Bộ Ngoại Giao Xếp Hạng Về Buon Người
Date: Thursday, June 20 @ 23:11:13 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Xếp Hạng Buôn Người: Nga 3, Việt Nam 2

Mạch Sống, ngày 20/06/2013

Hôm qua Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry công bố bản phúc trình năm 2013 về nạn buôn người trên thế giới, qua đó Việt Nam tiếp tục được xếp ở Hạng 2 trong khi Nga bị đưa xuống Hạng 3.

Hạng 2 dành cho những quốc gia nào chứng tỏ quyết tâm chống buôn người nhưng chưa đạt tiêu chuẩn trong hành động cụ thể. Hạng 3 dành cho những quốc gia thiếu quyết tâm phòng và chống buôn người và có thể phải chịu một số biện pháp chế tài bởi Hoa Kỳ. Danh Sách Theo Dõi dành cho các quốc gia mấp mé Hạng 3, như một lời cảnh cáo.

Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, cho biết rằng việc Nga bị đưa vào Hạng 3, nghĩa là hạng chót về buôn người, không đáng ngạc nhiện: “Theo luật do Quốc Hội ban hành, Nga tự động rơi xuống Hạng 3 do không chứng minh được sự cải thiện về nạn buôn người.”

Theo luật hiện hành, Bộ Ngoại Giao không thể giữa một quốc gia bị đặt trong Danh Sách Theo Dõi, nghĩa là mấp mé Hạng 3, quá 4 năm.

“Qua năm thứ 5, Bộ Ngoại Giao phải nâng quốc gia ấy lên Hạng 2 hay đẩy xuống Hạng 3”, Ông giải thích.

Ngày 18 tháng 4, Dân Biểu Christopher Smith triệu tập buổi điều trần về 6 quốc gia ở trong tình trạng này, trong đó có Nga và Tàu. Ts. Thắng, trong tư cách đồng sáng lập viên Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA), trình bày về tệ trạng buôn người từ Việt Nam sang Nga tại buổi điều trần này.

Sau khi dẫn chứng một số vụ buôn người điển hình mà Liên Minh CAMSA đã can thiệp, Ông kết luận: “Tệ trạng buôn người ở Nga không hề cải thiện. Tôi không thấy làm sao Nga có thể lên được Hạng 2.”  

 

Ngoại Trưởng John Kerry tại buổi công bố bản phúc trình, ngày 19/06/2013 (ảnh BPSOS)



Liên Minh CAMSA hàng năm đều đóng góp thông tin chi tiết cho bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao. Năm nay, Liên Minh CAMSA chú trọng đến tình trạng buôn người ở Đài Loan, Mã Lai, Nga và Việt Nam.

Kế sách của Liên Minh CAMSA là chặt đứt đường dây buôn người ở cả hai đầu: Việt Nam là quốc gia xuất phát và ba quốc gia kia là các quốc gia tiếp nhận.

“Chúng tôi tập trung vào một số quốc gia có đông người Việt lao động vì nơi ấy thường có nhiều nạn nhân”, Ts. Thắng giải thích.

BPSOS bắt đầu đến Đài Loan hoạt động vào cuối năm 2005. Năm 2006 Đài Loan bị đưa vào Danh Sách Theo Dõi. BPSOS đã làm việc chặt chẽ và góp ý cho chính phủ Đài Loan về những biện pháp cải thiện. Năm 2010 Đài Loan được xếp Hạng 1 và ở vững tại vị trí này cho đến nay. Ghi nhận những đóng góp này, năm 2011 Tổng Thống và Chủ Tịch Quốc Hội Đài Loan đã trao giải thưởng Dân Chủ và Nhân Quyền Á Châu cho BPSOS. Hiện nay Đài Loan phối hợp rất chặt chẽ với Liên Minh CAMSA để chặn đứng đường dây buôn người từ Việt Nam.

BPSOS cũng đến Mã Lai vào cuối năm 2005. Năm 2007 rồi 2009, Mã Lai bị xếp Hạng 3. Từ 2010 đến giờ quốc gia này nằm trong Danh Sách Theo Dõi. Nếu không cải thiện thì Mã Lai cũng sẽ tự động rơi xuống Hạng 3 vào tháng 6 năm sau.

“Đây là yếu tố sẽ thôi thúc chính phủ Mã Lai gia tăng hoạt động chống buôn người trong 12 tháng tới”, Ts. Thắng nói.

Ông bày tỏ mối thất vọng về việc Việt Nam được xếp ở Hạng 2: “Dựa trên rất nhiều hồ sơ mà chúng tôi đã giải cứu, chính quyền Việt Nam hứa hẹn thì nhiều nhưng làm thì chẳng bao nhiêu, nếu không muốn nói là có sự bao che cho các công ty xuất khẩu lao động dính líu đến đường dây buôn người.”

Ngay bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao cũng thừa nhận rằng luật chống buôn người mà Việt Nam ban hành năm 2011 đến nay vẫn chưa được chấp hành về phần truy tố và trừng phạt thủ phạm.

“Tựu chung Việt Nam chỉ truy tố các vụ buôn tình dục phụ nữ và trẻ em mà thủ phạm là các cá nhân,” Ts. Thắng nói. “Ngược lại, họ bao che các đường dây buôn người lớn trong chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước.”

Bởi vậy, CAMSA chủ trương khởi đầu ở quốc gia tiếp nhận, như Nga, Mã Lai và Đài Loan, vì ở đó có nạn nhân và chứng cớ của việc buôn người, rồi truy dần đến tận gốc là Việt Nam.

“Một khi các quốc gia tiếp nhận, do áp lực từ Hoa Kỳ, thừa nhận các trường hợp buôn người xuất phát từ Việt Nam, sẽ thật khó để chính quyền Việt Nam phủ nhận”, Ts.Thắng giải thích.

Có mặt tại buổi công bố bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao, Ts. Thắng bắt liên lạc với các tổ chức chống buôn người ở một số quốc gia có đông người lao động Việt Nam.

Bài liên quan:

Việt Nam Phải Thuộc Hạng 3 Về Buôn Người, DB Chris Smith
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2654

Quốc Hội Hoa Kỳ Tổ Chức Điều Trần Về Nhân Quyền Ở Việt Nam: Phát biểu của cô Danh Hui 
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2643

 

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm 4 tổ chức thành viên: BPSOS, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau bốn năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 60 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến trên 4 nghìn nạn nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia liên hệ.

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:

BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – USA

 

 

 

 

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2688