Cần Thêm Nghĩa Cử 'Đền Ơn Đáp Nghĩa'
Date: Friday, September 03 @ 18:00:01 EDT
Topic: Văn Khố Thuyền Nhân


Ngọc Lan/Người Việt

Buổi triển lãm “Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại” do Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra vào trưa Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010 tại Westminster Community Center. Nhân dịp ông Trần Ðông, giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, trụ sở chính tại Úc, sang California để chuẩn bị cho buổi triển lãm này, phóng viên Ngọc Lan của nhật báo Người Việt có buổi phỏng vấn ông về những vấn đề liên quan đến thuyền nhân Việt Nam.

Ngọc Lan: Xin ông cho biết đôi nét về tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam.

Ông Trần Ðông: Tổ Chức Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam (VKTN VN) thành hình từ năm 2005 nhân kỷ niệm 30 năm định cư của người Việt tại hải ngoại. Mục tiêu chính của VKTN VN là sưu tập tài liệu liên quan đến biến cố thuyền nhân Việt Nam rồi chuyển đổi những tài liệu đó thành một tài liệu thích hợp để đưa vào hệ thống văn khố quốc gia hoặc quốc tế để làm di sản cho thế hệ mai sau.

Chúng ta may mắn đang ở vào thời điểm mà tin học và kỹ thuật về hình ảnh âm thanh phát triển mạnh mẽ. Do đó chúng tôi thấy một trong những nhiệm vụ bức thiết và quan trọng của thế hệ chúng ta là phải sưu tập và gìn giữ những tài liệu đó bởi vì không những để làm tư liệu, di sản cho những thế hệ mai sau, mà đó còn là những chứng tích lịch sử. Trong lịch sử 4,000 năm của dân tộc Việt Nam thì biến cố thuyền nhân là biến cố nổi bật của dòng lịch sử thế giới cận đại.

Ông Trần Ðông (giữa), giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, cầu nguyện cho những người nằm lại tại nghĩa trang Galang trong hành trình “Về Bến Tự Do 8” vừa qua. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)



Ngọc Lan: VKTN VN vừa tổ chức thành công một chuyến hành trình “Về Bến Tự Do” lần thứ 8. Xin ông kể sơ nét về chuyến đi.

Ông Trần Ðông: Từ năm 2005 đến nay, VKTN VN đã tổ chức liên tục 8 chuyến đi chính thức về thăm lại vùng đất tự do, thăm lại các di tích người tị nạn ở Malaysia, Indonesia, Phillipines, và Thái Lan.

Chuyến đi “Về Bến Tự Do” lần 8 vừa qua có 2 chặng đường: chặng thứ nhất đi về Malaysia, chặng thứ hai đi về Indonesia.

Trong chặng đi thứ nhất, chúng tôi đi từ Singapore qua Kuala Lumpur rồi lên đến tiểu bang phía Bắc Kalantan của Malaysia. Tại đó, chúng tôi viếng nghĩa trang “Một Hai Ba” ở Terengganu. Nghĩa trang này đặc biệt vì có ngôi mộ tập thể mai táng 123 nạn nhân của chiếc tàu MT 065 bị đắm và chìm vào ngày 1 tháng 12 năm 1978. Chúng tôi cũng dừng lại ở Pulau Bidong, ở Panji. Nhân dịp này, qua báo đài chúng tôi cũng muốn nhắn đến gia đình của các nạn nhân trên chiếc tàu Mỹ Tho 065 chìm ngày 1 tháng 12 năm 1978, có thể liên lạc với chúng tôi qua trang web: www.vktn.com hoặc qua nhật báo Người Việt để bàn về việc trùng tu lại ngôi mộ tập thể đó. Ngôi mộ đó có nhiều phần phải làm và theo đề nghị của hai nghị viên tại địa phương là cần thiết phải làm trong năm nay vì hiện tại hai ông đang có chân trong ban quản trị nghĩa trang đồng thời cũng có chân trong hội đồng thành phố, họ sẽ dành mọi dễ dãi trong vấn đề trùng tu.

Trong chuyến đi về Indonesia, thì đây là lần đầu tiên chúng tôi tìm thấy được khoảng 20 ngôi mộ ở tại nghĩa trang Air Raya. Ðồng thời chính quyền địa phương cũng đã tổ chức những buổi đón tiếp rất long trọng và hứa sẽ giúp đỡ cho chúng ta dựng lại những công trình gọi là “bảo tồn di tích” ở vùng Kuku, Air Raya và các nơi khác. Vừa là để bảo tồn di tích, vừa là để thu hút du khách. Những thuyền nhân chúng ta nên trở về đó một lần để thăm viếng và cũng đền ơn đáp nghĩa tấm lòng mong mỏi của địa phương.

Ngọc Lan: Với tám lần tổ chức hành trình “Về Bến Tự Do,” ông có nhận xét gì về thái độ, tình cảm của chính quyền cũng như của người dân địa phương ở Indonesia và Malaysia đối với người Việt Nam tị nạn đang ở hải ngoại?

Ông Trần Ðông: Chúng tôi nhận thấy họ rất trân trọng sự thăm viếng của chúng ta. Mỗi lần chúng tôi về, những người dân Malaysia, những người đã thay mặt chúng ta chăm sóc các mộ phần thuyền nhân một cách vô điều kiện, đều rất vui mừng đón tiếp chúng ta.

Indonesia cũng vậy. Khi đặt chân trở về vùng Terampa, Matak, Letung, Galang, những người địa phương mặc dù đã xa cách chúng ta mấy chục năm rồi nhưng họ vẫn còn nhớ tiếng Việt. Họ chào chúng tôi, nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt Nam và họ rất vui mừng thấy chúng ta trở về. Tâm tình đó chúng ta cần nên phát triển. Có những người gặp, ôm chúng tôi nói, “Việt Nam hả, Việt Nam hả?” Có những em bé vẫy tay nói “Việt Nam, Việt Nam.” Những hình ảnh đó làm chúng tôi rất cảm động.

Ngọc Lan: Trong hành trình “Về Bến Tự Do” lần 8 vừa rồi được biết Văn Khố Thuyền Nhân và những thuyền nhân quay trở về đã thực hiện nhiều công việc gọi là “đền ơn đáp nghĩa” đối với nơi đã từng cưu mang người Việt tị nạn. Vậy, xin ông cho biết trong hướng sắp tới, Văn khố Thuyền Nhân có những kế hoạch gì trong việc thực hiện tiếp tục công việc đền ơn đáp nghĩa này?

Ông Trần Ðông: Trong chuyến đi vừa rồi, cả đoàn đã thực hiện một đóng góp rất có ý nghĩa đối với người dân tại Galang. Trước đó, qua bài một bài viết của ông Nguyễn Thái Phong, chủ tịch cộng đồng người Việt ở tại Úc, cũng là cựu thuyền nhân tại Galang, một số anh chị em trong ban chấp hành cộng đồng và hướng đạo tại Victoria đóng góp được 1,600 Úc kim. Trong chuyến đi vừa rồi chúng tôi đã kêu gọi trong nhóm đóng góp thêm một số tiền trên 3,000 Úc kim. Chúng tôi lập tức mua 2 máy phát điện để tặng cho trường tiểu học, một máy phát điện 5kw chạy bằng dầu và một máy phát điện khác tặng cho trường trung học đệ nhất cấp để sử dụng.

Ngoài ra, tại Galang có khoảng 20 gia đình nghèo. Họ có một ước vọng là có một cặp dê để nuôi lấy sữa, để đẻ ra dê con vì một năm cũng đẻ ra được một lứa bốn con. Bốn con đó bán ra cũng được khá nhiều tiền và gia đình có thể tiêu dùng trong một năm. Nên hướng sắp tới của chúng tôi là nhắm vào chương trình mua dê để tặng cho các gia đình nghèo tại Galang.

Ðó là những biểu hiện ban đầu trong nghĩa cử gọi là “đền ơn đáp nghĩa” đối với người địa phương. Tuy nhiên chương trình “đền ơn đáp nghĩa” cũng có thể dài thêm tùy theo túi tiền và sự hảo tâm đóng góp của quý đồng hương. Thí dụ chúng ta có thể cấp học bổng cho các học sinh nghèo tại vùng đó, có thể mua một số dụng cụ học sinh để tặng cho học sinh, trường cũng đề nghị máy projector, máy chiếu hình, làm sân thể thao cho học sinh.

Ðó là những đề nghị chúng tôi thấy trong phạm vi, khả năng không tốn kém nhiều lắm và chúng ta có thể làm được. Qua báo Người Việt, chúng tôi cũng kêu gọi quý đồng hương đóng góp để có thể giúp đỡ cho một nơi trước đây đã dang tay đón nhận chúng ta trong thời kỳ gian khó.

Ngọc Lan: Ðược biết ông chuẩn bị triển lãm “Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại.” Xin ông giới thiệu cùng quý độc giả nhật báo Người Việt đôi nét về nội dung buổi triển lãm này.

Ông Trần Ðông: Buổi triển lãm thuyền nhân Việt Nam với chủ đề “Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại” được tổ chức 2 lần: 1 lần ở Houston và 1 lần tại Nam California.

Tại Nam California, buổi triển lãm được tổ chức vào 12 giờ trưa ngày Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010 tại Westminster Community Center. Chúng tôi trân trọng kính mời quý đồng hương cùng gia đình và rủ thêm bạn bè thân nhân cùng đến tham dự buổi triển lãm này. Bởi vì chúng tôi mang từ Úc qua khoảng 150 hình ảnh nhiều cỡ khác nhau. Qua những buổi triển lãm này, quý vị sẽ có dịp nhìn lại hình ảnh của trại tị nạn cũ của chúng ta ngày xưa, có dịp để sống lại thời gian ngày xưa, những ngày chúng ta vừa bước ra khỏi cửa tù cộng sản để đặt chân lên trên vùng đất tự do, một nơi mà ngày hôm nay chúng ta có được đời sống vững chắc, đồng thời là nơi tạo nền tảng cho con cháu chúng ta về sau.

Một tiếng đồng hồ đầu tiên dành cho việc xem triển lãm. Phần sau, chúng tôi trình bày phần thuyết trình ngắn một số chi tiết quan trọng để chúng ta có thể hiểu rõ hơn bối cảnh thuyền nhân trong giai đoạn vừa qua. Một lần nữa xin kính mời quý đồng hương, gia đình cùng bạn bè và những người thân quen đến tham dự cuộc triển lãm với chúng tôi vào 12 giờ trưa Chủ Nhật, ngày 25 tháng 4 năm 2010 tại Westminster Community Center.

Ngọc Lan: Xin cám ơn ông dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.

* * *

Mạch Sống trích đăng từ Người Việt







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1989