Kiên Nhẫn - Kiên Cường: Hai Anh Em
Date: Thursday, April 25 @ 10:45:45 EDT
Topic: Sống Đẹp


Br. Huynhquảng

Kỳ này mục Sống Sao Cho Đẹp xin mượn câu chuyện từ trang web Lang Thang Chiều Tím để tiếp tục bàn về đề tài Kiên Nhẫn – Kiên Cường. Sự kiên nhẫn nó không chỉ được hiểu là kiên tâm làm việc để hoàn thiện chính mình, nhưng hơn thế nữa, giá trị và ý nghĩa của kiên nhẫn còn được tìm thấy trong sự hy sinh chính cuộc đời mình cho người khác.



Vào thế kỷ thứ 15, tại một ngôi làng nhỏ gần Nuremberg có một gia đình rất đông con - 18 đứa! Để kiếm đủ thức ăn đem về hằng ngày cho lũ trẻ, ông bố–một người thợ kim hoàn–đã phải làm việc vất vả gần 18 tiếng mỗi ngày và chẳng từ bất kỳ một công việc gì mà người trong làng thuê ông.

Mặc dù sống trong cảnh cùng quẫn, hai người con lớn Albrecht và Albert vẫn ấp ủ một ước mơ đẹp, cả hai đều muốn theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật. Nhưng thật đáng buồn vì người cha sẽ chẳng bao giờ kiếm đủ tiền để gửi họ đến học viện ở Nuremberg. Sau nhiều đêm dài cùng bàn bạc trên chiếc giường chật chội, hai anh em nghĩ ra được một cách: họ sẽ gieo đồng xu, người thua sẽ xuống làm việc trong hầm mỏ để kiếm tiền nuôi người kia suốt thời gian ở học viện, và sau 4 năm người được học trước sẽ phải lo tiền học cho người còn lại, cho dù đó là tiền lời từ bán tranh, hay nếu cần là tiền lương của công nhân hầm mỏ.

Họ cùng nhau gieo đồng xu. Albrecht thắng và lên đường đến Nuremberg. Albert bắt đầu chuỗi ngày làm việc vất vả nhọc nhằn trong hầm mỏ và suốt bốn năm đều đặn gửi cho anh khoản tiền lương ít ỏi. Tại học viện, tranh của Albrecht được đánh giá như một bước đột phá. Những bức khắc, gỗ chạm, sơn dầu của anh vượt xa các giáo sư lâu năm. Đến lúc tốt nghiệp, Albrecht đã có thể kiếm được những món tiền lớn nhờ bán tranh.

Khi Albrecht trở về làng, gia đình Dürer tổ chức một bữa tiệc ăn mừng sự thành công của chàng họa sĩ trẻ. Sau bữa ăn dài thịnh soạn đầy tiếng cười và tiếng nhạc, Albrecht đứng lên nâng cốc về phía người em trai ở cuối bàn để tỏ lòng biết ơn những năm tháng hy sinh thầm lặng để anh vun đắp cho hoài bão nghệ thuật: "Và bây giờ, Albert, em yêu quý của anh," Albrecht trìu mến nói, "đã đến lúc em biến ước mơ của mình thành hiện thực. Hãy đến Nuremberg, anh sẽ lo tiền học cho em."

Tất cả mọi người đều quay về phía cuối bàn tại góc phòng nơi Albert đang ngồi với nước mắt ràn rụa trên gương mặt gầy gò xanh xao. Trong nghẹn ngào, Albert đáp: "Không… không… không…" Cuối cùng Albert lau nước mắt đứng dậy, nhìn khắp lượt những người anh yêu thương rồi đưa tay ôm mặt khẽ nói: "Không anh ơi, đã muộn rồi. Em không thể đến Nuremberg được nữa. Hãy nhìn xem, những tháng năm dưới hầm mỏ đã tàn phá đôi tay em. Mỗi ngón tay đều đã bị dập nát không dưới một lần, và gần đây bàn tay phải lại bị thấp khớp hành hạ, đến nỗi em không thể cầm ly chúc mừng anh thì làm sao có thể cầm cọ vẽ những đường nét tinh tế trên khung vải trắng. Anh ơi, đã quá muộn rồi…"

Giờ đây, sau 450 năm, hàng trăm tác phẩm của Albrecht Dürer được trưng bày trong nhiều viện bảo tàng lớn trên thế giới, nhưng một tác phẩm bất hữu ông để lại cho đời chính là tác phẩm đôi tay cầu nguyện. Người ta kể lại rằng, để tỏ lòng biết ơn sự kiên nhẫn hy sinh cao cả của người em trai, Albrecht đã kiên trì tái hiện từng đường nét của đôi bàn tay không còn lành lặn áp vào nhau, với những ngón tay xương gầy hướng lên trời. Ông gọi bức tranh của mình đơn giản chỉ là "Hands," nhưng cả thế giới ngay lập tức đón nhận kiệt tác nghệ thuật này và đặt tên cho món quà tình yêu ấy là "The Praying Hands." Nếu bạn được thấy bản sao của tác phẩm xúc động này, hãy dành ít phút lắng hồn mình để hiểu rằng: tác phẩm nghệ thuật ấy được kết tinh từ bàn tay không chỉ của một họa sĩ, nhưng là hai: một tại học viện và một tại hầm mỏ.

Quí bạn thân mến, kiên nhẫn đến mức tột cùng bằng cách hy sinh tuổi xuân của mình cho ước mơ của người khác được thực hiện là sự kiên nhẫn xuất phát từ tình yêu. Sự kiên nhẫn hy sinh của Albert trong bốn năm ấy không chỉ đơn giản như chúng ta hiểu qua câu chuyện, nhưng trong thực tế, bốn năm trường dưới hầm mỏ ấy, ai có thể dám nói rằng Albert đã không một lần chán nản, than phiền không muốn hy sinh cho anh mình nữa? Đã không ít một lần anh muốn tháo lui bỏ cuộc? Đã không ít một lần anh có quyền nại lý do sức khỏe cá nhân để ngừng công việc hầm mỏ?!

Ngày nay, cuộc sống bận rộn hằng ngày trong xã hội hiện đại đã làm chúng ta ít để ý những giá trị nhân bản mà chúng ta vẫn trao tặng nhau hằng ngày. Nhưng thực ra, những sự kiên nhẫn và hy sinh tương tự như câu chuyện trên vẫn diễn ra hằng ngày trong đời thường chúng ta, trong hôn nhân và gia đình, trong bạn bè và người thân. Thật cao quí thay khi người vợ kiên nhẫn hy sinh để tạo điều kiện cho người chồng học tập; thật bái phục thay khi người chồng kiên nhẫn hy sinh để lo cho người vợ trong hoàn cảnh ốm đau tật nguyền; thật cao thượng thay khi có những người bạn âm thầm hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình để chỉ mong người bạn của mình hoàn thành được lý tưởng. Nhờ sự kiên nhẫn hy sinh cho nhau trong những hoàn cảnh âm thầm vĩ đại ấy, những tuyệt tác tượng như bức họa "Bàn Tay" vẫn được tiếp tục tạo ra ngay trong mỗi gia đình, trong mối quan hệ, và trong xã hội.

Thưa bạn, hôm nay khi nhìn lại đời mình, chúng ta có thể tin chắc một điều: hoàn cảnh hiện tại của bạn cũng như tôi đều có sự chung góp của một ai đó trong cuộc đời. Người ấy có thể từ trong gia đình, người thân, hay bạn hữu. Và sự đóng góp ấy có thể đến từ những hoàn cảnh thuận lợi và cũng có khi đến từ những nghịch cảnh bất thường mà chúng ta tạo cho nhau. Xin cám ơn tất cả cho từng đóng góp nhỏ bé đầy kiên nhẫn âm thầm ấy.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2656