Hôn Nhân Khác Chủng Tộc
Date: Monday, February 28 @ 10:53:15 EST
Topic: Mái Ấm Gia Đình


Thương Nguyên

Hôn nhân khác chủng tộc xảy ra ngày càng nhiều ở khắp nơi trên thế giới. Trong những thập niên qua, con số hôn nhân dị chủng đã gia tăng bội phần. Đây là một điều đáng quan tâm nơi các cộng đồng người Việt. Trong khi chúng ta sống trong thế kỷ 21 với những tiến bộ về tự do trong nhiều lãnh vực, thì một số gia đình Việt Nam vẫn không chấp nhận và cấm đoán những cuộc hôn nhân khác chủng tộc.

Trong nỗ lực góp ý mong xây dựng hạnh phúc gia đình, bài viết này sẽ nêu lên những đặc điểm của cuộc hôn nhân khác chủng tộc, và đề nghị một số kỹ năng giúp thăng tiến tình yêu và cuộc sống của các đôi hôn nhân dị chủng.

viciousbabushka.com



I. NHỮNG HOÀN CẢNH DẪN ĐẾN HÔN NHÂN DỊ CHỦNG

1. Các Biến Cố Lịch Sử

Như chúng ta được biết, hôn nhân dị chủng đã bắt đầu từ những cuộc di dân, cũng như do những hậu quả về chiến tranh giữa các quốc gia trên thế giới. Riêng cho nước Việt Nam thì Trung Hoa đã đô hộ chúng ta trên mười thế kỷ, và kế đến là sự thống trị của nước Pháp hơn một thế kỷ.

Ngược dòng thời gian, lịch sử đã cho thấy xã hội Việt Nam dưới thời Hai Bà Trưng vẫn còn ở trong chế độ mẫu hệ, nghĩa là giới phụ nữ nắm giữ những vai trò quan trọng trong xã hội và gia đình. Khi Trung Hoa xâm chiếm nước Việt, thì nước ta bắt đầu có những thay đổi, từ ngôn ngữ, chữ viết, cho đến những sinh hoạt xã hội và văn hóa của chế độ phụ hệ. Kết quả là những cuộc hôn nhân dị chủng Việt-Hoa đã xảy ra ở nhiều tầng lớp trong xã hội.

Tiếp đến, sự gây hấn của chính quyền Pháp, đi đôi với hỏa lực hùng hậu, qua các triều đại nhà Nguyễn, đã đưa đất Việt đến chỗ bị thống trị trên hơn một thế kỷ. Một trong những hậu quả tất yếu của phe chiến thắng là phụ nữ Việt dưới thời Pháp thuộc bị lạm dụng về giới tính. Nặng nề nhất là sự hãm hiếp; nhẹ hơn là những áp lực vì nhu cầu sinh lý của quân đội lê-dương. Một số ít các phụ nữ được một cuộc sống may mắn hơn khi kết hôn với những thành phần trong quân đội viễn chinh Pháp. Như chúng ta đã biết, những cuộc hôn nhân khác màu da này thường gặp sự chống đối, hay khinh thường của cha mẹ, thân nhân, và các bậc tôn trưởng trong xóm làng, nơi có một nền văn hóa bảo thủ lâu đời.

Riêng đối với biến cố đổi đời năm 1975 trên ba thập niên vừa qua, người dân Việt ly hương đã định cư tại nhiều quốc gia trên khắp năm châu. Cuộc sống chung đụng của dân Việt với người bản xứ do nhu cầu kinh tế, giáo dục, và xã hội đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Riêng về lãnh vực xã hội, đã có nhiều cuộc hôn nhân dị chủng xảy ra. Có những cuộc hôn nhân giữa gia đình người bảo trợ và người Việt tị nạn. Và những cuộc hôn nhân dị chủng khác thường xuất phát từ việc sinh hoạt chung với người địa phương nơi các hãng xưởng, hoặc khi họ cùng nhau thực hiện một lý tưởng, hay khi góp phần trong các công cuộc từ thiện.

2. Giao Lưu Văn Hóa và Kinh Tế

Ngoài những hoàn cảnh do các biến cố lịch sử tạo nên, sự gia tăng về trào lưu du học, nhu cầu du lịch, và những sinh hoạt nơi các thương trường quốc tế cũng đã dẫn đến nhiều cuộc hôn nhân dị chủng. Một người thân trong gia đình người viết đã du học tại Pháp quốc. Khi anh vừa tốt nghiệp thì cũng là thời điểm kết giây tơ hồng từ một mối tình lãng mạn giữa chàng trai nước Việt và một cô gái Pháp. Cuộc hôn nhân dị chủng này vẫn còn được đầm ấm cho tới ngày nay.

Riêng tại Việt Nam trong ít năm gần đây, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc chấp nhận “lấy chồng xa xứ” đã trở nên rất phổ biến. Có lẽ độc giả cũng từng nghe những chuyện thương tâm về các cô gái hiền lành đã phải rời cuộc sống thôn dã để lấy chồng Trung Quốc, Đài Loan, hay Hàn quốc. Họ mong giúp gia đình thoát khỏi cảnh bần cùng. Số người may mắn được chồng thương yêu thì ít, nhưng ta lại nghe nói nhiều về những đôi hôn nhân với nhiều chuyện không lành, thậm chí có những trường hợp người vợ bị đối xử như những nô lệ, bị đánh đập, và có người còn bị đả thương cho đến chết.

II. NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA HÔN NHÂN DỊ CHỦNG

1. Khác biệt về ngôn ngữ

Một trong những điều kiện căn bản để cảm thông nhau trong đời sống vợ chồng là sự thông đạt bằng ngôn ngữ, nhất là việc đối thoại giữa vợ chồng. Phần lớn, những cuộc xung đột, tranh cãi, thậm chí đi đến ẩu đả trong gia đình, giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái đều do những bất đồng ý kiến, hay hiểu lầm nhau. Sự xung đột có thể đến từ những việc thường nhật như chăm sóc con cái, ăn uống, sắm sửa, v.v. Khi ngôn ngữ bất đồng kéo dài qua nhiều năm tháng, đôi hôn nhân dần cảm thấy đời sống trở nên nặng nề. Từ đó những căng thẳng mỗi ngày một trầm trọng. Việc hôn nhân đổ vỡ chỉ còn là vấn đề thời gian.

2. Khác biệt về văn hoá, phong tục và tập quán

Trong mối tương quan với gia đình hai bên, phong tục và tập quán đem lại những nhu cầu thiết thực cho nhiều đôi vợ chồng dị chủng. Về cách sống, người Âu Mỹ thường sống về lý lẽ, trong khi người Á Châu thì nghiêng về tình sâu nghĩa nặng.

Một khía cạnh của phong tục là quan niệm về cách sống hiếu thảo. Người Á Châu nói chung và người Việt nói riêng rất trọng chữ hiếu. Dù theo tôn giáo nào, người Việt cũng đều được giáo huấn về cách sống hiếu nghĩa đối với bậc sinh thành, khi họ còn sống và cả khi họ đã khuất núi. Việc thờ kính ông bà tổ tiên là kết quả của quan niệm này. Một người con được coi là hiếu thảo khi biết kính thờ tổ tiên, tôn trọng, thương yêu và chăm sóc ông bà, cha mẹ, thậm chí dám hy sinh cuộc sống của mình để phụng dưỡng cha mẹ.

Trong khi đó người tây phương tuy cũng chủ trương thảo kính cha mẹ, nhưng sự tự do cá nhân của họ vẫn được xem là ưu tiên hàng đầu. Vì lý do này, việc đón nhận và phụng dưỡng cha mẹ già dưới một mái nhà là điều khó được chấp nhận. Một điểm nữa về lối sống của người tây phương là cha mẹ không được tự do đến thăm con cái vào bất cứ lúc nào, không được tự do bồng bế cháu theo ý muốn, và không hoàn toàn được sự giúp đỡ của con cái khi cần đến. Điều này rất khác biệt so với cách sống của người phương đông.

Ngoài ra, sự khác biệt về thức ăn là một tiêu đề cần quan tâm. Người viết đã chứng kiến một tình cảnh đáng tiếc xảy ra cho gia đình của một người quen. Chị là một thiếu nữ Việt Nam hiếu thảo, có bằng cao học, đẹp và thông minh. Chồng chị là một người Hoa Kỳ lịch lãm và giàu có. Hôn lễ của hai người được tổ chức rất trọng thể. Sau ngày cưới, chị nghỉ việc và vui thú chăm lo cho gia đình mới. Chị bảo lãnh mẹ già từ Việt Nam sang và bà mẹ ở chung nhà. Mẹ chị thường thích nấu những món ăn thuần túy Việt Nam như cá kho, mắm kho trong nhà. Chồng chị rất bực mình mỗi khi về nhà. Anh phải chịu đựng những mùi vị nồng nặc này vì bà mẹ vợ nấu nướng các món ăn quá nặng mùi. Nhiều lần sau khi tan sở anh đã lặng lẽ đi ăn ngoài một mình. Anh đã từng khuyến cáo người vợ về việc nấu nướng như thế trong nhà. Vì hiếu thảo chị không muốn mẹ buồn nên vẫn tiếp tục chiều ý mẹ. Vợ chồng chị thường cắn đắng nhau chỉ vì những “mùi vị quê hương”. Sau ba năm chung sống, người chồng dễ thương của chị đã không còn chịu nổi cảnh mẹ vợ ở cùng một nhà. Và anh chồng đã lạnh lùng trao cho chị tờ giấy ly dị vì những bất đồng không thể hàn gắn được. Chị rất ân hận, và trở nên giận người, hận đời. Nhưng chị cũng phải chấp nhận sự ly dị theo phán quyết của tòa án.

3. Khác biệt về văn hóa và trình độ học vấn

Một trong những khó khăn cho các cuộc hôn nhân dị chủng là sự khác biệt về văn hóa và trình độ học vấn của đôi vợ chồng. Tình cảnh này đã xảy đến cho một người thân: Ông là một sinh viên thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa, du học tại Úc châu vào năm 1960. Thời ấy phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài rất hiếm. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư cơ khí tại Sydney, ông lập gia đình với một cô gái người Úc. Tuy trình độ học vấn của hai người rất chênh lệch, nhưng cuộc hôn nhân đã đem lại cho ông một trai và một gái. Lúc con cái đã thành đạt và lập gia đình thì cũng là lúc ông cảm thấy cô đơn vì người vợ khác văn hóa ngày càng xa lạ đối với ông. Ông không thể trao đổi về kiến thức và văn hóa với bà. Tình nghĩa phu thê với người vợ Úc dù đã trên 40 năm, nay đã trở thành lạnh nhạt. Hằng ngày ông tìm vui bên những tờ báo Việt. Tình tự dân tộc bỗng nhiên sống lại trong tâm tư ông. Ông chỉ muốn sinh hoạt, trao đổi tâm tình, và sống gần với những người cùng một ngôn ngữ và văn hóa. Một cách tương tự, người vợ cũng có những thú vui riêng của bà. Ông bà không còn thân thiết với nhau trong nhà nữa. Mối tình lãng mạn thời xa xưa đã phai nhạt theo năm tháng. Họ không còn sự cảm thông hay hiểu ý nhau. Mối tương quan giữa hai người hầu như chấm dứt.

Câu chuyện trên nói lên tình cảnh sai biệt về trình độ học vấn dễ đánh mất sự thông đạt trong đời sống gia đình, đặc biệt là trong việc đối thoại. Từ đó dẫn đến hai cuộc sống khép kín riêng biệt, với những mặc cảm và hiểu lầm.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2153