Văn Khố Thuyền Nhân: Về Bến Tự Do 8
Date: Tuesday, September 28 @ 10:30:24 EDT
Topic: Văn Khố Thuyền Nhân


Kỳ 2: Những Giọt Nước Mắt Ngày Đoàn Tụ

Vũ Đình Trọng/Việt Herald
(03/30/2010)

KOTA BHARU, Malaysia (VH): Ngày thứ nhì của đoàn Về Bến Tự Do 8 trên đất Singapore (28 tháng 3) bắt đầu vào lúc 3 giờ sáng. Chiều hôm trước, những người đi chặng 1 đã có mặt đầy đủ, trong đó có 2 thành viên từ Bỉ đến. Bốn giờ sáng xe bus lăn bánh đưa chúng tôi ra phi trường Changli (Singapore) đi Kuala Lumpur (Malaysia). Tám giờ máy bay đến Kuala Lumpur và anh trưởng đoàn Trần Ðông lại tiếp tục làm thủ tục cho đoàn đi Kota Bharu.

Ba tiếng chờ đợi tại phi trường cũng đủ cho chúng tôi kết thân với nhau. Kể cũng lạ, 27 thành viên hầu như mới gặp nhau lần đầu, nhưng qua những chia sẻ, tâm sự về khoảng thời gian sống tại đảo đã mau chóng xem như người một nhà, và chuyến đi này như một cuộc trở về. Tôi là người “ngoại đạo,” thế nhưng anh chị em trong đoàn vẫn xem tôi như một phần của quá khứ.



Anh Phạm Ðình Quốc, từ Úc đến, mang theo một túi sách da màu vàng nghệ, trên đó có một tấm thẻ ghi dòng chữ “Non Stop Travel.” Ðây là túi sách anh mua trong thời gian sống tại đảo Pidong.

Anh kể: “Tôi đến Pidong đầu năm 1978, một năm sau thì được Úc nhận cho định cư. Chiếc túi này đã theo tôi 22 năm. Một năm ở đảo cho tôi nhiều kỷ niệm không thể nào quên, tôi về lại đây với chiếc túi sách này để được là mình như ngày nào. Dù có thành công trong cuộc sống thì tôi vẫn là tôi, tình cảm đối với Pidong không thay đổi.”

Tới Kota Bharu lúc 12 giờ trưa, trong không khí oi nồng mùa hè miền nhiệt đới. Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn một chiếc xe bus rộng rãi, tiện nghi. Chúng tôi dùng cơm trưa tại nhà hàng Payang Sarai, chuyên bán đồ ăn Thái. Bữa thịnh soạn 8 món được chúng tôi chiếu cố tận tình. Vài anh bạn muốn tưởng thức một chai bia, nhưng nhà hàng không có. Anh trưởng đoàn cho biết Kota Bharu là tiểu bang theo đạo Hồi chính thống, người dân giữ giới luật rất nghiêm và rượu bia là một thứ rất khó tìm thấy tại tiểu bang này.

Buồn 5 phút, món ăn ngon như thế, buổi trưa nóng như thế mà không được uống một chai bia thì quả thực mất ngon hẳn.

Suốt buổi chiều ngày 28, chúng tôi ghé thăm 3 nghĩa trang chôn cất thuyền nhân. Nghĩa trang đầu tiên là Panji. Ðây là nghĩa trang nhỏ dành cho người Công Giáo, nhưng có một số mộ của thuyền nhân. Cạnh nghĩa trang Công Giáo là nghĩa trang thí, chôn cất những người nghèo khổ, hoặc không người thân thích. Anh Ðông cho biết, trong nghĩa trang này cũng có khoảng trên 100 mộ thuyền nhân, tuy nhiên, do không biết sớm nên bị mất gần hết vết tích.

Anh nói: “Do không có người chăm sóc nên cỏ mọc lút đầu người. Chính phủ cho xe ủi dọn cỏ nên nhiều mộ không còn bia. Những năm trước chúng tôi tìm thấy 7 ngôi mộ sát hàng rào, có tên, nên đã hỏa táng và mang về nghĩa trang Cherang Kuku.”

Chúng tôi cùng nhau thắp nhang cho những phần mộ tại đây. Người trẻ nhất nằm lại tại đây là một em bé mới được 23 ngày tuổi. Lòng mọi người như chùng xuống, và trong khói nhang nghi ngút, chúng tôi cầu nguyện cho những linh hồn này sớm siêu thoát.

Ðịa điểm thứ hai chúng tôi đến là nghĩa trang Balai Bachok. Ðây là một ngôi mộ tập thể của 46 người xấu số được cho là thuyền nhân của con tàu định mệnh MT 065 bị chìm vào ngày 1 tháng 12, 1978 trong khi neo đậu chỉ cách bờ biển Kota Bharu chưa đến 1 cây số.

Anh Ðông cho biết: “Con số người chết trên tàu MT 065 là 170 người, trong đó có 123 xác trôi dạt vào Cherang Ruku và người địa phương đã chôn tập thể tại đây. Ba ngày sau, cách Cherang Ruku khoảng 30 cây số (Balai Bachok), người ta vớt được 46 xác nữa và họ cũng chôn tập thể 46 người này. Chúng tôi suy luận rằng có nhiều khả năng 46 người này cũng thuộc tàu MT 065, vì 123 + 46 = 169, khớp với con số 170 đã được xác nhận. Mặt khác, người dân địa phương cho biết trong thời gian đó họ không nhận được tin có chiếc tàu nào khác bị chìm tại khu biển này cả.”

Trong đoàn có gia đình ông Nghĩa, cư dân Úc. Tôi được anh Ðông giới thiệu ông là một trong số ít người được sống sót trong chuyến tàu định mệnh MT 065. Muốn hỏi chuyện ông, nhưng ông không muốn nhắc lại quá khứ đau buồn đó. Tuy vậy, ông cũng cho biết, khi ông thức dậy trên bờ biển, biết tin người vợ trẻ và đứa con gái đi chung đã chết mất xác. Ông nói với tôi rằng khi tàu bị bão đánh, gia đình ông đã ôm nhau vào lòng để cùng chết. Thế nhưng, một cơn sóng đã đánh bật ông ra khỏi người vợ và đứa con thân yêu.

Ông Nghĩa không muốn nhắc lại chuyện xưa, thế nhưng sau 28 năm, qua VKTNVN, ông đã tìm lại được nơi chôn cất không chỉ vợ con ông là chị Diệp Thị Ái Cúc và con là Vũ Diệp Bảo Châu, mà còn tìm thấy thêmà 7 người thân bên vợ chung một nấm mồ tại nghĩa trang Cherang Ruku.

Thời gian sau khi định cư, ông Nghĩa đã lập gia đình lần thứ hai, nhưng cái quá khứ hãi hùng ấy vẫn luôn in đậm trong tâm khảm ông. Tôi nghĩ rằng hiện nay ông hạnh phúc, bởi tôi nhìn được những giọt nước mắt mà người vợ sau của ông nhỏ xuống trước nấm mộ tập thể, trong đó có vợ trước của ông, là những giọt nước mắt chia ly, giọt nước mắt khóc thương một người rất thân đã ra đi. Ðó là những giọt nước mắt của tình thương ruột thịt.

Có mặt tại nghĩa trang Cherang Ruku, ngoài vợ chồng ông Nghĩa và hai người thân, còn có 6 người thân của người vợ trước, từ Việt Nam đến. Ðó là gia đình ông Như Thái. Họ đến vì 9 người thân đã bỏ mình trước ngưỡng cửa tự do.

Những giọt nước mắt lại tự động chảy dài, làm cay mắt những người có mặt.

Cũng tại nghĩa trang Cherang Ruku, anh Trần Ðông thông báo cho các thành viên có mặt một quyết định quan trọng là VKTNVN quyết định quyên góp tiền của đồng bào người Việt hải ngoại để trùng tu ngôi mộ 123 thuyền nhân tại nghĩa trang Cherang Ruku. Nếu còn tiền, sẽ tiếp tục trùng tu ngôi mộ tập thể 46 người tại Balai Bachok và những nơi khác. Nhân dịp này, đại diện VKTNVN và phái đoàn, anh Ðông đã gởi lời chào mừng ông bà Như Thái và gia đình, người có 6 thân nhân được chôn cất tại đây.

Anh nói: “Hôm nay là lần thứ nhì VKTNVN được tiếp đón thân nhân của những người đã mất trở về thăm, và tôi hy vọng sau này sẽ có những người thân khác sẽ đến đây thắp một nén nhang cho những người đã không may nằm xuống tại đây. Họ ra đi không phải vỉ cá nhân họ, mà vì thân nhân họ, cho nên không nỡ nào gia đình biết mà làm ngơ. Tôi nghĩ rằng những người gia đình ông bà Như Thái đang nằm tại đây chắc cũng hả dạ vì được gặp gia đình. Niềm vui đó không riêng là của gia đình quý vị, mà cả những người có mặt tại đây.”

Ông Nghĩa cũng thay mặt gia đình cảm tạ sự giúp đỡ của VKTNVN và phái đoàn. Một điều lạ lùng đã xảy ra trước mắt mọi người, gió bỗng lồng lộng thổi, mặc dù trước đó trời quang đãng, gió nhẹ. Tại ngôi mộ tập thể, gió cuốn tung những chiếc lá và khói từ đám tro tàn đồ mã mới đốt bốc lên dữ dội. Trong chuyến đi này, tôi đã nghe được nhiều điều hiển linh từ những thuyền nhân đã chết, nhưng thực sự chưa bao giờ tôi thấy được một sự trùng hợp hy hữu đến thế.

Sau buổi thắp nhang tại nghĩa trang 123 thuyền nhân, chúng tôi ra bờ biển gần đó, nơi 123 người xấu số đã trôi dạt vào. Sóng biển gào thét điên cuồng, gió vẫn cuộn cuộn thổi. Tôi không biết thiên nhiên, hay những người đã khuất muốn nhắn gởi điều gì. (V.Ð.T.)

=>> Các bài liên quan khác.

(Mạch Sống trích đăng từ trang web Văn Khố Thuyên Nhân Việt Nam. Nguồn: http://www.vnbp.org/)

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2011