Hẻm Nhỏ (phần 2)
Date: Friday, December 07 @ 13:05:40 EST
Topic: Truyện Ngắn


Huỳnh Ngọc Nga

(xem phần 1)

Thực ra Chờ không chết mà chỉ bị thương ở một ống xương chân phải bó bột điều trị lâu dài. Cô ngất đi khi ngã xuống lòng đường. Sau khi được đưa vào bệnh viện băng bó, cô dần tỉnh lại. Cô yêu cầu người gây ra tai nạn về nhà báo tin cho mẹ cô biết để bà đỡ lo, nhưng không ngờ tin đó là bản án tử hình cướp mất người mẹ thân yêu còn sót lại. Với bệnh tim chồng chất lâu ngày, thiếu thuốc men chữa trị, thêm một đêm không ngủ đầy lo lắng đợi con về, trái tim đáng thương của bà không còn đủ sức chịu đựng khi nghe tin dữ của Chờ. Vợ chồng De Bourgeois là nhân viên ngoại giao làm việc cho tòa đại sứ Pháp tại Việt Nam. Họ bàng hoàng trước thảm cảnh của Chờ, đóng tiền phạt cho người tài xế, lo tang ma cho mẹ Chờ, và đem bé Duy về nhà chăm sóc trong khi Chờ còn nằm điều trị.



Ngày Chờ xuất viện, ông bà De Bourgeois đón Chờ về nhà họ, cho Chờ làm người giúp việc. Chờ và bé Duy được sống những ngày trắng cơm, lành áo. Ngôi nhà sau miễu Vạn được đóng cửa bỏ đó, nhưng Chờ không nghĩ hai mẹ con cô sẽ sống mãi với người dưng. Ông bà De Bougeois có một cô con gái tên Hélène trạc tuổi Duy, hai đứa bé khác tiếng nói, màu da nhưng không hiểu sao chúng lại nhanh chóng thân thiết nhau như anh em một nhà. Ông bà De Bourgeois có vẻ mến bé Duy, nó được cho đi học lại và học trường Pháp như cô bé Hélène, được hưởng gần như tất cả những thứ mà Hélène có. Chờ buồn vì mất mẹ nhưng mừng thấy con thoát khỏi cảnh nghèo khổ như mình ngày xưa. Trong cái rủi ít ra cũng có cái may và Chờ nghĩ có lẽ mẹ đã phù hộ cho mình.

Thấm thoát mà mẹ con Chờ xa xóm cũ đã hơn sáu năm. Chờ bây giờ cũng biết chút ít "tiếng tây, tiếng u" như ai, không giỏi lắm nhưng đủ để nghe và nói chuyện với gia đình chủ nhà. Thỉnh thoảng ngày giỗ mẹ cha, cô dẫn con về hẻm nhỏ, vào nhà làm cơm cúng kiếng rồi lại dắt con đi. Lối xóm không ai nhắc chuyện "thằng Chờ" ngày trước; cơ hồ họ cũng đã quên luôn chuyện đám ngũ hành cho ra đời bé Duy sau hai ngôi mộ cổ, và không còn ai ác ý hỏi vặn vẹo những tiếng thị phi với Chờ nữa. Năm tên ngũ hành bây giờ đã rã đám tan bèo: thằng Kim đi lính Biệt Động Quân chết hai năm về trước trên chiến trường Quân Khu Ba; thằng Hỏa và Mộc còn lênh đênh bốn vùng chiến thuật, thỉnh thoảng về phép đi ngang nhà Chờ chúng khựng lại như nhớ một điều gì rồi cũng bước qua mau; thằng Thủy cưới vợ và mở tiệm sửa xe đạp gần chợ Chuồng Bò, bây giờ được ba đứa con; thằng Thổ lái xe Lam chạy tuyến Saigon – Hưng Phú. Mọi nguời đồn nhau rằng nó nói bé Duy là con của nó nên nhất định chờ mẹ con Chờ về xin lỗi. Không biết lời đồn có đúng hay không nhưng quả thật mỗi lần Chờ dẫn bé Duy về là sớm muộn gì sau đó cũng thấy thấp thoáng bóng thằng Thổ bên cửa sổ nhìn vào. Chờ biết nhưng làm ngơ, không chào hỏi chi hết. Chuyện ngày xưa ai quên chứ cô vẫn nhớ: cô không vác chổi đuổi nó đi là may lắm rồi, có đâu chuyện mời chào theo phép tắc lễ nghi.

Nhưng mặt nước không lặng cho Chờ an thân sống. Ông De Bourgeois gần hết hạn công tác phải đưa gia đình trở về Pháp. Vợ chồng ông ngỏ ý muốn nhận bé Duy làm con nuôi để đem nó theo cùng, bù lại họ hứa sẽ cho cô một số tiền làm vốn tùy thân. Thật ra, cho Chờ cùng đi cũng được nhưng trong tính ích kỷ của con người thường tình, họ muốn bé Duy sau nầy chỉ biết có họ là cha mẹ mà thôi. Chờ nghe lời đề nghị đó mà sững sờ thảng thốt, cô đâu muốn bán con để có số tiền to làm vốn. Còn vỏn vẹn hai mẹ con mà, ai nỡ cắt ruột cho người đem đi. Chờ khóc mấy đêm liền, nước mắt tuôn như ngày cha mẹ chết. Đến ngày thứ năm, mắt Chờ ráo hoảnh. Cô tìm ông bà De Bourgeois để nói quyết định sau cùng của mình. Người ta thấy vài ngày sau đó họ đến Sở Hộ Tịch làm khai sanh mới cho bé Duy. Con của Chờ thôi họ Trịnh để khoác họ De Bourgeois và thêm tên Jean đứng cạnh tên Duy của ông bà ngoại bé đặt: đó là một trong những điều kiện Chờ yêu cầu khi bứt ruột cho con. Sau bao đêm trăn trở, cô đã chọn con đường sung sướng cho Duy. Cô không muốn cây non bám vào mảnh đất cằn khô chai sạn. Cô muốn nó phải được bứng lên đem trồng nơi màu mỡ phì nhiêu và nó phải có cha có mẹ đàng hoàng mặc dù cô phải hy sinh tình mẫu tử.

Năm đó bé Duy mới bắt đầu tuổi mười ba. Giọng nó không còn mang âm thanh trẻ con nhiều như trước. Trên viền môi đã ửng hiện màu râu xanh của tuổi thành niên. Được ăn uống đầy đủ, chơi thể thao đều đặn, người nó nở nang như một cậu trai mười sáu, mười bảy. Lắm lúc nhìn con Chờ giật mình như thấy ẩn hiện đâu đây bóng dáng của một đứa trong đám ngũ hành. Nhưng thôi, bây giờ bé Duy đã có cả cha lẫn mẹ với giấy tờ hẳn hoi, cô đâu cần tìm hiểu làm chi cội nguồn của nó. Có lẽ nó cũng chẳng màng biết cha nó là ai vì cô có nghe nó hỏi đến người tạo ra nó bao giờ đâu. Không hiểu tại tính nó vô tư như cô ngày nào hay tại nó ý tứ sợ cô buồn nên tránh né hỏi han. Đúng ra Duy ý tứ hơn vô tư: lúc còn ở xóm miễu Vạn nhìn bạn bè có cha có mẹ đầy đủ nó cũng ngạc nhiên thấy sao mình không có ai để gọi bằng ba. Thỉnh thoảng có mấy chú trong xóm hay chận đường nó lại kêu nó bằng con và xưng ba với nó, nhưng đi học thầy cô dạy mỗi người sanh ra chỉ có duy nhất một cha, một mẹ thôi mà, vậy thì làm sao nó có nhiều ba đến thế. Băn khoăn, nhằm lúc vắng mặt Chờ nó hỏi bà ngoại về chuyện một người cha:

- Ngoại ơi, con có ba như tụi bạn con không ngoại?

Mẹ Chờ ngẩn người khi nghe cháu hỏi, lúc đó nó đã sáu tuổi, đã đi học và đã thấy sự khác biệt vấn đề nầy của nó với bạn bè chung quanh. Ngoại xoa tóc nó rồi nói:

- Ba con đi lính chết rồi. Con phải thương má và nhớ đừng bao giờ hỏi chuyện về ba con vì như vậy làm má con nhớ ba con rồi buồn đó. Nhớ lời ngoại dặn chưa?

Dĩ nhiên là bé Duy nhớ lời ngoại dặn vì nó thương mẹ nó lắm, nếu hỏi về ba nó để mẹ nó buồn thì nhất định nó sẽ không bao giờ hé môi đâu. Kể từ ngày ngoại mất, nó rời hẻm nhỏ, cùng mẹ về ở nhà cha mẹ của Hélène, được đối xử như ruột thịt trong gia đình chủ nhà, nó quên dần chuyện mấy chú trong xóm. Một lần nó nghe ông bà De Bourgeois hỏi mẹ nó về ba nó và chính mẹ nó cũng nói y như ngoại hôm nào, nghĩa là ba nó đi lính chết lâu rồi, chết hồi nó chưa ra đời lận kia. Có thể vì vậy giấy khai sanh của nó ghi cha "vô danh". Cái đầu trẻ con của nó nghĩ vậy và nó chợt thấy buồn với một chút ước ao - phải chi ba nó còn sống để nó coi nó với ba nó có giống nhau không và để nó được xà vào lòng ba nó mà nhõng nhẽo như Hélène nhõng nhẽo với ông De Bourgeois vậy. Mấy hôm rày Duy nghe Hélène nói là gia đình nó sắp về nước, nước của nó ở tận bên Tây xa lắm. Như vậy chắc khó mà gặp lại nhau, làm cho hai đứa trẻ cùng buồn, cái buồn vô tư của những con chim non bị chia đàn, rẽ cánh. Nhưng hình như mẹ Duy cũng buồn: nó thấy mẹ thỉnh thoảng thở dài hoài, chắc mẹ cũng nhớ Hélène và ông bà De Bourgeois như nó, hay mẹ sợ phải trở về cái hẻm nhỏ ngày nào khi gia đình Hélène không còn ở đây nữa. Cậu bé chưa kịp hỏi chuyện mẹ nó thì một buổi tối trước khi đi ngủ Chờ kêu con vào bếp rồi bảo:

- Bắt đầu từ hôm nay ông bà De Bourgeois là ba má của con, Hélène là em gái con và hai tháng nữa con sẽ theo họ về Pháp vì con là con của họ.

Bé Duy tròn xoe mắt ngó Chờ, giọng ngạc nhiên:

- Còn má thì sao? Sao con lại thành con của họ được chứ? Má có đi Tây với con không?

- Không, má về nhà cũ của mình. Họ nhận con làm con nuôi nên chỉ có con đi với họ thôi.

- Sao vậy má? Không có má con không đi đâu hết! Con xin ông bà De Bourgeois cho má đi với con nghen.

Chờ ứa nước mắt, ôm con vào lòng:

- Má đi không được con à. Con đừng hỏi han, xin xỏ ba má nuôi con làm chi, không tốt đâu. Con đi qua bển ráng học cho giỏi, sau nầy về thăm má là má vui rồi. Má vẫn ở xóm miễu Vạn chờ con về, con nhớ nghen.

Buổi tối hôm đó hai mẹ con cùng khóc, Chờ giảng nghĩa cho con hiểu lý do vì sao cô quyết định giao con cho người. Bé Duy đi ngủ với bên tai còn văng vẳng tiếng nấc của mẹ nó và câu nói đứt đoạn "vì tương lai của con đó Duy ơi".

Hai tháng sau Duy theo gia đình De Bourgeois lên phi cơ rời Việt Nam đi Pháp. Chờ trở về xóm miễu Vạn bên kia cầu chữ Y, dùng số tiền dành dụm đi làm bấy lâu sửa lại ngôi nhà cũ, xây lại mộ mẹ cha và lấy số tiền cha mẹ nuôi bé Duy tặng mở tiệm tạp hoá nhỏ tại ngôi nhà mình. Hẻm nhỏ, hàng xóm quen nên chuyện kiếm sống qua ngày không là điều khó với Chờ. Ban ngày kẻ qua, người lại bán buôn chíu chít lao xao nên Chờ trở lại bản tính ồn ào, linh động như ngày nào và ít nghe đơn lẻ. Nhưng đêm về, khi cửa đóng then gài, một mình trong quạnh quẽ, Chờ nhớ con đoạn đoài gan ruột. Cô sẽ chờ nó về nếu mai sau nầy nó còn nhớ đến cô. Đời cô muôn thuở phải đợi chờ mà, ai xui ngày xưa cha mẹ cô đặt để cho cô làm chi cái tên buồn định mệnh.

Năm đó là năm 1974, qua năm sau chiến tranh Việt Nam chấm dứt, kết thúc hơn ba mươi năm nội chiến tương tàn.

...

Duy đẩy cửa vào nhà, bức ảnh Hélène trên tường nơi phòng khách cười tươi rạng rỡ như chào đón chàng về. Hélène mất đã ba năm rồi mà chàng vẫn chưa quên bao hình ảnh thương yêu một thời của cô gái nhỏ ngày nào. Ngày chàng theo gia đình nàng về Pháp bỏ lại sau lưng bà mẹ khốn cùng, chàng tưởng chừng như không chịu nổi sự thiếu vắng mẹ và những khác biệt của cuộc sống xứ người, nếu không có sự chăm sóc của ông bà De Bourgeois và tình yêu trong sáng của Hélène thì chắc gì chàng có đươc như ngày nay. Duy trưởng thành theo thời gian, học hành đỗ đạt, tìm được việc làm và mối tình với cô em dị chủng cũng thành hình - chuyện bình thường khi hoa bướm kề nhau. Cha mẹ Hélène không ngăn cản mối tình đó và họ phải kiên nhẫn đến sở hộ tịch làm lại giấy tờ cho Duy cùng bao khó khăn tốn kém thời gian, tiền bạc để trả lại cho chàng về cái tên Trịnh Văn Duy như xưa, trước khi kết hợp cho cả hai chính thức cưới nhau.

Duy muốn rước mẹ ruột qua để có mặt trong này vui trọng đại của mình nhưng Việt Nam năm 1986 vẫn còn đang trong buổi giao thời sau ngày thống nhất, chuyện xuất nhập cảnh còn lắm nhiêu khê. Cuối cùng chàng chỉ gửi thư và thiệp báo tin cho mẹ biết mà thôi.

Hạnh phúc gia đình chàng có thể sẽ toàn vẹn hơn nếu cả hai có một đứa con, nhưng sau bao năm chung sống sự đợi chờ tiếng trẻ trong nhà chỉ là vô vọng. Các cuộc thử nghiệm y khoa cho biết Hélène không thể có con bình thường và nếu có thì sự nguy hiểm sẽ dễ dàng xảy ra cho cả hai mẹ con. Duy thương vợ nên khuyên nàng đừng nghĩ đến chuyện thai nghén, còn cha mẹ vợ chàng khuyên họ xin một con nuôi. Hélène chỉ muốn đứa con do chính nàng sanh ra để chứng tỏ tình yêu với chồng. Duy càng tránh né, Hélène càng van nài: nàng bảo khoa học ngày nay có thể cải lão hoàn đồng, cải tử hoàn sanh thì chuyện giúp nàng cho ra đời một đứa bé chắc chắn không là điều bất khả. Rồi viện lý do cha mẹ hai bên chỉ có cả hai là con duy nhất nên ý muốn của nàng càng mãnh liệt hơn. Không dằn lòng được trước những giọt nước mắt mỗi đêm của vợ, Duy chiều theo ước vọng của nàng và cuối cùng Hélène thọ thai. Trong niềm vui tưởng như tột cùng của vợ, Duy lo sợ từng ngày nhìn những biến chuyển sức khỏe của Hélène. Và đúng như dự đoán của các bác sĩ, qua tháng thứ hai thai nghén, Hélène giảm cân và yếu sức hẳn đi. Vị bác sĩ theo dõi tình trạng này bắt cô gái không được sinh hoạt bình thường. Cô sống như một người bệnh nặng, suốt ngày cơ hồ chỉ ở trên giường và có thuốc men bảo dưỡng không ngừng. Ngoài giờ làm việc ở sở, Duy luôn ở cạnh vợ. Chàng nhớ tới mẹ mình: không biết ngày xưa mẹ có nhọc nhằn khi mang thai chàng không. Hélène bây giờ có chàng bên cạnh săn sóc, còn mẹ thì có ai đâu ngoài ông bà ngoại. Chợt dưng Duy ước ao có mẹ gần kề. Chàng dự tính sau khi Hélène sanh xong sẽ rước mẹ qua cho mẹ thấy cháu nội của mẹ, chỉ cầu trời cho Hélène được vuông tròn lúc vượt cạn một mình. Nhưng nỗi lo của Duy đã thành sự thật. Không đợi đủ ngày tháng của thời nở nhụy khai hoa, Hélène oằn oại đau trên giường mổ khi thai nhi mới vừa sáu tháng và dù các bác sĩ tận tình trong ca mổ, Duy mất cả vợ lẫn con khi đứa trẻ chưa đủ sức chào đời và Hélène không chịu đựng được cơn đau của lần vượt cạn.

(còn tiếp)

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2557