Ngư Phủ Việt Vận Động Chính Phủ Mỹ
Date: Wednesday, November 17 @ 15:41:57 EST
Topic: Tin Tức Thời Sự


Phái Đoàn Ngư Phủ Việt Gặp Giới Chức Hành Pháp và Lập Pháp

Trong ngày thứ hai của chuyến đi Hoa Thịnh Đốn, phái đoàn đại diện của ngư phủ Việt Nam từ vùng Vịnh đã họp với nhiều giới chức hành pháp, kể cả đại diện của Toà Bạch Ốc, cũng như với nhân viên của nhóm các dân biểu gốc Á Châu và Thái Bình Dương để nêu nguyện vọng và đề nghị giải pháp.

“Chúng tôi rất lo lắng về tình trạng ô nhiễm hải sản sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng ngàn gia đình người Việt”, Ông Kiều Văn Thiết, đại diện Hiệp Hội Ngư Phủ Việt Nam ở Mississippi và Alabama, phát biểu.

Theo Ông, nhiều ngư phủ cho biết đánh phải tôm bị nhiễm dầu nhưng khi báo cho lực lượng duyên phòng thì họ tịch thu tất cả tang chứng rồi không bao giờ hồi đáp. Chính Ông cũng đã ở trong trường hợp này.

Đại diện cho Cơ Quan Thực Phẩm và Thuốc Men (FDA), Ts. Chad Nelson cho biết là cơ quan của Ông thường xuyên theo dõi các cuộc khảo nghiệm mẫu nước biển thực hiện bởi các phòng thí nghiệm danh tiếng và uy tín. Kết quả cho thấy là độ ô nhiễm rất thấp dưới mức độ độc hại.

Phái đoàn Ngư Phủ Việt và ông Ken Feinberg (giữa). (ảnh BPSOS)



Trả lời lại, theo Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành của BPSOS, nhận xét rằng nếu như không có chính sách để khuyến khích ngư phủ báo cáo các trường hợp ô nhiễm dầu và thiếu hệ thống truyền thông hai chiều minh bạch, thì các phòng thí nghiệm sẽ chẳng nhận được các chứng cớ để khảo nghiệm.

Bà Nguyễn Tuyết, đến từ Mississippi, giải thích rằng chẳng ngư phủ nào muốn báo cáo vì tất cả tôm sò đánh được, có thể trị giá nhiều chục ngàn, sẽ bị tịch thu không bồi thường.

Một vấn đề cũng được phần lớn ngư phủ quan tâm là việc bồi thường thiệt hại từ ngân quỹ của BP cũng như là ảnh hưởng lâu dài của dầu tràn đối với nền ngư nghiệp. Hiện nay không ai dự đoán được ảnh hưởng ấy kéo dài bao lâu.

“Chính tôi đây cho đến nay vẫn chưa nhận được một đồng xu bồi thường nào trong khi tàu đánh cá của tôi sắp bị kéo đi mất vì không có khả năng trả tiền nợ hàng tháng”, Bà Lưu Nguyệt Bình đến từ Houston, Texas giãi bày.

Ts. Thắng nhận xét rằng chính quyền đã cử giới chức đến nói chuyện với cộng đồng Việt nhiều lần từ ngày xẩy ra dầu tràn. “Tuy nhiên, thiếu hẳn một cơ chế để người dân phản hồi và theo dõi sự thực hiện các lời hứa hẹn của các cơ quan hữu trách.”

Ông yêu cầu cơ quan FEMA thực hiện đúng nhiệm vụ giám sát Cơ Sở Bồi Thường Vùng Vịnh của Ông Kenneth Feinberg, người được Tổng Thống Barack Obama chỉ định để quản trị quỹ bồi thường 20 tỉ Mỹ kim của công ty BP, và cũng yêu cầu Ông Feinberg chỉ định một người chuyên lắng nghe ý kiến của người dân bị ảnh hưởng. “Người này sẽ nhận diện các vấn đề trục trặc ở cấp hệ thống và đưa ra những đề nghị cải thiện một cách vô tư.”

“Có vậy thì mới tạo được thông tin hai chiều và bảo đảm sự trong suốt trong mọi lãnh vực hoạt động”, Ts. Thắng nói.

Ls. Irene Recio, Giám Đốc về Dịch Vụ Pháp Lý và Vận Động của BPSOS, yêu cầu chính quyền liên bang có chính sách để giúp các ngư phủ không bị siết nhà, siết tàu khi lỗi không phải do họ mà do cơ sở của Ông Feinberg đã chậm trễ trong việc trả tiền bồi thường thiệt hại.

Vị Giám Đốc của Uỷ Hội Á Châu và Thái Bình Dương của Toà Bạch Ốc, Cô Kiran Ahuja, ghi nhận các ý kiến đóng góp từ phái đoàn đại diện ngư phủ Việt Nam và cho biết sẽ theo dõi với các cơ quan hữu trách. Cô đặc biệt quan tâm đến sự thiếu truyền thông và hội ý bởi các cơ quan này với các tổ chức người Việt hoạt động ở vùng Vịnh.

Cũng hiện diện tại buổi họp là giới chức đại diện các cơ quan chính quyền liên bang như Bộ Nội An và Bộ Sức Khoẻ và Nhân Vụ, văn phòng của Ông Feinberg, và công ty BP.

Ngay sau buổi họp, phái đoàn đã đến Quốc Hội để họp với nhân viên của Nhóm Các Dân Biểu Gốc Á Châu và Thái Bình Dương mà vị chủ tịch là DB Mike Honda (Dân Chủ, CA). Đại diện cho cả phái đoàn, Ts. Thắng đề nghị nhóm dân biểu này giới thiệu cộng đồng Việt tiếp xúc với các giới chức hữu trách của chính quyền tiểu bang và liên bang, tạo cơ hội để đại diện của các ngư phủ có tiếng nói trong tiến trình hình thành chính sách, và biểu quyết ngân sách phục hồi sinh kế và kinh tế cho người dân bị ảnh hưởng bởi dầu tràn.

Theo nhận định của các thành viên trong phái đoàn, chuyến đi này giúp họ hiểu được hệ thống chính quyền Hoa Kỳ và tiếp xúc được với các giới chức trực tiếp trách nhiệm về vấn đề dầu tràn. Họ đã nêu lên được nhiều vấn đề quan tâm chung của giới ngư phủ.

“Quan trọng nhất, tất cả các giới chức đã gặp đều sẵn sàng liên lạc đều đặn với các đại diện ngư phủ. Chúng tôi đã hẹn trước với buổi họp kế tiếp vào tháng 3 năm sau”, Ts. Thắng nói.

Cùng tham gia trong phái đoàn còn có Ls. Phan Quốc Cường, Giám Đốc Truyền Thông và Huy Động Công Dân của BPSOS; Ls. Vinh Hồ thuộc văn phòng BPSOS ở Houston; anh Vinh Trần, nhân viên BPSOS ở Alabama; và Cô Kelly Hồ, Tổng Thư Ký Hiệp Hội Ngư Phủ Việt Nam Ở Texas.   

Hãng hàng không Southwest Airlines đã tài trợ vé máy bay cho phái đoàn ngư phủ đến Hoa Thịnh Đốn vận động.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2058