Ngờ Đâu Nên Nỗi
Date: Monday, February 18 @ 12:29:34 EST
Topic: Chống Buôn Người


Mẹ Và Con Gái Cùng Bị Buôn Làm Nô Lệ

 

LTS: Cô H. là một phụ nữ Việt hiện đang tình nguyện với CAMSA ở Mã Lai. Qua những điều mắt thấy tai nghe, cô tường thuật thảm cảnh của đồng bào bị mắc nạn ở Mã Lai, quốc gia có đông người lao động xuất khẩu nhất trên thế giới. Mã Lai cu~ng đang trở thành cạm bẫy của các kẻ lường gạt phụ nữ, thiếu nữ và cả các bé gái Việt Nam để bán họ vào các ổ mãi dâm. Chúng tôi kêu gọi đồng bào ở hải ngoại và ở trong nước tiếp tay phổ biến thật rộng rãi các thông tin về mối hoạ này để đồng bào trong nước biết cách phòng thân. Khi họ trở thành nạn nhân để phải giải cứu thì đã quá trễ rồi.Tai hoạ đã giáng xuống họ và gia đình họ và những mất mát sẽ không bao giờ bù đắp lại được.

 

Ngày 3 tháng Giêng năm 2013, tôi chưa dám tin là mình đã thực sự nghe Toà phán là hai nạn nhân trong vụ buôn người đã hoàn tất bổn phận làm nhân chứng và sẽ được hồi hương đoàn tụ với gia đình, một niềm vui to lớn tưởng không có gì sánh bằng, tưởng như hai em sẽ reo hò, quên hết mọi thứ. Nhưng không, cả hai em, Hoa và Linh, đã không cho phép mình quên hết mọi thứ. Hai em đã dằn lòng, dùng các giây phút ngắn ngủi bên tôi sau phiên tòa và trước khi theo cảnh sát về nhà tạm trú chờ hồi hương để yêu cầu CAMSA giúp đỡ gấp cho một hơn trường hợp cần giúp đỡ hơn bất cứ trường hợp nào khác trong số các nạn nhân hiện sống trong nhà tạm trú của chính phủ Mã Lai. Lời yêu cầu vừa chí thiết, vừa dõng dạc như một tiếng nói của công lý. Các em cho biết...

 

Mới cách đấy 5 ngày, ngày 28 tháng 12 năm qua, có hai mẹ con chị Nguyệt và bé Mai Hoa 16 tuổi nhập trại. Lưng và chân chị Nguyệt có nhiều vết bầm, chị nói là do mấy người chuyển chị đến trại đánh đập. Ngay trước mắt Hoa, em Mai Hoa lại suýt bị đánh một cú nữa: khi người thẩm tra em Mai Hoa có vẻ bực tức và dơ tay định đánh em, Hoa đã choàng tay ôm em vào lòng như phản ứng của một bà mẹ, và Hoa đã hứng đòn thế cho em. Hoa có mặt trong cuộc thẩm tra em Mai Hoa vì cô có thể bập bẹ nói tiếng Trung Hoa với người thẩm vấn. Sau đó, người ta tách hai mẹ con ra riêng, em Mai Hoa được chở đi nhà tạm trú cho trẻ vị thành niên ở Johor Bahru, cách mẹ ở Klang, Selangor hơn 5 giờ xe buýt.

 



Chị Nguyệt, người mẹ, đã sầu não không thiết ăn uống mấy ngày trước, đã chết đứng khi con “được” đưa đi. Hai em Hoa và Linh trao cho tôi mảnh giấy nhỏ  bằng hai ngón tay, xé từ giấy gói thức ăn của ai đó còn đượm mùi cà ri ngay ngáy có hai số điện thoại, một của người chồng và một của anh công an địa phưong , xin hãy dừng tố cáo kẻ buôn người vì việc làm ấy chỉ mang lại đòn hằn cho hai mẹ con bên Mã lai.

 

Trong cơn hoảng loạn, Nguyệt đã viết sai cả hai số điện thoại.

 

Dù không được tiếp xúc với nhà tạm trú, nhân viên CAMSA đã dùng kế tiếp cận với chị Nguyệt, giúp chị trao đổi qua điện thoại với chồng và yêu cầu cho chị được nói chuyện với con qua điện thoại ngay. Cuộc nói chuyện của hai mẹ con càng khiến tình hình rõ nét hơn và bi đát hơn; hai mẹ con đều không cầm lòng được, cùng nức nở trên điện thoại. Đến khi bé Mai Hoa nói là bị bọn trẻ Mã lai cùng trong nhà tạm trú đánh đập, chị Nguyệt thật sự chết trân, suy sụp hoàn toàn. Tôi lên tiếng vỗ về nhưng cũng không đủ sức trấn an cháu: cháu vẫn nưc nở một mực đòi đập đầu chết cho … đỡ khổ.

 

Sự việc khởi đầu tại Việt Nam, ngày đầu tháng 10 năm 2012, với một người quen tên Liễu cùng tỉnh Hậu Giang, gặp nhau trong quán nước. Liễu nói về việc làm đơn giản như lau nhà rửa chén cũng có lương cao, chịu khó làm việc chẳng bao lâu sẽ đổi đời dễ như trở bàn tay, trẻ cũng làm được, dư sức kiếm thêm tiền mà học hành. Mọi việc Liễu sẽ giúp cho, không nề hà chi cả. Yên tâm với công việc lau nhà rửa chén khiêm nhường, yên tâm sẽ có mẹ có con, Nguyệt cùng con khăn gói đi theo Liễu, bịn rịn giao lại đức con gái thứ hai nhỏ hơn cho chồng chăm chút, mong kiếm chút ít tiền đổi đời cho con.

 

Nào ngờ, vừa đặt chân đến Mã Lai là Liễu đã đổi mặt, thu giữ hết giấy tờ, liên tục di chuyển hai mẹ con từ nơi nầy đến nơi khác, tuyên bố số nợ khổng lồ mà Nguyệt phải trả mới có hy vọng về nước. Trong suốt ba tháng, Nguyệt và con không hề nhận được một đồng lương, việc làm thì hết chùi rửa nơi nầy đến nơi khác, thường xuyên bị mắng chửI, thức ăn thì cho gì ăn nấy, bữa đói bữa no.

 

Càng lúc Liễu càng hiện rõ nguyên hình là kẻ môi giới mãi dâm khi những cô gái khác trong các căn nhà ở tạm lần lượt được đưa đi, đưa về một cách đáng nghi.

 

Số tiên nợ càng lúc càng tăng với các khoản chỗ ở cơm ăn cho hai mẹ con được cộng thêm vào một cách vô tội vạ. Cùng lúc với áp lực tăng tiền nợ, áp lực tinh thần cũng chuyển lên vai Mai Hoa. Khi ngọt ngào dụ dỗ, nào làm con phải có hiếu giúp mẹ qua cơn khó, có những cách kiếm tiền nhiều chẳng khó khăn…, khi hăm dọa tù đày vì công nợ, Liễu ép bé vào con đường bán trinh và gài bẫy chị Nguyệt ký giấy cho con “đi làm việc riêng chỗ khác”.

 

Chỉ đến khi bé Mai Hoa bị kè đi thì hai mẹ con mới vỡ lẽ. Khi ấy lời van cầu kêu gào đều vô nghĩa với kẻ bất nhân.

 

Hoảng kinh, chị Nguyệt đã báo hoả tốc cho chồng xin công an Việt Nam can thiệp đưa hai mẹ con về nước, kèm theo địa chỉ chỗ hiện bị khống chế. Kết quả là ổ môi giới mại dâm bị cảnh sát Mã Lai ập vào bắt tất cả mọi người có mặt: chị Nguyệt, bé Mai Hoa và 5 cô gái khác. Chị Nguyệt và cháu được một nhóm nhân viên chở vào nhà tạm trú, nơi hai mẹ con bị cách ly vì cháu được đưa về nhà tạm trú cho trẻ Mã Lai có vấn để, cách xa mẹ hàng trăm cây số.

 

Ưu tiên hàng đầu của CAMSA là vận động đưa bé Mai Hoa về bên mẹ trong khi theo dõi, hỗ trợ và chuẩn bị cho ngày hai mẹ con hồi hương.

 

Tin vui ngày 14/1/2013: đã có quyết định cho mẹ con đoàn tụ, ngày 15/1/2013. Tôi bàn với các cộng sự viên trong toán CAMSA ở Mã Lai: “Chúng ta sẽ kiểm tra cho chắc chắn và sau đó quay sang lo tiếp việc hồi hương.”

 

Hai mẹ con đã thực sự được đoàn tụ. Như một biệt lệ, chị Nguyệt đã được chuyển đến chỗ của bé Mai Hoa.

 

Chúng tôi viết những dòng trên những mong quí thân hữu lưu tâm và cùng chuẩn bi góp tay mua vé cho hai mẹ con hồi hương, tổng cộng là 250 USD.

 

Trước đây chúng tôi cũng đã kêu gọi giúp tiền vé máy bay cho hai cô Linh và Hoa. Hai vị ân nhân đã giúp tổng cộng 240 USD, gần đủ để trang trải vé máy bay và tiền lệ phí phi trường. Hai cô đã gọi ngay cho CAMSA khi về đến Việt Nam và chuyển lời tri ân đến hai vị mạnh thường quân đã giúp cho hai cô về lại với gia đình sau cơn ác mộng ở đất khách quê người.

 

Bài liên quan:

 

Giấc mơ kinh hoàng của Linh và Hoa

http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2576

 

BPSOS: Thành quả năm 2012

http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2587

 

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm 4 tổ chức thành viên: BPSOS, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau bốn năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 60 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến trên 4 nghìn nạn nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia liên hệ.

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:

BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – USA

 

 

 

 

 

 

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2596