Bạo Hành Trong Gia Đình Năm 2009
Date: Tuesday, August 03 @ 14:24:12 EDT
Topic: Bạo Hành Gia Đình


Thiên Thơ
Phụ trách chương trình CADV

LTS. Sau những ngày hội thảo cùng tất cả các cơ sở liên ngành toàn quốc vào cuối tháng 5, 2010 vừa qua tại Washington D.C. về vấn đề Bạo Hành Trong Gia Đình, chúng tôi xin trình bày một vài đúc kết quan trọng trong bài viết hôm nay.

Dựa theo tài liệu của The National Network to End Domestic Violence (Mạng Lưới Quốc Gia Bài Trừ Nạn Bạo Hành Trong Gia Đình), chúng tôi xin duyệt qua những sự kiện đau lòng xảy ra trong ngày 15 tháng 9 năm 2009 như sau:

- Hai phụ nữ bị hư thai do hậu quả của việc bạo hành gia đình.
- Bốn phụ nữ bị người thân sát hại tại Nevada, California, và Florida.
- Bảy trẻ thơ bị cha giết chết bằng những hành động hung bạo đưa đến thảm sát con.
- Bảy em bé chào đời trong nhà tạm trú (shelters).

Chỉ trong một ngày 15 tháng 9, 2009 có đến 65.321 người lớn và trẻ em trong nước đã phải tìm đến những dịch vụ hỗ trợ sau khi dứt bỏ sự bạo hành đang đe dọa mạng sống và những ngược đãi kỳ lạ của người thân. Họ tìm được nơi tạm trú, hy vọng các cơ quan địa phương có chương trình chống bạo hành trong gia đình có thể giúp đỡ họ và các con. Các chương trình này có nhiều nhân viên hết lòng bênh vực, lo cho họ về vấn đề an toàn và hỗ trợ họ trên nhiều phương diện khác nhau. Nếu không có các chương trình chống nạn bạo hành trong gia đinh mở rộng thì những nạn nhân sẽ bị bỏ rơi không ai giúp đỡ trong cơn hiểm nguy và sợ hãi nhất.



Trong thời gian 24 tiếng đồng hồ, những chương trình này cung cấp dịch vụ cho 41.097 người lớn và 24.224 trẻ em trên khắp Hoa Kỳ và các địa hạt phụ cận. Thêm vào đó, các hỗ trợ viên của chương trình tại địa phương và tiểu bang đã trả lời 23.045 cú điện thoại trên đường dây nóng, thông tin hướng dẫn và huấn luyện cộng đồng cho 30.735 người trong nước. Điều không may mắn là mặc dầu đã giúp đỡ hơn 65.000 người, nhưng các chương trình chống bạo hành trong gia đình đã không thể đáp ứng được 9.280 cú điện thoại yêu cầu cứu giúp. Ngân quỹ cắt giảm và khó khăn kinh tế đã buộc các chương trình chống nạn bạo hành trong gia đình phải giảm bớt các dịch vụ, và vài cơ quan đã đóng cửa. Tại Missouri, chương trình chống bạo hành không còn là nơi để nạn nhân hy vọng và tìm sự an toàn vì nhà tạm trú nơi đây đã đóng cửa sau 17 năm phục vụ do thiếu hụt ngân sách. Một ủng hộ viên tại Massachusetts đã ghi lại như sau: “Mỗi ngày, các gia đình nạn nhân bị ngoảnh mặt làm ngơ, bắt buộc họ phải tiếp tục ở lại trong  hoàn cảnh bất an, nguy hiểm vì các chương trình chống bạo hành thiếu tài nguyên để hỗ trợ thích đáng cho các nạn nhân bị bạo hành”. Đối với nạn nhân bị bạo hành trong gia đình trong thời buổi kinh tế khó khăn, những trở ngại ngăn cản họ rời bỏ người hành hung ngày càng gia tăng, trong khi đó những cơ hội giúp họ đạt được sự ổn định kinh tế để sống tự lập thì bị giảm xuống.

Chỉ trong một ngày, các chương trình chống bạo hành trong gia đình trên khắp nước Mỹ đã cứu mạng khoảng 65,321 người lớn và trẻ em. Khi các nạn nhân rời bỏ ngôi nhà của họ, trốn thoát cảnh kinh hoàng và bạo hành, các chương trình vẫn còn đó để bảo vệ họ, cung cấp nhà tạm trú và giúp đỡ họ ở nhiều mặt khác nhau. Những người ủng hộ nhiệt tình cũng giúp đỡ họ bằng các kinh nghiệm trị liệu chấn thương và kế hoạch an toàn. Các chương trình chống bạo hành cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau để giúp đỡ người sống thoát giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh sau khi rời bỏ người phối ngẫu thô bạo.

Cũng vào ngày 15 tháng 9, một phụ nữ cầu xin giúp đỡ sau khi kẻ bạo hành cột bà ta lại và đánh đập nhẫn tâm trong khi những người khác trong gia đình chỉ đứng nhìn. Kẻ vũ phu đổ dầu lên chân bà và hăm dọa sẽ châm lửa đốt bà.  Cuối cùng, một người trong gia đình không thể chịu đựng được nữa. Khi kẻ bạo hành rời khỏi nhà, đã tháo gỡ và dúi cho bà một điện thoại cầm tay.  Bà đã gọi cảnh sát và bây giờ được sống ở một nơi an toàn.  Bà thật can đảm lạ thường, nhưng vẫn sợ hãi vô cùng.

Đối với vài người sống thoát, điều cần nhất đầu tiên đối với họ là gọi điện thoại. Bước đầu tiên khó khăn vô cùng: những người sống thoát phải chia sẻ những kinh nghiệm riêng tư dễ sợ nhất của họ với một người hoàn toàn xa lạ. Họ rất e ngại nói chuyện với những người không quen biết nhưng lại sợ kẻ hành hung tại nhà nhiều hơn. Khi những người sống thoát can đảm quyết định nhờ người ngoài giúp đỡ, họ cần nhân viên ủng hộ trả lời những câu hỏi, cung cấp thông tin về tài nguyên, và giúp họ xác định những sự lựa chọn hợp lý. Mỗi câu chuyện sống thoát đều riêng biệt, khác nhau nhưng tất cả mọi người đều đối diện những vấn đề như nhau: sợ hãi, hăm dọa, ngược đãi, và áp bức.

Chỉ trong một ngày 15 tháng 9, 2009, những đường dây nóng địa phương và liên bang đã trả lời 23,045 cú điện thoại. Riêng Đường Dây Nóng Quốc Gia về Bạo Hành Gia Đình đã trả lời 869 cú điện thoại. Khi đối diện với nguy cơ đang đe dọa tánh mạng, nạn nhân thường bỏ nhà lẩn trốn kẻ hành hung, chỉ vội vàng mang theo quần áo và ôm con đi. Trong nhiều trường hợp, kẻ ngược đãi vợ mình thường cô lập nạn nhân không cho họ gặp thân nhân hay bạn bè. Do đó nạn nhân thật khó quyết định ra đi một mình vì sợ thân nhân của họ bị liên lụy.  Nhà tạm trú thường là sự lựa chọn duy nhất của họ để không ai khác bị dính líu vào việc riêng tư của họ.

Một nhân viên hỗ trợ đã phát biểu: “Nạn nhân không màng họ có mang giày hay không khi họ cùng con cái trốn chạy lúc 2:30 sáng.  Chúng tôi có một thân chủ chân không giày vẫn phải đi 22 dậm để tìm đến nhà tạm trú.  Họ chỉ cần đến được nơi nào an toàn là mãn nguyện”. Riêng ngày 15 tháng 09, 2009, các chương trình chống bạo hành trong gia đình đã cung ứng nhà tạm trú khẩn cấp cho 32,000 người lớn và trẻ em. Trong hơn 65,000 nạn nhân được giúp đỡ, 32 phần trăm đang sống trong những nhà tạm trú trong tình trạng khẩn cấp và 18 phần trăm đang sống trong những chỗ ở tạm thời. Kết quả khi thoát khỏi mối quan hệ hung bạo là nạn nhân thường không mang theo gì cả, chỉ lo lắng về quần áo và thức ăn cho con trẻ. Sau đó họ phải thay đổi khai sanh, bằng lái, và những giấy tờ quan trọng khác, e sợ rằng kẻ hành hung có thể tìm thấy họ.  Đồng thời họ lo tìm nhà ở, lo y tế thuốc men. Họ cũng muốn con cái họ được vào trường học hay nhà giữ trẻ tốt. Họ cũng cần nói chuyện về bất cứ vấn đề pháp lý nào liên quan đến sự an toàn, hợp pháp cho bản thân và con cái. Nhà tạm trú có thể bảo vệ và cung cấp nơi nương thân trong thời gian ngắn hạn cho nạn nhân sau khi trốn khỏi sự bạo hành. Để cho nạn nhân có thêm nhiều thời gian để điều trị lành lặn sau thời gian bị ngược đãi về mặt tâm lý, thể xác và xây dựng lại cuộc đời, vài chương trình cung cấp nhà ở cho nạn nhân ở tạm thời từ 6 tháng đến 2 năm. Nhà ở trong thời gian này rất hữu ích vì có thể giúp cho nạn nhân có nơi ăn chốn ở để hướng đến sự ổn định và tự lập về mặt tài chánh. Nếu không có loại dịch vụ này, nhiều nạn nhân phải tìm chỗ ở khác để dọn đi sau khi rời bỏ nhà tạm trú và có nhiều trường hợp nạn nhân phải quay trở lại sống trong nhà kẻ bạo hành vì không còn sự chọn lựa nào khác.

Nếu các bạn có thắc mắc hay muốn đóng góp ý kiến xây dựng cho Chương Trình Chống Nạn Bạo Hành Trong Gia Đình, xin gọi đến quản lý viên BPSOS: Falls Church Virginia: (703) 538-9251; Silver Spring, Maryland: (301) 439-0505; Houston, Texas: (281) 530-6888

Chương Trình Chống Nạn Bạo Hành của UBCNVB được sự tài trợ của Door of Hope, Fairfax County Consolidated Funding Pool  (FY08) và U.S. Department of Justice, Office on Violence Against Against Women, Legal Assistance for Victims Grant Program (2006-WL-AX-0036).

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1952