Kế Hoạch Chống Buôn Người
Date: Saturday, June 26 @ 11:22:12 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Chống Buôn Người Ở Việt Nam: Bước Vào Giai Đoạn 2

 

Trong 12 tháng tới đây, Hoa Kỳ sẽ theo dõi chặt chẽ tình trạng buôn lao động ở Việt Nam. Đây là một mốc điểm quan trọng trong kế hoạch toàn diện của Liên Minh CAMSA nhằm bài trừ tận gốc tệ nạn buôn người từ Việt Nam, mở đường cho việc thúc đẩy Việt Nam phải thực tâm ngăn chặn nạn buôn người ngay tận gốc.

 

Mục tiêu tiên quyết của kế hoạch toàn diện này là vượt qua nỗ lực che đậy của Việt Nam để chứng minh tình trạng buôn lao động đang rất trầm trọng ở quốc gia này. Từ trước đến giờ chính phủ Việt Nam đã khéo che đậy tệ nạn này bằng kế vừa phô trương thành tích chống buôn tình dục vừa ém đi các chứng cớ về buôn lao động. Luật pháp Việt Nam không thừa nhận buôn lao động là buôn người cho nên không hề có thống kê về các trường hợp buôn lao động và dĩ nhiên không hề có chính sách bảo vệ nạn nhân hay truy tố thủ phạm buôn lao động. Khi báo cáo với quốc tế, Việt Nam chỉ báo cáo các vụ buôn tình dục bị truy tố. Nhờ vậy Việt Nam đã tạo ấn tượng với quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, rằng họ chủ động chống buôn người và trong bao năm qua, Hoa Kỳ vẫn xếp Việt Nam vào Hạng 2 trong bảng phúc trình hàng năm về buôn người.



Để chứng minh thực trạng buôn lao động ở Việt Nam, Liên Minh CAMSA thành lập văn phòng hoạt động thường trực ở Mã Lai nhằm giải cứu nạn nhân và thiết lập hồ sơ để cung cấp cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và một số cơ quan quốc tế. Hoạt động ở Mã Lai có hai điểm thuận lợi: (1) Mã Lai đã ban hành luật chống buôn người sau khi bị Hoa Kỳ xếp Hạng 3 và đe doạ chế tài; (2) Mã Lai đứng đầu về số người lao động Việt Nam: 120 ngàn. Qua văn phòng thường trực, Liên Minh CAMSA đã thu thập và cung cấp cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày càng nhiều hồ sơ buôn lao động với chứng cớ cụ thể. Đó chính là những con số thống kê mà Việt Nam tìm cách che đậy. Kết quả là Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã xếp Việt Nam vào danh sách cần theo dõi trong bản phúc trình công bố ngày 14 tháng 6, 2010.

 

Kể từ ngày 15 tháng 6, 2010 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ theo dõi thực tâm của chính phủ Việt Nam chiếu theo 12 chuẩn mực, trong đó 11 chuẩn mực là vể buôn lao động và chỉ 1 chuẩn mực về buôn tình dục:

 

(1) Cấm và trừng phạt hình sự mọi vi phạm về buôn lao động;

(2) Truy tố hình sự những ai can dự vào buôn lao động, tuyển người với mục tiêu buôn lao động, hoặc gian lận trong việc tuyển lao động;

(3) Soạn các thể thức chính thức nhằm nhân diện nạn nhân buôn lao động, dựa vào các chỉ dấu được thừa nhận về lao động cưỡng bách, như việc thu giữ sổ thông hành bởi chủ sử dụng lao động hay bởi môi giới lao động;

(4) Nhận diện các người Việt lao động ngoài nước đã bị ép vào tình trạng lao động cưỡng bách và cung cấp cho họ những dịch vụ dành cho nạn nhân;

(5) Gia tăng nỗ lực bảo vệ người Việt đi lao động ngoài nước thông qua các công ty xuất khẩu lao động;

(6) Bảo đảm rằng các công ty xuất khẩu lao đông được nhà nước cấp giấy phép hoạt động sẽ không can dự vào vấn đề lừa đảo hoặc lấy phí hoa hồng bất hợp pháp cho việc đưa người đi lao động ở ngoại quốc;

(7) Có biện pháp để bảo đảm rằng các nạn nhân buôn lao động không bị hăm doạ hoặc trừng phạt vì phản đối tình trạng lao động hoặc rời bỏ nơi làm việc, ở Việt Nam hay ở ngoại quốc;

(8) Bảo đảm việc cung cấp sự bảo vệ nạn nhân và dịch vụ trợ giúp cho các nạn nhân nam và các nạn nhân của buôn lao động;

(9) Bảo đảm là công nhân có những biện pháp pháp lý để đòi công lý trước nạn buôn lao động;

(10) Nỗ lực nhiều hơn trong việc hợp tác chặt chẽ với các quốc gia tiếp nhận để điều tra và truy tố các hồ sơ buôn người, bao gồm buôn lao động;

(11) Cải thiện các nỗ lực hợp tác liên cơ quan nhằm chống buôn người; và

(12) Thực thi cũng như hỗ trợ một chiến dịch nâng ý thức chống buôn người nhắm vào các khách hàng của kỹ nghệ tình dục.

 

Nếu không đạt được các chuẩn mực này một cách thoả đáng trong 12 tháng tới thì Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi. Theo luật Hoa Kỳ, một quốc gia nằm trong danh sách theo dõi hai năm liền thì, nếu sang năm thứ 3 vẫn chưa cải thiện đúng mức, sẽ tự động rơi xuống Hạng 3 và bị chế tài. Nếu như có những chứng cớ cho thấy chính phủ bao che hay tham dự vào đường dây buôn lao động, Việt Nam có thể đi thẳng xuống Hạng 3 trong bản phúc trình năm 2011.

 

Với sự quan tâm và chú ý của Hoa Kỳ, Liên Minh CAMSA bước vào giai đoạn 2 của kế hoạch toàn diên nhằm bài trừ nạn buôn người tận gốc ở Việt Nam. Giai đoạn này có hai mục tiêu:

 

(1)        Gia tăng số hồ sơ buôn lao động cung cấp cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

(2)        Thúc đẩy và theo dõi thực tâm cải thiện của chính phủ Việt Nam.

 

Trong mục tiêu thứ nhất, Liên Minh CAMSA phát triển hoạt động ở Mã Lai ra đến toàn quốc, phối hợp với ngày càng nhiều các tổ chức dân quyền và công đoàn, và hướng dẫn cho công nhân thu thập chứng cớ và báo cáo tình trạng buôn người. Đồng thời Liên Minh CAMSA mở văn phòng thường trực ở Đài Loan, quốc gia với số lượng công nhân Việt đông hàng thứ 2 trên thế giới, 80,000, chỉ sau Mã Lai. Đầu năm 2009, Đài Loan cũng đã ban hành luật chống buôn người, sau khi bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách càn theo dõi.

 

Trong mục tiêu thứ hai, Liên Minh CAMSA đo lường thiện chí của chính phủ Việt Nam qua các hành động cụ thể sau đây:

 

(1) Việt Nam tôn trọng lệnh toà án American Samoa và bồi thường 3.2 triệu Mỹ kim cho 250 nạn nhân buôn lao động ở đảo American Samoa. Hai công ty xuất khẩu lao động can dự trong vụ này là hai công ty quốc doanh.

(2) Việt Nam điều tra và truy tố các công ty, các “cò”, và các giới chức chính quyền liên can đến số hồ sơ buôn lao động mà Liên Minh CAMSA đã can thiệp từ trước đến giờ, ảnh hưởng tổng cộng 3 ngàn nạn nhân.

(3) Việt Nam bãi bỏ và vô hiệu hoá các điều khoản vi phạm nhân quyền trong hợp đồng ký kết với công nhân và bắt các công ty xuất khẩu lao động có hành động “tráo hợp đồng” phải hoàn trả toàn bộ các khoản phí dịch vụ đã thu của công nhân.

(4) Việt Nam ban hành đạo luật chống buôn người, gồm cả buôn lao động.

(5) Việt Nam ký Nghị Định Thư Palermo (Palermo Protocol) của Liên Hiệp Quốc về chống buôn người. 

 

Để thực hiện giai đoạn 2 này của kế hoạch bài trừ nạn buôn lao đông từ Việt Nam, Liên Minh CAMSA rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt ở hải ngoại trong các lãnh vực sau:

 

(1) Yểm trợ tài chánh để duy trì và phát triển hoạt động thường trực ở Mã Lai và Đài Loan

 

(2) Thông tin cho thân nhân ở trong nước hay đang lao động ở ngoài nước để đề phòng, tự vệ, và biết cách liên lạc với Liên Minh CAMSA.

 

Giai đoạn 2 sẽ kéo dài 2 năm, thời gian để Việt Nam lên Hạng 2 nếu thực sự thay đổi hoặc xuống Hạng 3. Tuỳ theo trường hợp nào xảy ra, Liên Minh CAMSA sẽ ấn định những mục tiêu cho giai đoan 3.

 

 

***

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.

 

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:

 

BPSOS/CAMSA

PO Box 8065

Falls Church, VA 22041 - USA

 

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1921