Việc Làm Và Cách Làm
Date: Monday, September 26 @ 17:04:06 EDT
Topic: Quan Điểm


TS Nguyễn Đình Thắng

Người Việt chúng ta có câu “của cho không bằng cách cho”. Cung cách là linh hồn của mỗi hành động. Thông cảm hay dè bỉu, khiêm cung hay hống hách, độ lượng hay dằn vặt, cùng việc làm nhưng ý nghĩa lại khác nhau một trời một vực.

Cũng vậy, cùng một việc làm nhưng cách làm khác nhau sẽ dẫn đến những hiệu quả khác nhau rất nhiều.

Hãy lấy một ví dụ. Mới đây chính quyền Nam Dương cho đập phá tấm bia tưởng niệm do thuyền nhân dựng lên ở đảo Galang, tạo sự phẫn nộ trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Cộng đồng người Việt ở Nam Cali đã tổ chức biểu tình trước toà Tổng Lãnh Sự của Nam Dương để phản đối hành động không biết điều này.

Nếu trong kỳ cứu trợ cho nạn nhân sóng thần đầu năm nay chúng ta khéo hơn một tí thì giờ đây cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ nói chung đã ở một tư tế vững vàng để hỗ trợ cho những người biểu tình.

Chúng ta đã gây quỹ cứu trợ lên đến hàng triệu Mỹ kim chứ không phải ít. Giá như chúng ta biết phối hợp với nhau và gom số tiền này lại trao tận tay cho vị đại sứ Nam Dương ở Hoa Thịnh Đốn, lại mời thêm sự hiện diện của các chức sắc Hoa Kỳ và giới truyền thông báo chí, thì giờ đây chính phủ Nam Dương có lẽ sẽ phải tự vấn lương tâm trước khi quyết định đập phá bia tưởng niệm. Tiếc thay chúng ta mạnh ai nấy làm và đã không cùng nhau tích luỹ được một vốn liếng khấm khá về ảnh hưởng và uy tín để khi nhỡ ngại thì rút ra sử dụng.

Một ví dụ khác là hai ngàn thuyền nhân ở Phi Luật Tân. Giữ lời cam kết với cử tri người Mỹ gốc Việt ủng hộ cho ứng cử viên Bush năm 2000, Dân Biểu Christopher Smith đã liên tục vận động Bộ Ngoại Giao và Toà Bạch Ốc giải quyết các vấn đề tị nạn người Việt.

May mắn cho chúng ta, lúc ấy vị Phó Ngoại Trưởng và vị Phụ Tá Thứ Trưởng đặc trách định cư tị nạn đều có thiện cảm với người Việt; cả hai đã từng tham chiến ở Việt Nam. Mặc dù có sự chống đối từ một số nhân viên kỳ cựu trong Bộ Ngoại Giao, nhờ hai vị nàyï thúc đẩy mà các vấn đề tị nạn Việt Nam đã lần lượt được giải quyết, kể cả việc cứu xét cho thuyền nhân ở Phi Luật Tân.

Một số người không nắm rõ nội tình vội lập luận rằng Hoa Kỳ sẽ nhận định cư tất cả thuyền nhân nếu như Phi Luật Tân không cho họ quy chế thường trú. Số người này đã thành công trong việc cản chặn dự luật thường trú cho thuyền nhân lúc ấy đang được cứu xét tại Quốc Hội Phi Luật Tân.

Thực ra Hoa Kỳ chỉ hứa sẽ phỏng vấn chứ không phải sẽ nhận định cư tất cả thuyền nhân. Nay cả hai nhân vật cao cấp tại Bộ Ngoại Giao kể trên đều đã rời nhiệm sở trong khi các nhân viên kỳ cựu vẫn còn đó. Tình hình có thể sẽ khó khăn hơn cho số thuyền nhân ở Phi Luật Tân. Nếu trước đây khôn khéo thì nay chúng ta có thể dùng chính Phi Luật Tân làm điểm tựa để áp lực Hoa Kỳ nhận tối đa thuyền nhân.

Lẽ ra chúng ta đã phải hỗ trợ cho dự luật thường trú để rồi dùng Phi Luật Tân làm gương cho Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Nếu Phi Luật Tân đã thông qua dự luật này thì giờ đây họ có vị thế để đòi hỏi Hoa Kỳ thâu nhận tối đa số thuyền nhân Việt Nam và làm nhẹ bớt đi gánh nặng cho đất nước Phi Luật Tân vốn giàu lòng nhân đạo nhưng lại nghèo khó về tài chính. 

Trên đây chỉ là hai trong những trường hợp, mà nếu khéo tính, thì cục diện có thể sẽ thay đổi hoàn toàn. Nếu bình tâm xét lại suốt 30 năm qua, chúng ta sẽ thấm thía hơn về những điều lẽ ra phải làm một cách khác đi. Sai một li đi một dặm.

Mạch Sống Số 38, tháng 8, 2005


 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=291