Vẫn Còn Niềm Tin Trong Cuộc Sống
Date: Monday, April 01 @ 16:23:01 EDT
Topic: Truyện Ngắn


Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Buổi sáng của ngày đầu tiên đến Trại Cải Tạo do công an quản lý, toán tù mới nhập, được phân công đi phá rừng trồng sắn.

Tù nhân toàn trại tập trung trước sân hội trường chờ giờ lên đường lao động. Một tù chính trị đứng trong hàng của đội 3, giơ tay báo cáo bị bệnh xin được nghỉ ở nhà.

Cán bộ quản giáo đội nhìn người tù một hồi lâu, rồi hỏi:

- Anh tên gì?

- Lê Quý Thiên

- Bị bệnh gì?

- Suyễn, anh tù trả lời trong hơi thở khò khè.

Quản giáo lắc đầu bảo:



- Suyễn, chẳng phải bệnh nhiễm trùng, nhiệt độ trong cơ thể không tăng là không có tiêu chuẩn được nghỉ nằm nhà. Bệnh suyễn sẽ có công việc dành cho bệnh suyễn.

Khuôn mặt người tù đanh lại. Chẳng cần thêm một tiếng năn nỉ, ông già bước theo toán tù đang trên đường ra cổng.

Ðến nơi lao động, ông Thiên ngồi ỳ một chỗ để thở. Quản giáo ra lệnh:

- Anh kia, đứng dậy đi làm ngay.

Ông già tỉnh bơ, ngồi như một pho tượng.

Quản giáo đến khỏ cây gậy vào ống chân khẳng khiu chỉ còn da bọc xương của người tù, hắn quát to:

- Anh ù lì đấy hả, chống đối cách mạng phải không? - Tôi ra lệnh anh đứng lên đi làm.

Ông già trợn mắt, lớn tiếng:

-  Tôi xin hỏi, bố của ông bị một căn bệnh thở không đủ hơi, phải đánh vật với khí trời lấy cho phổi mình chút dưỡng khí, thử hỏi, ông có buộc bố ông phải làm việc để nuôi ông hay không?

Chẳng đợi cán bộ trả lời, ông nói tiếp:

- Khi còn ở trại tập trung do bộ đội quản lý, tôi được miễn lao động, ở đây ông có buộc tôi làm tôi cũng không làm nổi. Bệnh suyễn của tôi thà chết đi còn hơn sống, tôi không hề chịu khuất phục một ai đâu!

Cán bộ quản giáo giận tím mặt nhưng chẳng làm gì được, đành ra lệnh cho vệ binh áp giải ông về trại. Những ngày sau đó, ông Thiên trở thành “quản gia” của đội 3 phụ trách dọn vệ sinh trong phòng.

Hành động ngang tàng đầy can đảm của già Thiên chống lại lệnh của công an đã khiến cho anh em trong đội tù mến phục. Bạn tù thi nhau chỉ cho ông các loại thuốc nam để trị bệnh suyễn.

Mỗi lần đào đất đắp đập, Trần Toàn, người tù nằm cạnh già Thiên cố tìm loại ổ của con bọ hung nằm sâu trong lòng đất đem về nướng đỏ, sắc nước cho ông già uống. Gặp con tắc kè là bằng mọi cách Toàn bắt cho kỳ được đem về đốt cháy ra than, nghiền thành bột để dành cho già sử dụng. Anh em tù chung phòng bắt được con thằn lằn nào là khuyên già Thiên nuốt sống tại chỗ. Cứ như thế, ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng khác, ai chỉ cho món thuốc nào “đặc trị” suyễn là Toàn và anh em tù tìm cho kỳ được, hy vọng chữa lành bệnh suyễn cho ông bạn “già gân” không sợ thần chết.

Môt buổi sáng mùa Đông trời lạnh căm căm, cơn suyễn của già Thiên bất chợt lên cơn trầm trọng. Mắt ông trợn trừng, miệng há hốc cố hít lấy không khí cho từng hơi thở.

Rất may, trúng vào sáng Chủ Nhật trời lại mưa nặng hạt, cả trại đều được nghỉ lao động. Toàn vội vã chạy xuống nhà bếp nấu một gô nước sôi, xin bạn tù vài giọt dầu khuynh diệp nhỏ vào gô rồi bắt ông già nằm sấp chúc đầu xuống xông hơi. Hơi nước nóng có mùi dầu khuynh diệp ngấm vào phổi làm cho cuống phổi mở rộng. Ðờm lỏng tuôn ra khiến cho cơn suyễn giảm nhẹ dần. Khi lấy lại được hơi thở bình thường, già Thiên tâm sự:

- Trước kia, mình chỉ mang bệnh dị ứng, gặp thức ăn không hợp như cá ươn, hay ngửi phải lông súc vật hay mùi hoa thì nổi ngứa khắp người, nước mắt, nước mũi tuôn ra. Đến khi vào tù, với khí độc rừng già lạnh giá thường xuyên thêm việc ăn uống thiếu thốn và áo quần không đủ ấm nên bệnh dị ứng biến thành bệnh suyễn hồi nào không hay.

Cái bệnh quái ác hành xác mình suốt bốn mùa. Xuân thì hoa dại nở đầy rừng, mình hít phải phấn hoa là suyễn lên cơn đến nghẹt thở. Cái nóng hừng hực của mùa hạ trong thung lũng, phổi mình như thiếu không khí để hô hấp. Mùa thu khí trời nơi vùng cao của rừng già này thì luôn luôn ẩm ướt hít không khí ẩm là bị cơn ho dai dẳng vì sưng phổi. Còn mùa đông thì khỏi phải nói, cái rét gần không độ C khiến mình khó thở triền miên.

Đến hôm nay thì bệnh suyễn của mình quá trầm trọng rồi. Không biết mình còn đủ thời gian sống đến lúc được về với vợ con nữa không. Mình biết bệnh suyễn rất khó trị. Ông bà ta liệt bệnh suyễn đứng sau hàng “Tứ chứng nan y: Phong Lao Cổ Lại”. Những loại thuốc Nam mà bao lâu nay được bạn tù giúp đỡ, mình uống vào chẳng thấy thấm vào đâu...

*  *  *

Thời gian sau đó, Già Thiên bị chuyển đi trại khác, Trần Toàn bặt tăm tin tức về ông cho đến ngày được định cư ở Hoa Kỳ theo diện HO.

Đại hội Cựu Tù Nhân Chính Trị các trại tù An Điềm, Tiên Lãnh, Kỳ Sơn và Bình Điền được tổ chức tại Nam California. Bất ngờ Toàn gặp Già Thiên tại đây. Ban đầu Toàn không tin vào mắt mình nữa, một ông Thiên râu tóc bạc trắng, da hồng hào, mập mạp, dáng người rất “tiên ông đạo cốt” khá phong độ. Toàn liền hỏi thăm căn bệnh suyễn của ông như thế nào, già Thiên tâm sự:

Mình ra tù vào cuối năm 1983, gỡ đúng tám cuốn lịch. Về nhà trông thấy cảnh vợ con nghèo đói thiếu thốn đủ điều trên vùng Kinh Tế Mới Cát Tiên lòng mình đau xót vô cùng. Nơi đây cũng là rừng thiêng nước độc chẳng khác gì cảnh tù đày lại bị chính quyền địa phương quản chế nghiêm ngặt không thoát đi đâu được, thêm mang trong người căn bệnh bất trị không đủ sức lao động nhiều lúc không còn ham sống, chỉ muốn uống gói thuốc chuột cho xong đời.

Một hôm, cậu học trò cũ thời trung học nhân chuyến công tác thanh sát tình hình y tế tại vùng KTM, nghe tin mình mới ra tù đến thăm. Hắn cho biết, hắn đã đậu bằng Y Khoa từ vài năm nay và hiện giờ đang giữ chức Phó Phòng Nội Khoa tại bệnh viện tỉnh. Thấy mình thở khò khè, hắn liền mở túi dết lấy ống nghe khám tại chỗ. Kết quả là: “Thầy bị suyễn nặng”, hắn khẳng định, rồi hứa sẽ gởi cho thầy ít thuốc để làm hạ cơn suyễn.

Nhờ thuốc hắn cung cấp mà mình mới chịu đựng nỗi trong mỗi lần suyễn lên cơn, đủ thời gian đợi chờ qua Mỹ.

Già Thiên gục gặc đầu kể tiếp: Mình qua Mỹ định cư ở thành phố San Jose được mệnh danh là “Thung Lũng Hoa Vàng”. Đến mùa hoa dại nơi đây nở nôm như những tấm thảm hoa vàng trông rất đẹp mắt nhưng đối với người có bệnh dị ứng là một cực hình. Riêng với mình thì cơn suyễn nỗi lên triền miên, sợ nhất là nó hành hạ mình về đêm không ngủ được.

Một hôm tình cờ mình gặp một người bạn đồng hương hồi còn ở Việt Nam. Thấy mình thở khò khè mệt nhọc, anh bạn hỏi sao không đi bác sĩ điều trị suyễn. Mình bảo đã có ông bác sĩ gia đình chăm sóc, nhưng chẳng thấy đâu vào đâu.

Bạn tôi liền giới thiệu cho tôi một bác sĩ gia đình nổi tiếng chuyên khoa về phổi, có phòng mạch ở San Jose mà ông chú hắn đang điều trị. Đó là DR. NICOLE THÁI có tên Việt thường gọi là BS THÁI HỒNG PHƯƠNG.

Vị lương y này vừa có bằng Y ở Pháp Chuyên Khoa Nội Thương và cả bằng M.D. FCCP ở Mỹ đã hành nghề chuyên môn bệnh phổi và Chuyên Khoa Bệnh Cấp Cứu.

Mấy ngày sau, mình lấy điện thoại của phòng mạch bác sĩ xin được ngày giờ hẹn.

Lần đầu tiên đối diện với vị bác sĩ này là mình có cảm tình ngay. Bà ân cần thăm hỏi triệu chứng của từng căn bệnh. Giải thích từng chi tiết cho bệnh nhân hiểu rõ bệnh của mình đang mắc phải, tận tụy theo dõi bệnh tình và chân tình khuyên bảo bệnh nhân giữ đúng liều lượng thuốc uống hàng ngày. Những thức ăn cần kiêng cử như thuốc hút, uống rượu, bớt ăn dầu mỡ và cách ngăn ngừa không để suyễn lên cơn đúng với phương châm “Lương y như từ mẫu”.

Bà cho mình thổi vào dụng cụ đo độ giản nở của buồng phổi, sau đó mới biên toa cho thuốc trị suyễn và thuốc bôm làm hạ cơn suyễn. Bà viết giấy giới thiệu đi chụp hình phổi, thử máu tổng quát và cho toa cung cấp một bình thở oxy đặt tại nhà để thở trong đêm...

Bệnh suyễn gây tử vong cho rất nhiều người ở Việt Nam. Ngay trên đất Mỹ này mà nhà báo Chữ Bá Anh mới sáu mươi tuổi cũng chết vì lên cơn suyễn do chở đi bệnh viện không kịp. Nghe đâu nhà giáo Trần Bích Lan tức Thi sĩ Nguyên Sa cũng mất vì suyễn.

Như bạn biết đó, mình ở tù đến năm thứ ba là bệnh hen suyễn của mình đã bắt đầu khởi phát, đến hôm nay là đã ba mươi bốn năm rồi được BS Thái Hồng Phương giàu kinh nghiệm và tận tâm chăm sóc nên bệnh suyễn của mình đã thuyên giảm một phần lớn. Bà đã vực dậy cho mình sức mạnh niềm tin trong cuộc sống!

Một bạn tù khác nói chen vào:

- Khi làm lễ tốt nghiệp ra trường Y Khoa, bác sĩ nào cũng có lời tuyên thệ trước vị Thánh Tổ Y Khoa Hippocrate: Đem hết khả năng chạy chữa cho bệnh nhân, đặt quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết, hành nghề trong vô tư và trong sạch.

Ra ngoài đời, các đệ tử của ông tổ nền Y có còn giữ được lời tuyên thệ hay không còn tuỳ vào lương tâm từng người.

Đất nước Việt Nam mình hiện giờ, các bác sĩ, y tá hành nghề đặt đồng tiền lên trên lời tuyên thệ, họ đánh mất cả lương tâm của thiên chức ngành Y.
 
Già Thiên tiếp lời:

- Bệnh nhân nào được BS Nicole Thái nhận làm bác sĩ gia đình đều đặt niềm tin vững chắc vào bà ấy mỗi khi được giới thiệu đến bệnh viện để chữa trị căn bệnh của mình. Bà nắm vững bệnh viện nào xuất sắc về chuyên khoa của căn bệnh cần điều trị mới giới thiệu bệnh nhân của bà đến bệnh viện đó.

Mình còn nhớ, cách đây hai năm, một hôm mình vừa mở cửa xe bước ra ngoài, bỗng nhiên cơn xây xẩm mặt mày xảy ra, bị mất nhận thức khoảng vài ba giây. Sau đó, mình gọi điện thoại hỏi BS Thái về triệu chứng xảy ra vừa rồi, bà bảo phải đến phòng mạch gấp để lấy giấy giới thiệu emegency đi bệnh viện ngay.

Tại đây, họ đưa vào hệ thống MRI chụp đầu, cổ, và chạy điện tâm đồ. Kết quả bị nghẽn mạch máu ở vein bên trái cổ và phát hiện đốt thứ hai xương cổ mình bị thoái hóa gây chứng ép dây thần kinh làm tê cánh tay mặt.

Nhận được kết quả, bà cấp giấy giới thiệu đến một bệnh viện cách khu mình ở khá xa để trị bệnh. Vì sợ trở ngại cho gia đình nên mình xin đến một bệnh viện gần hơn. Bà ấy phàn nàn: “Tôi cho ông đến bệnh viện nầy là nơi điều trị tốt nhất cho căn bệnh của ông, sao lại từ chối.”

Thi sĩ Hà Thượng Nhân thuở còn sinh tiền, trong một buổi sinh hoạt của nhóm “Thi Văn Đàn Bốn Phương”, các Thi Văn hữu đàm luận về tiêu chuẩn chọn cho mình bác sĩ gia đình. Cụ Hà kể cho anh em nghe về bác sĩ gia đình của cụ. Cụ nói Cụ quen thân với gia đình song thân của bà BS Thái Hồng Phương từ khi còn ở Hà Nội. Gia đình này sinh toàn con gái học hành xuất sắc, có tới bốn cô đậu bằng Bác Sĩ. Cô Hồng Phương tốt nghiệp Y Khoa ở Pháp, sau qua Mỹ lấy thêm ba bằng nữa gồm có: Chuyên khoa bệnh Nội thương, Chuyên khoa bệnh Phổi và Chuyên khoa bệnh Cấp cứu. Đặc biệt là cô này tính cương trực và ăn nói thẳng thắn lắm. Cụ kể:

“Tôi bị bệnh tiểu đường, áp huyết cao và cholesteral. Cô chăm sóc thuốc men rất kỹ, nhưng phần tôi thì lơ là uống thuốc không thường xuyên. Một hôm đường huyết lên đến 350, cô bác sĩ này complained tôi, tôi bực mình bảo:

“Tôi quên uống thuốc thì hại tôi chứ có ảnh hưởng tới cô đâu”.

Cô BS nầy đang khám phổi của tôi, liền lấy ống nghe ra, hỏi tôi:

“Cụ nói như thế thì lương tâm BS của cháu để đâu? Trách nhiệm của người thầy thuốc ở chỗ nào? Cụ đặt niềm tin ở cháu theo dõi bệnh tình, nếu Cụ có mệnh hệ nào thì lương tâm cháu nào có yên. Gia đình của Cụ liệu không đau khổ sao?

Giờ đây, nếu Cụ hứa với cháu sẽ giữ đúng quy tắc của một bệnh nhân tuân thủ lời dặn của bác sĩ điều trị một cách tuyệt đối, thì cháu mới tiếp tục khám bệnh cho Cụ.”

Cuối cùng tôi phải làm hòa và hứa nghiêm túc với cô BS Gia đình thẳng tính này.

* * *

Nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ Mồng 8 tháng 3, người viết kể lại những câu chuyện trên với mục đích bày tỏ lòng ngưỡng mộ và vinh danh người Phụ Nữ Mỹ gốc Việt của Cộng Đồng Tỵ Nạn ở Hải Ngoại có tài năng và đức độ đã hành nghề Y với cái tâm bác ái của mình để cứu người giúp đời: Xin tri ân Bác sĩ NICOLE HỒNG PHƯƠNG THÁI
 
Thái Hồng Phương, vị lương y
Tấm gương Từ mẫu sống vì nghĩa nhân
Tài năng Đức độ góp phần
Cứu Nhân độ thế hiến dâng cho đời.
 
San Jose, ngày 8 tháng 3 năm 2013
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2625