Cướp Biển và Trại Pulau Bidong
Date: Wednesday, May 26 @ 11:11:22 EDT
Topic: Lịch Sử Qua Lời Ke


Tràm Cà Mau

Vào chuyện: Trên một đảo nhỏ nằm giữa biên giới Việt Nam, Cao Miên và Thái Lan, không biết thuộc địa phận nước nào, có một gia đình bốn người vui sống êm đềm. Ba cha con là người địa phương, đã tình cờ đến đảo sinh sống gần trăm năm. Nam đi vượt biên bị chìm thuyền dạt vào đây. Ông Tư gả cô Hai cho Nam. Chú Ba là em cô Hai, mới mười lăm tuổi. Ông Tư dạy cho Nam và các con những món võ nghệ gia truyền, gọi là những đường võ Diệt Tây. Cô Hai có tài ném đá rất chính xác. Nam kể tiếp câu chuyện:

“Tôi đang sống những ngày tháng yên lành, thanh thản, hạnh phúc thần tiên trên hoang đảo, thì một hôm chú Ba hoảng hốt chạy về báo cho biết, có một nhóm người đổ bộ lên từ bãi sau. Chiếc thuyền neo ngoài bãi nước sâu.

Chúng tôi thận trọng leo lên đỉnh cao ẩn nấp và quan sát. Tôi nhận ra được nhiều người ăn mặc theo lối Việt Nam, hình như họ đang dò xét tình hình trên đảo. Nhìn hình dáng chiếc thuyền và đám người đông lố nhố, tôi nhận ra ngay thuyền vượt biên. Tôi nói cho ông Tư biết, và đề nghị mình phải nắm phần chủ động ngay ban đầu, để tránh bất trắc có thể xảy ra về sau. Chúng tôi ngại họ biết trên đảo chỉ có bốn người, khi túng, họ có thể làm liều. Chú Ba chạy về chòi lấy bộ áo quần cho tội mặc, để ra tiếp xúc với nhóm người vượt biên. Tôi đi xuống bãi làm những người đang đứng trên bờ cát hoảng hốt, sợ sệt muốn bỏ chạy. Tôi làm dấu cho họ có ý bảo đừng sợ, nhưng họ càng hoảng hốt hơn, chạy ào xuống nước định bơi trở lại thuyền. Tôi bắt tay làm loa, kêu lớn, bảo họ đừng sợ, không can gì đâu. Khi đến gần, có lẽ họ cũng chưa hết sợ vì thấy tóc tai, râu ria tôi xồm xoàm. Khi biết tôi chỉ là cư dân trên đảo, họ cho biết là thuyền hư, thả neo sửa chữa. Tôi bảo họ cứ yên tâm, rán sửa thuyền cho xong rồi đi, đừng sợ gì cả, miễn đừng đi qua phía bên kia đảo. Đang nói chuyện, thì một thanh niên nhào đến ôm chầm lấy tôi và kêu lên rối rít: “Anh Nam, anh Nam, làm gì mà ở đây? Trời đất ơi, sao mà râu tóc tùm lum thế này?”



Tôi nhận ra Miên, người bạn trẻ làm chung sở với tôi từ thời trước 1975. Miên và tôi thân thiết, từng trông coi chung nhiều công trường xây cất quanh vùng Sàigòn. Miên xem tôi như một người anh trong nghề nghiệp. Chúng tôi cũng đã nhiều lần bàn tính chuyện bỏ nước ra đi. Thấy chúng tôi quen nhau thân thiết, đám người vượt biên cũng vui mừng và bớt e ngại. Họ cũng ở trong trường hợp kế hoạch vượt biên không hoàn hảo. Hoa tiêu, la bàn và thợ máy chính có thể đã bị bắt trên chiếc thuyền taxi. Thuyền phải ra khơi khẩn cấp, không một ai có kinh nghiệm đi biển, cứ đi về phía tây nam. Những ngày trời mù mây và ban đêm thì không ai có kinh nghiệm xem phương hướng. Trên thuyền lương thực, nước uống và dầu nhớt thì vô cùng phong phú. Tôi cho Miên biết sơ qua về trường hợp của tôi, bị bắt đi vượt biên khi đang ngồi đi cầu trên kinh ban đêm, và bị đắm tàu. Bây giờ tôi đang sống hạnh phúc, và bằng lòng với cái tự do trên đảo này. Miên nhìn tôi với ánh mắt thương xót. Đám người vượt biên sửa chữa thuyền mất hai ngày. Họ cho chúng tôi một ít gạo, đổi lại, chúng tôi cho cá và thịt chim. Miên cho tôi một bộ áo quần đàn ông, và một bộ áo quần đàn bà, bảo là để chị Nam dùng. Thấy họ không có la bàn và không biết cách đi biển, tôi làm cho họ một cái la bàn dã chiến, dùng cây kim, phao nhẹ, và cái chén sành chứa nước. Tôi dạy cho Miên và một số thanh niên có trình độ cách thức nhìn sao trời mà định phương hướng. Chỉ cho họ cách dùng dây cước làm thước đo vĩ độ đơn sơ, thực tập cho vài người, dùng cho quen, đoán biết vị trí thuyền trên kinh tuyến vĩ tuyến nào. Dạy cho vài thanh niên có trình độ căn bản cấp tốc về thiên văn. Cũng vì vậy mà họ nhất quyết năn nỉ tôi đi theo. Tôi thì không tha thiết gì đến thế giới bên ngoài nữa. So với xã hội Cộng Sản mà tôi đã đau khổ trải qua, thì nơi hoang vắng này đúng là thiên đường hạ giới. Không cần đi tìm gì hơn nữa. Miên doạ tôi, nói rằng: “Anh đừng tưởng nơi đây là yên ổn mãi, mai đây Cộng Sản ra tổ chức chính quyền địa phương, thì vô tình anh cũng rơi vào tròng lại”. Tuy tôi có sợ khi nghe doạ, nhưng tin rằng Cộng Sản không hoài công ra đây. Mà nơi này, thì chưa chắc thuộc về xứ nào. Thấy tôi dứt khoát không chịu đi, họ cố gắng thuyết phục ông Tư và Hai. Nhưng ông Tư chỉ cười và để ngoài tai những lời thuyết phục đó. Phần Hai thì ở đâu có tôi, nàng sẽ đi theo, không cần biết hơn thiệt. Trước khi thuyền nhổ neo, những người vượt biên tổ chức một bữa tiệc giã từ. Họ ép tôi và ông Tư uống say mèm, khi tôi không biết trời đất gì nữa cả, thì họ bắt cóc tôi đem lên thuyền, Hai cố dành tôi lại, nhưng không chống cự nổi đám đông, đành thúc thủ, chỉ biết bơi theo ra thuyền, ngồi ôm tôi mà khóc.

Thuyền ra đi về hướng nam. Khi tôi tỉnh rượu thì sự việc đã rồi, tôi đòi quay lại, nhưng không ai cho. Họ vừa thuyết phục vừa hăm doạ, đồng thời xin lỗi tôi vì họ đã làm điều tôi không muốn. Tôi và Hai ngồi ôm nhau trên thuyền mà lòng căm giận vô cùng. Tôi tỏ thái độ bất hợp tác, không thèm ăn cơm họ chia phần. Nhưng không nỡ để Hai đói khát, tôi bằng lòng cộng tác và yêu cầu khi đến nơi, thì giao thuyền cho tôi trở về. Nghĩ thế thôi, chứ chuyến trở về tìm cho ra hoang đảo mà tôi đã ở thì cũng là chuyện hoang đường. Thời tiết tương đối khá, thuyền đi về hướng tây, có thể cập bến Mã Lai hôm sau, theo tôi dự đoán.

Chúng tôi gặp thuyền cướp Thái Lan đầu tiên. Chiếc thuyền sơn xanh to lớn kềnh càng, lớn gấp nhiều lần thuyền tôi, có vẽ sơn vàng, sơn đỏ quăn queo. Chúng tôi không biết là cướp, chúng cập sát, thuyền chúng tôi như sắp lật. Sáu tên ngư phủ đen đuốc, trần truồng đóng khố, tay cầm dao, búa, thanh nhẹn nhảy lên thuyền uy hiếp chúng tôi. Ngày thường, chúng là ngư phủ, khi gặp thuyền vượt biên chúng trở thành hải tặc. Trên thuyền lớn, gã thuyền trưởng có mang áo quần, cầm khẩu súng lục chỉa xuống yểm trợ. Chúng dồn đàn ông về một phía và lục soát tìm vàng ngọc của quý. Chúng tôi thúc thủ, không kháng cự. Để mặc cho chúng cướp bóc. Nhưng khi chúng bắt đầu lùa đàn ông xuống hầm tàu để nhốt, và tiện việc hãm hiếp đàn bà, thì một tên nham nhở, đè một cô gái ra, cô kêu khóc vùng vẫy. Hai nắm chặt lấy tay tôi đòi đi theo, tên cướp giằng nàng lại, xô mạnh vào tôi. Bằng phải ứng tự nhiện, tôi chống đỡ, tên cướp phang tôi một búa. Tôi thấy lưỡi búa bổ xuống, định lạng qua một bên tránh né, thì Hai đã liều chụp lấy cánh tay tên cướp theo đà quật ngược lưỡi búa vòng lui, quay lại bổ vào chính chân nó. Tên cướp thé lên một tiếng đau đớn, để văng búa xuống sàn tàu. Một tên khác dùng gậy phang mạnh xuống đầu Hai, nàng không kịp đỡ đòn, nhào thẳng vào nó. Cả hai ngã ra sàn thuyền. Tôi dùng năm ngón tay chộp yết hầu nó theo thế võ “Ngũ chỉ thu đào”. Nó hất tôi ra, nhưng nó cũng đã thấm đòn, đau đớn lắm. Mấy tên cướp khác cùng xông lại chém tới tấp vào hai đứa tôi. Cô Hai nhặt được cây gậy dài, múa tít bao quanh bảo vệ cho tôi. Đường roi “Diệt Tây” nàng múa nghe veo véo, làm mấy tên cướp khựng lại không dám xông vào.

Một vài đứa đã bị đánh trúng, mặt mày nhăn nhó. Tên thuyền trưởng xỉa súng bắng xuống. Cô Hai hoàn toàn không biết cái vũ khí lợi hại đó, nhưng nghe nổ và thấy tay nó xỉa về phía chúng tôi, nàng vụt mạnh một khúc cây ngắn nhặt được trên sàn tàu vào tên bắn súng. Tên thuyền trưởng á một tiếng, và khẩu súng văng xuống nước. Chúng không ngờ được tài ném của Hai. Bây giờ, tôi nhặt được búa của tên cướp, theo thế gươm, chém ào ào xuống. Chúng tôi hai người chống đỡ với năm tên, mà trong đó có hai đứa có dao dài to bản như mã tấu, chém xuống gạt lên rất nguy hiểm. Búa tôi thì ngắn chỉ gạt đỡ đòn. Đường roi của Hai rất linh động, nhưng chưa hề có kinh nghiệm chiến đấu, nên tuy đánh trúng được nhiều đòn, mà rồi bị chém gãy đôi cây gậy. Nàng dùng phần còn lại của cây gậy phóng mạnh vào một tên cầm dao dài, cái phóng của nàng vừa chính xác, vừa nhanh, bốp vào trán nó. Tên cướp la lên đau đớn và ngã văng xuống biển. Tôi múa búa chắn đường, Hai nhảy lui về phía khoang thuyền tìm vũ khí khác. Trong lúc hấp tấp, nàng nhặt được bất cứ vật dụng nào cũng ném mạnh vào bọn cướp để cản đường. Tôi la lớn kêu gọi đám thanh niên trên thuyền cùng xông vào trợ chiến. Hai rút được cán sào xông lên, cùng với nhiều thanh niên sau lưng nàng. Không biết bằng thế đánh nào, Hai hất thêm được một tên cầm dao xuống nước. Bọn cướp thấy yếu thế, nhảy ào xuống biển lẫn trốn. Chúng tôi vội vã cho thuyền chạy đi. Thanh niên trên thuyền reo hò mừng rỡ. Đàn bà con gái còn run sợ, mặt mày xanh xao. Tôi bị thương nhẹ trên cánh tay, y tá trên thuyền băng bó cho tôi. Hai ôm tôi khóc. Trong đời, tôi học võ để tiêu khiển, chưa khi nào thật sự đấu với ai, lần đầu tiên tranh đấu sống còn. Những đường đao quyền học được của ông Tư, cũng tưởng chỉ để làm vui lòng ông, và có dịp cùng cô Hai, chú Ba múa làm vui, không ngờ lại hữu dụng lúc này. Đám thanh niên nhìn Hai với ánh mắt ngưỡng phục. Họ cho rằng, không có cô Hai, thì nhiều người bị làm nhục, và không chừng nhiều cô bị bắt đi. Cuộc chiến đấu bất đắc dĩ đã cho chúng tôi một kinh nghiệm quý báu. Phải chiến đấu để sống còn. Buông xuôi là chết.

(xem tiếp kỳ sau)







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1896