Chiến Dịch Cứu Cồn Dầu: HRW Lên Tiếng
Date: Wednesday, September 22 @ 14:51:07 EDT
Topic: Cồn Dầu


Human Rights Watch Lên Tiếng Về Cồn Dầu

 

Ngày hôm nay, 22 tháng 9, 2010, tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch lên tiếng về sự hung bạo và tệ trạng đánh chết người của công an Việt Nam.

 

“Tình trạng công an bạo hành tại mọi miền ở Việt Nam được ghi nhận ở mức độ đáng báo động, làm gia tăng mối quan ngại sâu sắc rằng những vụ việc bạo hành lạm quyền lan rộng và có tính hệ thống,” Ông Phil Robertson, phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu.

 

 

Ông Nguyễn Thành Tài được phỏng vấn bởi RFA, Quốc Hội Hoa Kỳ hôm 18/8/10. (ảnh Nguyễn Nang Thoa)

 

Trong thời gian 12 tháng qua tổ chức này ghi nhận 19 vụ bạo hành bởi công an, gây tử vong cho 15 người. Bản lên tiếng nhấn mạnh đến cái chết của Ông Nguyễn Thành Năm trong vụ đàn áp Xứ Đạo Cồn Dầu mới đây: 



“Sau khi đưa một đám tang ở Cồn Dầu ngày 4 tháng Năm tới một nghĩa địa nằm trên khu đất tranh chấp vì chính quyền có kế hoạch mở dự án phát triển, ông Năm bị công an gọi lên làm việc, thẩm vấn và đánh đập nhiều lần. Ngày 2 tháng Bảy, trong khi bị dân phòng tạm giữ, ông Năm bị đánh trầm trọng và bị trói ngoài ruộng. Ông chết tại nhà vì chấn thương vào ngay ngày hôm sau, mồng 3 tháng Bảy.

 

Những người dân địa phương do Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc qua điện thoại cho biết rằng họ sợ nói về vụ việc này, nhất là về nguyên nhân cái chết của ông Năm. Chính quyền chối bỏ trách nhiệm của bên công an, và tuyên bố rằng ông Năm chết do đột quỵ. Gia đình ông đã phản bác giải thích của chính quyền, kể cả khi anh trai ông Năm ra điều trần trước Quốc hội Hoa kỳ vào ngày 18 tháng Tám.”

 

Theo Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành của BPSOS, tình trạng công an bạo hành ở Việt Nam phổ biến hơn là HRW ghi nhận được.

 

“Riêng trường hợp Cồn Dầu, công an đã tra tấn trên 60 người một cách rất dã man. Ít ra có hai phụ nữ mang thai đã bị đánh đến sẩy thai”, Ông nói.

 

Đầu tháng 7 vừa qua Ts. Thắng đến Thái Lan phỏng vấn, thu hình lời khai của nhiều  nhân chứng của sự bạo hành của công an Việt Nam. Tiếp theo đó, tháng 8 vừa qua cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees, Cố Vấn Cao Cấp về các Vấn Đề Quốc Tế của BPSOS, cũng đã phỏng vấn một số người Cồn Dầu lánh nạn ở Thái Lan.

 

“Thay vì bịt miệng báo chí hoặc chỉ cho phép phóng viên đăng bài sau khi được bật đèn xanh, chính quyền Việt Nam nên lùi lại và cho phép báo chí tiến hành phóng sự điều tra về các vấn đề như thế này,” Ông Robertson tuyên bố. “Báo chí độc lập có khả năng đưa ra ánh sáng những vụ việc lạm quyền mà công an và chính quyền địa phương muốn ỉm đi.”

 

Trước sự bưng bít và phủ nhận của chính quyền Vi ệt Nam, một mục tiêu của chiến dịch Cứu Cồn Dầu là tạo áp lực dư luận quốc tế đối với Việt Nam.

 

“Do đó chúng tôi hoan nghênh sự lên tiếng của tổ chức HRW”, Ts. Thắng phát biểu. “Trong thời gian tới đây, tôi tin rằng nhiều tổ chức quốc tế khác sẽ tuần tự lên tiếng về cuộc đàn áp ở Cồn Dầu.”

 

Do sự thúc đẩy của cộng đồng người Việt tị nạn, chiến dịch Cứu Cồn Dầu đang phát triển đến nhiều nơi trên thế giới và đã tạo được sự chú ý của một số giời chức chinh quyền Hoa Kỳ và quốc tế.

 

Ts. Thắng kêu gọi cả cộng đồng tiếp tục dồn sức đẩy mạnh chiến dịch này.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2008