Vinh Danh Nữ Nghệ Sĩ Kiều Chinh
Date: Sunday, May 23 @ 16:59:38 EDT
Topic: Tin Tức Thời Sự


Vinh Danh Nữ Nghệ Sĩ Kiều Chinh và Ls. Dan Wolf Tại Quốc Hội Hoa Kỳ

(xem video) 

 

Hai nhân vật có nhiều công bảo vệ thuyền nhân Việt Nam vừa được trao giải thưởng “In Pursuit of Liberty” (Theo Đuổi Tự Do) tại buổi lễ kỷ niệm 35 năm người Việt tị nạn và 30 năm hoạt động của BPSOS, thực hiện ở Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 18 tháng 5 vừa qua. (bấm vào đây để xem phim) 

 

“Ai cũng biết đến những thành tựu trên màn bạc của nữ nghệ sĩ Kiều Chinh nhưng không mấy ai biết rằng Cô là một chiến sĩ dũng cảm và bền bỉ trong vấn đề bênh vực thuyền nhân Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, giới thiệu nữ nghệ sĩ khả ái và khả kính này với cử toạ gồm trên trăm tham dự viên Mỹ lẫn Việt Nam.

 

Theo Ông, Kiều Chinh đã là phát ngôn viên của BPSOS ngay từ buổi ban đầu, khi cách đây 30 năm tổ chức này lên tiếng kêu gọi quốc tế can thiệp và giải cứu thuyền nhân trước nạn hải tặc hoành hành ở biển đông. Và năm 1995, khi các quốc gia tạm dung chuẩn bị cưỡng bách hồi hương thuyền nhân, Kiều Chinh cũng đã tham gia cuộc vận động Quốc Hội và Hành Pháp Hoa Kỳ do BPSOS khởi xướng. Do nỗ lực vận động này mà Quốc Hội Hoa Kỳ đã can thiệp và chính phủ Hoa Kỳ đã định cư trên 18 ngàn thuyền nhân sau khi họ hồi hương, qua chương trình Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees (ROVR).

 

Nữ Nghệ Sĩ Kiều Chinh và Ls. Daniel Wolf, Quốc Hội Hoa Kỳ, 05/18/10 (ảnh Henry Nguyen)



Khi phát biểu, DB Cao Quang Ánh ca ngợi nữ tài tử Kiều Chinh như một thần tượng của Ông từ khi còn niên thiếu, qua phim bộ truyền hình M*A*S*H và rồi phim màn ảnh rộng The Joy Luck Club.

 

Nhận giải thưởng, Kiều Chinh nói một cách khiêm nhường, “Đóng góp của tôi rất nhỏ nhoi so với những hy sinh lớn lao của biết bao nhiêu người khác, hiện diện và không hiện diện ngày hôm nay.” Cô kêu gọi mọi người tiếp tục hỗ trợ cho BPSOS trong nhiều công tác giúp đỡ đồng bào, kể cả những người đang tiếp tục ra đi tị nạn.  

 

Người thứ hai được vinh danh là Ls. Daniel Wolf, người đã cùng Ts. Thắng đồng sáng lập chương trình LAVAS (Legal Assistance for Vietnamese Asylum Seekers) năm 1990 để đối phó với chính sách thanh lọc tị nạn bất công ở Đông Nam Á và Hồng Kông.

 

“Cuối năm 1988, tôi đã lẻn vào các trại Hồng Kông trong suốt 3 tháng để lập hồ sơ cho 10 trường hợp và qua đó vạch trần sự bất công trong thanh lọc”, Ls. Wolf nói.

 

Khi trở về Hoa Kỳ, Ls. Wolf tiếp xúc với Ts. Thắng, lúc ấy cũng mới trở về sau chuyến viếng thăm các trại Hồng Kông. Hai người đã cùng nhau thành lập chương trình LAVAS để cung cấp sự trợ giúp pháp lý cho thuyền nhân trước tình trạng “thanh lọc” bất công.

 

“Thoạt đầu không mấy ai tin vào chương trình này. Họ nói với tôi rằng mấy anh không có tiền, không có luật sư, không có kinh nghiệm về trợ giúp pháp lý và khó khăn nhất là các quốc gia tạm dung muốn xua đuổi thuyền nhân thì đâu dễ gì cho các anh vào đất nước của họ hoạt động”, Ts. Thắng kể lại buổi ban đầu khó khăn.

 

Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn LAVAS đã thành lập văn phòng ở Phi Luật Tân và rồi ở Hồng Kông. Từ đó LAVAS đã gởi các toán luật sư kèm với thông dịch viên thiện nguyện từ nhiều quốc gia đến các trại tạm dung ở trong vùng để lập hồ sơ tị nạn. Các hồ sơ này sau đó được BPSOS dùng cho cuộc vận động chính sách ở Quốc Hội Hoa Kỳ.

 

“Tôi được biết về thảm cảnh của thuyền nhân Việt Nam qua các thông tin rất chính xác do BPSOS cung cấp và qua các hồ sơ rành rành của LAVAS”, DB Christopher Smith phát biểu.

 

Mùa hè măm 1995, hưởng ứng cuộc vận động có Kiều Chinh tham gia và sử dụng các hồ sơ tị nạn do LAVAS thực hiện dưới sự điều động của Ls. Wolf, DB Smith triệu tập 3 buổi điều trần liên tiếp để tìm hiểu về tiến trình thanh lọc. Sau đó Ông đã đưa ra đạo luật cấm Liên Hiệp Quốc dùng tiền thuế của nhân dân Hoa Kỳ để tài trợ chương trình cưỡng bách hồi hương cho đến khi mọi thuyền nhân được phỏng vấn lại bởi nhân viên di trú của Hoa Kỳ.

 

Sau khi Quốc Hội thông qua đạo luật này, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa ra một giải pháp dung hoà là phỏng vấn định cư thuyền nhân sau khi họ bị hồi hương. Với sự đồng ý hợp tác của Việt Nam, chương trình ROVR ra đời từ đó.  

Do Việt Nam không giữ lời hứa hợp tác, năm 1997 Ts. Thắng và Ông Grover Joseph Rees, Tham Mưu Trưởng của DB Smith, đi Việt Nam để quan sát tình hình của thuyền nhân hồi hương và thúc đẩy việc thi hành chương trình ROVR. Ông Rees sau đó trở thành vị đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ ở quốc gia tân lập Đông Timor. 

 

Cũng có mặt trong buổi vinh danh, cựu Đại Sứ Rees, nay là Cố Vấn Cao Cấp về các Dự Án Quốc Tế của BPSOS, kể lại những nỗ lực lập pháp trong suốt thời gian 1994-1996 để cản chặn cưỡng bách hồi hương và hình thành chương trình ROVR. Chương trình này sau đó được nới rộng để định cư gần 2 ngàn cựu thuyền nhân ở Phi Luật Tân.  

 

Trong tiếng vỗ tay tán thưởng, nữ nghệ sĩ Kiều Chinh và Ls. Dan Wolf đã nhận giải thưởng “Theo Đuổi Tự Do” do BPSOS trao tặng.

 

Nữ nghệ sĩ Kiều Chinh sẽ là “Đại Sứ Thiện Chí” cho một dự án đặc biệt của BPSOS trong thời gian tới đây.

 

Buổi lễ trao giải thưởng được BPSOS tổ chức dưới sự bảo trợ của DB Cao Quang Ánh và đồng bảo trợ của nhiều dân biểu như Christopher Smith, Gerry Connolly, Al Green, và Zoe Lofgren.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1892