CAMSA Tạo Tiền Lệ Ở Đài Loan
Date: Sunday, March 20 @ 02:21:10 EDT
Topic: Chống Buôn Người


19 Nạn Nhân Việt Ở Đài Loan Được Giải Cứu

 

Ngày 18 tháng 3, 2011 Phòng Tội Phạm Quốc Tế của cơ quan cảnh sát quốc gia Đài Loan gởi nhân sự, với một thành viên của CAMSA đi kèm để thông dịch, đến kiểm tra và lục soát một công ty đông lạnh ở Bình Đông để giải cứu cho 15 công nhân Việt và tịch thu các chứng cớ về buôn người. Ngoài ra còn 4 công nhân Việt khác đã được dời đến khu tạm trú ở Cao Hùng từ trước.

 

Trong hai năm qua Công ty Thực Phẩm Đông Lạnh Chiang Jiang ở Bình Đông đã tuyển số 19 công nhân này qua 4 công ty môi giới Việt Nam và 2 công ty môi giới Đài Loan. Các công nhân này phải đóng tiền từ 4.5 đến trên 7 ngàn Mỹ kim mỗi người để được tuyển dụng đi lao động ở Đài Loan.

 

Họ được hứa hẹn mức lương tháng tiêu chuẩn là 17.280 Đài tệ, tương đương 580 Mỹ kim.

Các nạn nhân đang họp với nhân viên của một tổ chức cứu viện Đài Loan, tháng 11, 2010 (ảnh JADWR)



Tuy nhiên khi đến nơi, họ bị công ty môi giới Đài Loan tịch thu sổ thông hành để không thể bỏ trốn. Sau đó họ bị giam trong khuôn viên của công ty Chiang Jiang và bị bắt làm việc 17, 18 tiếng một ngày và lương thì bị thường xuyên trả thiếu. Số tiền trả thiếu, theo ước tính của công lực Đài Loan, lên đến gần 200 ngàn Mỹ kim.

 

Khi ốm bệnh không đi làm được thì công nhân phải tự lo thuốc men trong khi chủ lại khấu trừ tiền lương của những ngày không đi làm.

 

Trong cuộc phỏng vấn với nhân viên CAMSA trước đó, các nhân chứng cho biết họ phải khuân vác các kiện hàng rất nặng. Công ty không cho họ dùng xẻng mà bắt họ phải bốc đá bằng tay để tăng hiệu suất.

 

Điều kiện sống của các công nhân này rất cơ cực. Nơi họ ở nằm cạnh nơi đổ rác. Công ty cho họ ăn uống sơ sài, thiếu dinh dưỡng và khấu trừ 4.500 Đài tệ (tương đương 150 Mỹ kim) mỗi tháng vào tiền lương.

 

Trong suốt hai năm bị đối xử tàn tệ, các công nhân này đã nhiều lần kêu gọi công ty tôn trọng các điều khoản trong hợp đồng nhưng vô ích. Họ cầu cứu đến công ty môi giới Việt Nam và Đài Loan. Thay vì nhận được sự can thiệp thì họ bị hăm doạ. Không những vậy, nhân viên nói tiếng Việt của công ty môi giới Đài Loan đã gọi về cho gia đình của một số công nhân để hăm doạ làm cho cha mẹ của họ rất lo lắng.

 

Rõ ràng có sự toa rập giữa công ty môi giới Việt Nam, công ty môi giới Đài Loan và công ty sử dụng lao động, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành của BPSOS và đồng sáng lập viên của Liên Minh CAMSA, nhận định.

 

Theo Ông, công ty môi giới Việt Nam bắt công nhân phải đóng 2 ngàn Mỹ kim thế chân trong trường hợp bỏ trốn; không những vậy hợp đồng còn đòi hỏi công nhân phải bồi thường cho chủ nhân 5 ngàn Mỹ kim trong trường hợp bỏ việc.

 

Bị nhốt trong công ty, bị tịch thu sổ thông hành, và đứng trước món nợ lớn ở Việt Nam cộng với số tiền phạt tổng cộng là 7 ngàn Mỹ kim nếu bỏ việc, công nhân mắc phải một cái gông vô hình nhưng hết sức nặng ký, Ts. Thắng giải thích.

 

Trong chuyến công tác ở Đài Loan vào tháng Giêng năm nay, Ông đã khám phá ra trường hợp buôn lao động người Việt này tại một buổi họp với các tổ chức Đài Loan.

 

Từ tháng 9 năm ngoái, các tổ chức Đài Loan đã bắt đầu giúp đỡ cho các nạn nhân nhưng họ chỉ xem nó là một vụ tranh chấp lao động. Bộ Lao Động ở cấp tỉnh cũng nghĩ như vậy, Ông nói.

 

Ngay sau khi nhìn ra đây là một vụ buôn lao động lớn, các tổ chức liên quan cùng ngồi lại với CAMSA để chung sức can thiệp và giải cứu nạn nhân cũng như vận động chính phủ Đài Loan tiến hành việc điều tra và truy tố theo luật chống buôn người được ban hành đầu năm 2009.

 

Đồng thời CAMSA đã báo động với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về trường hợp này vì nó liên quan đến nhiều công ty môi giới ở Việt Nam. Tháng 6 năm ngoái Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp hạng Việt Nam trong danh sách các quốc gia cần theo dõi về buôn người và đang theo dõi chặt chẽ thái độ của chính phủ Việt Nam cho việc xếp hạng cho năm 2011.

 

Theo Ts. Thắng, đây là vụ buôn lao động có tổ chức đầu tiên được điều tra và truy tố chiếu theo đạo luật phòng chống buôn người của Đài Loan.

 

Vụ này sẽ thiết lập tiền lệ cho việc chấp pháp luật chống buôn người ở Đài Loan, Ts. Thắng nói.

 

CAMSA đang thảo kế hoạch với Hội Hỗ Trợ Pháp Lý của Đài Loan để kiện dân sự công ty Chiang Jiang nhằm đòi bồi thường những thiệt hại về vật thể, tài chánh lẫn tinh thần ngoài số tiền lương trả thiếu.

 

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), Tenaganita (Mã Lai), và Hiệp Hội Phụ Nữ Cứu Viện Đài Bắc (Đài Loan). Đến nay Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho gần 60 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến trên ba ngàn công nhân.

 

Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.

 

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về: BPSOS/CAMSA PO Box 8065 Falls Church, VA 22041 - USA  

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2175