Kế Hoạch Giúp Đồng Bào Lánh Nạn CS
Date: Monday, November 26 @ 16:36:01 EST
Topic: Tị Nạn


Chia Sẻ Với Đồng Bào Đang Lánh Nạn ở Thái Lan và Mã Lai: Kế Hoạch Can Thiệp và Trợ Giúp của BPSOS

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Giám Đốc Điều Hành, BPSOS

Ngày 26 tháng 11, 2012

Trong thời gian gần đây BPSOS đã sắp xếp cho một số thiện nguyện viên lên đường đến Thái Lan (và Mã Lai) để phục vụ hay để thăm viếng các đồng bào đang lánh nạn cộng sản. Trong thời gian tới đây sẽ có thêm những người thiện nguyện tiếp tục thăm viếng đồng bào. Họ vừa đóng vai trò uỷ lạo vừa là nhân chứng báo động với tập thể người Việt ở hải ngoại về tình cảnh của đồng bào đang bị nguy khốn ở Thái Lan. Các thiện nguyện viên này đã chuyển cho chúng tôi một số thắc mắc và nguyện vọng của đồng bào đang lánh nạn.

Tháng 7 vừa qua chúng tôi lập trang blog để thông tin cho đồng bào về các vấn đề liên quan đến quy chế tị nạn, luật pháp, đời sống, v.v. Xin quý vị tham khảo trang blog ấy thường xuyên: bpsosrcs.wordpress.com. Nếu có câu hỏi, xin gửi đến bpsosrcs@gmail.com hoặc rcs@bpsos.org. Chúng tôi sẽ trả lời chung trên trang blog, và chỉ những câu trả lời trên trang blog này mới thể hiện quan điểm chính thức của BPSOS.

Sau đây chúng tôi xin trả lời chung cho các câu hỏi gần đây nhất.



(1)    Nghe nói BPSOS đang lập danh sách trợ giúp tài chánh cho một số gia đình. Làm sao để gia đình tôi được giúp?

 

Trước khi trả lời, chúng tôi thấy cần giải thích kế hoạch toàn diện của BPSOS để bảo vệ và giúp đỡ đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan và Mã Lai. Với ngân sách và nhân sự hạn chế, chúng tôi đặt ra các thứ tự ưu tiên sau đây.

 

Ưu tiên 1: An Ninh -- Bảo vệ để đồng bào không bị bắt, giam và trục xuất là ưu tiên hàng đầu.

 

Ưu tiên 2: Pháp Lý và Chính Sách – Ưu tiên kế đến là can thiệp hồ sơ xin tị nạn; chỉ khi nào được quy chế tị nạn thì đồng bào mới thoát cảnh phải sống trốn tránh và nơm nớp lo âu hằng giờ.

 

Ưu tiên 3: Đời Sống -- Hiện nay tuyệt đại đa số đồng bào lánh nạn không nhận được sự giúp đỡ nào từ  Liên Hiệp Quốc hay chính phủ Thái, nên đời sống rất lam lũ và khó khăn. Tình trạng này có thể kéo dài vô định.

 

Ưu tiên 4: Giáo Dục. Rất nhiều trẻ em hiện thất học vì không có quy chế hợp pháp ở Thái Lan. Người lớn cũng cần biết tiếng Anh và tiếng Thái để tìm kế sinh nhai và bảo vệ an toàn cá nhân và gia đình.

 

Ưu tiên 5: Y Tế. Những ai đã bị từ chối quy chế tị nạn, dù bất công, hoàn toàn không nhận được trợ giúp nào về y tế, ngay cả trong trường hợp khẩn cấp.

 

Ưu tiên 6: Tiếp Tục Đòi Công Lý và Nhân Quyền. Nhiều đồng bào phải đi lánh nạn vì đã đứng lên tranh đấu cho nhân quyền và công lý; một số muốn tiếp tục theo đuổi lý tưởng ấy.

 

Từ năm 2007 đến giờ, chúng tôi đã thực hiện theo kế hoạch trên, tuần tự đi từ ưu tiên cao nhất đến ưu tiên thấp nhất. Theo đó, chúng tôi đã dồn nỗ lực nhiều nhất cho vấn đề an ninh , can thiệp pháp lý và vận động chính sách. Dưới đây là tổng kết các hoạt động của BPSOS chiếu theo các thứ tự ưu tiên kể trên:

http://bpsosrcs.wordpress.com/2012/08/11/tom-luoc-hoat-dong/

 

Câu hỏi trên thuộc vào Ưu Tiên 3 (Đời Sống) trong kế hoạch toàn diện này. Để đáp ứng ưu tiên này, chúng tôi đã đi tìm và vận động các tổ chức khác giúp đỡ. Từ 2007 đến nay trên 100 đồng bào đã nhận được khoảng 160 ngàn Mỹ kim tài trợ (không kể tiền cứu trợ nạn lụt vừa qua) về đời sống. Ai được giúp thì hoàn toàn tuỳ thuộc vào quyết định của nơi giúp đỡ. Chẳng hạn có một số cộng đồng Việt chỉ gây quỹ để giúp đời sống cho các đồng bào giáo dân Cồn Dầu. Lại có tổ chức chỉ giúp cho các người theo Thiên Chúa Giáo. Và có tổ chức thì chỉ giúp cho các nhà tranh đấu cho nhân quyền hay vận động dân chủ. Có nhóm lại chỉ giúp cho một ít đồng bào người Hmong theo tiêu chuẩn riêng của họ.

 

Chúng tôi có danh sách của phần lớn các đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan và Mã Lai, và qua đó nhận diện các cá nhân hay gia đình nào thoả đáng những tiêu chuẩn do các tổ chức tài trợ đề ra và giới thiệu cho họ. Chúng tôi luôn tìm kiếm thêm các tổ chức tài trợ nhưng không thể bảo đảm rằng cá nhân này hay gia đình kia sẽ được cứu xét và được tài trợ.

 

Khi giới thiệu, chúng tôi thường đề nghị với các tổ chức ấy quan tâm đặc biệt đến những cá nhân nào đang tình nguyện giúp đỡ cho đồng hương đang lánh nạn ở Thái Lan hay đang bị đàn áp ở Việt Nam. Giúp những người ấy thì lợi ích sẽ lan toả đến nhiều người khác nữa. Chúng tôi cũng đề nghị các nơi tài trợ nên cho “cần câu thay vì con cá”, nghĩa là tài trợ vốn liếng một lần để giúp tạo nguồn thu nhập dài lâu.  

 

Nếu quý vị nghĩ rằng chưa có tên trong danh sách của chúng tôi, xin báo cho chúng tôi biết tại:  rcs@bpsos.org. 

 

 

(2)    Nghe nói BPSOS có quỹ y tế khẩn cấp. Xin cho biết thủ tục để được giúp đỡ.

Những ai đã có quy chế tị nạn thì nhận được sự giúp đỡ về y tế từ cơ quan Bangkok Refugee Center (BRC). Những người đang được cứu xét về quy chế tị nạn cũng được giúp đỡ, nhưng chỉ trong trường hợp khẩn cấp. Những ai đã hoàn toàn bị từ chối tư cách tị nạn thì không nhận được sự giúp đỡ nào cả. Trước đây, một vị linh mục người Việt ở Hoa Kỳ cấp cho BPSOS một ngân khoản nhỏ (khoảng 2.500 USD) để lập quỹ y tế khẩn cấp cho số đồng bào này. Quỹ này nay đã cạn. Chúng tôi đang tìm nguồn trợ cấp để mở lại quỹ này.

(3)    Tôi đang được một tổ chức khác trợ giúp về pháp lý thì có thể chuyển hồ sơ sang cho BPSOS không?  

Có thể, nhưng không nên. Lý do là chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các tổ chức lo về pháp lý ở Thái Lan và đã phải chuyển hồ sơ cho họ mỗi khi bị “quá tải”. Ngoài BPSOS, hiện có 3 tổ chức khác cũng có luật sư: Asylum Access – Thái Lan (AAT), Jesuit Refugee Service (JRS), và Thai Committee for Refugees (TCR). Cả 4 tổ chức làm việc rất tận tuỵ và phối hợp nhịp nhàng với nhau. Khi cả 4 tổ chức ở Thái Lan đều bị “quá tải”, chúng tôi chuyển hồ sơ đến các luật sư thiện nguyện ở Hoa Kỳ

Dù hồ sơ xin tị nạn đang được tổ chức nào khác giúp đỡ, đối với người ấy hay gia đình ấy chúng tôi vẫn xúc tiến các phần khác trong kế hoạch toàn diện như kể trên.

Một điều xin lưu ý: Nguyên tắc hoạt động của BPSOS là cung ứng sự trợ giúp pháp lý cho bất kỳ ai quả thực có sự sợ hãi sẽ bị đàn áp nếu phải hồi hương, và đó là tiêu chuẩn độc nhất. Chúng tôi tuyệt nhiên không phân biệt người thuộc nhóm này, phe kia, hay đảng phái nọ. Dù hai nhóm không thích nhau, chúng tôi không phân biệt và giúp cho cả hai nếu hội đủ tiêu chuẩn kể trên. Nói cách khác, khi giúp một người thuộc nhóm nào thì không có nghĩa là chúng tôi ủng hộ nhóm ấy; chúng tôi giúp họ hoàn toàn trong tư cách cá nhân của họ mà thôi.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2549