Dạy Trẻ Em Cách Xử Thế
Date: Monday, February 07 @ 10:54:12 EST
Topic: Thế Hệ Trẻ


Bà Ngô Thị Quý Linh

Cách đây không lâu, nhân một buổi chiều xem tin tức trên đài truyền hình thì thấy nói là lúc này nhiều trường y khoa quan tâm đến sự liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân nên các trường mở những lớp về bedside manner. Những người phụ trách môn bedside manner có lẽ muốn giúp các sinh viên y khoa cách đối đãi với bệnh nhân cho xứng với tư cách một lương y.

Một hôm khác, tôi có việc vào một ngôi trường miđle school. Ở giữa các hành lang, tôi thấy để những cái biển viết tay “Good manner is important” (xử thế lịch thiệp là điều quan trọng). Tôi đoán là những lúc học sinh đổi lớp hoặc đi ăn trưa hoặc tan học, chắc là học sinh túa ra và xô đẩy nhau dữ lắm nên mới phải có những hàng chữ trên để nhắc nhở học sinh cư xử tử tế với nhau.



Như thế ta thấy trong thời buổi này cách xử thế lúc nào cũng cần cả. Mục đích của phép xử thế là để giúp cho sự liên lạc giữa mọi người trong xã hội được vui vẻ êm đềm. Biết cách xử thế giúp cho những sự bất đồng được giải quyết một cách êm thắm trong gia đình cũng như tại nơi làm việc và ngoài xã hộị Tuy mỗi người mỗi tính, người thì mau mắn, hay bông đùa, người thì thâm trầm ít nói, cách xử thế cũng có thể điều hoà được tính tình của mỗi người, giúp cá nhân biết cách xử sự tế nhị theo từng trường hợp. Người lớn đối với người nhỏ, người dưới đối với người trên, những người bằng hàng với nhau, tuỳ địa vị mà cách xử thế cũng thay đổi.

Con cái chúng ta muốn biết cách giao tế trong xã hội cần phải được tập dượt cho quen từ khi còn nhỏ thì sau này lớn lên trẻ em mới có được sự tự tin trong việc giao tế. Phép tắc xử thế có thể được dạy từ khi còn nhỏ, ở tuổi nào cũng được, và càng lớn lên thì biết cách xử thế sẽ trở nên một điều tự nhiên và dễ dàng. Trong mỗi gia đình, những nguyên tắc về xử thế và cách giao tế được truyền đi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi đời lại truyền cho con cháu thành thói quen. Có con gây dựng cho con, Gọi là nối đức tổ tôn dõi truyền. Nhờ nền nếp phong nhã sẵn có trong gia đình thì con cháu lại có được tính cách phong nhã đặc biệt. Thành thử ngày xưa khi người ta nói đến môn đăng hộ đối là có ý muốn thông gia với những gia đình có sẵn nền nếp phong nhã và biết cách xử thế.

Ðông và Tây khác nhau trên nhiều phương diện mà riêng phương diện xử thế thì lại cùng đồng ý với nhaụ Ở trong trường học kể trên, ta đã thấy nhắc nhở câu “Good manner is important”. Một danh ngôn Pháp cho rằng “La politesse est la fleur de l’humanité. Qui n’est pas assez poli, n’est pas assez humain” (Lịch sự là đoá hoa của nhân loạị Ai chưa trau truốt đủ thì cũng không chưa đủ làm người). Không phải chỉ người Âu Tây mới chú trọng đến cách giao tế trong xã hộị Tiền nhân nước ta đã có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cách xử thế như một chất “dầu” giúp tô điểm cho cuộc đời chung, từ Âu sang Á, được trôi chảy êm ái và thú vị.

Nay tôi ghi lại cách xử thế của dân tộc chúng ta từ xưa đến nay, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, để chúng ta học hỏi và truyền dạy lại cho con cháu cho xứng đáng với danh vị của một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến.

Người xưa đã có câu: “Uốn cây từ thuở còn non, Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”. Cha mẹ có thể dạy con từ tấm bé những phép xử thế trước khi chúng hiểu sự cần thiết của những việc ấỵ Trẻ con có thể thưa gửi, xin, xin phép, gọi dạ bảo vâng, cám ơn… trong những câu nói hàng ngày.

Bảo vâng, gọi dạ, con ơi!
Vâng lời sau trước, con thời chớ quên
Công cha nghĩa mẹ khôn đền
Vào thưa, ra gửi, mới nên con người

Việc gì cũng phải dần dần dà dà. Cha mẹ cần phải nhắc nhở con luôn luôn để con nhớ cách cư xử cho đúng. Tuy nhiên, muốn dạy trẻ con ra thế nào thì những bậc cha mẹ phải trước nhất làm gương cho con. Cha mẹ không những là người thầy dạy đầu tiên mà còn là khuôn mẫu cho con cái noi theọ (Cha nào con ấy, Cha hiền con thảo). Con cái dễ vâng lời cha mẹ nên khi cha mẹ chỉ bảo, con cái sẽ làm theo và những câu nói của cha mẹ nhập tâm con cái dễ dàng khiến trẻ con thường buột miệng nói những câu mà chúng đã từng nghe cha mẹ nóị (Mẹ dạy thì con khéo, Bố dạy thì con khôn).

Không phải trẻ em chỉ tập đối xử tử tế với người ngoài gia đình không thôi mà trẻ em cần tập cư xử tử tế với cha mẹ, anh chị em trong gia đình trước tiên. Có tập sẵn hàng ngày trong nhà thì khi ra ngoài mới giữ được thói quen tốt. (Dạy con từ thuở lên ba, Dạy ăn dạy nói thực thà thảo ngay).

Ðối với cha mẹ, con cái phải tỏ lòng kính trọng, nể nang, không nên gắt gỏng dù có chuyện bực mình. (Liệu mà thờ mẹ kính cha, Ðừng tiếng nặng nhẹ người ta chê cười). Những lúc có thức ăn ngon hay món quà lạ thì đem đến biếu cha mẹ để tỏ lòng nhớ ơn cha mẹ chăm nom nuôi dưỡng. (Kính cha tấm lụa tấm là, Trọng cha tấm quà tấm bánh, Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi, Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già)ø. Buổi sáng thức dậy, gặp cha mẹ, nên chào hỏi cha mẹ; buổi chiều khi cha mẹ đi làm về, hoặc thấy cha mẹ đi đâu về cũng nên thăm hỏi; thấy cha mẹ đi làm hoặc đi chợ về thì nên ra phụ đem các thức vào nhà; buổi tối trước khi đi ngủ, cũng nên đến chào cha mẹ. Còn như trẻ em muốn đi đâu chơi thì phải xin phép cha mẹ, và khi dời nhà đi học hoặc đi chơi, đều nên chào cha mẹ trước khi đi cũng như khi về đến nhà.

Ðối với anh chị em trong nhà thì nên giữ sự hoà thuận. Hãy rủ anh chị em đi chơi cùng. Hãy kể chuyện cho nhau nghẹ Không nghe lén chuyện cũng như không xem lén thư từ của người khác. Anh chị em nên tập chia xẻ và nhường nhịn nhaụ (Em thuận anh hoà là nhà có phúc. Anh em như chân tay, anh nhường em kính). Nếu anh chị em cần được giúp đỡ thì nên sốt sắng làm ngaỵ (Chị ngã em nâng, Con một mẹ như hoa một chùm, Yêu nhau nên phải bọc đùm cùng nhau). Nếu biết rằng mình đã làm một lỗi lầm, thì nên xin lỗị (Tiên trách kỷ, hậu trách nhân).

Ðối với họ hàng bên nội cũng như bên ngoại, thì Bên cha cũng kính, bên mẹ cũng váị Găp họ hàng thì nên đến chào hỏị Chú cũng như cha, dì cũng như mẹ. Với anh em họ, thì nên đối xử tử tế như nhau (Con chú con bác có khác gì nhau).

Trong việc giao tế ngoài xã hội, điều cần nhất là sự lễ phép. Trẻ em cần phải tập chào hỏi người chung quanh: đến trường thì phải chào thầy cô dạy lớp mình, chào bạn học, chào bố mẹ của những người bạn mình, chào những người bạn của bố mẹ mình. (Tiếng chào cao hơn mâm cỗ, Dao năng liếc năng sắc, Người năng chào năng quen).

Không phải là người nhỏ mới lễ phép đối với người lớn mà người lớn cũng phải biết đối đãi người nhỏ hơn mình. Tuổi tác được dùng làm tỉ lệ cho sự kính trọng. Người nhỏ tuổi bao giờ cũng phải kính trọng người hơn tuổi mà người hơn tuổi đổi lại cũng có tư cách khiêm nhường đối với người kém tuổị (Kính lão đắc thọ, Yêu trẻ, trẻ đến nhà, Kính già, già để tuổi cho).

Nên nhường bước cho người lớn tuổi hơn vào phòng hoặc lên cầu thang, mở cửa cho người già, bắc thêm ghế vào phòng khi có đông người đến; thấy người nào cầm đồ đạc cồng kềnh hoặc nặng thì mở cửa đỡ cho họ. (Lớn làm đỡ trẻ, khoẻ làm đỡ già).

Trước khi làm thân với ai, phải nên chọn lọc kỹ càng vì ít nhiều thế nào mình cũng chịu ảnh hưởng của những người mình giao tiếp. (Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng).

Trong sự giao thiệp, cần có lòng hỉ xả, có lòng khoan dung với nhaụ (Chín bỏ làm mười). Mình muốn kẻ khác nhân nhượng với mình thế nào thì mình cũng phải nhân nhượng như thế với người khác. (Ai ơi chớ vội cười nhau, Cây nào là chẳng có sâu chạm cành). Lúc nào gặp ai cũng nên tỏ lòng ân cần nhã nhặn với mọi ngườị (Yêu người, người lại thương ta, Ghét người, người lại hóa ra ghét mình).

Cần phải giữ nét mặt tươi tỉnh, tập làm sao cho dung mạo biểu lộ ra những nét thản nhiên, vui vẻ, bình tĩnh và cố nén những sự buồn bã phiền lòng. (Nhân hiền tại mạo, Trắng gạo ngon cơm). Mắt nên nhìn thẳng tự nhiên. Trẻ con nên tập tính nhìn thẳng, khi nói thì nhìn thẳng người đối diện, không nên nhìn đi chỗ khác, cũng không nhìn ai chòng chọc.

Trẻ em từ nhỏ nên tập nói năng sao cho vừa phải, không nói lớn tiếng như la hét cũng không nói nhút nhát nhỏ nhẹ quá không ai nghe được. Giọng nói phải bình tĩnh, thong thả, không có giọng kiêu ngạo khinh đời, chê bai người khác, tránh những câu đùa bỡn vô ích. (Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe).

Những cách xử thế hãy còn nhiều, không thể kể hết ra được. Nói chung là muốn biết cách xử thế cho tế nhị, được lòng mọi người, mình phải xem xét chung quanh, xem thái độ và cách cư xử của người khác để chỉ bảo lại cho con cái mình. Phụ huynh hãy nhớ khen ngợi con em và khuyến khích con em luôn luôn. Hy vọng rằng khi lớn lên, con em sẽ cảm ơn cha mẹ đã có công chỉ bảo cho con em trở nên những người lịch thiệp và phong nhã trong xã hội.

Trời sinh ra đã làm người,
Hay ăn hay nói hay cười hay chơi
Khi ăn thời phải lựa mùi,
Khi nói thời phải lựa lời chớ sai
Cả vui chớ có vội cười,
Nơi không lễ phép chớ chơi làm gì

Quý vị độc giả có thể xem thêm những câu tục ngữ ca dao đã được sắp loại về cách xử thế trong quyển Lời Mẹ Hiền qua tục ngữ và ca dao của tác giả Ngô Thị Quý Linh, Ý Linh xuất bản năm 1993, Hoa Kỳ.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2134