Dám Cười
Date: Wednesday, June 15 @ 10:12:04 EDT
Topic: Quan Điểm


Nguyễn Đình Thắng

Ngày 5 tháng 5, 2004 - Cách đây mấy năm Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển có hai cô thực tập sinh mùa hè cùng đến từ Quận Cam. Cả hai cô, Chi và Hạnh, lúc ấy vừa xong năm thứ ba, chuẩn bị lên năm chót đại học.



Tôi có mối quan hệ thân thiết đặc biệt với Chi và Hạnh so với những thực tập sinh khác trước đây vì một rủi ro kỹ thuật. Như mọi năm, UBCNVB mướn cho hai cô một căn phòng ở chung tại một gia đình người Việt tương đối gần nơi làm việc. Giữa mùa hè bà chủ nhà đột ngột đòi phòng lại để bán nhà. Không tìm đâu được chỗ ở cho nửa mùa hè còn lại, hai cô đành ôm mùng mền dọn về căn chung cư của tôi. Vì đằng nào tôi cũng chỉ sống ở phòng khách nên căn phòng ngủ độc nhất thuộc về hai cô.

Lúc ấy cũng vào thời điểm chương trình huấn luyện đi vào phần viết dự án xin ngân khoản. Nhân thể đang viết một dự án nhỏ, tôi nẩy ý giao cho hai cô viết mỗi cô một dự án tương tự cho cùng nguồn cấp ngân khoản. Như vậy tôi có thể rà lại bài viết của hai cô một cách dễ dàng vì đã thuộc lòng cấu trúc đòi hỏi cho dự án.
Tôi nhờ Chi liên lạc với nguồn cấp ngân khoản để xem có một tổ chức có được phép nộp nhiều hơn một dự án hay không. Nếu vi phạm điều lệ thì các dự án sẽ tự động bị loại trừ.

Sau mấy ngày nghiên cứu Chi hí hửng báo cáo rằng tổ chức cấp ngân khoản có bản doanh đặt ở nhiều vùng khác nhau và do đó, Chi đề nghị, nếu chúng tôi nộp ba dự án cho ba bản doanh khác nhau thì mỗi dự án sẽ được cứu xét riêng rẽ. Vì UBCNVB có nhiều văn phòng nằm trong vùng quy định của các bản doanh khác nhau nên đề nghị này nghe rất hợp lý.

Thế là ba anh em hè nhau mỗi người viết một dự án. Tôi thường xuyên trông nom và sửa sang hai bản thảo của Chi và Hạnh. Sau một tuần lễ thức khuya dậy sớm, cả ba dự án được hoàn tất và gởi đi đúng kỳ hạn, đâu ra đó. Để khao thưởng, ngày hôm sau tôi thết hai cô bữa cơm chiều tại một tiệm ăn bình dân ở khu Falls Church mà hai cô ưa thích.

Trong khi chúng tôi chờ thức ăn đem ra, Chi tỏ vẻ áy náy, lo âu. Tôi lấy làm lạ nên hỏi. Sau một lúc ngần ngại, Chi cho biết rằng cô vừa khám phá hồi sáng là thể thức tuyển lựa của nơi cấp ngân khoản gồm hai vòng. Ở vòng loại các bản doanh sẽ lọc ra những dự án có điểm cao nhất để chuyển về trung ương; nơi đây sẽ chọn những dự án trúng tuyển ở vòng hai để cấp ngân khoản; và mỗi tổ chức chỉ được nộp một dự án mà thôi. Trước đây Chi hỏi thăm về vòng loại và nhanh nhẩu cho rằng chỉ có thế. 

Tôi phân tích nhanh: Đằng nào cũng hỏng cả. Vì các dự án viết na ná giống nhau nên hoặc là điểm thấp như nhau và cùng bị loại ngay vòng đầu, hoặc là điểm cao như nhau và cùng vào vòng hai để rồi bị loại vì vi phạm điều lệ.

Chi mặt chảy dài vì lo lắng. Hạnh thất vọng thấy rõ. Vừa mới ra quân, biết bao công sức bỏ ra mà thất bại đã nắm chắc và trước trong tay.

Nhìn hai khuôn mặt thiểu não và trầm trọng trong ngày “khao quân” của hai cô tôi không nhịn được cười. Chi và Hạnh trố mắt ngạc nhiên có ý hỏi, trong tình huống bi đát như vậy thì có gì vui thú mà cười.

Tôi nửa đùa nửa thật: “Chà. Bây giờ phải cầu cho bị loại ngay vòng đầu, để ít ra không bị cười thối mũi khi người ta khám phá ra cái dốt của mình.”

Hai cô vẫn chưa hiểu và ngơ ngác khi thấy tôi cười nắc nẻ.

“Đằng nào cũng sẽ bị người ta cười thì tội gì không tự cười mình trước đi để ít ra vớt vát được một mẻ cười no. Hơn nữa tự cười mình rồi thì được miễn nhiễm; đến lúc bị người khác cười sẽ không hề hấn gì nữa.”

Chi và Hạnh chợt hiểu ra và tham gia vào trận cười thoả thuê, rung rinh cả bản ghế. Mọi người chung quanh không hiểu chuyện gì, nghĩ rằng ba đứa lên cơn.

Khi bữa cơm chiều tàn, trên đường về nhà, tôi nhắn nhủ hai cô: “Trang trọng với người nhưng đừng trịnh trọng với mình.”
 
Điều Lệ Số 6

Hai vị thủ tướng của hai quốc gia lân bang đang bàn quốc sự, bỗng một người đàn ông xô cửa vào phòng, mặt mày giận giữ, cử chỉ sừng sộ. Vị thủ tướng chủ nhà nói khẽ: “Anh Phúc, hãy nhớ Điều Lệ Số 6.” Người đàn ông, vị Chánh Văn Phòng, bỗng trở nên thư giãn, nhỏ nhẹ xin lỗi, và điềm tĩnh rút lui. Hai vị thủ tướng, vốn là bạn thân, quay trở lại bàn việc nước. Khoảng 20 phút sau, một phụ nữ xấn xổ bước vào, cắt đứt câu chuyện đang nói dở. Bà ta, Bộ Trưởng Thông Tin, nóng nẩy khoa tay nhưng chưa kịp nói thì vị thủ tướng chủ nhà đã nhắc khẽ: “Chị Mai, xin nhớ Điều Lệ Số 6.” Bà Bộ Trưởng mặt dịu hẳn lại, ngỏ lời xin lỗi, và mỉm cười bước ra. Hai vị thủ tướng trở lại với cuộc thảo luận nhưng chỉ 20 phút sau lại một người thứ ba giận giữ cắt ngang và cũng như hai lần trước rút lui trong sự hoà nhã sau khi được nhắc nhở về Điều Lệ Số 6.


Vị thủ tướng khách không dằn được lòng hiếu kỳ: “Này anh bạn. Tôi từng thấy nhiều điều lạ trên đời nhưng chưa bao giờ thấy sự thể nào ly kỳ đến thế này. Anh có thể cho tôi biết bí quyết của Điều Lệ Số 6?” “Đơn giản lắm,” vị thủ tướng chủ nhà trả lời. “Điều Lệ Số 6 là: Đừng quá trịnh trọng và nhất nhất xem chuyện của mình to như cái đình”. “Ồ”, vị thủ tướng khách thốt lên, “điều lệ này tốt đấy”. Sau một hồi ngẫm nghĩ, ông hỏi tiếp, “thế thì, tôi xin mạn phép hỏi, nhừng điều lệ còn lại là gì?”
“Chẳng hề có.”

Gần đây tôi khám phá câu chuyện dí dỏm này trong quyển sách “The Art of Possibility” mà tác giả là cặp vợ chồng Rosamund và Benjamin Zander. Tôi thích thú câu chuyện này vì nó cùng tinh thần với câu chuyện xẩy ra trên kia với Chi và Hạnh: Đừng quá trịnh trọng với chính mình. Khi biết cười về chính mình rồi thì sự trịnh trọng tự nó tan biến đi; cách nhìn về mình, về người sẽ nhẹ nhàng hẳn; và không còn sợ hãi dư luận. Tôi đã gặp những người từng vào tù ra khám không sờn lòng nhưng lại hãi sợ dư luận đến mức không thể tưởng được. Họ hiên ngang trước toà án nhân dân của cộng sản nhưng chỉ cần nghĩ đến sự phán xét của dư luận là họ co dúm lại và trở thành bại liệt. Dám cười chính mình là bước đầu tự giải thoát khỏi sự sợ hãi ấy, để rồi dám hành động theo đúng với lương tâm của mình dù đứng trước dư luận bất lợi.

Cũng quyển sách kể trên có câu chuyện nói về sự trang trọng với người. 

Câu Chuyện Về 5 Vị Sư Già

Ở xứ nọ có một tu viện danh tiếng một thời đang đi dần vào hoang phế và chỉ còn vị sư trụ trì cùng bốn vị đồng môn, tất cả đều đã ngoài 70. Một hôm vị sư trụ trì đi vào cánh rừng đằng sau tu viện để thăm người bạn vong niên, một thiền sư ẩn dật, vừa mới đi xa trở về. Hai người bạn hàn huyên và vị sư già rơi lệ khi nhắc đến viễn ảnh ngày càng đen tối của tu viện. Vị thiền sư cũng khóc theo với bạn mình.
Khi vị sư già đứng dậy ra về, vị thiền sư chợt nói: “Rất tiếc là tôi không cố vấn cho bạn được điều gì. Nhưng linh tính cho tôi biết một trong số quý vị sẽ là vị cứu tinh.”

Vị sư già quay về tu viện vội vàng họp các bạn đồng môn để kể lại tin mừng ấy. Các vị sư đều mừng rỡ nhưng rồi thắc mắc. Phải chăng vị cứu tinh đó là vị sư trụ trì? Nhưng biết đâu đó lại chẳng là huynh Toàn, một người rất thánh thiện? Không chừng lại là huynh Bảo, tính nóng nảy nhưng rất thông minh? Không lẽ lại là huynh Chung, thụ động nhưng luôn có mặt để hỗ trợ cho các bạn. Hay là mình? Làm sao được nhỉ; mình tài hèn sức mọn. Nhưng nhỡ là mình thì sao?

 Khi các vị sư đều nghĩ thầm trong bụng như vậy thì họ bắt đầu đối xử với nhau trong sự trang trọng khác thường, vì biết đâu một trong những người bạn của mình lại chẳng là vị cứu tinh cho cả tu viện. Và rồi trong sự lo lắng rằng trong muôn một nhỡ chính mình là vị cứu tinh, mỗi vị sư trở nên đĩnh đạc hơn, rộng lượng hơn, và chí tình hơn trong nhất cử nhất động.

Số ít khách vãng lai cảm nhận thấy thái độ trang trọng với nhau một cách kỳ diệu của các vị sư già, tạo nên vầng hào quang bao quanh mỗi vị sư. Các khách này thăm viếng ngôi chùa thường xuyên hơn, đem theo bạn bè và các người bạn lại rủ thêm bạn của họ. Rồi một vài thanh niên, sau khi đàm đạo với các vị sư, được cảm hoá và quyết định xuất gia. Khách thập phương đến ngày càng đông để chiêm ngưỡng thái độ trang trọng tuyệt vời giữa các vị sư. Chẳng bao lâu, khách viếng trở nên tấp nập, số người tu học gia tăng, và tu viện trở thành trung tâm hành hương cho cả một vùng rộng lớn như thuở vàng son xa xưa.

Sự đối đãi trang trọng với nhau làm thăng hoa nhân phẩm của người, của mình.

Cách đây 20 năm tôi chứng kiến một câu chuyện có thật tương tự câu chuyện của 5 vị sư già. Khi còn là thanh niên tôi quen biết hai cụ Hoàng Văn Chí và Dương Đình Khuê. Cụ Chí theo Tây học và rất “tân” trong phong thái và tư tưởng. Cụ Khuê theo Nho học và có tinh thần tồn cổ. Hai cụ luôn luôn đối chọi nhau về ý kiến trên các diễn đàn báo chí hay công luận. Nhưng khi cụ Chí nói thì cụ Khuê chắp tay đứng nghe. Khi cụ Khuê phát biểu thì cụ Chí kính cẩn lãnh hội. Ngày cụ Chí nằm xuống, cụ Khuê khóc nức nở trước mộ phần. Cách đối đãi trang trọng của hai cụ để lại một dấu ấn sâu đậm nơi tôi trong suốt hai thập niên qua.

Cuối mùa hè năm ấy, ngày chia tay tôi nhắc Chi và Hạnh về trận cười no nê hôm nào và căn dặn một lần chót: hãy trang trọng với người nhưng chớ trịnh trọng với mình. Từ đó trở đi với mỗi thực tập sinh tôi đều nhắc nhở điều ấy và chúng tôi đã có rất nhiều trận cười no với nhau.

Thỉnh thoảng khi gặp chuyện khó xử trong đời sống hay những trục trặc trong sự nghiệp, một vài thực tập sinh năm nào lại gọi cho tôi hỏi han ý kiến hay chỉ để tâm sự. Sau khi lắng nghe và cho vài ý kiến, tôi luôn nhắc nhở triết lý “dám cười”. Trước tình huống căng thẳng, nó giúp cho tâm hồn thư thả, trí tuệ minh mẫn, và khả năng giải quyết vấn đề bén nhạy hơn. Hầu như mọi lần, câu chuyện đều kết thúc bằng giọng cười ròn tan ở đầu kia dây điện thoại. 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=203