước đưa sang American Samoa đợt thứ tư, chị Tuyết Mai mới nhận thấy vì phải làm việc nhiều giờ trong điều kiện lao động thiếu thốn, lương hướng chẳng những không được thanh toán sòng phẳng mà còn bị ông chủ Kil Soo Lee ngược đãi, những người đi trước chị đã tổ chức biểu tình và đình công. Hậu quả là nhiều người trong số họ bị chủ bỏ đói, bị đốc công người bản xứ hà hiếp đánh đập. Khi đó, trường hợp đặc biệt gây xúc động cho người Việt ở Hoa Kỳ là chuyện cô Quyên, công nhân trẻ tuổi nhất bị đốc công bản xứ trong hãng may Dawoosa đánh đến hư một con mắt:

Em qua Samoa năm 1999, là nhóm cuối cùng của IMS. Cứ làm hoài mà không thấy lương thì việc kiện là công lớn nhất của mấy người của IMS, họ đã biểu tình họ đã nghĩ việc rồi họ nhờ luật sư can thiệp. Bọn em mới sang người ta bảo đi làm thì mình đi làm. Sau đó mấy tháng trời chẳng có lương gì cả nhưng mà em vẫn thấy liên tục Công Ty 12 đưa người sang cấp tập, hàng tháng đưa hai ba đoàn sang. Công sức lớn nhất thực ra là người của IMS mà số người đó hầu như đã về Việt Nam hết. Em thấy đó là những người bị thiệt thòi vô cùng lớn.

Năm 2000 là lúc vụ việc Daewoosa nổ lớn và chị Tuyết Mai cũng là một trong mấy chục người bị công ty IMS đưa trở lại Việt Nam:

 

Cô Tuyết Mai và các nạn nhân khác đang lao động tại công ty Daewoosa American Samoa, tháng 3, 1999



Khi tình hình rối loạn như vậy thì IMS ở Việt Nam họ sang vận động cho tụi em về. Thế là em nghe lời mấy ông IMS em đi về.

Về Việt Nam, vỡ lẻ ra sự thiệt thòi của mình, lại nghe chuyện có một số chị em còn ở lại được đưa vào đất liền của Hoa Kỳ, chị Tuyết Mai tìm mọi cách liên lạc với người ở lại Samoa, nhờ họ nói với luật sư can thiệp và hỗ trợ pháp lý. Năm 2004 chị Tuyết Mai được phép trở lại Hoa Kỳ trong tư cách nạn nhân bị bóc lột sức lao động tại một công ty nằm trong lãnh thổ hải ngoại của Hoa Kỳ. Mười năm sau, chị Tuyết Mai thi đậu vào quốc tịch và tuyên thệ để trở thành công dân Hiệp Chủng Quốc hôm 13 vừa qua:

Người đầu tiên mà em gọi là anh Thắng của Boat People bởi vì anh Thắng là người đã giúp bọn em giấy tờ được qua Mỹ này.

 

Xem tiếp: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OverseasVietnamese/traffi-vict-becom-us-citiz-09182014095832.html

 








This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2956