Quê Hương Của Mẹ
Date: Tuesday, April 12 @ 14:15:13 EDT
Topic: Truyện Ngắn


Huỳnh Ngọc Nga
 
Saigon, ngày... tháng... năm...

Má kính thương,

Hôm nay trời mưa suốt, con không đi đâu được để có chuyện chờ cuối ngày viết cho má như thường lệ, nhưng thay vào đó con sẽ cho má biết con nghĩ gì sau hơn hai tuần trên đất nước Việt Nam của má. Hai tuần lễ không nhiều để con biết rõ hơn quê mẹ, nhưng cũng đủ để con thấu đáo hơn nỗi niềm hoài vọng của má về một nơi mà má thường gọi là đất tổ quê hương.

Má còn nhớ hè năm 1995, lần đầu tiên má dẫn anh em con về đây không? Lúc đó con chỉ vừa lên chín, trí nhớ non nớt của con không hiểu tại sao má lại rưng rưng nước mắt khi mẹ con mình vừa đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất; má cười trước những cánh tay đón chào của bà con và xúc động ôm con vào lòng má nói nhỏ vào tai con, nói mà hình như không cần cho con biết má muốn nói gì:



- Mười hai năm rồi, …mười hai năm rồi…

Thời gian một tháng nghỉ hè nơi quê cũ má như biến đổi thành một người khác. Con thấy má tươi vui rực rỡ hơn bao giờ; từ nhà từng người bà con nội, ngoại đến nhà của thân hửu láng giềng, đâu đâu má cũng líu lo như một cánh chim lạc đàn tìm về tổ cũ. Má rạng ngời hơn bao giờ hết trong buổi tiệc do các bạn đồng nghiệp xưa của má khoản đãi. Má xúc động nghẹn ngào khi tìm được người thầy thương kính của thời tiểu học. Con đã thấy biển Nha Trang với hàng dừa nghiêng bóng như trong bài nhạc mà má vẫn thường hát, thấy ruộng lúa Long An, Gò Công óng vàng đụn lúa, vườn trái cây Lái Thiêu – Bình Dưong nặng trĩu măng cục, chôm chôm mà má vẫn thường nhắc. Má đã dẫn con viếng các viện bảo tàng để nhìn tận mắt nhìn những vết tích cổ ngàn đời của một đất nước mà qua bao nhiêu cơn dâu biển vẫn còn đứng vững để những đứa con xa, gần luôn còn dịp tìm gặp lại nhau.

Những cái nghe, thấy được ngày đó đến với đứa trẻ chưa đầy mười tuổi cũng vội vã đi nhanh để con cơ hồ không còn nhớ gì hết sau khi trở lại Ý, trở lại nơi ba má đã gặp nhau và cho anh em con chào đời bằng yêu thương của mối tình Ý-Việt. Con trở lại Ý như con sông bé nhỏ trở lại nguồn và con không biết rằng bên cạnh dòng sông nhỏ đó có một con sông cái đang bứt nguồn trôi ra biển với nỗi đau chia lìa.

chothuoc24h.com

Má nhớ ngày ba ra đón má con mình ở phi trường không? Má ngạc nhiên khi thấy ba gầy sút trông thấy rõ. Ba âu yếm cười bảo mấy kilo sụt cân đó theo má con mình đi Việt Nam chưa trở lại kịp. Má xúc cảm nhìn ba không nói, nhưng bây giờ thì con hiểu trong cái nhìn ngày đó có ẩn chứa một lời hứa má sẽ không để ba có một mùa hè đơn chiếc như 30 ngày vừa qua. Có lẽ vì thế năm nay má đã không theo ngoại cùng về vui lễ cưới của cậu. Má cho con theo ngoại và má hẹn với mọi người sẽ dẫn anh con về hội ngộ vào mùa hè năm tới, dĩ nhiên lúc đó con phải ở nhà cho ba có người hủ hỉ phải không má?

Lần viếng quê mẹ kỳ này con đã lớn hơn xưa nên con ý thức được nhiều điều mà ngày xưa con không thấy. Lần đầu tiên xa gia đình, con nghe được nổi nhớ nhà, nhớ ba má và anh hai, ông anh mà lúc nào với con cũng như nước với lửa. Ngoại cũng chăm sóc, thương yêu con nhưng con nghe thiếu làm sao tiếng nói, nụ cười, bàn tay của má. Các cậu dì cũng cưng chiều con hết mực nhưng con thấy nhớ những ân cần, dịu dàng của ba trong trong những chiều gia đình mình quây quần bên bàn ăn ấm cúng. Con thèm được nghe tiếng cãi vã của anh con trong những lần tụi con trâu trắng, trâu đen với nhau.

Con cũng được ngoại dẫn đi đây, đi đó để thấy lại những nơi mà má đã dẫn con đi hồi bảy năm về trước, gặp lại những người thân cũ của má ngày xưa. Con vui đùa thật sự và thích thú với những gì đang hưởng. Con nghe yêu thương ngôi nhà cũ của má ngày xưa, nghe thiết tha mái trường xinh xắn trong thời ấu thơ của má, con ghiền ngắm những cánh đồng lúa bao la, những con sông Đồng Nai, Cửu Long xanh mát không thấy đâu là bờ bến.

Chưa hết đâu, con đang tập quen với những món ăn tuyệt vời của quê mẹ đây má ơi. Dù má đã cho con ăn nhiều nào canh chua, thịt kho, dưa giá cũng như những món ăn thuần túy Việt Nam khác, nhưng ở Ý làm gì có cá lóc, cá trê, làm gì có ngó sen, nấm tràm để má có thể nấu đúng mùi vị như nơi này. Con mê mẩn vị ngọt của ly nước dừa thanh mát, mê hương quả mít, quả sầu riêng, và còn nhiều, nhiều thứ nữa mà cho dù con có ở lại nơi đây đến vài ba năm nữa, con cũng không chắc mình sẽ nhớ được hết.

Con ngẩn ngơ khi tiếng chuông chùa cạnh nhà bà cô Tám ngân nga trong những chiều tắt nắng, và con chợt hiểu vì sao tại Torino má thường thở dài khi nghe tiếng chuông giáo đường gần nhà chúng ta cũng từng hồi ngân vọng như thế. Có phải những lúc đó một khoảnh khắc mông lung xui tâm hồn má nhớ lại bao ngày tháng cũ nơi xưa không hả má?

Và yêu dấu hơn hết là tình người nơi đây, một thứ tình nồng nàn trong cách đối xử không phân biệt lạ quen khác hẵn với những tỵ hềm, nghi kỵ của thế giới phương tây chúng ta đang ở. Con ngạc nhiên làm sao khi thấy bác xích lô vừa đạp xe, vừa chuyện vãn “bác, cháu” thân mật như họ hàng thật sự với con. Con thích thú vô cùng khi một chị bán hàng sau khi “tiền trao, cháo múc” với con (con đang bắt chước cách nói của má đây) đã vui vẽ hỏi: “Em ở nước ngoài mới “dìa” đó hả? Thấy nơi đây vui hông em?” Những cung cách tự nhiên, chân thật đó làm sao chúng ta thấy được ở “bên Tây” phải không má? Và con chắc sẽ nhớ hoài anh Dũng, chị Thoa con dì Mỹ, chị Na cháu dì Xuân, những người bạn mới kết tình nhưng thân thương nhau như đã từ lâu lắm.

Con cám ơn má đã kiên nhẫn dạy con hiểu và nói tiếng quê hương bên ngoại, và con cũng hối hận đã biếng lười không chịu làm cô học trò giỏi của má để có thể đọc Kim Vân Kiều hay ngân nga Chinh Phụ ngâm, Lục vân Tiên như má. Nhưng má tin đi, sau chuyến đi này, khi trở lại Ý con sẽ siêng năng học ngôn ngữ Việt hơn, không những để má hài lòng mà để con còn thực sự hãnh diện nghe mình là con của má, của một người Việt đúng nghĩa cho dù phải trải qua bao thăng trầm trôi nổi phương xa . Con yêu tiếng Ý với tình thương của ba bao nhiêu thì con sẽ yêu tiếng Việt bằng tin yêu của má bấy nhiêu.

Đêm nay trăng chưa tròn để con thấy có phải trăng ở Việt Nam sáng dịu dàng hơn ở Torino như má vẫn thường nhận xét hay không, nhưng con sẽ bắt chước má mà ví von rằng nửa vầng trăng khuyết nơi đây như nửa trái tim quê mẹ, con sẽ đem về cho má cuối tháng này khi con trở lại quê cha.

Thư dài rồi, con ngừng đây nghen má, còn đôi ba ngày nữa đến ngày cưới của cậu, con sẽ kể má nghe nhiều hơn trong những thư sau. Con kính lời thăm ba và anh hai con, hôn và chúc ba má ngủ ngon đêm nay, nhớ chiêm bao thấy con nghen má. Thương.

Con của ba má
ELISA
 
Huỳnh Ngọc Nga
Torino - Italia
www. datque. com

========

Các bạn thân mến,

Ở Ý có cuộc thi viết hàng năm LINGUA MADRE dành cho những tác giả nữ ngoại quốc (lúc sau này họ mở rộng dành cho các cây bút nữ Ý nữa). Có rất nhiều loại giải thưởng trong cuộc thi này, kể cả giải thưởng về hình ảnh, các bài nói về ẩm thực xứ người, v.v.
 
Năm nay Elisa lấy bài viết Quê Hương Của Mẹ dịch sang tiếng Ý để tham gia cuộc thi và được lọt vào vòng chung kết (gồm 10 bài của nhiều quốc gia) phần tranh giải Đặc Biệt, nhưng phải có sự bình bầu của độc giả và ban giám khảo.
 
Vì thế nên Nga viết thư này mong có sự tham gia bình bầu "ủng hộ gà nhà Việt Nam" của tất cả thân, bằng, quyến thuộc xa gần.
     
Bỏ phiếu cho bài viết của Elisa:
 
    - chúng ta cứ gửi về địa chỉ: giuriapopolare@concorsolinguamadre.it
 
    - phần subject ghi: Votazione
 
    - bên dưới nội dung chỉ cần ghi: Muscarello Elisa con La Terra Materna
 
là được rồi. Nếu có thể ghi thêm vài câu phê bình bằng tiếng Anh, Pháp hay Ý càng tốt.
 
Đây là cuộc thi có tính cách quốc tế (nhiều nước tham dự) nên bất cứ ai tham gia cũng được, chúng ta có quyền rủ thêm người quen cùng bình bầu (dù không biết tiếng Ý).
 
Elisa và gia đình Ngọc Nga cám ơn sự đóng góp của thân, bằng, quyến thuộc rất nhiều.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2192