Vì Cộng Đồng và Đất Nước
Date: Tuesday, August 24 @ 02:11:18 EDT
Topic: Quan Điểm


Từ Biết đến Biết Cách

Ts. Nguyễn Đình Thắng

 

Thông tin có thể chia thành ba loại tuỳ theo sự tác động của nó lên đối tượng tiếp nhận: tăng kiến thức, tăng ý thức hay tăng tri thức.  Ba loại thông tin này phản ảnh tiến trình tư duy thường gồm ba bước: biết, ý thức, hành động, mặc dù không phải lúc nào cũng theo thứ tự đó.

 

Kiến thức giúp người ta biết. Chẳng hạn tin tức thời sự giúp người ta biết được diễn tiến quanh mình--trong cộng đồng, trong xã hội, hay trên thế giới. Hoặc những bài viết về lịch sử giúp người đọc biết được những gì đã xảy ra trong quá khứ gần, xa. Hoặc, ở mức sâu hơn, kiến thức giúp người tiếp nhận hiểu về nguyên tắc hoạt động của một cỗ máy, nguyên lý trong khoa học tự nhiên hay nhân văn, hay sự vận hành của những mối quan hệ trong xã hội

 

Ý thức giúp người ta chọn thái độ trong một tình huống hay trước một vấn đề. Chẳng hạn, truyện ngụ ngôn giáo huấn trẻ em và người lớn về tình mẫu tử hay phụ tử, nghĩa vợ chồng. Hoặc bài học luân lý khai trí cho học sinh về trách nhiệm đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Hoặc bài phân tích về một tệ trạng xã hội hay tình trạng kinh tế hướng dẫn cử tri phân định về chính sách quốc gia.



Tri thức là thông tin giúp người ta biết cách. Tri thức hướng dẫn hành động nhằm đạt kết quả. Tri thức lại có thể phân loại theo tầm vóc. Về kỹ năng thì đó có thể là cách nấu một món ăn, sửa một cỗ máy, đối đáp ở nghị trường. Về chiến thuật thì đó có thể là cách ứng xử trong một tình huống khó khăn, cách quản trị một chương trình, cách phân bổ tài nguyên để tăng hiệu năng Về sách lược thì đó là khả năng tìm giải pháp hay quy trình tư duy để chọn đúng việc và làm việc đúng cách, đúng thời. Muốn đạt thành quả thì phải hành động và muốn hành động thì cần tri thức.

 

Thông tin trong cộng đồng chúng ta và giữa người Việt ở hải ngoại với đồng bào trong nước phần lớn chỉ là thông tin kiến thức. Thông tin ý thức ít hơn, còn thông tin tri thức thì rất ít. Nếu lọc riêng lượng thông tin ít ỏi về tri thức thì tỉ lệ giảm rất nhanh giữa kỹ năng, chiến thuật, và sách lược. 

 

Kỹ thuật liên mạng (internet) làm trầm trọng hơn tình trạng mất quân bình về thông tin. Điều này dễ hiểu. Tin tức thời sự, chẳng hạn, thì đầy dẫy, chỉ cần vào các trang mạng hay tìm qua google thì đọc cả ngày không hết. Ngược lại thông tin ý thức hay tri thức, nhất là về sách lược cho một vấn nạn đặc thù, thì khó tìm hơn nhiều. Kỹ thuật liên mạng khuếch đại sự bất quân bình vốn có này vì người đọc tin chỉ cần nhấn nút “forward” đến các diễn đàn là trong nháy mắt có thể chuyển tin đến cả chục ngàn người. Kết quả là tin tức tràn ngập, át hẳn đi lượng thông tin tri thức vốn đã ít ỏi vì nó đòi hỏi nhiều thời gian để chiêm nghiệm vấn đề, tìm giải pháp, vạch ra sách lược, và thử nghiệm sách lược qua hành động. Cũng như bất kỳ một công cụ nào, kỹ thuật liên mạng là con dao hai lưỡi, có lợi và có hại tuỳ theo cách sử dụng.

 

Muốn chuyển biến cộng đồng và thay đổi đất nước, chúng ta cần điều chỉnh sự bất quân bình hiện nay về nội dung thông tin bằng cách tăng lượng thông tin ý thức và tri thức.

 

Ứng dụng quy trình biết-ý thức-hành động thì khi đã biết về tình trạng bất quân bình về nội dung thông tin, mỗi người trong chúng ta cần ý thức trách nhiệm thay đổi tình trạng ấy. Cách thay đổi là luôn luôn tự hỏi và hỏi lẫn nhau, đối với mỗi vấn đề được nêu ra trên diễn đàn: đâu là giải pháp, đâu là mục tiêu, đâu là thành quả, và làm sao để đạt thành quả ấy.

 

Có vậy, chúng ta sẽ dần dà tạo được nề nếp cho tư duy, mẫu mực cho thảo luận, và tiêu chuẩn cho thông tin để đi từ “biết” đến “biết cách”, từ quan tâm đến thành quả. 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1975