Cướp Biển và Trại Pulau Bidong (phần 2)
Date: Wednesday, June 02 @ 13:01:54 EDT
Topic: Lịch Sử Qua Lời Ke


Tràm Cà Mau

(xem kỳ 1)

Chúng tôi tổ chức phòng vệ, thanh niên mỗi người có vũ khí, sào, gậy, dao, thanh sắt, móc câu… xếp theo toán, nhóm. Lấy dây neo cắt ngắn cột móc sắt để khi cần thiết có thể ném móc vào thuyền cướp nếu chúng dùng thuyền lớn dìm lật thuyền chúng tôi. Những viên đá, những vật nặng sẵn sàng chất hai bên mạn thuyền để Hai và tôi làm vũ khí ném vào địch. Chúng tôi mời một cựu sĩ quan chỉ huy, điều động anh em, và hoạch định chiến thuật, chiến lược chống trả trong mọi hoàn cảnh. Theo ý kiến anh cựu sĩ quan, thì trên mỗi thuyền, bọn cướp này không đông. Chúng tôi chỉ cần thị uy là chúng không dám đến cướp bóc. Chúng tôi tập phô trương thanh thế trên sàn thuyền, tất cả thanh niên, mỗi người có một vị trí nhất định, khi hữu sự, thì sẵn sàng cầm vũ khí chiến đấu.

Ngày đó, chúng tôi bị hơn mười lần tàu cướp xông lại, nhưng khi thấy chúng tôi gần ba mươi thanh niên tay ôm vũ khí, đứng trên sàn tàu, sẵn sàng chiến đấu thì chúng lãng chạy rất mau mất hút vào chân trời. Anh cựu sĩ quan còn cho bó những khúc cây, bôi dầu máy, giả làm súng ống để dọa bọn cướp. Anh còn hoạch định kế là xung phong đánh cận chiến, dùng chai đổ dầu làm bom lửa. Đám thanh niên thì vui cười la lối như có trờ chơi. Nhưng những người già và đàn bà thì thêm lo lắng trong cái không khí ngùn ngụt chiến đấu đó. Tôi và Hai được xem như hai chiến sĩ chính yếu của cuộc phòng vệ và chiến đấu. Tôi yêu cầu Hai luyện tập cấp tốc cho các thanh niên cầm gậy dài, học vài ba thế đánh địch khi còn tầm xa. Ba thế đâm, gạt, phạt, từng người tập đi tập lại cho quen tay, để khi hữu sự khỏi lúng túng. Trong nguy cấp, cần đoàn kết, chúng tôi quên cả giận vì bị bắt cóc theo đám người này.



Đêm hôm sau, chúng tôi nhìn thấy ở chân trời lờ mờ ánh sáng, đó là thành phố Trengganu của Mã Lai, thế mà cũng phải gần xế trưa hôm sau chúng tôi mới tới cửa sông. Ngư phủ Mã Lai dong thuyền ra biển, vẫy tay chào. Khi chúng tôi chạy thẳng vào cửa sông, các ngư phủ ra dấu chạy vòng, chúng tôi không hiểu, cứ đi thẳng vào nên thuyền bị mắc cạn trên cồn cát ngầm. Một giờ sau, có thuyền của chính quyền từ bên trong chạy ra, trên thuyền có hai người mang sắc phục. Họ hỏi chúng tôi từ đâu đến, có gì mang theo không. Không biết chủ tàu lấy tin tức từ đâu, đưa cho hai nhân viên Mã Lai một nắm tiền đô-la Mỹ. Họ vui mừng, và hẹn sẽ kéo chúng tôi vào, và sẽ đem xe đến, chở về trại tạm trú.

Chúng tôi được đem về một vườn dừa trên bờ biển ở tạm. Hội Lưỡi Liềm Đỏ (Hồng Thập Tự) cho gạo, đồ hộp, trà gói, cà phê. Chúng tôi nhóm lửa nấu nướng dưới gốc dừa. Đêm nằm ngủ trên cát. Tôi và Hai thì đã quen, không thấy bất tiện, trở ngại. Đám tị nạn thì than vãn, và lo đêm trời đổ mưa. Đúng đêm đó, trời mưa như trút nước, tất cả đều ướt lạnh, ngồi co ro sát vào nhau. Gần hai tháng cư ngụ trong vườn dừa, đám tị nạn lấy lá dừa khô che làm mái tránh mưa nắng. Tôi thì mừng thấy bến bờ tự do, nhưng buồn khi nghĩ đến miền hoang đảo êm đềm, dễ chịu và nhiều kỷ niệm. Nhiều lúc tôi bắt gặp Hai ngồi nhìn ra biển ưu tư. Từ ngày gặp nhau, tôi chưa bao giờ thấy nét buồn trên mặt nàng. Tôi an ủi, vỗ về, kể cho nàng nghe những câu chuyện vui để tạm quên và khuây khoả. Tôi và Hai như bóng với hình, không hề xa nhau nửa bước. Mỗi đêm trong bóng tối của vườn dừa, tôi kể lại cho nàng nghe cuộc đời tôi, từ ngày thơ ấu, đến thời trung học, đại học, và cả thời gian đi làm, đi tù. Nàng nghe đi nghe lại không chán. Quanh vườn dừa có binh sĩ Mã Lai ăn mặc áo quần rằn ri ôm súng máy canh gác. Ban đêm họ lẻn vào lều mò mẫm sờ mó đàn bà con gái. Chúng tôi tổ chức đàn ông nằm chung quanh, vây đàn bà con gái nằm bênh trong.

Hai tháng sau, chúng tôi được chở đến trại tị nạn Pulau Bidong, một hòn đảo hoang phía Bắc Trengganu. Nơi đây, đã có mấy chục ngàn thuyền nhân tị nạn đang ở. Chòi lá san sát, nơi nào thuận tiện thì chòi quán xây. Mỗi chòi chỉ rộng bằng hai cái giường lớn, sườn chòi bằng cây lớn cỡ cổ tay, mái và chung quanh lợp ni lông xanh. Giường thì ghép bằng cây nhỏ bằng ngón tay, cây quăn gồ ghề. Tôi và Hai hoàn toàn không có nồi niêu, dụng cụ, tiền bạc, cả áo quần, mỗi người cũng chỉ có một bộ xin được khi còn trên thuyền. Ban đầu chúng tôi phải nhờ nấu chung với gia đình của mấy người quen biết, phải đóng góp thực phẩm, củi, nước…

Chúng tôi không có chòi trú ngụ, phải đào hố cát ngủ trên bãi biển. Một tuần sau, mượn được dao rựa, chúng tôi lên rừng chặt một mớ cây, kéo về xây chòi. Đất thuận tiện để xây cất đã bị choán hết, chúng tôi ra mé đá bờ biển, dưới tàn cây, xây một cái chòi như nhà thuỷ tạ. Trên có tàn cây che, dưới có nước, đôi khi thấy cá nhỏ lượn qua. Buổi trưa các nơi khác hừng hực nóng như lửa thiêu đốt toàn đảo, người người rã rời mệt nhọc, thì chúng tôi có bóng cây che mát, có hơi nước dịu dàng phả lên. Khi gió hiu hiu thì đánh một giấc cho đến chiều.

Nương theo con nước thuỷ triều mỗi ngày, Hai cầm mũi lao đi đâm cá dọc theo bờ biển đá chất chồng. Tôi đi theo xách cá. Thỉnh thoảng tôi cũng phóng trúng vài con, nhưng những con cá lớn thì dành cho Hai phóng, cho chắc ăn. Ngày nào cũng được năm bảy con cá cỡ trung bình. Chúng tôi đem về cùng bạn bè hấp nhậu, hoặc nấu cháo cùng ăn. Gia đình người bạn nấu cho chúng tôi ăn chung cũng vô cùng hoan hỉ, vì có thức ăn tươi ngon hàng ngày. Chị vợ có tài nấu ăn, bày ra đủ các thức nấu nướng với cá. Những con cá dư không ăn hết, thì đem cho bạn bè, họ nhận như một món quà quý báu. Vì trên đảo vài tháng mới được Hội Lưỡi Liềm đỏ cung cấp một lần cá tươi, phải chờ đợi, chen lấn, và khi nhận được cá, thì đã có mùi và mềm nhũn.

Nhờ biếu cá cho bà con chung quanh, chúng tôi được tặng lại những thứ cần dùng khác, nên trong chòi chúng tôi, càng ngày càng có nhiều thứ vặt vãnh khác. Nhất là những người đi định cư, họ dành cho chúng tôi ưu tiên chọn những thứ họ không mang theo được. Tôi và Hai, mỗi ngày mắc võng nằm đong đưa trên bờ nước, ngủ rồi ăn, ăn rồi ngủ, khi mát trời thì đi chơi quanh đảo, thăm thú bạn bè, nói chuyện, nghe nhạc, ăn chè, cháo. Rồi cùng nhau nhào xuống biển tắm, bơi lội, nô đùa. Ban đêm thì họp bạn, nhóm một mớ lửa, ngồi quanh ca hát tập thể, kể chuyện vui cười. Càng ngày, Hai càng học và nhớ được rất nhiều chuyện tiếu lâm, mà tôi nghe qua thì như gió thoảng rồi quên đi. Không biết học ai mà nàng biết thêm thắt tình tiết cho thêm khôi hài. Sau này chúng tôi đến Mỹ định cư, Hai đã thành công dễ dàng trong nghề nghiệp hơn các bạn gái cùng nghề cũng nhờ cái tài học và mau nhớ chuyện tiếu lâm.

Thời gian trên đảo tị nạn, chúng tôi cứ bình tâm sống, tự nhiên, không có âu lo, không suy nghĩ nhiều. Chờ ngày đi định cư, tôi nhận được thơ của người bà con, cho biết nên đi Mỹ bằng mọi giá, vì Mỹ là đất của cơ hội, Mỹ là nơi chấp nhận nền văn hoá đa dạng. Ban đầu, tôi định xin đi Pháp, vì dù sao thì cũng đã học nhiều tiếng Pháp ở trung học, đại học, qua đó khỏi mất thì giờ học hỏi nhiều.  Hơn nữa tôi có quen nhiều kỹ sư Pháp ngày xưa làm kỹ sư cố vấn cho cơ quan tôi phục vụ. May quá, về sau mới biết, chính các ông cố vấn đó còn lao đao, lo cho bản thân họ chưa xong, thì làm sao mà lo cho tôi được. Tôi được thơ vài anh em bạn bè cùng nghề cho biết đang hành nghề cũ tại Mỹ. Vì thế mà tôi rán chờ. Thỉnh thoảng Hai nhớ cha, nhớ em, ngồi nhìn ra biển mơ màng. Tôi tìm cách khoả lấp đánh lạc hướng nỗi nhớ nhung của nàng bằng những câu chuyện khác. Sáu tháng trên đảo, chúng tôi cảm thấy đời thanh nhàn thoải mái. Không cần tiền bạc, không lo âu sinh kế, không có trách nhiệm với ai, không phải hoạch định chi lâu dài cho tương lai. Cứ sống, vui, nghỉ ngơi thoả thích. Như đi cắm trại dài ngày, chuyện thế gian, chuyện tương lai gác qua một bên, vì có lo cũng không được và cũng không đi đến đâu cả. Với tôi thì thấy vui, vì có đông đảo bạn bè, có sinh hoạt xã hội, và có tương lai tự do trước mặt. Nhưng với Hai, thì nàng cảm thấy không thoải mái bằng thời ở hoang đảo. Thì ra con người, cái gì cũng là thói quen, vui buồn, sung sướng cũng chỉ là những nhịp sống và kinh nghiệm lặp lại. Những đêm trăng sáng, thường chúng tôi ít khi ngủ được, tôi thì buồn nhớ quê hương, hai thì nhớ cha, nhớ em, chúng tôi xuống bãi cát múa quyền song đấu, múa từ bài này qua bài khác. Hai bóng đen nhảy múa, khi cao, khi thấp, khi đánh, khi đỡ, quyện xoắn lấy nhau. Tập cho đến khi mồ hôi tháo dầm dề, và tôi nhớ đến ông Tư, chú Ba, nhớ đến những ngày vui vô tư lự trên vùng hoang đảo.

Có hôm, chúng tôi ra bãi sau, nơi mà dân tị nạn gọi là “Bãi buôn lậu”, mắc võng nằm trong bóng mát, nghe tiếng chim ca trên tàn lá, tiếng sóng biển thì thầm, và nhìn ánh nắng lung linh xuyên qua vòm cây dày. Rồi ngủ lơ mơ cho đến chiều mới băng núi trở về. Chúng tôi như hai con chim, khắng khít, không rời nhau nửa bước. Những khi tôi chơi cờ tướng cùng bạn bè, Hai cũng ngồi bên cạnh xem chơi, tôi vẫn thường giải thích các nước cờ tôi đi cho Hai nghe, tại sao tôi chuyển quân như thế, tại sao tôi phải hy sinh quân này, quân kia. Không cần nàng hiểu hay không, nhưng nàng luôn luôn chăm chú nghe và mỉm cười vui vẻ. Tôi dành hết tình thương yêu, dịu dàng chăm sóc Hai, mỗi ngày dạy nàng viết, đọc. Hai lãnh hội rất mau, và rất thích đọc sách báo, dù đọc rất chậm. Có lẽ nàng cũng chỉ hiểu lõm bõm mơ hồ những điều đọc được. Nhưng một điều làm tôi ngạc nhiên là Hai rất thích nghe thơ, nghe nhạc. Khi tôi đọc thơ thì hình như nàng cảm nhận lời thơ, ý thơ, qua cảm quan, chứ không phải qua tri giác.

Tôi và Hai sung sướng bên nhau, quên cả thế giới bên ngoài, giá như cho chúng tôi ở lại suốt đời trên đảo tị nạn này chúng tôi cũng vui mừng chấp nhận, dù nơi đây chỉ là hòn đảo nhỏ, tù túng.”







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1901